Với Văn Hiền, “đất” và “biển” là hai thực thể máu thịt không thể tách rời. Đất neo biển, biển neo lòng người… tạo nên muôn ngàn con sóng: con sóng của tình yêu quê hương, con sóng của những cung bậc cảm xúc – qua đó, nhà thơ đau đáu những vấn đề nhân tình thế thái hôm nay.

Nhà thơ Văn Hiền và tác phẩm “Đất neo biển”.

Đất neo biển của Văn Hiền (NXB Nghệ An, 2017) là tập thơ chứa chan cảm xúc về những con người gắn trọn đời mình với biển. Đó là những chàng trai, cô gái, những người lao động làng chài, người lính giữ biển đảo – biên cương. Để đất nước bình yên, không chỉ những người lính phải biết hy sinh mà những người vợ, người mẹ có chồng, con canh giữ biển đảo quê hương cũng lặng thầm nén nỗi đau xa cách, mất mát, ngày đêm dõi theo trong heo hút chân mây đầu sóng. Mẹ, vợ, quê hương… là phần “đất” neo giữ tình cảm của những người lính xa nhà, là chốn bình yên để những người con hướng về đất liền với bao thân thương trìu mến; hun đúc ý chí và niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho các anh.

Là một người con sinh ra và lớn lên ở vùng biển Quỳnh Lưu nên Văn Hiền cảm nhận được tình yêu của những người dân với biển; sự trải nghiệm của một người lính trên mặt trận giao thông cho ông thấm thía cái giá của độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc phải trả đắt như thế nào; con mắt xanh của một nhà báo lão luyện giúp ông nhìn ra những góc khuất ở đời.

Văn Hiền hiểu rằng, cuộc mưu sinh của bao thế hệ ngư dân người Việt gắn với những con sóng nổi, sóng ngầm, phải đương đầu với phong ba bão tố. Sự nghiệp gây dựng cơ đồ của cha ông cũng không ít phen bão táp, không thời nào không có hy sinh, mất mát: “Nợ vùi mộ gió lang thang – Nhang cay đầu sóng tóc tang rối bời” là những hình ảnh vừa cụ thể vừa khái quát cho lịch sử vươn khơi – giữ biển của dân tộc ta. Thế nhưng người Việt chưa bao giờ nguôi khát vọng vươn khơi:

“Sóng tan mấy kiếp lở bồi
Chưa nguôi cơn khát vươn khơi tháng ngày”
(Đất neo biển)

Người giữ biển là những cô gái làng chài hằng ngày vất vả lo toan, “sáng đi chưa tỏ bờ đê – chiều về sương kết thành che mịt mờ” nhưng vẫn thấy “Biển yêu như mối tình đầu”, họ trẻ trung, vui tươi, lạc quan và đầy sức sống:

“Những cô gái biển Quỳnh Long
Da săn muối mặn, căng nồng áo nâu”
(Gái biển Quỳnh Long)

Trong Đất neo biển, Văn Hiền vừa suy tư vừa nêu cao tinh thần cảnh giác, vì ông biết rằng kẻ thù lúc nào cũng nhòm ngó, hòng thôn tính lãnh hải của dân tộc ta. Dưới ánh mắt của Văn Hiền, chúng hiện lên như loài ác quỷ:

“Những bầy tàu
Xám màu cá mập
Nhe nanh
Say máu biển Đông”
(Gửi Hoàng Sa)

Ngay cả khi nhìn cành đào Nhật Tân mỗi độ Tết đến xuân về, Văn Hiền cũng không nguôi trăn trở về cuộc sống của những người lính biển. Ở nơi xa đất liền, họ có được ngắm hoa đào nở? Chắc các anh nhớ lắm không khí gia đình đầm ấm và hương vị quê hương…? Rồi ông thả một nhành hoa vào sóng. Nhưng có một điều nhà thơ biết chắc rằng, ở đó, lời thề giữ nước vẫn sắt son:

“Mấy mùa canh biển không về
Hoa đào thả sóng lời thề Nhật Tân”
(Lời thề Nhật Tân)

