Mục Trào phúng trên Tạp chí Sông Lam thường giới thiệu những mẩu chuyện, truyện ngắn, tiểu phẩm hay những bài thơ vui, hóm hỉnh, hài hước. Thông qua những câu chuyện gây cười đó, các tác giả ngầm châm biếm, lên án, phê phán thói hư tật xấu, các vấn nạn của đời sống và hành xử của con người.
Sông Lam số 7, xin giới thiệu với bạn đọc tiểu phẩm vui Còn gì là phần tớ của tác giả Quỳnh Thơ, và bài thơ Khi sếp ông thăng chức của tác giả Vũ Ba Lan.

                                                      *****

QUỲNH THƠ
Còn gì là phần tớ!

 Sau hội thi công chức, suốt mấy đêm tôi không tài nào chợp mắt được. Thế là sổ toẹt! Chưa nói đến việc lên lương, lên chức, giữ cho được biên chế trong lúc chộn rộn sắp xếp lại tổ chức, tinh giản này cũng không đơn giản.
Phải nói là tôi chuẩn bị, đầu tư cho đợt thi này rất chu đáo, không sợ tốn kém vì nó quyết định cho tương lai của mình và hạnh phúc gia đình.
Cái anh chàng gầy gò, ăn mặc xuềnh xoàng, cẩu thả là tôi phút chốc biến hình, sang trọng trong bộ com lê màu mận chín với chiếc cà vạt đỏ thắm màu hy vọng. Thắt lưng to bản có khóa đồng sáng loáng chia thân thể còm nhom ra hai phần, phía trên là bộ óc trí tuệ tiết ra chất xám, phía dưới là cặp chân khẳng khiu được đôi giày cao cổ bóng lộn làm cho trở nên qúy phái. Mũ phớt ăng lê thay mũ cối quân khu. Cặp kính trắng ngăn cách bụi bặm đời thường. Tôi cũng không quên ngoắc chiếc khẩu trang màu xanh để ngăn vi rút cô rô na.
Với trang bị áo quần choáng lộn như trên, tôi dễ dàng vượt qua các đối thủ, lọt vào chung kết cùng với tay trưởng phòng ăn mặc khiêm tốn và đang là ứng cử viên nặng kí cho vị trí phó sếp sắp tới.

Minh họa: Nguồn báo Tuổi trẻ

Quá hồi hộp khi bước vào phần thi trả lời câu hỏi ứng xử.
Tôi hít ba hơi thở dài để nạp thêm ô xy vào bộ não chuẩn bị vượt vũ môn.
May mắn cho tôi là gặp đúng câu hỏi về tôn chỉ, mục đích, vai trò, chức năng, nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ bức xúc, khâu đột phá của cơ quan trước mắt và đến năm 2050 mà tôi học thuộc làu làu với sự trợ giúp của chiếc máy vi tính mới sắm.
Về phía đối thủ cũng không chịu kém cạnh gì, có phần còn hơn tôi về những dẫn chứng cụ thể. Chỉ cần hơn thua ở câu hỏi phụ do đích thân sếp đồng thời là trưởng ban giám khảo đưa ra trong lúc cả hội trường im lặng phăng phắc chờ đón nhà vô địch.
Sếp trịnh trọng lên tiếng hỏi:
– Khi thủ trưởng đi vắng, nếu có người dân đến gặp, anh xử lý như thế nào?
Thằng cha trưởng phòng trả lời ngay:
– Tôi sẽ bảo họ trình bày rõ yêu cầu, kiến nghị hướng dẫn cách giải quyết. Việc nào thuộc thẩm quyền tôi sẽ làm ngay. Việc nào xin ý kiến sếp, tôi sẽ ghi lại báo cáo.
Lúc này, tôi đang nghĩ đến câu trả lời của hoa hậu báo Tiền phong nếu đoạt vương miện: Cảm ơn cha mẹ, góp vào quỹ từ thiện…
Tôi hấp tấp trả lời:
– Dạ, báo cáo anh. Nhiệm vụ của em là hướng dẫn ngay cho họ đến nhà riêng hoặc số điện thoại của sếp. Còn họ gửi gì hết giờ làm, em sẽ mang đến tận nhà cho sếp.
Cả hội trường cười ồ. Tôi ngã ngựa trước cửa thiên đường.
Ít lâu sau, tôi bất ngờ được đề bạt.
Trong một tiệc nhậu say túy lúy, sếp ôm vai tôi bật mí: Thằng cha ấy việc gì cũng muốn giải quyết, còn gì là phần tớ nữa!

                 ***

VŨ BA LAN
Khi sếp ông thăng chức
  Sếp ông thăng chức, thăng quyền
Sếp bà có dịp làm duyên với đời
Khoe giàu, bà tậu xe hơi
Nhà hàng, khách sạn, khắp nơi biết bà
Vung tiền mua sắm thả ga
Xài toàn đồ ngoại, bỏ xa đồ mình
“Cưa sừng” bà tập cười tình
Học cách giao tiếp dở mình, dở tây
Rồi bà sửa mặt, sửa mày
Bơm mông, độn vú, xoắn ngay mái đầu
Ngoại ngữ học gấp dăm câu
Để lòe ngoại quốc, để câu Việt kiều
Rồi bà học cách “biết điều”
Cách “mơi” cấp dưới, cách “chiều” cấp trên
Cuối cùng bà thích vung tiền
Mua danh, mua lợi, mua thêm “người tình”.

BBT

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 7/ 2020)