Một sáng yên ả cuối tháng 3. Bên ly cà phê chậm rãi phố Vinh, có 2 người bạn văn gặp nhau với niềm vui chia sẻ. Họ đều nhận mình là kẻ “ngoại đạo” với văn chương, cho dù cả 2 , một đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một là hội viên Hội VHNT Nghệ An. Cả 2 đều làm thơ, mê thơ nhưng cũng biết cách…nuôi thơ, khi mà họ đều có nghề chính là…buôn bán. Một trong 2 người, bạn đọc đã từng biết đến, ấy là nhà thơ Nguyễn Trường Thọ. Còn người kia, người mà hôm nay tôi muốn nói tới trong bài viết này là tác giả thơ Chu Vĩnh Phương- một người con đất Quỳnh Lưu đã “gửi thân” nơi miền đất đỏ Thái Hòa gần 50 năm nay.

    Tôi chỉ dám nhận mình là kẻ ‘chầu rìa” trong cuộc chuyện trò của 2 ông bạn văn ấy, để rồi, tôi bị cuốn vào câu chuyện của họ lúc nào không hay. Họ nói về những người bạn văn nghệ, nói về thăng trầm của thơ, đọc cho nhau nghe những vần thơ đã gieo trong trái tim họ bao nhiêu năm qua, đã đồng hành với họ suốt một chặng đời. Như một cách cám ơn thơ ca, cám ơn sự ưu ái của cuộc đời này đã cho họ có một góc để neo giữ tất thảy những buồn vui…

Với Chu Vĩnh Phương, tôi đã quen ông từ nhiều năm nay.  Ông là cộng tác viên của Báo Nghệ An, lại là người thường xuyên có những hỏi thăm, trao đổi với anh chị em trong tòa soạn. Nhưng lúc nào, khi đọc thơ ông, tôi cũng có những bất ngờ. Và quả thực, con người ông cũng luôn có những bất ngờ, chẳng hạn như mãi đến tận sáng hôm đó, tôi mới biết cái con người có vẻ cứng rắn, mạnh mẽ, tác phong dứt khoát, đầy sôi nổi kia là một thương binh nặng, suýt đã mất mạng nơi trận địa pháo năm 1972 ở đất Nghĩa Đàn. Ông xắn lên những vòng tay áo và cánh tay của ông đã vẹo hẳn bởi mảnh bom năm nào.

Nhà thơ Chu Vĩnh Phương. Ảnh: TV

Ông nói, cuộc đời mình vẫn là một chuỗi những may mắn khi bao lần, ông đã mong manh giữa đi và ở, giữa thất bại với thành công, giữa sống và chết…để rồi điều ông nhận được luôn là những phần thưởng tốt đẹp, xứng đáng với những nỗ lực, hy vọng và đón đợi. Không thể không nhắc đến thơ, như một người tri kỷ, như một cứu cánh khi ông chưa biết trông cậy ở đâu. Nói rồi, Chu Vĩnh Phương ngâm ngợi một bài thơ của ông. Bài thơ có cái tên rất thực tế, mà nó cũng nhằm phản ánh một thực tế trần trụi, song tôi vẫn thấy trong đó cái nét cười mỉm như có chút ngạo đời nhưng lại chứa chan nhân hậu của con người ông, thấy rất rõ tính cách, châm ngôn sống của tác giả. Đó là bài “Nợ nần”: Cuối năm lần sổ nợ/ Nợ nần kín dày trang/ Khác nợ mình, mình nợ/ Đời sao lắm đa mang/ Phía Bắc bạn hàng réo/ Phía Nam điện thoại dồn/ Vù xe đi đòi nợ/ Về như người không hồn/ Lấy gì trang trải tết?/ Thơ không tiền, vẫn thơ/ Lấy gì buôn bán tiếp?/ Cầu trời ban lộc cho/ Từng bằng kia chức nọ/ Từng dọc ngang một thời/ nay phơi mặt mặt phố/ Làm thơ, buôn bán chơi”

Đúng, Chu Vĩnh Phương chính là kẻ “làm thơ, buôn bán chơi”. Cả làm thơ, hay buôn bán cũng là những cuộc chơi trong đời. Ông chọn những sân chơi này, để thử sức, để mưu sinh, để soi mình, để ký thác…