Chủ quyền trên biển của người Việt là sự kế thừa từ bao triều đại, bao thế hệ, nghìn lớp người máu nhuộm biển Đông, nghìn linh hồn nương vào từng con sóng, từ những ngư dân vươn khơi đánh bắt đến những phu binh hằng năm vượt qua muôn ngàn bão tố để khẳng định chủ quyền nước Việt trên dải Hoàng Sa – Trường Sa. Từ cái thuở xa xưa: “Đảo hồng hoang, biển hồng hoang/ Nghìn tay quạt sóng – mấy sang bến bờ” cho đến thế hệ hôm nay “Cháu con gân guốc thịt da/ Căng tràn ngực chắn bão sa dữ dằn” (Tế linh giữ đảo).

Trong cuộc trường chinh biển đảo thì những người mẹ, người vợ… luôn là “bến cảng” cho người giữ biển neo đậu. Hình ảnh mẹ “ngồi khâu nỗi nhớ”, đỏ mắt chờ chồng, con trở về, đã trở thành biểu tượng của sự kiên cường, của ý chí người Việt bao đời nay (Trường Sa không sóng). Hình ảnh người vợ, đến ngày giỗ chồng, chị ra đảo mang theo bao kỷ niệm: bi đông nước giếng Cầu, mấy quả chanh gội đầu… mà ngày nào anh vẫn tắm nước giếng làng, vẫn gội đầu bên chị làm ta xúc động (Chị ra với đảo). Người đã ra đi vào cõi bất tử, nhưng hình ảnh thân thương của các anh vẫn đau đáu trong lòng những người mẹ, người vợ và quê hương. Văn Hiền buông một câu thơ rất khái quát:

“Lặn trong khắc khoải Trường Sa
Đêm đêm lắng sóng mưa nhòa hậu phương”
(Trường Sa không sóng)

Sức mạnh của dân tộc, oai linh hồn thiêng sông núi 4000 năm vọng về từ chiều dài thời gian, chiều rộng không gian và cả chiều sâu trong lòng biển: “Từng mét nước/ Chênh chao bão tố/ Ta nối bờ/ Dài rộng bốn ngàn năm” (Gửi Hoàng Sa).

Để giữ trọn biển trời Tổ quốc đâu chỉ có màu hồng và hào quang chiến thắng, những tổn thất luôn đè nặng lên bao ngôi làng chài nhỏ bé. Cuộc sống của người dân nghèo vốn lam lũ lại chồng thêm bi kịch sau bão lũ:

“Nến nhang cháy đỏ mắt làng
Vọng phu hóa đá chang chang biển chiều”
(Miền Trung sau bão)

Nhưng trên hết vẫn là lạc quan, là khát vọng và ý chí vươn khơi, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong Đất neo biển, ta bắt gặp hình ảnh những con người khỏe khoắn: “còn căng ngực gió” (Đất neo biển), “Da săn muối mặn” (Gái biển Quỳnh Long), “Trái tim đập cồn cào ngực sóng” (Gửi Hoàng Sa), “gân guốc thịt da”, “nghìn tay quạt sóng”, “Căng tràn ngực chắn bão sa” (Tế linh giữ đảo)… như là một biểu tượng đẹp.

Qua Đất neo biển, ta còn cảm được một tấm lòng với những trăn trở về tình người, tình đời, về lẽ sống và thế thái nhân sinh. Qua từng số phận, qua từng sự kiện, nhà thơ bày tỏ lòng cảm thương con người và khái quát cả những tồn tại xã hội. Cái nhìn của Văn Hiền vừa có sự ấm áp, bao dung của một nhà thơ vừa có sự sắc sảo của một nhà báo từng trải qua những năm tháng chiến tranh và những năm cơ chế thị trường.

Ông đượm buồn trước cảnh nghèo của nhà văn Sơn Tùng, một người con vùng biển, người cô đơn “Như cây tùng – vách đá chon von”, người phải trải qua những năm tháng cơ chế thị trường một cách lạc lõng “Muộn màng anh hùng – Giải thưởng cao không nhận”, nhưng ông vẫn sáng mãi một nhân cách như “vầng trăng cửa bể – thao thiết sáng bên trời”.

