Chuyện mục Đất Nghệ- Người Nghệ trên Sông Lam số 7 giới thiệu với bạn đọc về một nơi mà tác giả Chu văn Sơn gọi là ”chốn thanh an”. Nơi được xem như là “một cảnh quan đang thiếu, một sinh thái đang cần cho đời sống này, thậm chí, một cảnh giới con người hằng ước trong thực tại này”. Đó chính là đảo chè Thanh An, “một vùng non nước thuộc huyện Thanh Chương, miền Tây xứ Nghệ”.

1. Kẻ khất thực thanh an
  Khi các bạn văn xứ Nghệ cho biết hôm sau sẽ đưa tôi đến một đảo chè thú vị có tên là Thanh An, tôi đã giật mình.
Suốt đêm, hai tiếng “thanh an” cứ khiến tôi day dở. Sao tôi đã nghĩ ngợi về điều ấy bao ngày, mà không ra ? Đã luôn tìm kiếm, mà không thấy ? Tôi đã nghĩ về nó như một cảnh quan đang thiếu, một sinh thái đang cần cho đời sống này, thậm chí, một cảnh giới con người hằng ước trong thực tại này. Tôi đã lẩn mẩn tìm cách gọi nó, nhưng chỉ gần gặn, suýt soát, chứ không thực là nó. Thì trong đêm ấy, hai tiếng kia đã giúp tôi định dạng cái mình hằng nghĩ, hằng tìm. Phải, cái mà tôi, và không chỉ tôi, đang cần, rất cần, đang tìm, ráo riết tìm, chính là Thanh An.
Trong vô thường muôn thuở, thanh an vốn đã là mong cầu của con người. Nhưng, có lẽ, chưa bao giờ, con người khao khát thanh an như bây giờ. Thời chiến, ngập trong binh lửa, tao loạn, người ta chỉ cầu bình an. Bình an là tạnh đạn bom, là thôi loạn lạc. Bình an để được sống sót, được làm người. Có được bình an là thấy đủ lắm rồi. Thời này, chỉ bình an thôi, không đủ nữa. Nay, tuy không đạn bom vây bủa, mà con người vẫn bị vây khốn tứ bề. Cuộc sống bị đầu độc từ mọi phía, bị ô nhiễm toàn phần. Ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm khí trời. Ô nhiễm âm thanh. Ô nhiễm thực phẩm. Ô nhiễm y tế. Ô nhiễm giáo dục. Ô nhiễm công quyền… Môi trường tự nhiên ô nhiễm đã nguy hại, môi trường nhân văn ô nhiễm còn độc hại hơn. Chưa bao giờ hơi thở nặng nhọc thế này. Cuộc sống không chỉ cần bình an. Cuộc sống còn cần trong lành. Tối thiểu là sạch. Nguồn nước sạch. Không khí sạch. Âm thanh sạch. Thực phẩm sạch. Giáo dục sạch. Y tế sạch. Công quyền sạch… Thế mà, cái điều tối thiểu ấy, thời buổi này, thật đáng buồn, lại đang trở nên không tưởng. Khi thanh sạch và an yên trở thành không tưởng, có nghĩa là thanh an đã bị khai tử. Không có thanh an, làm sao chúng ta có thể sống cho ra con người ? Tôi không định chơi chữ. Khác biệt tuy mong manh mà thăm thẳm thế kia giữa bình an và thanh an, có phải chuyện chơi chữ không ?
Có thể nói, chưa bao giờ, chúng ta bị khánh kiệt thanh an như bây giờ ! Cuộc sống đang biến mỗi chúng ta thành một kẻ khất thực thanh an mà không tự biết. Bộ lọc khí của mỗi chúng ta đều đã trở nên quá tải. Tâm hồn chúng ta, ngay cả ở người vững tâm nhất, cũng khó mà chế hòa khí nổi một dưỡng khí cho tinh thần trong bầu sinh thái tự nhiên và nhân văn nhiễm bẩn hiện thời. Chúng ta rời bỏ đời thường nơi đô thị, chốn chợ đời, sòng đời, trận đời, mê cung đời để tìm về thiên nhiên hoang dã, nguyên sơ, mong được lọc trong lại mình. Hàng tuần, hàng mùa, hàng năm có biết bao nhiêu đoàn người, biết bao nhiêu chuyến đi về miền hồ trong, suối khuất, núi tĩnh, sông êm, biển lặng, đảo vắng… Đó là những tour du lịch? Đúng rồi. Đó là những cuộc đổi gió? Phải rồi. Đó là những kỳ nghỉ ngơi? Đương nhiên rồi. Đó là những đợt bảo dưỡng? Cũng hẳn nhiên rồi. Nhưng, đó cũng là những chuyến khất thực, hơn thế, những cuộc hành khất. Cuộc hành khất của những kẻ đã cạn kiệt thanh an. Mỗi chuyến đi ngắn, ta gắng nạp lại cho mình một chút thanh an mong làm bình dưỡng khí mà đem về cho cuộc lặn ngụp trong môi trường nhiễm độc thường nhật. Ai biết, cái lượng thanh an nhỏ nhoi và ít ỏi ấy có đủ cho một lần ngụp sâu xuống dòng đời không ?

 Đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Quang Dũng

Tôi cứ vẩn vơ trong đêm: Thanh An liệu có thực không ? Có còn chốn nào được xem là thanh an nữa không? Làm sao nuôi dưỡng được thanh an trong cái thực tại ngày một xô bồ, nhiễm loạn này? Làm sao dám mong Thanh An như một cõi giới, cảnh giới. Bởi cảnh giới thanh an thực là thiên đường của mỗi người và mọi người. Nó chỉ có trong mơ thôi. Tôi chỉ ước ao nó là một cảnh quan, một nguồn sinh thái. Mỗi cảnh quan thực sự thanh an đã là một ốc đảo giữa sa mạc đời, một kho dự trữ những trong lành, một ngân hàng sinh thái tinh ròng quý hiếm cho hồn người trong thời buổi này rồi. Được ngâm mình, quên mình, quên đời trong một nguồn thanh an như thế, dù chỉ là phút chốc, chẳng phải đã là một may mắn sao! Và trong đêm, những nơi chốn tôi có duyên may được sống, được đặt chân tới cứ chập chờn hiện về. Những cánh đồng thật thà lành, những dòng sông vụng về trong ở quê Thanh ngày thơ ấu đã cho tôi cái vốn thanh an đầu đời. Những lãng bạc Tây Hồ, thủy trầm Ba Bể, những êm ả Đồng Mô, lai láng Kẻ Gỗ, rì rào Suối Mát, những ôn hòa Đà Lạt, thanh thỏa Ba Vì, thư thái Sa Pa, man mác sông Tiền sông Hậu… tôi đã qua lại trên các chặng đời. Tôi cũng đã tới những dòng sông yên vắng Luang Prabang, những cánh rừng nguyên sơ Bhutan, những biển đảo trong lắng Hawaii, những vườn phố thanh bình Melbourne … Khi thả mình, dầm mình vào từng chốn ấy, tôi chỉ thấy mình mải mê, mình bị cuốn hút. Mãi sau mới rõ tâm thái tràn ngập tôi bấy giờ, thực ra, là cái niềm hân hoan của kẻ đói khát sự thanh sạch an yên bỗng gặp được những nguồn thanh an của từng xứ ấy. Ấy là lúc có một tiếng nói rất trong, rất mát cứ ngân nga đâu đó ở cõi trong, cõi lặng của thân tâm mình. Nó khiến thân tâm thơ thới, thư thái, lòng đương mỉm cười cùng vạn vật, cùng tha nhân. Cũng mãi sau tôi mới vỡ lẽ: bản thể tự nhiên của mỗi chúng ta bị mai một theo cuộc lăn lóc, va xiết trong guồng đời, mỗi lần niềm hân hoan ấy tràn ngập là một lần vãn hồi những phần bản nguyên đã thất thoát rơi rụng, là một lần hoàn nguyên mình bằng nguồn dinh dưỡng thanh khiết của cõi sống này. Mỗi nơi đến ấy, đâu chỉ là một lần nạp đầy. Mà là một lần hồi sinh.
Và đêm nay, mỗi nơi chốn kia hồi hiện trong lòng đều cho tôi được sống lại những nguồn thanh an đã trải, được soi lại gương mặt ban sơ của mình. Song, cũng vẩn lên trong tôi chút lo âu: chẳng biết, nơi ngày mai mình tới có thực là chốn thanh an không, hay Thanh An chỉ là một địa danh rỗng, một cái tên hão gắn bừa cho một vùng đất thôi ?
2. Cảnh quan xinh xắn
  Thì ra, Thanh An là một vùng non nước thuộc huyện Thanh Chương, miền tây xứ Nghệ. Việc phát hiện ra thắng cảnh này cũng lạ. Cứ như tìm ra châu Mỹ. Mà lại thật khác. Thực thì, châu Mỹ vẫn ở đó từ bao đời. Dân châu ấy vẫn sống và vẫn biết có đất ấy. Cái gọi là “tìm ra” chỉ có nghĩa đối với người ngoài châu Mỹ thôi. Thì Thanh An cũng thế. Đảo chè đã được gây dựng đến mấy chục năm rồi. Người Thanh An hằng chăm chút nó cũng ngần ấy năm nay. Ấy thế mà, bỗng rầm lên trên mạng: phát hiện ra đảo chè! Sao phải phát hiện chứ? Đâu phải miền hồ hoang hút, khuất chìm giữa đại ngàn. Đâu phải đỉnh già, đỉnh non ngập lút trong mây mù. Càng không phải hang động bị vùi lấp dưới móng núi chân rừng. Có cần kì công thám hiểm mới phát giác được đâu! Vậy mà, vẫn cần phát hiện. Số là, bấy nay, đảo chè với người Thanh An chỉ là nông trường, đâu phải thắng cảnh. Đứa con mới chỉ được chăm sóc thể năng, cốt khỏe mạnh, giỏi giang thôi. Còn nhan sắc thì đâu có tính đến. Mãi khi thiên hạ đồn kháo, phụ huynh mới ớ người: Té ra, hoa khôi ngay trong nhà mà nỏ biết! Thế đấy, ở đời, lắm khi, nhìn ra cái đẹp đâu có dễ hơn tìm ra châu Mỹ! Nhất là với những cái đẹp quá quen gần.
