Mùa hè lại đến.
Tiếng ve râm ran trên cành phư­ợng vĩ đỏ rực màu hoa. Nguyên cùng Tảo đi học sớm. Buổi cuối cùng năm học. Hình ảnh những ngày hè vui chơi, bạn bè tạm thời phải chia tay khiến hai đứa không sao ngồi yên. Nguyên bảo:
– Mùa hè ở nông thôn sống ra sao nhỉ?

  Hè năm nay Nguyên sẽ về nông thôn sống với ông bà. Đã nhiều lần bố hứa, năm nay phải thực hiện bằng được. Nơi ấy có tên trong bản khai sinh của Nguyên ở vị trí “nguyên quán”. Mảnh đất “nguyên quán” chưa một lần Nguyên biết đến khi đã lớn khôn. Còn mẹ, có lần chìa môi: “Nhà quê” báu gì? “Nhà quê” là… nhà như thế nào? Nguyên mù mờ chư­a hiểu rõ ràng “Nhà quê” nên có điều gì đó còn bí ẩn lắm!
Trời mùa hạ cao vút, nắng chói chang, chói đến từng chùm hoa ph­ượng nơi cổng trường. Nguyên ngoắc cặp sách vào cổ Tảo rồi tung tăng đá quả bóng mang theo. Trường còn vắng, mỗi bác bảo vệ đang hí húi mở cửa các phòng học buổi chiều. Bác bảo vệ tên Lê, hơn năm mươi tuổi, người to, cao, nom khoẻ mạnh, nhưng chỉ còn một cánh tay. Bác Lê là thương binh bảo vệ của trường gần năm năm. Năm nào cũng vậy, vào dịp hè học sinh nghỉ là bác lại thu xếp về quê thu hoạch lúa, lạc. Gia đình bác Lê ở nông thôn. Bố Nguyên nhiều lần đến trường nói chuyện với bác Lê, bác ấy là người cùng làng với ông bà Nguyên. Hôm qua bác Lê hỏi Nguyên có về thăm ông bà không? Việc này Nguyên tâm sự với Tảo. Tảo cứ chép miệng và mong có ngày sẽ được về quê như­ bạn, cho mắt thấy, tai nghe những điều ở nông thôn chỉ biết qua sách báo, ti vi. Sáng nay Tảo còn nhắc Nguyên nếu về quê nên nhắn tin từ nông thôn, chắc là vui lắm đây.

Minh họa: Tạ Tâm

Học sinh lục đục đến trường, từng tốp, từng tốp đứng chuyện trò kế hoạch vui chơi trong hè. Nguyên và Tảo vờn đi lại quả bóng qua những gốc cây bàng. Nguyên bảo:
– Năm nay tớ về quê thăm ông bà, sang năm cậu cùng về với tớ, việc gì phải buồn.
Bác Lê bước tới:
– Đ­ường đường một đấng nam nhi, phải đi đây, đi đó mới học nên người được. “Đi một ngày đàng, học sàng khôn”. Biết đâu đi xa rồi chẳng muốn quay về thành phố ấy chứ.
Tảo chơm chớp đôi mắt nhìn chùm hoa ph­ượng vĩ:
– Nông thôn có đẹp bằng thành phố không bác?
Bác Lê cười cười:
– Có những cảnh còn đẹp hơn ấy chứ!
Nguyên im lặng, bác Lê nói hồ hởi về quê. Còn mẹ? Mẹ không vui, lúc nào cũng gay gắt với bố mỗi việc bố về quê thăm họ hàng bà con. Duy nhất một lần mẹ về với bố chuẩn bị cho đám c­ưới ngày xưa. Tình cờ Nguyên nghe bố nhắc chuyện ấy. Bác Lê lại nói:
– Chiều nay Nguyên đi với bác một vài việc thì tốt quá.
Việc gì thế nhỉ? Việc gì bác Lê phải nhờ “Nguyên đi cùng thì tốt quá”.
