Những ngày tuổi nhỏ, chắc không có gì vui mừng bằng cái cảm giác đứng lóng ngóng trước cửa mỗi lần trưa trờ trưa trật mà thấy bóng dáng mẹ về sau buổi chợ.

Tôi không rõ trên thế giới này, giữa muôn vàn ngôn ngữ, liệu có ngôn ngữ nào có cách nói bao hàm tâm lý như cách nói “mừng như mẹ đi chợ về” trong tiếng Việt của mình hay không. Nhưng chí ít, tôi biết rằng, trong tiếng Nhật không hề có cách nói này, và nếu có, chắc họ cũng đã đánh mất cảm giác tuổi thơ này lâu lắm rồi. Mấy trăm năm công nghiệp hóa đã đem đến cho họ những khu thương mại, hệ thống siêu thị hiện đại bậc nhất thế giới. Họ không còn nhiều, nếu không muốn nói là đã không còn kiểu hàng chợ truyền thống thời tiền hiện đại nữa nên không thể lưu cữu được cảm giác về chợ như người Việt.

Nguồn ảnh: nld.com.vn

Đã rất nhiều lần, tôi đi lang thang mua sắm ở trong các cửa hàng, siêu thị sang trọng thơm tho sáng rực mà cứ nghe cảm giác vô vị nghẹt đầy hai buồng phổi. Những chỗ này hiện đại quá, sang chảnh quá, tôi đâm ra như người quê lên tỉnh, nhìn cái chi cũng sợ sệt vì ngại nếu lỡ gây ra cảm giác không chuẩn mực nơi công cộng mà chính tôi cũng không biết. Người Nhật là một dân tộc ưa chuộng quy tắc và đặc biệt giữ kẽ nơi công cộng như siêu thị, cửa hàng. Với người quen lối sống quê nhà như tôi, thiệt là mất tự do và mất kết nối. Sống ở đây tạm gọi là đủ lâu, tôi thèm được nói chuyện một cách tự nhiên, thèm được ngồi hàng chợ ăn uống la cà mà không sợ bị đánh giá là thô lậu, ít học. Chỉ có cái chợ ở xứ mình mới có không khí khảng khái, cởi mở như vậy.

Ở Sendai có một khu cũng tạm gọi được là cái chợ, mà người Việt sống ở đây rất đỗi quý mến nên gọi thân thiết là“chợ trời”. Một phần là do chợ nằm giữa trời, một phần là do ở đây bán thức ăn khá rẻ, nhiều loại rau củ quả, đến cả rau muống hay môn để làm cơm hến cũng có. Hơn nữa, nhiều gian hàng ở đây, có thể cò kè trả giá mà khắp Nhật Bản này chắc không có cái thứ hai. Người Việt mình ở đây hay lựa giờ đi chợ vào thứ Sáu, hoặc trưa thứ Bảy để dễ bề trả giá, vì nếu bán không hết người ta buộc phải vứt tất cả để thứ Hai tới bày hàng mới. Tôi để ý thấy một điều, người Nhật trẻ thì thường có xu hướng mua thức ăn ở các cửa hàng tiện lợi (gọi chung là Combini) hoặc các siêu thị, còn người Nhật già thì thường đi chợ trời. Lúc vào mua thực phẩm trong siêu thị, tôi hiếm khi thấy người ta đi tốp năm tốp ba trò chuyện rôm rả như đi chợ trời. Lần đầu tiên đi chợ này, tôi có cảm giác gì đó quen thuộc mà không thể gọi tên được. Mãi sau, tôi mới định vị được cảm giác này trong lần về Huế năm trước, tôi chở mẹ đi chợ và đợi mẹ lâu thiệt lâu như ngày nhỏ. Thì ra, nó gợi lại trong tôi những kí ức vụn vặt hồi nhỏ theo mẹ đi chợ quê nhà.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với ba ngôi chợ là chợ Đồn, chợ Xép và chợ Đông Ba.