    sinh năm 1944 ở Tiến Thủy Quỳnh Lưu, Chu Vĩnh Phương được xem là có xuất thân gia thế khi mà ông nội của ông là người có xưởng nước mắm, lại có cả một chiếc thuyền buồm lớn, đã từng chở Chu Vĩnh Phương đi thăm thú nhiều nơi trong những chuyến giao thương. Yêu thơ từ nhỏ, thuở cấp 3 đã từng có thơ đăng báo lớn, nhưng Chu Vĩnh Phương lại đăng ký học ngành cơ khí của Đại học Nông nghiệp Hà Nội sau khi tốt nghiệp phổ thông. “Nói thì khó tin, nhưng mình đăng ký học  cơ khí nông nghiệp cũng là vì…thơ”- ông nói. “Chả là có một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu thời kỳ đó đã ám ảnh tâm trí mơ mộng của mình: “Tiếng máy cày reo đâu đó xôn xao/ Và rúc rích tiếng ai cười trong mía”. Vậy là đăng ký học nông nghiệp không chút ngại ngần.  Ông đã luôn nghĩ về cái không khí lao động náo nức, rộn ràng, đầy sức trẻ mà không kém phần thơ mộng ấy trong những câu thơ. Đầu năm 1968, khi ấy, Chu Vĩnh Phương đã tốt nghiệp đại học, đã từng có cơ hội giảng dạy tại trường nhưng ông lại xin được về quê. Người ta khuyên ông: Về làm gì, khu 4 đang khói lửa lắm. Thế nhưng, ông vẫn không thôi những mơ mộng thuở hoa niên mà những câu thơ về cuộc sống tươi đẹp đã vẽ lên trong tâm hồn mình. Ông vẫn quyết về quê và được phân công về Xưởng Cơ khí 250 Phủ Quỳ chuyên đại tu máy kéo- ô tô và chế tạo máy nông nghiệp (khi đó đang sơ tán ở Phà Sen, Nghĩa Đồng thuộc huyện Tân Kỳ bây giờ).

Sau khi về thăm nhà ở Quỳnh Lưu, chàng trai trẻ đi bộ lên cầu Giát, sau đó nhờ được 1 chuyến xe của bộ đội chở lên Tuần (Quỳnh Lưu) để đi tìm…cơ quan. Đến Tuần, ông lại lần mò hỏi đường và đi bộ đến Phà Sen. Cái đói, cái mệt, sự mông lung…không hề làm dập tắt bầu nhiệt huyết nóng hổi trong tim người kỹ sư trẻ. Tìm được cơ quan rồi, ông được phân công làm ở Phòng Kỹ thuật. Và từ đây, công việc của chàng kỹ sư miệt mài theo tháng ngày…

      Những năm 1971, 1972, Chu Vĩnh Phương tham gia dân quân tự vệ tại trận địa pháo cao xạ 37 ly. “Khi ấy, tôi là pháo thủ số 4, tham gia trên trận địa tại mé đồi trường cấp 1 Nghĩa Quang, Nghĩa Đàn”. Ông nói, đó thực sự là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời mình, không phải bởi sự khốc liệt của những cuộc chiến đấu, không phải chỉ bởi ông bị thương tưởng chừng mất mạng và được cứu sống một cách thần kỳ, mà còn bởi có một sự kiện trọng đại mà ông nhớ mãi: ông được tuyên kết nạp Đảng ngay trên trận địa, khi mà ông đang nằm trên cáng với thân mình ứa máu và bên cạnh là xác của 2 người đồng đội.

Chu Vĩnh Phương kể rằng, quãng 5 giờ chiều ngày 16/5/1972, máy bay địch đang đánh vào trận địa Tây Hiếu, ông và đồng đội trên mâm pháo quyết liệt bắn trả. Sau đó, ông thấy máy bay bay ngay trên đầu mình, và bất chợt ông nhận thấy đầu choáng váng, 2 cánh tay mình không thể giơ lên được. Nhìn xuống, thấy cánh tay đang rã xuống, tứa máu. Đồng đội đưa ông vội xuống hầm. Lúc đó ông còn thấy tiếng hô của khẩu đội trưởng, thấy bóng dáng của người chính trị viên đại đội, để rồi sau đó không lâu, 2 người đồng đội ấy vĩnh viễn ra đi. Khẩu đội ông bị máy bay ném 4 quả bom sát thương. Bản thân Chu Vĩnh Phương bị thương trên đầu, bị bom xuyên qua 2 cánh tay khiến tay trái gãy và mất 1 mảnh xương, tay phải gãy xương quay và đứt động mạnh. Ông nói mình “đã chết lâm sàng trên bàn mổ, nhờ quân y 150 cứu thương và nhờ có anh thương binh Lê Duy Đào người Bắc Ninh đang điều trị tại trạm quân y này hiến cho 200 cc máu nên đã bảo toàn mạng sống”. Sau này, ông có kể lại giờ phút bi hùng và thiêng liêng ấy qua thơ, trọn vẹn bài ‘Niềm riêng” khi ông được nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng:

Tròn bốn mươi tuổi Đảng

 Tuổi đời chạm 70

Tôi được nhận huy hiệu

Để hân hoan cùng người

 Phút được gọi: đồng chí

Hai cánh tay bom xuyên

 Nằm cáng rời trận địa

Giữa bom rung, đạn rền

 Bên tôi hai đảng viên

Mặt phủ tờ báo sáng

Vây quanh, những công nhân

Khóc nghẹn không thành tiếng

 Máy bay thù ấp đến

 Rừng Phủ Quỳ chở che

 Pháo tự vệ ngoài kia

Vẫn sáng lòe chớp lửa

 Nằm mê man, máu ứa

Người tiêm, người bó băng

 Bí thư tuyên kết nạp

 Nước mắt ứa, lời rung

 Bạn về cõi xa xăm

Bốn mưới năm, chợp mắt

Biết bao điều được- mất

Cứ nhói vào tâm can

 Xóm thợ đã thành làng

Nhà máy- công ty mở

Người cũ thưa bóng dần

 Chuyện cũ, ai còn nhớ?