Công này thuộc về cánh phượt thủ. Sự cố Formosa không chỉ khiến nghề cá khốn cùng, mà còn cướp mất một miền du lịch biển hấp dẫn vào bậc nhất của cả nước. Đường về biển ấy xem như đã bị lấp lối. Vậy, dừng bước sao ? Không, phải chọn hướng khác: lên rừng, vào núi. Cảnh quan xinh đẹp đất này đâu có thiếu. Chúng vẫn ém sẵn, náu sẵn đó đây. Giờ là lúc cần khởi dụng. Một nhóm phượt thủ sành điệu, ghiền khám phá chốn mới lạ, mê phát giác cảnh nguyên sơ, đã tìm lên Thanh Chương. Tình cờ, họ ghé Thanh An. Và, đã sững sờ trước vẻ đẹp đảo chè. Họ không thể tin: ở một nơi cách thành Vinh chỉ năm chục cây số, mà lại có một thắng cảnh sinh thái xinh xắn thế này! Bơi thuyền quanh hồ, trèo lên từng đảo, niềm hân hoan càng được kích hoạt hơn. Mắt họ thì trải 360 độ, mắt máy thì Panorama khắp cả trăm ha vùng hồ chè. Có đến gần bốn chục đảo và bán đảo. Thật là một thê đội kỳ lạ! Cứ như một bầy rùa xanh cổ đại nhổm hẳn mình trên mặt nước mà thong thả bơi vậy ! Thế là bao nhiêu bức ảnh chụp cận, chụp toàn, chụp smartphone, chụp flycam, những clip tại chỗ với mọi lời bình ngây ngất được họ tung ngay lên mạng. Trong giây lát, chúng được share chóng mặt, nhân bản như sao biển. Cũng từ bấy, những đường link nhiệt thành đã dẫn người muôn nẻo về với thắng cảnh đảo chè.
Đương nhiên, khi tấm ảnh đầu tiên được up, thì đảo chè Thanh An cũng bắt đầu thay đổi thân phận. Một cuộc tự diễn biến, tự chuyển hóa chính thức diễn ra ở chốn này: nông trường hồ đảo chè lùi vào hậu cung nhường ngôi cho thắng cảnh hồ đảo chè. Sơn nữ đang lẫn mình giữa lâm tuyền vụt thành hoa khôi lên ngự mặt tiền.

Ảnh: Sách Nguyễn

Đoàn chúng tôi lập tức bị hút hồn bởi vùng sơn thủy dễ thương này! Ai cũng trầm trồ rằng vẻ đẹp Thanh An quả là bõ công người lặn lội tìm về. Mấy bạn Nghệ thì khoe ngay những danh xưng mà dân phải lòng Thanh An từng tấn phong cho thắng cảnh đây. Nào “Vịnh Hạ Long xứ Nghệ”, nào “Long Tỉnh Nghệ An”… Tôi thì thấy thú vị với ví von “Mộc Châu giữa lòng xứ Nghệ”. Quả là một Mộc Châu thu nhỏ. Một Mộc Châu mà gò đồi không liền cật liền chi, xứ chè không đa sơn thiểu thủy. Vẫn máu mủ ruột rà đấy, nhưng từng đồi đã tách ra ở riêng thành từng đảo. Mỗi đồi chè không chịu khô chân nẻ cẳng, mà suốt ngày thỏa thuê tắm táp bơi lội giữa một lòng hồ xanh văn vắt. Một Mộc Châu mini mà đủ đầy cả thủy tú sơn thanh.
