Năm 1951, một đoàn cán bộ đầu tiên của Việt Nam được cử sang Liên Xô học tập về khoa học kỹ thuật, cũng là mốc mở đầu cho quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo của hai Đảng: Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô và của hai nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc đó là Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Và không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò lớn trong việc trực tiếp mở đường và tác động mạnh mẽ đến các mối quan hệ ngoại giao quan trọng và tốt đẹp đó.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước đã quan tâm đến việc tìm kiếm sự ủng hộ và xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, thành trì quan trọng nhất của hệ thống này. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt và có phần yếu thế về quân sự so với quân Pháp trên chiến trường nên những nỗ lực này, dù đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đến đầu 1950, khi tình hình trên chiến trường có những thay đổi tích cực theo hướng có lợi cho Việt Nam và các điều kiện chủ quan, khách quan đang chuyển biến ủng hộ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh quyết định có một chuyến thăm bí mật không chính thức Liên Xô với nhiều mục đích khác nhau, quan trọng nhất là tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Và, trong chuyến đi này, Hồ Chí Minh lại đạt được một số thỏa thuận về việc gửi các cán bộ, học viên Việt Nam sang Liên Xô để đào tạo về khoa học kỹ thuật. Đây là một kết quả quan trọng cho quá trình chuẩn bị nhân lực khoa học kỹ thuật để tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Cũng là sự mở đường cho mối quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô, một mối quan hệ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vấn đề đào tạo nhân lực nửa sau thế kỷ XX của Việt Nam.

Bác Hồ trong chuyến thăm Liên Xô 1955 (Ảnh tư liệu)

Từ giữa năm 1950, công việc chuẩn bị để gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo khi điều kiện cho phép đã được đề cập đến. Tháng 6-1950, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có bài phát biểu “Nói về công tác huấn luyện và học tập”, thể hiện các quan điểm và tầm nhìn trong việc chuẩn bị nhân lực cho việc phục vụ cách mạng, xây dựng đất nước một khi chiến tranh kết thúc, trong đó nhấn mạnh đến việc học cái gì, học với ai và học ở đâu. Cuối năm 1950, sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, cánh cửa giao lưu với các nước xã hội chủ nghĩa qua Trung Quốc được mở rộng thì việc đưa cán bộ, học sinh ra nước ngoài đào tạo cũng được hiện thực hơn. Về phía Liên Xô, sau khi thỏa thuận đồng ý tiếp nhận cán bộ Việt Nam sang học tập thì đến tháng 11-1950, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra Nghị quyết Về việc nhóm chuyên gia Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Liên Xô. Điều này cho thấy dù chưa thật sự ủng hộ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về mặt chính trị, quân sự nhưng phía Liên Xô đã có những động thái quan tâm nhất định đến việc hợp tác đào tạo với Việt Nam. Ngày 25-6-1951, Bộ trưởng Bộ Đại học Liên Xô, V.N. Xtoletov đã có bức thư gửi cho V.G.Grirorian, Trưởng ban Đối ngoại Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô về việc tiếp nhận các chuyên gia nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào các trường đại học ở Liên Xô. Đây là kết quả thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng Cộng sản chứ chưa hẳn là của hai nhà nước, và nó thể hiện tinh thần đồng chí hơn là đồng minh.

Đoàn cán bộ đầu tiên được cử đi học tập tại Liên Xô gồm có 21 người là: Ngô Huy Quỳnh, Trần Linh Sơn, Nguyễn Đức Thừa, Tăng Văn Bằng, Nguyễn Văn Nhiên, Hoàng Bình, Lê Duy Thước, Huỳnh Quang Đại, Nguyễn Trinh Cơ, Đỗ Hữu Dư, Nguyễn Sỹ Quốc, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Lộc, Hoàng Lãn, Văn Tôn, Lê Văn Chiểu, Phan Lục, Phạm Như Vưu, Nguyễn Tuyên, Phan Trọng Đồng, Nguyễn Thanh Quế. Những người này trước hết đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước khi được gọi lên để đưa đi đào tạo, họ đều đã tham gia cách mạng và đang công tác tại các cơ quan khác nhau. Họ cũng là những người có độ tuổi từ 25-42, có trình độ học vấn cao lúc đó, cụ thể có 3 cử nhân, 2 bác sĩ, 1 dược sĩ, 2 kĩ sư nông nghiệp, 2 tú tài và 9 người đã tốt nghiệp các trường kĩ nghệ, đều được đào tạo trong nền giáo dục của Pháp trước đó.