Chiến tranh đã lùi xa, cái mà người dân cần là cuộc sống no cơm ấm áo, nhưng bao vất vả, lo toan vẫn còn đó, sự đời, sự thế ngổn ngang. Biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do là chưa đủ, thế hệ hôm nay phải tự tay vun đắp cho ngày mai, có một chút bùi ngùi trong câu thơ:

“Bằng Tổ Quốc Ghi Công
Treo cao hơn
Cháu con chẳng thể nào ăn theo
Vinh quang quá khứ”
(Viết ở nghĩa trang đồi A1)

Đất nước này trải qua bao phen binh lửa, chiến tranh kết thúc mà vẫn còn đó nỗi đau trên mắt mẹ, cả trong bữa cơm, giấc ngủ. Người mất đã đành, người còn cũng mòn mỏi. Hình tượng mẹ Thứ đợi con bên mâm cơm trong bức ảnh của nhà báo Trần Hồng cùng lời thơ Văn Hiền khiến ta rơi nước mắt:

“Nước non tắt lửa binh đao
Lời ru hương khói cồn cào đêm đêm
Nghìn ngày nghìn miếng trầu têm
Nghìn ngày hóa đá bên thềm mẹ ơi”
(Mẹ Thứ)

Ra khỏi chiến tranh, chúng ta phải đối mặt với những bon chen:

“Bạn bè gặp nhau chuyện thị trường đắt đỏ
Giấu làm sao sấp ngửa ngày thường”
(Nói với tháng Ba)

Rồi Văn Hiền nuối tiếc ngày xưa. Có lẽ ông nuối tiếc cái không gian bình yên của làng quê với rơm rạ, những đêm em đi cấy sáng trăng, nhớ hương sen thoang thoảng, tiếng mời chè chát lao xao, nhớ những điệu ca trù văng vẳng đêm đêm,… tương phản với những khối bê tông xám xịt, nhạc xập xình,… thời đô thị hóa chứ không phải Văn Hiền thủ cựu. Ông biết mặt trái của cơ chế thị trường với bao chuyện thị phi: “vỉa hè tiếu lâm nghiêng ngả – mua quan, bán chức… xây lầu”, những giá trị đạo đức ngày càng mai một: “câu cảm ơn quên nói”; vì “đồng chí, đồng hương, đồng đội” mà “lỗi lầm ngại mất lòng nhau”; con người “dửng dưng mất mát nỗi đau”; “tiếng chào nhạt nhòa âm sắc”…

Nhân dân đã làm nên cách mạng long trời lở đất, giành lại quyền sống, quyền làm người, thế nhưng… vẫn còn nhiều điều phải làm, nhiều điều để nói, nhà thơ thẳng thắn nhìn vào hiện thực:

“Người thợ chiếm tòa công sứ xa xưa
Lay lắt từng năm đồng lương hưu trượt giá
Anh lính phòng không về quê không đất
Cặm cụi vá xe kiếm sống bên đường
Điện thừa ca ba, thợ mất việc làm”
(Nếu không một mùa thu)

Trăn trở cho đời, Văn Hiền thấy trách nhiệm còn ở chính mình. Ông tự vấn và cho rằng, mình còn nặng nợ với đời, với người và quê hương đất nước: “nợ vùi mộ gió”; “nợ từng con nước”; “nợ xanh một chấm đất liền”, nợ “đảo xa”; nợ ông bà “nén nhang” “mình chưa thắp trọn”; “nợ làng một thuở lon ton”…

Văn Hiền có thế mạnh cả ở thể lục bát và thơ tự do. Thơ ông dung dị, đượm buồn, day dứt và dễ đi vào lòng người, thế nên trong Đất neo biển hầu như không có những bài hào hùng mà thường sâu lắng. Tôi chỉ hơi lấy làm tiếc là tập thơ chưa xuất hiện nhiều hình ảnh người lính hải quân, những người con ưu tú và tiên phong giữ biển, hy sinh niềm vui, niềm hạnh phúc riêng tư để làm tròn chữ trung với Nước.

Trần Hữu Vinh