Chiều hôm ấy, cứ mỗi khoảnh khắc, Thanh An lại hiện trước tôi một vẻ khác. Theo con mắt Flycam, nhìn từ trên cao chiều thẳng đứng, thoạt tiên, tôi thấy mỗi đảo chè như một lát cắt ngang thân cây gỗ khổng lồ, mà mỗi vòng chè là một vòng gỗ, có vẻ như muốn giấu kín trong nó những thông tin bí mật về thân phận đảo, duyên phận hồ, về mồ hôi và tâm huyết của con người chốn này. Tôi cũng thấy mỗi đảo chè như một dấu vân tay khổng lồ màu lục bảo, toàn những đường vân xoáy ốc mà dân gian vẫn gọi là hoa tay. Vân tay của Con Tạo đã in qua hoa tay của Con Người. Nhìn du khách đang lần theo từng vòng trôn ốc lên chót đỉnh mỗi đảo chè, tôi lại hình dung mỗi vị như một hành giả đang tò mò men theo những đường vân trên ngón tay Phật tổ. Rồi cảnh tượng cũng khiến tôi thấy hồ đảo chè như một tấm danh thiếp của Thanh An, mà trên bề mặt phẳng lặng của nó chả cần in dòng tên nào, chỉ cần những dấu vân tay nổi, y như đang muốn chấm cả vào hư không kia là đủ. Rồi nữa, thì tôi thấy hồ đảo chè như một bức tranh sơn thuỷ toàn xứ sở, trong đó mỗi đảo chè vừa là một hình non dáng núi được kiến họa, lại vừa như một dấu ấn chương mà đồng tác giả Thiên Nhân thầm in vào non nước… Thật kỳ thú ! Miền hồ Thanh An có thể thỏa lòng những ai đang khát thèm một phong cảnh thanh an.
Bồng bềnh trên du thuyền giữa trời nước Thanh An, có lúc chúng tôi đã lan man về cái đẹp và mưu sinh. Mọi người nghiệm ra: lắm công trình sản xuất chỉ nhắm vào nhu cầu nóng của cái dạ dày, lại chưa chắc đã giúp con người thoát khỏi chật vật áo cơm. Còn khi nhắm cả tới văn hóa, nó lại có thể là một một nguồn thu bất ngờ và bất tận. Quả có vậy. Trước, chè lá, chè búp, dù có sản ra hàng tạ, có xuất đi hàng tấn, thì cũng chỉ là thứ hàng hóa phải chăng. Cây chè chỉ nuôi được Thanh An mức tùng tiệm. Nay cảnh quan vùng chè là một thứ siêu hàng hóa. Thanh An có thể hái vẻ đẹp của phong cảnh ra tiền. Cái đẹp không vô tích sự. Cái đẹp đang làm giàu cho quê. Thế nên, theo nghĩa thiết thực nhất, cái đẹp đang cứu nguy cho cuộc sống đấy chứ! Nhiều nơi trên thế giới đã đi trước về điều này. Ngay khi tạo dựng trang trại, nông trường hay xưởng máy, các xứ ấy đã luôn có ý biến chúng thành thắng cảnh. Tôi đã qua những vùng trồng nho của nước Pháp, nước Ý, vùng nào cũng lộng lẫy như tranh vẽ, bước vào mỗi trang trại là bước vào một danh thắng. Tôi cũng đã đến nơi chế biến bơ, phômai, sô cô la, thậm chí, vào nơi chế tác đồ thủy tinh, đồ gốm, đồ ren… nơi nào cũng được design thành những chốn tham quan vô cùng bắt mắt. Du khách vừa mê mẩn hàng hóa vừa mê đắm cảnh quan. Niềm hân hoan trước cái đẹp ngầm kích hoạt cảm hứng sắm sanh, lưu niệm. Theo cách đó, cảnh quan cứ dắt du khách đến với hàng hóa. Cái đẹp bồng bế sản phẩm đến cho con người. Nghĩa là, cái đẹp tự nó đã là một sứ giả, một nhân viên marketing vô hình. Tất nhiên, là nói chung vậy. Còn cái đẹp Thanh An thì khác hơn. Nó không hẳn là mồi dẫn cho việc bán chè. Giờ thì vai đã đảo rồi: cây chè, với những sản phẩm của nó, lùi xuống thành nhân vật phụ, cái đẹp của toàn cảnh quan mới là nhân vật chính.
Vậy là, ở Thanh An, cái đẹp đã lên ngôi. Ngẫm ra, mừng thì mừng thật mà cũng lo sao. Bởi nhan sắc Thanh An lọt vào mắt xanh của người thưởng ngoạn, thì cũng lọt vào mắt đục của kẻ muốn tận thu. Thời nào cũng thế, quan tâm Thúy Kiều đâu chỉ Kim Trọng, Từ Hải. Dòm dỏ Kiều còn bao nhiêu mụ Tú, gã Mã nữa… Sơn nữ chân quê miền sơn cước có cơ được đầu tư để thành hotgirl, thậm chí thành sao của giới showbizt. Có thể đắt khách hơn, nguồn thu bộn hơn. Nhưng cái đẹp Thanh An rồi nữa sẽ ra sao ?
3. Sinh thái trong lành
  Nếu vẻ xinh xắn hoàn toàn hữu hình, thì sự trong lành không hoàn toàn vô hình. Cảnh quan làm mãn nhãn ta, sinh thái mới nuôi dưỡng thân tâm ta. Người đến với Thanh An, đâu chỉ được hân hoan trước cái đẹp, mà còn được thanh thỏa bởi sự trong lành. Dù rằng, không phải ai cũng nghe rõ sự trong lành thấm thía vào tâm thể mình ra sao.
