Hồ xuân Hương (1772-1822), quê gốc ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà theo cha là thầy đồ ra ở phường Khán Xuân, Tây Hồ (nay là Hà Nội) để dạy học. Bà là người tài danh bạc mệnh, nhà thơ Xuân Diệu tôn bà là Bà chúa thơ Nôm cũng đã đủ thâu tóm tài thơ của bà. Còn về sắc đẹp của Hồ Xuân Hương thì như Tốn Phong, bạn thơ của bà đã tả:

Như dáng cây mai xinh đến cốt

Mười phân sắc xuân rạng lên trời.

Cuộc đời của Xuân Hương gặp nhiều trắc trở trong tình duyên, hai lần lấy lẽ: Ông Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh Tường. Có lẽ vì thế mà chữ xuân xuất hiện nhiều lần trong thơ Hồ Xuân Hương như một khát vọng tình yêu cháy bỏng của nàng. Biết bao thi nhân mặc khách nghe danh, mến tài Hồ Xuân Hương đã tìm đến để họa thơ và tỏ tình với nàng, nhưng khó có ai tương xứng với nàng về tài thơ, về tình và về nghĩa. Bài Mời trầu của Xuân Hương đã như một tuyên ngôn về tình yêu:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi

Xuân Hương đòi hỏi chữ xuân phải là chữ xuân trinh nguyên bất tận của người thiếu phụ – chữ xuân trong bài Đề tranh tố nữ:

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình

Chị cũng xinh mà em cũng xinh

Đôi lứa như in tờ giấy trắng

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

Người thiếu nữ – Hồ Xuân Hương ấy luôn chủ động làm cho tuổi xuân thêm đẹp. Nhân dịp Tết, Xuân Hương dán đôi câu đối trước cửa nhà mình:

Tối Ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới;

Sáng Mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.

Cũng vì thế mà Xuân Hương thường không bỏ lỡ các dịp Tết đến Xuân về để đi thưởng xuân và ngắm cảnh đẹp non nước với một tâm hồn thanh sạch, như một chiều nào đi thăm Đài khán Xuân:

Êm ái chiều Xuân tới khán đài

Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.

Khi đến thăm Đá ông chồng bà chồng nàng thơ có cái nhìn nhân cách hóa vũ trụ làm cho đá cũng như có hồn người và đã chuyển hóa thành một đôi tình nhân chung thủy mãi mãi cùng thời gian – Xuân già dặn, không bao giờ xa rời nhau như tình yêu đôi lứa đắm say đầy xuân sắc:

Khéo khéo bày trò tạo hóa công

Ông chồng đã vậy lại bà chồng

Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc

Thớt dưới sương pha đượm má hồng

Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt

Khối tình cọ mãi với non sông

Đá kia còn biết xuân già dặn

Chả trách người ta lúc trẻ trung.

Trong văn học truyền khẩu dân gian nước ta có câu: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng – nghĩa là: Dù xa xôi cách trở mà có duyên thì sẽ gặp, còn vô duyên thì đối diện nhau cũng không thể gặp nhau. Ta bắt gặp được ý tưởng tốt đẹp này qua chữ xuân xanh mà Xuân Hương đã dành cho các cô gái nhiều tuổi lo sợ ế duyên. Hỡi các cô mình! Xin đừng sợ mất xuân xanh! Tình yêu sẽ đến với bạn khi gặp được duyên kỳ ngộ:

Nghìn dặm có duyên sự cũng thành

Xin đừng lo lắng hết xuân xanh.

Xuân Hương đã từng làm lẽ, đã từng lỡ làng. Tình yêu của nàng đã phải san sẻ, chưa một lần được hưởng trọn vẹn một đời duyên, trong Tự tình (Bài 1):

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Hoặc như bài Cảm cựu tống tân xuân chi tác – Nghĩa là: Cảm nhớ cảnh cũ đưa xuân mới (Sách: Hoàng Xuân Hãn Hồ Xuân Hương thiên tình sử.- H., Văn học, 1999):

Xuân này nào phải cái xuân xưa,

Có sớm ư, thời lại có trưa.

Cửa động hoa còn thưa thớt bóng

Buồng thoa oanh khéo dập dìu tơ

Phong lưu trước mắt bình hương nguội,

Quang cảnh trong đời chiếc gối mơ.

Cân vàng nửa khắc xuân lơ lửng

Phố liễu trăm đường khách ngẩn ngơ

Mới biết vị đời chua lẫn ngọt,

Mà xem phép tạo nắng thời mưa.

Tri âm đắp nửa chăn còn vắn,

Bức vách nghe xa tiếng đã thừa…

Nếm mía vụ này ngon những ngọt

Trông gương ngày nọ bẵng như tờ

Xưa nay còn có đâu hơn nữa,

Hay những từ đây, phải thế chưa?

Bấy giờ Xuân Hương tuổi đã cao, lại trải nhiều kinh nghiệm nhân sinh, nhất là về ái tình. Nàng khó có thể tìm được mối tình duyên như ý chiếc gối mơ. Cho nên khi gặp được nơi xứng đáng dạm hỏi Nếm mía vụ này ngon những ngọt… Xưa nay còn có đâu hơn nữa. Phải chăng đó là dịp cuối cùng nàng được Tham hiệp Yên Quảng xin cưới? Có lẽ vì thế mà nàng đồng cảm và thương xót cho những cô gái lỡ duyên không chồng mà chửa, hoặc vô duyên lấy chồng mà cũng như không có chồng. Khi về làm lẽ ông Phủ Vĩnh Tường, có tài liệu chép: Một hôm ông phủ đi vắng, có người đàn bà tên Nguyễn Thị Đào đệ đơn xin bỏ chồng, Hồ Xuân Hương hạ bút phê ngay:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào

Nước trong leo lẻo cầm sào đợi ai?

Chữ rằng “xuân bất tái lai”

Cho về kiếm chút một mai kẻo già.

Xuân Hương còn thương xót cho các cung tần, mĩ nữ, những người con gái đẹp bị bắt vào cung hiến cho nhà vua. Họ đã phải quẳng cả tuổi xuân cho bầy hoạn quan vo ve quấy rối, như ở trong bài Quan thị:

Mười hai bà mụ ghét chi nhau?

Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu?

Rúc rích thây cha con chuột lắt

Vo ve mặc kệ cái ong bầu.

Chữ xuân đã được Hồ Xuân Hương khắc dấu như một dấu chấm phá(!) nhắc nhở mọi người hãy sống sao cho trọn cái đạo cao đẹp trong tình yêu, đừng như ai đó đến với tình yêu, rồi vội bỏ tình đi như vứt bỏ một cánh hoa tàn, như trong bài Đánh đu:

Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!

Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Cứ mỗi độ Xuân đến, con cháu nước Nam sẽ lại được thưởng thức chữ xuân rất thú vị trong thơ Hồ Xuân Hương. Xin được cảm ơn Bà chúa thơ Nôm! Xin được đồng cảm với thi nhân quá cố Tản Đà qua hai câu thơ ông để lại:

Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương

Hồn thơ còn hãy như dường trêu ai!

Thật vinh dự cho đất nước ta khi Chủ tịch Đại Hội đồng UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận vinh danh danh nhân, nhà thơ nữ Hồ Xuân Hương và ra Nghị quyết kỷ niệm 250 năm sinh (1772-2022) và 200 năm mất (1822-2022) Bà chúa thơ Nôm vào rạng sáng ngày 23/11/2021, đúng vào Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (bà được vinh danh cùng đợt với danh nhân Nguyễn Đình Chiểu).

Đào Tam Tỉnh

(Bài đã đăng rên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)