Không hiểu vì răng mà người ở xóm tôi có một quy ước về địa lý hết sức lạ lùng. Dù cách chợ Đông Ba có cây số chẵn, cách vườn hoa Đông Ba đầu đường Phan Đăng Lưu có nửa cây số, mà trên đó được gọi là phố. Cứ mỗi lần lên chợ Đông Ba, lên Phan Đăng Lưu, lên Trần Hưng Đạo thì đều gọi là “đi phố”, hoặc “lên phố”, nghe cứ như xóm tôi là một miền quê nào đó xa xôi lắm. Hồi xưa, có lẽ và cả bây giờ, chợ Đông Ba luôn là cái chợ “xịn” nhất Huế, ngon lành nhất Huế. Bởi lẽ nó ở trên phố nên nó là “chợ phố”, “chợ phố” thì đương nhiên phải dành cho người ở phố, người ở phố thì nhất định phải là nhà giàu rồi, nên “chợ phố” cũng là “chợ nhà giàu”. Đó là kiểu nói của người lớn giảng giải cho bọn nhỏ tụi tôi hồi nớ cho qua chuyện mà thôi. Nhưng cách nói đó làm bọn tôi tin đến sái cổ. Tôi chỉ được mẹ dẫn lên chợ Đông Ba một trong hai dịp: một dịp là mẹ cần mua bông ba hoa quả thật đẹp, thật ngon để chuẩn bị cho ngày giỗ kỵ với ngày rằm to vía lớn; còn dịp kia là đi theo mẹ lựa băng cassette cải lương để về vừa làm đồ mã vừa bật nghe cho đỡ buồn. Mẹ tôi ít khi đi mua đồ ở trên chợ ni vì “trên đời ni còn chỗ mô nói thách hơn chợ Đông Ba nữa”, bọn tôi vẫn thấy người lớn nói chuyện với nhau như thế. Thành ra, đứa mô cũng rứa, cứ nghĩ đôi dép, hay cái cặp mà mua ở chợ Đông Ba phải là hàng số một trên thế giới này. Không biết những chỗ khác có không, chứ ở xóm tôi có một câu khẩu ngữ như ri để chửi mấy người bán chát chua: “mắc hơn cả chợ Đông Ba”.

Mụ Út, mệ nội con Bom, chuyên cho vay trả góp lấy lời. Không chỉ riêng nhà tôi mà nguyên cả xóm, cứ mùa nộp học cho con thì ai nấy cũng chạy đôn chạy đáo tới gõ cửa nhà mụ xin vay tiền, cho nên nhiều khi vô xóm tôi đánh bài tứ sắc với mệ Thí, o Quắn, bác Cúc, mụ Út vừa chân chống chân chèo vừa lên giọng nhân giọng ngãi:

– Thiệt chơ không phải tui kể công với bà con xóm làng, vợ chồng tui tra rồi làm chi có tiền. Ôn dôn(1) tui cứ chửi tui là mụ bây cho mượn tiền làm chi để rồi người ta doái mình là bọn cho vay ăn lời nà. Mà tui nói thiệt, tui có tánh thương người, thấy bà con xóm làng khổ như ri tui cũng buồn trong cái bụng. Tui cũng bòn to đãi sạn, có lăm đồng ba tự(2) để trong lưng dành khi đau ốm, mà thương quá nên tui cho mượn thôi. Bà con xóm làng tưởng mô tui giàu lắm, một trăm ngàn mà tiền lời có năm ngàn bạc à. Mà cho mượn xong đòi lại mới khó chơ, không đòi thì không có ăn, mà đòi thì người ta kêu ác. Đằng mô tui cũng kẹt. Rứa như chị là tui thì chị làm răng, chị Hòa?

Bác Cúc (là vợ bác Hòa nên nhiều người hay kêu là mệ Hòa) không biết nói chi cũng gật gù lấy gật gù để:

– Bởi ơ.

Nhưng khi mụ Út về rồi, mấy người đàn bà xóm tôi mới thay nhau trút gan trút ruột cho hả giận. Dám nói trước mặt không? Khi ngặt nghèo lấy chỗ mô mà mượn?