Người lái du thuyền tính tình mộc mạc đưa ngay chúng tôi lên đảo trung tâm, vì : “Lên đấy mới đẹp tề! Tha hồ ngắm vô tư”- anh bảo thế. Nhưng lên đấy, thì ùa vào mắt tôi, thấm vào da thịt tôi nhiều hơn lại là cái thanh an của sinh thái chốn này. Từ trên đỉnh, nhìn suốt một dải lòng hồ quanh co là liên khúc những đảo chè xa hút tầm mắt. Đảo dù lớn dù nhỏ cũng tạo theo hình ruộng bậc thang. Mỗi bậc thang chè đều được xén phẳng phiu, rõ ra nền ra nếp. Từng bậc xanh, từng vòng mượt như nỉ, như nhung cứ lượn quanh, quấn kín từ chân lên đỉnh mỗi trái đồi. Ngần ấy trái đồi xúm xít bên nhau, hiền ngoan như một đàn con nhà lành. Tôi đã lẩn thẩn nghĩ: nếu vẫn với cả trăm ha diện tích mặt nước ấy, nhưng các đảo kia lại không phải chè, mà lại trồng một loài cây nào khác, thì sẽ ra sao? Rồi : nếu đảo vẫn là chè, nhưng các đồi chè không phải in xuống hồ tĩnh, mà ghé mình bên thác dữ, dầm chân trong suối xiết, thì sẽ ra sao ? Chắc hẳn, dù đẹp, nó vẫn sẽ là một cảnh quan khác, một sinh thái hoàn toàn khác, khó mà Thanh An được. Dứt khoát phải là chè, đảo chè. Dứt khoát phải là hồ, hồ nước tĩnh. Không thể khác. Chè lành và thơm. Hồ hiền và trong. Một xáo trộn, dù nhỏ, cũng sẽ làm thất thoát vẻ riêng của Thanh An, khiến nó không còn là mình. Tôi có cảm tưởng, về đây, gió có vẻ cũng nhón bước nhẹ hơn khi lướt qua vùng hồ. Tiếng chim hót dường cũng ý tứ hơn bên những rặng cây ven hồ. Nắng xem chừng cũng tỉnh lược bớt phần gay gắt khi tỏa xuống mặt hồ. Có tận mắt ngắm nhìn cả miệt chè ấy đang yên ả phơi xanh dưới nắng chiều dìu dịu cùng nước hồ văn vắt thế kia, có thấy mỗi búp chè, nhành chè đang nương nhau, đan nhau, thầm trao xanh cho nhau trong mỗi vạt chè nhu thuần thế kia, người ta mới thấy cái An cái Tĩnh trên toàn xứ Nghệ, chừng như, đã rủ nhau về trú ngụ chốn này.
Tôi chắc, bước vào đây, ngay cả người bạt mạng nhất lẫn người hoạt náo nhất cũng phải thấy ra đây không phải chốn nên gây náo động. Cũng không phải nơi để bày những dạ tiệc kiểu Lương Sơn Bạc hay lửa trại om sòm. Chỉ vài tiếng xập xình của điệu nhạc rẻ tiền, hay tiếng phành phành vô ý của động cơ du thuyền, chỉ đôi tiếng cười đùa quá lời, quá trớn, thậm chí, một nhịp chèo khuấy quá tay… cũng có thể làm tổn thương bầu không khí ở đây.
Tất nhiên, nó không phải cái u tĩnh huyền bí dành cho tín tâm của các Phật tử. Cũng không phải nguồn năng lượng kỳ bí dành cho người luyện chưởng. Mà, nó là cái thanh tĩnh dành cho người muốn tìm sự bình yên, bằng lặng ngay giữa đời thường, người muốn dung dưỡng tâm hồn ngay trong ngày hằng sống. Người giản đơn thì, sau một tuần mỏi mệt, muốn tìm chốn thư giãn để được trút bỏ khỏi mình, dù trong chốc lát, những bận rộn, ngổn ngang. Người giàu băn khoăn thì, sau một tuần bị nhấn chìm vào chốn phồn hoa hào nhoáng, độc tố vô hình đã ngấm vào thân tâm, muốn thoát tới một bến tĩnh nguồn trong để được lọc mình, thau mình. Người nhàu nhĩ bởi nhịp bon chen hối hả giữa chợ đời, sau những tháng ngày tơi tả muốn được nương vào một nhịp điệu chậm để níu giữ mình, hoàn nguyên mình. Nguồn năng lượng thanh tĩnh chốn này thật đáng là lựa chọn của họ. Môi sinh ở đây lúc nào cũng thầm lặng, cũng bận thanh lọc và lưu trữ sự thanh tịnh an yên. Vì thế, Thanh An dành cho nhã khách hơn tục khách, cho du lịch tinh hơn du lịch tạp. Người vào đây là để được sống chậm, sống sâu, dù chỉ là những chốc lát.