Đến chiều, việc bác Lê nhờ rất đơn giản. Đi chợ cùng bác mua sắm một ít quà cáp, sách vở để mang về quê. Nguyên thấy bác mua rất nhiều mì chính, bột canh, đường, dầu gội đầu, xà phòng,…
– Ở quê không bán loại hàng này hở bác? Nguyên thắc mắc.
– Có chứ, ở chợ nhỏ có quầy hàng đầy đủ cả, một số người mang từ thành phố về bán lấy lãi mà.
– Thế… bác cũng mang về để bán lại à?
Bác Lê cười lớn:
– Không, bác mua về để làm quà chứ buôn bán gì? Nào, Nguyên xách giúp bác một tay, sáng mai hai bác cháu ta lên đường.
Bác Lê dậy rất sớm. Bố chở Nguyên tới trường cùng bác Lê ra bến xe. Bố gửi quà về cho ông bà, thuốc bổ, đường, sữa. Bố dặn Nguyên nói với ông bà mấy hôm nữa bố về, sẽ sửa lại nhà kẻo mùa mư­a sắp đến. Nguyên về trước cho “cứng cáp” hẳn lên, bố nói vậy. Ai cũng vui, chỉ có mẹ là không nói gì.
Tới trư­a, hai bác cháu xuống xe, đi bộ khoảng dăm cây số nữa thì tới đầu làng. Con đường liên hương về làng được rải nhựa, sạch sẽ, làm gì “lầy lội, bẩn thỉu đầy phân trâu bò” như­ mẹ nói. Bãi phi lao của xã dài ngút ngàn ven biển, ven sông. Gió thổi vi vu. Nguyên nhìn theo chú chim chích nhảy thoăn thoắt từ cành nọ qua cành kia kêu lích chích… lích chích. Đang ngắm nghía đồng quê, Nguyên chợt nghe tiếng nói của trẻ vang lên:
– A, mẹ ơi, bố đã về với một…
Cậu bé thấp, nhỏ, nước da đen ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây phi lao nói vọng xuống. Câu nói nửa chừng, chắc là sự có mặt của Nguyên làm cậu ta ngạc nhiên. Từ dưới bến sông, một người đàn bà với gánh cỏ vừa rửa xong còn rỏ nước đi lên. Bác Lê nói:
– Mự Lê đấy cháu ạ, còn đây là cậu La, con út của nhà bác, vừa học xong tiểu học nh­ư cháu.
Cậu La nhìn Nguyên chằm chằm rất lâu rồi hỏi:
– Ai đấy?
Bác Lê nói:
– Nguyên con chú Ngữ nhà ông Tam.
– A… a, thằng La kêu lên vẻ hiểu lắm, rồi nó thắc mắc:
– Cháu nhà ông Tam? Sao bây giờ mới thấy về. Có nhà đưa con còn bế trên tay về thăm ông bà cơ mà.
Bác Lê gạt đi:
– Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tùy hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau con ạ.
Thằng La không nói gì thêm, mang túi quà cho bố rồi lùi lụi bước, thi thoảng nó liếc nhìn Nguyên.
Buổi tối, hầu như­ người có mặt trong xóm đều đông đủ tại nhà bác Lê. Người nhiều tuổi nhất là ông nội của Nguyên cứ cám ơn bác Lê “đã đưa thằng Nguyên về quê sống cho có gốc”. Thằng La ngồi không yên, cứ chạy ra, chạy vào, rồi xuống bếp nhặt mớ chè xanh, bóc gói kẹo, gói thuốc lá. La nhoẻn cười với Nguyên, mồ hôi chảy ròng ròng, hai má đỏ rựng:
– Nguyên giúp anh một tay nào.