Ngực chói huy hiệu đỏ

Đồng chí bốn mươi năm

Bốn mươi năm- đồng chí

Một niềm riêng âm thầm”.

Sau này, cuộc đời Chu Vĩnh Phương cũng có những biến động, tuy không lớn lao nữa nhưng ông luôn thấy, chẳng có biến động nào mà không có “cái lý” của nó, không đem đến cho người ta điều gì đó mới mẻ, tích cực hơn. Quyết định rời bỏ “cán bộ nhà nước” chẳng hạn, là một bước ngoặt quan trọng, đã khiến ông mất ăn mất ngủ đến nhiều tháng ngày. Đó là những năm 1990, khi chuyển đổi cơ chế mạnh mẽ, và ông đã ra ngoài mở cái xưởng riêng của mình, vừa sửa chữa, vừa buôn bán phụ tùng, máy móc. Cũng chính trong giai đoạn trở thành “người buôn” này, ông lại có thời gian để trở lại với thơ ca, làm thơ nhiều hơn. Ông kể “ cái duyên” của mình với báo Nghệ An: “Khi đó tôi có thời gian rảnh rỗi, hay sang nhà ông Bí thư đảng ủy xã chơi và thấy ông có Báo Nghệ An cuối tuần, trong đó có trang thơ. Tôi đọc và thấy thực sự thích thú, khát khao mình sẽ viết và được đăng trên số báo này. Nỗi niềm ấy tôi có viết trong bài “Khát khao” của mình:

 ”Bỏ phong thư vào thùng

 Đứng lặng như đưa tiễn

Mấy ngày đường thư đến? Biết ai người đọc thơ?…”.

Và quả thực, tôi đã có niềm vui từ những bài thơ được đăng trên báo tỉnh nhà bắt đầu như vậy”. Ngày ấy, tác giả Chu Vĩnh Phương trên báo Nghệ An không chỉ có thơ trữ tình, mà còn xuất hiện dưới những bài thơ châm, ở mục “To nhỏ bảo nhau” nữa. Sự sắc sảo, hóm hỉnh, sâu cay trong thơ châm ông khiến nhiều bạn đọc thích thú.

Với Chu Vĩnh Phương thì thơ để giãi bày niềm riêng, trước tiên với bạn bè và những người thân thiết và sau đó là sự chia sẻ với những người khác. Thơ cũng là một sự “tốc ký” của xúc cảm trước đời, trước nhân tình thế thái. Ông nói, mình hợp với thể thơ 5 chữ, 6 chữ. Quả thực, thơ ông ngắn gọn, mạch lạc, và thường là để…kể chuyện. Ẩn sau những lời kể giản dị ấy, lại hàm chứa biết bao nhiều suy tư, bao nhiêu vui buồn trĩu nặng. Cho đến nay, Chu Vĩnh Phương cũng có một gia tài kha khá với 5 tập thơ và 1 tập truyện ngắn và ký được in.

Những tập thơ của tác giả đã xuất bản. Ảnh: Tác giả cung cấp

     Vẫn là câu chuyện bên ly cà phê sáng ấy, Chu Vĩnh Phương và Nguyễn Trường Thọ, 2 người bạn văn đều nhận thấy mình đều là những người “tỉnh táo” khi biết “làm thơ, buôn bán chơi”. Chu Vĩnh Phương có lời mời chúng tôi đến với Phủ Quỳ, thăm của hàng cơ khí của ông bên bờ sông Hiếu. “Đất Phủ Quỳ giờ có bao đổi thay, bên bờ kè sông Hiếu có nhiều quán lá thơ mộng lắm”. Tôi không biết, Chu Vĩnh Phương đang nói với niềm vui hay nỗi nhớ tiếc về mảnh đất ông chọn để sống bao năm nay, mảnh đất mà ông đổ cả máu mình để bảo vệ, mảnh đất đã cho ông bao đắng – ngọt cuộc đời trong những trang thơ…

Tác phẩm đã xuất bản của tác giả Chu Vĩnh Phương:

Bếp sáng (thơ, 2002)

Khi mùa xuân đi qua (thơ, 2004)

Cút ca cút kít (thơ thiếu nhi, 2006)

Gọi nguồn (thơ, 2012)

Thơ tình tuổi 60 (thơ, in chung, 2014)

Người hoang tưởng (truyện và ký, 2015)

Bài, ảnh: T.V