Riêng người nặng lòng với thiền trà chắc sẽ tìm thấy ở Thanh An một không gian lý tưởng. Không khí đã thật tĩnh, non nước lại thật trà. Còn mong gì hơn thế. Họ nhìn cả khu hồ đảo chè này như một trà viên sơn thủy. Phiêu hơn, còn có thể thấy đây như một thiền viện xanh, dù ở đây chưa có thiền sư, thiền tự. Họ ao ước: đâu đó trong vùng hồ sẽ mọc lên một lầu vọng cảnh cho người đến chốn này được thư thả ngắm từ trên cao, thậm chí được thiền tọa tít trên lầu thượng cùng hương hồ trà. Giá đâu đó trong những đảo chè kia, thấp thoáng đôi mái trà quán dựng bằng tre trúc, gỗ lạt, cho người đến có thể dừng chân thưởng trà. Và họ tin: vào chốn Thanh An này, một chén trà mạn ướp hương phong cách thiền giả thì cũng như một bát chè xanh vàng óng quê kiểng, một thanh kẹo vừng tinh chế thì cũng như mảnh kẹo cu đơ. Chốn Thanh An này có thể biến những sản vật khác nhau ấy thành nhã thú như nhau, có thể làm cho con người xa nhau xích lại gần hơn.

Du thuyền tham quan đảo chè. Ảnh: Hồ Nhật Thanh

Thì làm nên Thanh An là cả một sự hòa hợp bình dị âm thầm. Cái phẳng lặng của nước hồ. Cái trong veo của không khí. Cái nhu của nắng. Cái ngoan của gió. Cái bằng bặn của chè đồi. Cái khuất vắng của nơi chốn. Cái chân phác của con người. Rồi cả cái yên trong náu sẵn trong địa danh… Tất cả dường như cộng hưởng với nhau mà tạo cho chốn này một hồn cốt, một nguồn năng lượng. Người ưa lí tính thì bảo rằng chốn này lượng ô xi quá chừng dồi dào. Người thích phân tích sâu thì bảo rằng, thực chất, là lượng ion âm ở đây được sản sinh nhiều, nhanh và lưu chuyển phân tán rộng. Người mê phong thủy thì cắt nghĩa rằng ở đây sinh khí thắng vượt thán khí, xua tan sát khí. Người siêu hình hơn thì khẳng định đây là nguồn năng lượng tinh khiết của trời đất giúp hóa giải mọi phong bế, ách tắc của thân tâm, dung dưỡng sự tinh thông, giúp khai mở mọi luân xa, cho tiểu vũ trụ là con người nối kết hòa đồng với đại vũ trụ là tự nhiên. Còn giản dị hơn thì chỉ cần thấy rằng : bước vào đây, ngồi bên hồ, đi bên chè, ngắm mặt nước gần, vọng bờ cây xa… bỗng thấy lòng thư thái, bay bổng, ưu phiền được rửa, tị hiềm được trôi, thấy yêu sống, yêu đời. Lòng thấy trân quý chốn này. Trân quý cuộc sống. Trân quý những cơ hội được sống bên nhau. Chả thế mà, đó đây các đảo, bên cạnh những người mải mê chụp choẹt, selfies, cứ thấy thấp thoáng cả những người, nhóm người chọn chỗ khuất và bằng phẳng để an nhiên tọa thiền bên nhau, hoặc im lìm thụ khí, như đang cùng tập yoga hay luyện khí công vậy… Quả là thanh trong và an tĩnh! Quả đây là nguồn năng lượng cần cho việc nuôi dưỡng phần người cho con người, mà không phải người nào cũng tường tận.
4. Chốn về
  Lúc ngồi bên bạn bè, dạo trên mặt hồ dịu trong ấy, cũng là lúc tôi chợt nhận ra điều giản dị này: đời người là một cuộc tìm kiếm thanh an. Dù mỗi thời một khác, nhưng dường như đích đến đều chung. Ấy là sự trong lành, an ổn cho thân tâm và cho đời sống. Tất nhiên, có loại người không có hoặc sớm đánh mất khao khát ấy. Chả hiểu sao, với họ, trường đời là trường đục, đục nước mới béo cò. Để béo cò, họ đã cố tình khuấy đục, gây nhiễm. Họ sẵn sàng chà đạp lên thanh an ở đời này. Cũng có người thì thỏa hiệp. Với họ, nước trong thì làm gì có cá. Họ xoay xỏa để chung sống, chung thân với ô nhiễm. Còn phần đông thì không chịu thỏa hiệp. Dù bị đày vào giữa chốn o trọc, họ vẫn tìm cách hóa giải, vượt thoát. Còn sức, còn sống, thì còn cố kiếm tìm. Không được toàn phần, thì gắng được phần nào đó. Cố mà tìm nơi thanh an hơn cả trong cái môi sinh nhiễm bẩn này. Sống như là nỗ lực bảo dưỡng mình. Có người còn quyết trút bỏ hết, từ chối tất cả những nặng nợ thế tục để được sống với tự nhiên, với bản thể, bản nguyên của mình.