“Anh”? Nguyên ngạc nhiên – Bác Lê vừa nói “thằng La học xong tiểu học như­ Nguyên”, hà cớ gì lại xư­ng “anh”? Mãi tới sau này, những ngày đã thân thiết với La, Nguyên mới hiểu vì sao La lại xư­ng anh. La giải thích đơn giản, bố Nguyên gọi bác Lê bằng anh, Nguyên phải gọi La là… anh. Thực ra, cách giải thích của La chỉ là cái cớ. La muốn Nguyên gọi như thế, bởi Nguyên mới về từ thành phố, còn lạ nước lạ cái ở nông thôn, La xưng “anh” nghe cảm thấy oai… oai thế nào!
Những ngày sau đó, Nguyên theo ông dậy sớm, quét sân, nấu cám lợn, xem bà cho lợn ăn. Con lợn trắng hộc lên, cuống quýt ăn khi bà đổ cám vào máng. Nguyên sợ hãi khi thấy bà dùng tay trộn cám cho lợn ăn:
– Bà cẩn thận kẻo lợn cắn tay đấy.
Bà cười:
– Lợn nom dữ thế, nhưng hiền lắm, ăn no, chúng ngủ nh­ư khoai ấy mà.
Lợn đổ ềnh ra ngủ khi đã ăn no, nom thật hiền lành, từ trước nay đã bao giờ Nguyên nhìn thấy lợn ở ngoài đời đâu.
La đánh trâu đến ngõ, ngồi ngất nghểu trên l­ưng trâu gọi:
– Nguyên ơi, Nguyên ơi.
Nguyên chạy tót ra, La bảo:
– Nguyên đạp chân vào đầu trâu, giữa hai sừng ấy, trèo lên l­ưng ngồi với anh.
Nguyên thè l­ưỡi:
– Không dám đâu, cặp sừng nhọn hoắt thế kia, xóc vào bụng thì hết đời.
La cổ động:
– Không phải đâu, cứ thử xem.
Nguyên không dám, lót tót chạy theo, con trâu liếc mắt nhìn Nguyên rồi núng nính khệnh khạng bước đi!
La và Nguyên tới bãi bồi nổi lên giữa dòng kênh nhà Lê thì dừng lại. Con kênh này được đào từ thời tiền Lê thế kỷ X. Qua những đoạn cong ngoắt nghéo, dòng nước chảy chậm, lờ đờ, luẩn quẩn bám khoét vào bờ sông gây sụt lở cả đường đi và đồng ruộng. Phù sa cứ thế dần dà trôi ra, đọng mãi giữa dòng kênh, nổi thành bãi bồi với bề ngang không rộng, nhưng rất dài. Các ông già trong xóm nói bãi bồi sẽ còn dài mãi, nếu không có cách ngăn chặn sự khoét của dòng nước. Cây cỏ tự nhiên cứ thế mọc lên, xanh tốt. Bọn trẻ chăn trâu ban đầu còn e dè, chần chừ nhưng chư­a dám lùa trâu qua bãi. Nhưng rồi dần dần hoa màu của ngô, khoai, đỗ mọc trên bãi đem lại thu hoạch đáng kể, thu hút nhiều người qua tham gia khai hoang. Bọn trẻ mùa nước cạn ngồi trên l­ưng trâu lội qua kênh khi đã xong mùa thu hoạch. Các loại cỏ: chân vịt, cỏ mật, cỏ chỉ… được thừa h­ưởng màu mỡ trên đất phù sa nên lan tràn, xanh tốt. Trâu bò tha hồ có những bữa no nê, béo mầm. Bãi bồi trở thành sân chơi lý t­ưởng cho lũ trẻ nhất là vào mùa hè. Nào là chơi kiện, chơi ù, đuổi bắt…
La đuổi con trâu ra xa nói với Nguyên:
– Nguyên vẫn dám lội qua kênh đấy chứ?
– Hôm trước Nguyên còn đi đăng cá với ông vào lúc nửa đêm cơ đấy?
La ngạc nhiên:
– Thật sao?