– Mụ nội cha, người ta mượn có trăm ngàn bạc mà tiền lời hết năm ngàn. Đồ vô hậu. Lời hơn cả chợ Đông Ba.

Mấy cái chữ “Đồ vô hậu. Lời hơn cả chợ Đông Ba” trong xóm tôi là một câu chửi đại thậm tệ, ai mà bị chửi câu này có khi tức trào máu họng mà cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Không biết có nhớ nhầm không mà mụ Út chưa bao giờ qua đòi tiền nợ nhà tôi bao giờ. Hồi đó, cứ chạng vạng chiều, khi ba tôi đưa tiền, dù mưa hay nắng, mẹ tôi đều qua góp liền cho mụ Út. Không có thì cũng qua nói một tiếng xin khất lại. Nên có vẻ mụ tin tưởng mẹ tôi, mẹ tôi mượn mấy cũng cho. Tôi còn nhỏ, làm sao hiểu được chuyện cậy chác của người lớn, tôi vô tư theo mẹ đi qua nhà mụ Út chỉ để coi con Bom có nhà không. Con Bom thích chơi với tôi lắm, nhiều lần tôi chơi chung với nó được nó cho những năm trăm đồng hoặc có khi là một gói xoóc(3) to tướng về đưa mẹ ram ăn. Nhưng mụ Út còn đi vào ký ức của tôi cũng vì một lẽ khác. Khi tôi hơi lớn lớn, biết tôi thuộc nhiều tên phim bộ Hồng Kông, thuộc nhiều tuồng cải lương, mụ hay cho tiền tôi mỗi lần nhờ tôi đi thuê băng giùm. Chợ Đông Ba thành một phần chuyện đời tôi bằng những chuyện thường tình của đàn bà như vậy.

Chợ Đông Ba. Ảnh nguồn: vnexpress.net

Tôi thương nhớ cái chợ Đông Ba còn ở một lý do khác nữa, đây là “địa bàn hoạt động” của ba tôi: nghề xe thồ. Chỗ mà ba tôi thường hay đứng là mặt bên chợ Đông Ba hướng lưng ra bờ sông, cạnh cầu Gia Hội. Nhiều lần trước ngày kỵ giỗ, mẹ dắt tôi lên mua trái cây, tôi thấy ba cong lưng vác từng kiện hàng nặng trịch lên yên sau rồi tẩn mẩn giắt từng múi dây cao su. Xong xuôi kĩ càng mô vô nấy, ba tôi lại gồng mình đẩy xe từng tý một lên cái cầu Gia Hội dốc ơi là dốc. Tôi với mẹ đứng nhìn theo, không biết mẹ có buồn không mà mẹ không nói gì cả, cứ im lặng dắt tôi đi. Lúc đó, tôi đã biết gì đâu. Tôi vẫy tay xem thử ba có thấy không và vui sướng khi thấy ba cười với tôi mà tay không dám buông chiếc xe đạp gầy gò, già cỗi. Rồi những chiều mùa mưa, có lần tôi theo mẹ lên chợ, thấy ba đứng co ro dưới tấm bạt rách lỗ chỗ và nước mưa cứ tong tả xối xuống, hai bàn tay chai sạn cứ chà xát nhau mà xoa xuýt vì lạnh. Có lẽ ba đã ướt mà thuốc lá cũng hết nên cứ đứng xoa tay như gà rù rứa. Mẹ tôi xót xa kêu ba tôi về đi, ba dùng dằng mãi:

– Thôi, hai mạ con về trước đi. Để coi có chi không đã, ngày ni ế hung, mà chừ còn sớm mà.

Mẹ tôi giục giã lắm ba tôi mới về. Mẹ ngồi sau, tôi ngồi trước, ba thủng thỉnh đèo về dưới mùa mưa lạnh ngút trời. Cái chợ Đông Ba, nơi ba tôi đã đổ mồ hôi xương máu mấy chục năm trời để bao bọc vợ con từng ngày, buồn vui chua chát đong đầy cả đời người. Chợ ơi! Ba ơi! Hai mươi mấy năm, thằng nhỏ ngày xưa không biết tới khi mô mới quên hết ba cái chuyện vặt vãnh mà đắng đót lòng như ri?