Khi ấy, tôi bỗng nhớ đến một người bạn lớn. Chị vốn là một nhà thơ có tiếng. Một đời thăng trầm: khổ nhục cũng lắm, danh vọng cũng nhiều. Bao năm đất cảng, lăn lưng kiếm sống, chăm lo gia đình, con cháu, đến lúc mọi chuyện cũng đã ổn hết rồi. Bẵng đi một độ ít liên hệ, tôi tưởng chị vẫn yên ổn phần đời còn lại với cuộc sống Hải Phòng. Nào ngờ, một lần, qua Facebook, lại thấy chị sống tận trong hồ Suối Vàng Lâm Đồng, như một nhà tu hành. Thì ra, bao năm chị nín lặng, nén chịu để làm tròn mọi bổn phận. Nay thì đã xong, chị thấy cần phải được sống cho mình, sống đúng mình. Chị đã quyết dứt bỏ hoàn toàn cuộc sống tiện nghi chốn đô thị phồn tạp. Một mình tìm vào giữa rừng sâu Đà Lạt, cất một căn nhà nhỏ, giữa thông ngàn, suối vắng, cỏ dại, hoa hoang, để mỗi ngày sống phải thực là một ngày thanh an cổ tích. Chưa bao giờ chị an lạc như thế. Nhiều bạn bè thấy người bạn bảy mươi tuổi dám sống như vậy, rất muốn noi theo. Người này người kia đã mua đất, cất nhà, đã vỡ hoang, đã gieo cây, ươm hoa… Nhưng giữa cuộc thì bỏ ngang. Về lại nơi phiền tạp, tiếp tục nhịp đời cũ. Thỉnh thoảng, ngán phố, có lên thăm người bạn già và chỗ đất đã khẩn đôi ngày. Cũng xem như là khất thực chút thanh an cho mình. Rồi, thì xuống núi, trong buồn bã.
Cứ ngỡ, ngày xưa mới có chuyện đi ở ẩn. Thời nay, ở ẩn chỉ còn là một hoài niệm xa xưa, một giá trị xa vời. Nhưng không phải. Nếu ở ẩn được hiểu là lánh đục về trong, chối bỏ bẩn kiếm tìm sạch, thì ở ẩn hiện đại có vô vàn dạng thức. Đâu chỉ là dời bỏ cung đình. Đâu chỉ là dứt bỏ quan trường, chạy khỏi kinh kỳ. Đâu chỉ từ bỏ phẩm trật, danh vị, lợi lộc. Mà còn chối bỏ đô thị. Chối bỏ chợ đời. Chối bỏ những vấn nạn công nghiệp. Chối bỏ vật dụng, tiện nghi trái tự nhiên. Chối bỏ những nhu cầu và lối sống thời thượng… Tựu trung, lánh đục về trong là chối bỏ cả môi trường nhân văn lẫn môi trường sinh thái đang ngày một ô nhiễm. Ở ẩn thời nay là một nỗ lực tìm nơi trú ẩn giữa thời bình, là đi tìm chốn thanh an vậy.
Đoàn đi của chúng tôi hôm ấy có một thầy giáo văn đã về hưu mười lăm năm. Mươi năm trở lại đây, anh đã dời nhà từ thành phố Vinh xuống mạn Cửa Lò, hy vọng tránh được phiền tạp của cuộc sống đô thị mà giờ đây anh không còn buộc phải lụy nó như trước. Ở nơi mới đó, anh cũng thấy cuộc sống bằng an. Có vẻ như anh đã an phận mà hưởng lạc dư niên. Cũng lâu rồi anh em chưa có dịp gặp. Nhân tôi vào, anh đã đi cùng cuộc này để có dịp bên nhau.
Nhưng suốt cuộc đi, chỉ thấy anh lẳng lặng ngắm nhìn, thi thoảng có nói, thì cũng chỉ đôi tiếng rời rạc. Chúng tôi đều nghĩ ngợi. Có thể anh đang có tâm trạng buồn riêng chăng? Hay việc tổ chức chuyến du ngoạn này có điều gì thất thố chăng? Mọi người thì cứ bên nhau, thưởng ngoạn, bình phẩm, hết chụp lại quay. Ai cũng xuýt xoa. Kể cả người đã từng lên đây đôi lần, vẫn không khỏi trầm trồ, vì chợt thấy Thanh An ở một góc nhìn khác, nét khác, mà các lần trước chưa thấy. Ai nấy vừa tận hưởng cảnh sắc, vừa không khỏi băn khoăn về người bạn già. Trong khi đó, anh bạn văn đã hồi hưu lại quay sang trò chuyện với cậu lái du thuyền cũng là một chủ nhân của vùng hồ đảo chè này. Anh hỏi về quá trình gây dựng, về giá đất, về giao thông, về an ninh. Hỏi cả về tình hình điện nước, giá cả sinh hoạt… Gương mặt rất đăm chiêu.