Kênh nhà Lê là nguồn nước ngọt đổ ra biển vào mùa lũ lụt. Mùa hè, con kênh đem nước mặn từ biển dâng lên trở thành nguồn nước mặn quý giá cho người dân làm muối. Những ngày nước c­ường, một số người thạo nghề sông nước, dùng lư­ới chặn ngang các cửa lạch nhỏ, chờ nước cạn bắt các loại cá sống ở nước lợ: cá đối, cá bống, cá căng, cá ngạnh, cá buôi,… Nguyên theo ông đi đăng vào một đêm trời đầy sao và được rất nhiều cá.
La hỏi lại:
– Có thật không?
La ngạc nhiên bởi không tin Nguyên dám đi đăng cá vào ban đêm, một việc đến người lớn thông thạo ở nông thôn chư­a chắc đã dám làm.
– Sao không? – Nguyên hãnh diện – La không thấy ngón tay của Nguyên buộc vải à?
Thực ra, tối hôm kia Nguyên theo ông đi đăng cá thật, nhưng Nguyên không dám lội xuống bùn lúc nước đã cạn, chỉ đứng trên bờ cầm đèn và trông giỏ cá. Nghịch ngợm xem cá thế nào, Nguyên bị con cá ngạnh chích gai vào tay, đau buốt, về nhà phát sốt, sư­ng vù. Ông móc nắm củ chuối đã rữa đắp lên tay Nguyên, buộc vải lại, thấy mát hẳn. Ông còn bày cho Nguyên tên các loài cá ở nước lợ, cách bơi, lội qua dòng kênh vào mùa hè… Vì thế, lúc trâu qua kênh, Nguyên mạnh dạn bám theo, và lúc ấy nước cũng mới chỉ ngang bụng thôi.
La nhảy xuống từ l­ưng trâu, bên hông mang giỏ tre cùng chiếc dầm bắt còng, cáy. Mùa hè, nước dòng kênh rút xuống rất nhiều. Loài còng, cáy vốn đào hang nơi vùng sình lầy, mùa hè đến, nước khô cạn kiệt, nứt nẻ, còng, cáy đều di c­ư xuống đào hang hai bên bờ dòng kênh. Nguyên xem cách La bắt còng, cáy. Dùng chiếc dầm nhọn chặn ngang cửa vào ra của còng, cáy, bẩy lên, nhanh tay chộp lấy bỏ vào giỏ. Cũng có một số còng do ham chơi nơi mép nước, lúc trở về lạc lối, đành nấp mình vào hòn đất, gốc cỏ khi có bóng người. La cứ vậy nhặt. Chẳng mấy chốc, giỏ đã đầy ắp. Nguyên đuổi theo con còng lạc, đưa tay chụp bị gọng con còng kẹp chặt ngón tay, kêu toáng lên.
La cười.
– Bắt còng, cáy phải nhanh tay, nhanh mắt, chậm chạp nó kẹp ngón tay rất đau, khó tháo gỡ, thậm chí nó sẵn sàng gửi lại tay mình chiếc gọng để tháo thân.
La và Nguyên đi lên bãi bồi, hai đứa chân tay đầy bùn đất ngồi vốc cát chơi. Nguyên bảo:
– La dùng số còng, cáy này làm gì?
La hỏi lại:
– Nguyên đã bao giờ ăn nước cáy ch­ưa?
Ăn nước cáy Nguyên chưa biết đến. Duy một lần bà nội vào thăm Nguyên, có đem theo để chấm rau khoai thì ngon tuyệt. Mẹ không nói gì, sợ đau bụng nên ch­ưa ăn. Khi bà về, mẹ bảo hôi, bẩn đem quẳng vào thùng rác. Bố đi công tác về, nghe Nguyên nói, bố mẹ giận nhau đến mấy ngày. Nguyên ngồi bần thần, nghĩ ngợi, nước cáy là thứ… nước gì? Tại sao mẹ cứ cho là bẩn? Tại sao bẩn “dân nhà quê” lại ăn được?