Khác với chợ Đông Ba, mỗi lần đi là mỗi lần tôi lo sợ nắm thật chặt lấy tay mẹ không lạc mất, chợ Xép trong Thành Nội là một cái chợ nhỏ thôi, chỉ rộng hơn cái chợ Đồn dưới nhà tôi một chút xíu là cùng. Nếu như chợ Đông Ba trong nếp nghĩ của xóm tôi là cái chợ xa xỉ dễ sợ nhứt, thì chợ Xép là cái chợ dễ thương nhứt xứ, mọi thứ đều ngon lành (dù vẫn thua chợ Đông Ba một tí). Mấy bà mẹ trong xóm tôi vẫn có một lối so sánh nghe cũng hay hay: nếu chợ Đông Ba là chợ nhà giàu thì chợ Xép là chợ nhà nghèo. Nghe tên“Xép” thôi cũng thấy nghèo rồi, nghèo nên thương hoài thương hủy. Nói như o Xuân tôi thì cái chợ ni mua cũng dễ mà bán cũng dễ, nhà nghèo đi chợ cũng không tới nỗi khó khăn. Hầu như xoong quánh, chổi rành chổi đót, mền chiếu, chén đọi,… chi toàn mua ở chợ Xép. Cái đồ chi mua ở chợ Xép cũng cảm tình hơn đồ mua ở chợ Đông Ba cả chục lần. Ngày còn ở trên xóm Lò Vôi, thỉnh thoảng mẹ dắt tôi trèo cống Lương Y để vô chợ Xép cho gần. Tôi ấn tượng nhất ở chợ Xép là có bán rất nhiều lùng binh, có cái lùng binh đất nung, có cái lùng binh con gà, con heo màu xanh, màu đỏ, màu vàng. Cứ mỗi lần vô chợ ni, mẹ tôi lại mua cho hai anh em mỗi đứa một cái lùng binh để về chơi trò nuôi heo hay nuôi gà. Mỗi cái lùng binh là bảy trăm đồng. Mỗi buổi sáng đi học mẹ cho một ngàn ăn sáng, có khi đói quá tôi mới mua năm trăm xôi nơi mụ Bính ăn vội để vô lớp, còn không thì nhịn ăn nhét tất cả vô ruột con heo lùng binh màu vàng to nhất bầy heo của mình. Tôi cứ dành, dành mãi như rứa cho tới sau Tết mới mổ heo ra. Dĩ nhiên, tôi không thể hiểu hết được nỗi túng bấn vì tiền bạc của mẹ, nhưng bằng niềm thương mẹ rất trẻ con, tôi sung sướng đem xếp những tờ năm trăm, một ngàn lại với nhau rồi cuộn tròn thành một cục thiệt to, gói thêm ba bốn lớp nilon nữa, đợi mẹ đi chợ về, tôi cầm hai tay giấu sau lưng mà thủ thỉ với mẹ:

– Mẹ, con mới mổ heo mẹ nì. Con cho mẹ mượn hết luôn, khi mô mẹ trả cũng được cả.

Mẹ tôi cười cười, xoa xoa cái đầu tóc xù thằng con mới tý tuổi đầu đã biết “tiện tặn”, rồi cứ nhắc hoài cái chuyện bé con ấy của tôi, nghe răng buồn lay buồn lắt. Bóng dáng ưu phiền của mẹ tôi hằn lên tâm trí tôi muôn đời muôn kiếp, cho nên, tôi không bao giờ muốn làm trái lòng mẹ. Tôi không muốn mẹ tôi buồn. Không bao giờ.