Chiều về trên đảo chè. Ảnh: Hồ Nhật Thanh

Mãi khi trở lại du thuyền, cùng dạo một vòng kĩ, trọn mọi phía hồ, anh mới dần dần nói nhiều. Thì ra, anh đang tính phương án có thể dời nhà một lần nữa. Và, về đây. Ô, thì ra thế. Vậy là anh vẫn không thể an trú với ngoại ô Vinh, dù đã bớt bao bụi bặm, bon chen, tạp nhạp. Anh vẫn quyết lánh đục tầm trong. Thanh An là cảm hứng mới của anh. Có lẽ đúng như vậy, năm thỉnh mười thoảng mới có một cuộc thế này, mới được tới một nơi thế này, chẳng qua chỉ là ăn đong, ăn may, những chuyến hành khất. Người ta cần phải được ăn hàng ngày. Thanh an phải là nguồn lương thực thực phẩm hàng ngày. Anh không muốn chỉ làm kẻ ăn đong, kẻ khất thực thanh an. Anh muốn được lánh hẳn vào chốn thanh an như thế này để sống phần đời còn lại của mình, để thanh an trở thành ngày thường của mình. Thì ra thế, nghe vậy, ai nấy mới nhẹ người, hết áy náy.
Từ trên thuyền nhìn cả hai phía bờ hồ, chân đảo và nhìn anh, chúng tôi cùng vẽ ra một viễn cảnh. Cảnh cũng chẳng khác mấy so với sách vở xưa nay. Một căn nhà nhỏ nơi hồ trong, đảo lành. Hàng ngày đọc sách, viết lách giữa cái thanh tĩnh của thiên nhiên. Mắt tha hồ no cảnh sắc xinh đẹp, hồn luôn tràn ngập sinh thái trong lành. Mỗi khi bạn đến, lại bơi thuyền sang bến, đón bạn ghé chơi, hàn huyên, đàm đạo. Ôi, đó chẳng phải vốn là giấc mơ của bao kẻ sĩ từ xưa đến rày hay sao? Cái nhịp sống thanh an muôn thuở của những văn nhân chẳng phải hoàn toàn có thể trình hiện ở chốn này sao? Và, thầm nhìn những người bạn mình, tôi bỗng thấy thật rõ hơn bao giờ: cái khao khát tìm một chốn về cho tâm hồn thanh thỏa, thư thái thực sự là một nỗi khắc khoải khôn nguôi ở những người có tâm lành, có cốt cách mọi thời. Dù anh bạn già của tôi đây có thực hiện được hay không, thì khát khao ấy, giấc mơ ấy trong mỗi chúng ta là có thật.
Nhưng, là người cả nghĩ, anh cũng bày tỏ mối lo âu. “Mình sợ rằng – anh nói – theo nhịp sống ồ ạt hiện nay, người thanh cũng tìm về đây, kẻ tục cũng kéo tới đây. Rồi nữa kẻ xấu mò đến, thì Thanh An có còn giữ được mình không ?”. Tất cả chúng tôi đều chia sẻ lo âu ấy. Và thật lạ, nỗi lo ở mỗi lòng riêng lại cùng dậy lên một lúc, khi cậu lái du thuyền cho biết về dự án cáp treo sắp sửa triển khai. “Ôi chà, cáp treo!”- chúng tôi cùng kêu lên thế. Cáp treo là một tiện ích hay cáp treo là một nguy cơ đây? Chẳng biết có thể hy vọng cái xấu đừng theo cáp treo mà vào chốn này không? Chả biết các ca bin chở khách vào vùng hồ đảo, thì chỉ chở theo những niềm khát khao thanh tĩnh, trân quý thanh an thôi, hay còn chở những gì khác nữa không? Và những dấu vân tay lục bảo trên mặt hồ kia, liệu chúng có bị dày vò, bị bợt bạt, te tua trước cơn lốc của du lịch tạp không? Rồi cả con người ở đây nữa, khi còn là nông dân, họ đã làm được điều tuyệt diệu là biến những đồi hoang thành đảo chè, nay thành người dịch vụ du lịch, liệu họ có góp phần vào cái quy trình ngược: biến những đảo chè thanh an kia thành chốn hoạt náo om sòm, hưởng lạc nhầu nhĩ, chỉ vì những lợi ích trước mắt không? Thanh an là một cảnh quan xinh xắn, một nguồn sinh thái trong lành còn chưa chắc đã giữ được mình, làm sao dám mơ thanh an thành cảnh giới của đời sống này, thực tại này!
  Mải trò chuyện, mặt trời tắt lúc nào không biết. Từ trên du thuyền nhìn ra xung quanh, tôi bỗng thấy một lớp sóng lạnh rợn khắp mặt nước xanh, y như hồ vừa chợt rùng mình vậy.

Chu Văn Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 7/2020)