Ngày 9-7-1951, hầu hết các cán bộ trong đoàn được gọi đều tập trung ở trạm đón tiếp của Đảng ở Việt Bắc. Tiếp theo, các cán bộ này tập huấn về chính trị và được nghe các vị lãnh đạo Đảng nói chuyện về tình hình quốc tế, trong nước, những khó khăn của cách mạng đang gặp phải, về các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như nhiệm vụ được giao. Lần lượt các lãnh đạo cao cấp như Trần Quang Huy, Hoàng Tùng, Trường Chinh, Lê Văn Lương đến nói chuyện với đoàn. Đặc biệt, trong đợt tập trung này, Chủ tích Hồ Chí Minh đến thăm đoàn và nói chuyện động viên các cán bộ trước khi lên đường đi học tập ở Liên Xô. Cuộc viếng thăm của Bác dù ngắn ngủi nhưng có ảnh hưởng lớn đến tất cả những người trong đoàn đi học này không chỉ trong quá trình học tập ở đất khách quê người mà còn ảnh hưởng gần như cả sau khi về nước công tác và đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước.

Bác Hồ thăm Đại học Tổng hợp Lomonosov năm 1955 (Ảnh tư liệu)

Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn cán bộ được cử đi học ở Liên Xô là một cuộc gặp bất ngờ, không được báo trước nên những người trong đoàn không được chuẩn bị tinh thần. Cuộc gặp diễn ra vào ngày 18-7-1951, bên cạnh một bờ suối nhỏ tại Đại Từ (Thái Nguyên). Theo ghi chép của ông Lê Văn Chiểu, một trong số 21 cán bộ trong đoàn thì: “Bác mặc áo lụa màu gụ, quần cộc thao màu nâu, tay cầm gậy tre, đầu đội mũ cứng, bên vành mũ có vết rách… Bác đến lật ngược chiếc ghế mà mọi người dành cho Bác ngồi, ngồi lọt thỏm giữa bốn chân ghế”. Đây là đoàn cán bộ đặc biệt, được tập hợp để làm nhiệm vụ không phải đi đánh trận mà là đi học tập ở “thủ đô” của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Và đây cũng là kết quả của những nỗ lực của Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng trong việc kết nối, hợp tác với Đảng Cộng sản Liên Xô. Vì vậy nên nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo về thành phần, học vấn, gia đình và tuổi tác của các thành viên trong đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có những lời dặn dò quan trọng: “Sang Liên Xô học phải biết định hướng, vận dụng hiểu biết mới để đảm bảo những yêu cầu thiết yếu của nhân dân, giúp nhau giữ được tư cách; đi nước ngoài sung sướng đừng quên người nước nhà cực khổ; anh em trong đoàn phải đoàn kết, thành thật, phê bình và tự phê bình. Đối với nước bạn: cái gì biết thì nói biết, phải thành thật, ân cần. Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên, Liên Xô đào tạo chúng ta, nếu bằng lòng thì chuyến sau sẽ dễ, đầu xuôi đuôi lọt…”.

Ngày 22-7-1951, đoàn cán bộ được cử đi học bắt đầu rời an toàn khu đi về phía cửa khẩu ở Cao Bằng qua Trung Quốc để đi sang Liên Xô. Ngày 27-8-1951, đoàn bắt đầu đến Matxcơva với bức thư giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn được phía Đảng Cộng sản Liên Xô đón tiếp và được Bộ Đại học phân chia về các trường đại học khác nhau để đào tạo. 21 cán bộ Việt Nam được gửi về các trường đại học đào tạo theo 10 chuyên ngành khác nhau là quân giới, chất nổ, quân y, quân dược, luyện kim, khai thác than, nông nghiệp, tài chính, kiến trúc, cán thép. Và từ đó, mối quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Liên Xô không ngừng được đẩy mạnh. Tính đến năm 1975, theo thống kê thì Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam 8000 cán bộ tốt nghiệp các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và 600 phó tiến sĩ, tiến sĩ. Và phần lớn những người được đào tạo ở Liên Xô, đặc biệt là những người được đi trong chuyến đầu tiên đã giữ những vị trí quan trọng trong Đảng và Nhà nước và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó cũng là một đóng góp vô cùng to lớn khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

TRANG TUỆ