Cũng vì rứa, mà trong cuộc đời đi học của tôi, chưa bao giờ tôi làm mẹ thất vọng, tất cả các thầy cô giáo từ cấp một đến cấp ba của tôi đều ưu ái cho tôi rất nhiều thứ, đã thông cảm mà luôn luôn tìm cách trì hoãn rồi miễn giảm học phí cho tôi. Năm tôi lớp 8, ngày mùng sáu Tết, thằng Vinh ngồi cạnh hỏi tôi rằng:

– Ê, Tấn, tiền Tết của mi, mi để làm chi?

– Tau đưa mẹ tau hết.

– Mạ mi ác hỉ, lấy hết tiền của mi.

Ngay lập tức tôi đã dồn hết sức lực đấm gãy liền hai cái răng cửa của hắn. Thằng đại mất dạy. Lần đầu tiên tôi đánh nhau với bạn học, lần đầu tiên bị lên phòng ban giám hiệu ngồi. Tôi không sợ bị đuổi học hay bị la mắng, tôi chỉ sợ mẹ tôi biết mẹ sẽ buồn lòng. Bên cạnh đó là cơn phẫn nộ vẫn còn cuồn cuộn, nếu tôi lại ngồi gần hắn ở đó dám là tôi sẽ đấm nó bể hàm mới thôi. Ông thầy Huy giám thị là bộ đội hồi hưu, quát tháo tôi ầm ĩ. Cũng là lần đầu tiên tôi cãi tay đôi trong trường học:

– Cháu không sai. Chừ cháu chửi mẹ thầy thì thầy có tức không? Nếu thầy không tức thì chi cháu cũng chịu.

Ông giám thị ấy cứng họng, còn tôi tự bỏ về lớp. Hôm sau và về sau nữa, tôi cũng không nghe ai nhắc gì. Tôi chờ đợi buổi kiểm điểm trong giờ sinh hoạt lớp mãi mà cô Thuyền cũng không ư hử gì thêm. Tôi có gặp lại thằng Vinh lần về Huế dạo ấy. Hai cái răng cửa của hắn không mọc lại được nữa, đúng hệt câu “trâu mất hàm trên”.

Lần về ấy, tôi có mua một con heo với một con gà lùng binh, gói thiệt kĩ càng và đem theo qua đây. Mỗi lần buồn bã, tôi lại như trẻ nhỏ, vuốt ve lấy hai người bạn cố tri mà nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ, nhớ góc chợ quê nhà.

Cái chợ gần nhà tôi nhất, và tôi siêng năng bám váy mẹ để đi bằng được là chợ Đồn. Chợ Đồn, cũng có người gọi là chợ Kẻ Trài, tới sau này tôi mới biết, vì do chợ gần đồn lính Mang Cá – một địa danh nổi tiếng với sự kiện thất thủ kinh đô năm nào, nên người ta kêu rút chữ lại là chợ Đồn. Kêu lâu thành chết tên chợ. Chợ nằm bên ni sông, còn bên tê sông là Thế Lại, làng ngoại của tôi. Người bên tê sông muốn qua đi chợ phải kêu đò mụ Lọt ngay dưới cây đa cổ thụ nơi bến sông trước chợ. Sát ngay phía sau chợ là căn nhà của mệ nội bác của tôi. Những ngày còn nhỏ, không ngày mô là tôi không theo mẹ xuống chợ này. Có khi mẹ dẫn tôi vô nhà mệ tôi để đợi cho dim mát hoặc có khi dắt tôi qua đường để gặp mấy người bên làng ngoại hỏi chuyện nhà chuyện cửa dưới tán cây đa khổng lồ. Hình ảnh cây đa bến nước trong trí óc của tôi chính là bắt đầu ở đây, khi mà mấy mùa thơ dại, tôi theo mẹ đi chợ và nhìn xem trên chuyến đò có bóng dáng mệ ngoại tôi qua không.