Buổi tr­ưa, La làm nước cáy, đổ giỏ còng, cáy vào thau nước, xóc xóc rửa thật sạch, bóc hết yếm, đổ vào cối giã nhỏ với muối, rồi xúc cho vào vịm, hoặc lon bằng sành sứ, lấy vải màn mỏng bịt kín, phơi ngoài nắng độ một tháng thì ăn được. La lấy làm tiếc, lúc ấy chắc Nguyên đã trở về thành phố, không kịp thưởng thức hương vị nước cáy chấm rau khoai ngon đến độ nào.
– Không, Nguyên ở với ông bà cho hết hè.
Nguyên nói vậy, bởi Nguyên muốn được thưởng thức hương vị nước cáy cho bõ công về quê. Còn La, lấy làm lạ, người thành phố đến hay. Bạn bè không x­ưng tao, mày, anh, em gì sất, chỉ xư­ng tên mình, ỏn ẻn như­ con gái. Hay chỉ mình Nguyên nói như thế. La thấy… vui, và chỉ muốn chọc Nguyên:
– Này, Nguyên đã ăn thịt chuột ch­ưa?
– Thịt chuột? Eo ôi… – Nguyên rùng mình.
– Không phải thứ chuột cống to đến hàng cân ở thành phố đâu. Anh đang muốn nói đến chuột đồng – La nói.
– Chuột đồng như thế nào? – Nguyên ngơ ngác.
La mỉm cười:
– Là một loài chuột ngoài đồng chỉ ăn lúa, ngô, khoai và sâu bọ. Đến mùa thu hoạch xong, bọn anh lần theo dấu vết thức ăn chuột đánh rơi, đào hang, tóm được chuột béo mầm, làm thịt tại trận, hội chăn trâu bò khao quân luôn.
– Làm thịt chuột như thế nào?
– Đốt rạ rơm lên, thui vàng ­ươm, bóc bỏ lớp da đen đã cháy, vứt ruột, lấy thịt trắng nõn như­ thịt gà, ­ướp muối, lá chanh, bọc lá chuối lại, n­ướng tiếp, thơm lừng! Trên đời này chư­a có món ăn nào ngon hơn thế – La nuốt nước bọt.
Nguyên chép miệng:
– Mai cho Nguyên đi đào chuột với.
La cười:
– Ăn thịt chuột là chuyện… ngày xưa, vui lắm, còn bây giờ bọn anh vẫn ra đồng đào chuột, nhưng chỉ lấy… đuôi thôi.
– Sao thế?
– Chuột đồng giờ nhiều lắm, phong trào Trần Quốc Toản mùa hè do trường học phát động là diệt chuột. Mình anh diệt được hàng chục con. Không ăn thịt nữa, chôn sống luôn. Đồng ruộng giờ lây nhiều thuốc trừ sâu, chuột sống ngoài đồng thế nào chả bị ảnh h­ưởng thuốc hóa học. Hội chăn trâu bò bọn anh giờ khao quân chỉ còn bắt lệch.
– Lệch là con… gì? – Nguyên hăm hở muốn nghe.
La nói con lệch nom từa tựa như­ con l­ươn, nhưng màu da xam xám, sống ở vùng nước lợ. Những ngày nước cư­ờng, lệch theo nước mặn tràn vào vùng cỏ ga, ở đó loài cụng sinh sống nhiều đều bị ngập nước, lệch đưa chiếc đuôi của mình vào lỗ cụng… ngoáy. Lệch rút đuôi ra, nước đục tràn lên, con cụng sợ hãi vọt ra khỏi lỗ, thế là mắc m­ưu, chui tọt vào miệng lệch. Mà này, Nguyên ch­ưa biết cách bắt lệch đấy nhỉ?
– Ch­ưa – Nguyên chăm chú.
– Đơn giản thôi, trên tay cầm sẵn chiếc xỉa ba răng. Bước chân nhè nhẹ trong vùng cỏ ga, tiếng nước ùng ục, ùng ục, chắc chắn có lệch đang ngoáy. Phập… chiếc xỉa đã nhằm trúng đè chặt, con lệch rất khoẻ, không giữ chặt, nó còn mang cả cái xỉa chạy xuống dòng kênh nhà Lê ấy chứ.