Chợ Đông Ba thời xưa. Ảnh tư liệu

Ngày xưa, tôi không thể hiểu được vì sao mà mẹ lại có thể đi chợ lâu ơi là lâu, lâu đến sốt ruột như rứa. Nhiều khi đợi lâu quá, đứng ngồi chi cũng mỏi cẳng, tôi đâm cáu, thấy mẹ ra là chạy lên trước. Nhưng đó chỉ là thiểu số thôi, vì mỗi lần dắt tôi đi theo, dù có thiếu tiền chợ đi nữa mẹ cũng nghĩ cách cắt xén cho tôi ít quà vặt. Tuổi nhỏ, có lẽ ai cũng như ai, hấp dẫn và dễ bị “mua chuộc” nhất trần đời là ly chè, bó keo, lon sim, mấy quả bồ quân… mà mẹ “đền” cho sự “mỏi mòn” trông đợi ấy. Tôi còn nhớ biết bao nao nức của con bé em tôi mỗi lần đợi mẹ đi chợ về, mẹ chưa vô nhà và cũng không cần biết mẹ mệt nhọc kiểu chi, câu đầu tiên muôn thuở sẽ là:

– A, mẹ về! Mẹ có mua chi cho con không mẹ?

Và nó buồn vô cùng vô tận, nếu ngày nào đó mẹ về mà không có tiếng: “Bé ơi, về mẹ cho nì”. Cả thằng út em cà dặt cà dẹo của tôi cũng rứa, mỗi lần mẹ đi chợ về, nó bắt bồng bắt ẵm đến riết cũng không chịu buông ra.

Lớn khôn lên, tôi mới biết vì răng mẹ đi chợ thiệt lâu. Cha mẹ nghèo mà con lại háu ăn, mau lớn. Với mấy chục bạc ba tôi đưa sau mỗi ngày đi thồ, thử hỏi răng mà không mệt óc với chuyện chợ búa mỗi ngày cho được? Thương nhất là những ngày mùa nắng, nắng vàng mắt vàng mũi, mẹ mắt lòa chân yếu, bước cao bước thấp lội bộ xuống chợ. Khi về nhà, mắt đỏ hoe đau nhức vì cái nắng xóc vô đôi mắt thương tật gần ba mươi năm. Những ngày thất nghiệp ở nhà, chua xót cho mình thì ít, mà xót xa thương mẹ thì nhiều.

Cái chợ làng nhỏ bé ấy, cứ gây cho tôi nỗi xa xót não lòng khi tôi nhớ mẹ tôi. Dù rằng, mỗi lần dắt tôi đi theo, tôi vẫn vui sướng thơ ngây không biết rằng đã làm mẹ tốn thêm chút tiền ăn hàng trong mấy chục bạc nát nhàu ấy. Cái chợ niềm vui của tôi nhưng lại làm mẹ điên đầu mỗi ngày vì phải tính toán cho từng bữa cơm…

Nhưng còn có một điều khác nữa làm tôi cứ bứt rứt mỗi khi nghĩ tới cái chợ Đồn quê kiểng của tôi. Con Chi, bạn học năm lớp 4 trên trường Thanh Long với tôi, cũng đi bán rau với mạ nó trong chợ này. Con Chi là đứa chuyên môn bị ông thầy Luật kêu lên giữa sân trường mấy buổi chào cờ vì tội trễ tiền học. Dường như là cùng cảnh nhà nghèo, và cũng từng bị kêu lên giữa sân chào cờ một lần nên tôi hiểu cái cảm giác đứng cúi gằm mặt xuống không dám nhìn lại đám bạn đang chăm chăm nhìn mình. Con Chi cứ đứng nhe răng cười mà mắt mũi đỏ hoe. Mạ nó bán rau muống, nghe kể hồi xưa đi hái rau giẫm phải mìn nên bị cụt một chân. Ba con Chi thì bị điên, cứ đi loanh quanh vất vưởng, lắm lần mạ con nó phải bỏ cả gánh rau để đi tìm khi nghe ai đó nói có người chết đuối. Mạ con Chi xấu xí đen đui, con Chi cũng đen đui xấu xí không kém. Tụi thằng Định xóm Chài, thằng Tĩnh bờ hồ, thằng Hoàng xóm Chợ ghét con Chi dữ lắm, dù bọn cứt trâu đầy đầu ni học còn dốt hơn cả con Chi. Cái bọn dễ ghét ni từng lấy bài tập làm văn của con Chi chuyền tay nhau đọc rồi cười bò lăn bò càng như vui lắm. Tôi nhớ cái đề tập làm văn cô Thỉ ra là: Em hãy miêu tả một người mà em yêu thương nhất. Con Chi tả về ba nó, tôi thấy khi cô Thỉ chép lên bảng cho cả lớp cùng đọc, cô vừa chép vừa giở kính lau nước mắt: “Em thương ba em nhất. Ba em tên Hội, do hồi nhỏ ôn mệ em nghèo không có tiền chữa sốt cho ba em nên ba em bị điên. Ba em hiền lắm, không bao giờ ba em đánh em cả. Nhiều khi tỉnh, ba em còn đi cắt rau giùm cho mạ em nữa. Ba em thích ăn bánh lọc. Người ta chê ba em hôi, nhưng em vẫn thích được ngủ với ba rồi ôm ba mà ngủ. Em thương ba em bằng cả bầu trời ni lận”. Tôi không hiểu làm sao khi chính bọn nó cũng khóc mà rồi lại đem ba con Chi ra giỡn được. Tôi căm lắm nên giờ sinh hoạt lớp đã méc cô. Cô Thỉ giận run người đánh cho bọn nớ mỗi đứa năm roi quắn đít. Còn con Chi thì úp mặt lên bàn khóc. Vai nó run run, nước mắt nó ướt dầm mấy trang vở lép kép mà chi chít những hàng chữ như gà bới của nó.

Một ngày mùa mưa, tôi không rõ con Chi làm gì mà bọn nó lấy sách vở con Chi vứt ra ngoài mưa ướt lem ướt luốc. Con Chi không nói không rằng, nước mắt chảy dài rồi đội mưa về. Hôm sau, tan học thì bọn tôi thấy ba con Chi khùng khịu ngoài cổng trường, đang bị mấy ông xích lô say rượu trong xóm Số Đề sát trường vừa xô dụi vừa chửi, mặt mày đỏ gay đỏ gắt như tà nhập:

– Thằng điên! Thằng điên. Hahaha, thằng điên.

Có lẽ ba con Chi muốn đón nó về nên lên trường đứng đợi. Con Chi vừa ra cổng đã thấy rứa liền xông vào mấy ông xích lô vừa cào cấu, cắn xé lung tung vừa gào thét như lên cơn dại:

– Không được đánh ba tau! Xê ra! Không được đánh ba tau.

Khuôn mặt ba nó méo mó đáng thương và ánh mắt ngây dại hoảng sợ, nhưng vẫn khư khư nắm chặt lấy bì nilon có mấy cái bánh bột lọc giữa bụng.

Sáng mai lại, chúng tôi không còn thấy con Chi đi học nữa. Tôi tự nhiên thấm thía thương cảm khi bất chợt thấy con chim sẻ bay vào trong lớp rồi đậu ngay chỗ con Chi đã ngồi. Bầu trời sau mùa mưa đã xanh trở lại, mà không biết bầu trời của người bạn ấy có xanh không? Tôi còn nhớ mãi ánh mắt của nó hôm đó, phẫn nộ và đớn đau. Mạ con con Chi vẫn đùm đuề nhau bán rau ở cái chợ bé nhỏ mà buồn hiu buồn hắt giữa lòng tôi.

———————

  1. Tiếng xưa ở Huế, chồng là dôn, chồng con là dôn con.
  2. Bòn tro đãi sạn, năm đồng ba trự: thành ngữ xưa ở Huế, chỉ sự tiết kiệm, dành dụm của phụ nữ.
  3. Thịt làm nem chua Huế, sau khi quết nhuyễn và tơi, sẽ còn lại những sợi gân thịt, có thể chiên lên, ăn rất ngon.

Nguyễn Hữu Tấn

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 9/2022)