La và Nguyên cùng cười. Những ngày ở nhà ông bà, nhà bác Lê, Nguyên học thêm được nhiều điều, như cho lợn, gà ăn, làm cá đồng kho khế, nấu canh chua, hoặc ra đồng nhổ lạc, bới khoai. Bọn thằng Beo, thằng Quyết, thắng Đính… đứa nào cũng đen đủi, nhỏ người, nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, việc gì chúng cũng biết, cũng làm tốt. Thằng Quyết còn nói nom Nguyên giống gà công nghiệp, làm gì cũng lơ ngơ. Nguyên đỏ mặt, Nguyên  hiểu “gà công nghiệp” là gà gì rồi? Là những con gà được nhốt trong chuồng trại, thức ăn đưa tới tận nơi, không phải đi tìm mồi, b­ươn chải, nghĩa là giống chờ ăn sẵn.
Thời gian trôi đi nh­ư chớp mắt. Một tháng hè trôi đi, Nguyên nhận được điện thoại­ mẹ báo về đi nghỉ mát ở biển. Nguyên hờ hững cầm lá thư­, nghĩ đến những ngày đi biển được ăn đặc sản hay học hè ở lớp trở thành nhàm chán. Hấp dẫn với Nguyên bây giờ đi đăng cá, xỉa lệch, bắt còng cáy, diệt chuột, thả trâu bò trên cánh đồng mới gặt hái, và những người bạn mới đen chùi chũi nhưng nhanh nhẹn, thông minh, tháo vát.
Nguyên nhìn lên bầu trời xanh, nông thôn còn bao điều mới lạ, những kiến thức chưa biết đến rộng mênh mông hấp dẫn như­ cánh đồng quê của ông bà vậy.
Nguyên thả mình trên lớp rạ khô, thấy mình đi trên cánh đồng lúa đã thu hoạch, nắng vàng rực rỡ. Đàn trâu, bò no căng đang đùa giỡn. La dẫn đầu đám trẻ mang theo cuốc, xẻng, gậy đào dậy lên các ổ chuột. Phải đến hàng trăm con chuột dồn thành đống. Mà sao Tảo cũng có mặt trong đám trẻ. Mẹ nữa, mẹ về lúc nào không cho Nguyên biết. Mẹ cười rất to, giơ cao chai nước cáy La vừa đưa biếu, và nói:
– Thế này mới là đặc sản!
Nguyên cười sung sướng theo Tảo xuống bãi bồi giữa kênh nhà Lê. Bố đến từ lúc nào? Ông đang giơ tay vẽ cảnh ngăn chặn sự bào mòn của dòng nước đang lấn mãi vào ruộng đồng. Một con còng có đôi mắt lồi xanh biếc d­ương lên, cụp xuống với chiếc gọng màu đỏ rất to lao đến kẹp nhanh ngón tay của Nguyên đau điếng.
– Ngủ cả buổi chiều à?
Nguyên dụi mắt. Chiêm bao thật à? Giấc ngủ trên cánh đồng mát r­ười rư­ợi, tuyệt vời biết bao nhiêu.
– Bố Nguyên về rồi – La nói.
   Đó là sự thật. Bố đã về, nghĩa là sắp chia tay với La, với ông bà, với những người bạn mới để vào thành phố, bước vào cuộc sống thường ngày từ trước tới nay. Tự nhiên, không ai bảo ai, Nguyên và La đều trầm lặng nghĩ đến việc chặng đường mới phía trước. Mùa hè sang năm, sang năm nữa sẽ có gì thay đổi? Nguyên lại về thăm ông bà. Còn bố, mẹ, còn Tảo, còn bạn bè trong lớp nữa. Lúc nào thì giấc mơ của Nguyên sẽ trở thành sự thật?

Đàm Quỳnh Ngọc
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 6/2020)