•   Xin lỗi bạn đọc nếu tác giả mở đầu bài viết này bằng một câu chuyện có phần hơi riêng tư cá nhân. Hùng là bạn tôi, 2 đứa học cùng lớp, chăn trâu cùng đồng và khi lớn lên thì thích cùng một cô gái. Rồi Hùng, gã đàn ông hào hoa và tài cán hơn tôi mấy bậc đã nhanh tay hớt cô bé xinh đẹp nhất làng đi một mạch sang tận trời Âu, thấm thoắt vậy mà đã mấy chục năm. Giờ thì “cặp đôi hoàn hảo” ngày ấy chuyển đến định cư ở Canada. Càng xa xôi cách trở tình bạn của chúng tôi càng gắn bó bền chặt. Ngoài nhắn tin hỏi thăm nhau khá đều đặn thì năm nào cũng vậy, cứ trước giao thừa 2 đứa lại gọi điện hàn huyên chuyện trên trời dưới biển những mấy chục phút.

Tết năm ngoái, xem xong chương trình Táo Quân thì tôi gọi điện cho Hùng. “Ê cu, khỏe hung, mần chi đó?”. “Choa đang ăn tết!”. “Vui hung?”. “Cha của vui luôn”… Cuộc đối thoại bằng giọng Nghệ của hai chúng tôi cứ thế rôm rả hòa trong tiếng chúc tụng, hát hò và cười nói của những con người cách xa nhau nửa vòng trái đất. Khuya mùng 2 tết tôi gọi điện, Hùng không nghe máy được vì đi làm bình thường. Mãi đến ngày mùng 5 cậu ấy mới gọi điện về. Vẫn nguyên bộ câu hỏi ấy, Hùng niềm nở: “Mần chi đó? Tôi thật bụng trả lời “Choa đang ăn tết”. Hùng tếu táo, “Tết quê ta vẫn dài miên man như xưa hè”. Lại cười, tôi nhớ láng máng tờ lịch ngày hôm ấy có in câu ca dao: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”.

Câu chuyện “tết dài miên man” xứ mình hình như năm nào cũng được nhắc đến nhưng rồi nó cũng chỉ có tác dụng làm sáng tỏ thêm câu ngạn ngữ “nước đổ lá khoai” mà thôi. Có năm nào đó, mãi đến tháng Tư rồi nhưng đi qua một địa phương tôi còn thấy bảng chữ điện tử băng ngang đường chạy tới tấp câu khẩu hiệu “Chúc mừng năm mới!”. Cũng may là chữ điện tử không phai màu nên sự nhếch nhác cũng tự mình hào nhoáng. Vài năm lại nay những hạt sạn kiểu ấy không còn quá nhiều nhưng cái đuôi của tết thì nghe chừng vẫn còn lê thê lắm.

 Chiều nay dạo một vòng quanh  đại lộ Lê Nin (thành phố Vinh), những cành đào đầu tiên đã tìm xong lối đậu cho mình. Xuân Canh Tý đã lặng lẽ len vào từng làng quê ngõ phố. Chợt nhớ đến cái tin nhắn đầy ưu tư ban sáng của Hùng “Tình hình quê ta năm nay tết nhất có đỡ hơn không?”. Hình như năm nào bạn cũng hỏi tôi câu ấy và hình như năm nào tôi cũng không thể thỏa mãn bạn bằng vài dòng qua quýt. Người Nghệ là vậy, dù ở phương trời nào cũng đau đáu với quê.

Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Song

Trước khi hồi đáp người bạn đồng hương cách xa nửa vòng trái đất, tôi tự vấn, ừ nhỉ, năm nay quê ta tết nhất thế nào? Quê mình có điều gì xứng đáng để làm quà cho Xuân mới hay không? Chữ “không”, vẫn lắm chữ không! Chữ “có” rất nhiều chữ có! Xưa nay dư luận xã hội vẫn thường khắt khe khi đánh giá nhìn nhận. Thành tựu chỉ được lưu trong bộ nhớ tạm, còn thiếu sót thì tìm cách nêm mắm muối thậm chí phóng to lên màn hình cho dễ… chì chiết. Trên mạng xã hội rẫy đầy những lời than thở về sự khuất bóng của “tháng lương thứ 13”, họ cợt nhả về cái văn bản thưởng tết bằng hiện vật. Đây đó là những cảm thán bi quan về sự leo thang mải miết của giá thịt lợn. Rồi thì chuyện thay thế cây xanh, chuyện tiến độ rủ rải và mức độ ngổn ngang của đại công trường phố đi bộ… Hình như, vâng chỉ hình như thôi, rất dè dặt những lời khen tặng nhưng không quá khó để nhận ra sự soi chiếu ít thiện cảm hướng trọng tâm về phía nhược điểm. Một năm nhìn lại cũng là một năm để nhận ra. Tôi không dám hy vọng bạn đọc sẽ mặn mà với thống kê khô khan, nhưng để minh chứng thì chúng ta lại không được phép quay lưng với những con số biết nói. Nếu có thể xin bạn hãy cùng tôi hồi nhớ lại, phải nói năm Kỷ Hợi đã để lại cho quê mình biết bao vết sẹo nhọc nhằn. Cái khắc nghiệt của thời tiết vẫn muôn đời đằng đẵng bám quê. Nào là hạn hán kinh ngạc, nào là cháy rừng kinh hoàng, nào là dịch bệnh kinh sợ. Nắng thì nắng cháy cả mặt đường nhựa mà mưa thì mưa nhấn chìm thành Vinh vào biển nước. Tuy nhiên sự khắc nghiệt đến mức cực đoan của thời tiết càng giày vò quê lại càng tôi rèn cho người Nghệ sự can trường đáng nể. Vẫn vậy, nghĩa là xứ Nghệ không đầu hàng, người Nghệ không cam chịu thất bại. Bức tranh toàn cảnh tỉnh nhà không chỉ một màu xám xịt. Tự tin ở tốp đầu, tốc độ tăng trưởng quê nhà đạt đến mức 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 43,08 triệu đồng. Thu ngân sách trên 15.000 tỷ. Huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 76 ngàn tỷ đồng. Có đến 1.505 doanh nghiệp được khai sinh và 38 ngàn vị trí việc làm đến với lao động. Thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hoá – xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực là thứ không khó để nhận ra, quốc phòng an ninh được giữ vững là điều không thể phủ nhận. Câu chuyện tinh giản biên chế, sáp nhập để tiến tới một bộ máy tinh gọn, tinh nhuệ và chuyên nghiệp chưa bao giờ đi vào thực chất như năm qua. Thưa bạn đọc, tôi không có ý định đút biểu số liệu báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh nhà vào trong một bài viết trên tạp chí văn nghệ, chỉ là tôi muốn bạn đọc dừng lại một chút để đồng cảm cùng tôi bằng cái nhìn sẻ chia hơn, ít bi quan hơn trước khi mở cánh cửa chào Xuân mới. Đón tân niên mà chỉ nói những chuyện buồn cũng là điều cấm kị. Vui với quê, tin vào quê, đồng hành cùng quê chính là động lực nội sinh đưa quê nhà phát triển. Thật đấy, không hô hào sến sẩm đâu. Là người của quê thì đừng đứng ngoài quê cũng đừng đứng trên quê để than vãn hay chỉ trích quê. Bạn muốn tri ân quê hương ư? Cách tốt nhất là đồng hành! Bạn hỏi làm thế nào để đồng hành ư? Cách tốt nhất là hành động! Nỗ lực cao nhất cho công việc mình đang làm cũng là một cách tri ân quê hương đấy thôi.

    Tết cổ truyền là thời điểm người Việt về với cội nguồn. Cùng nhau nhìn lại thành quả của một năm lao động, từ đó định hình kế hoạch và tạo niềm hứng khởi cho một cung đoạn mới. Tết cũng là dịp cho chúng ta giáo dục con trẻ hướng về tổ tiên, tìm đến những giá trị đạo đức những truyền thống tốt đẹp ngàn đời. Tết sẽ là lúc trái tim con người dành một phần thổn thức cho cộng đồng xã hội. Khi chúng ta trong ấm ngoài êm, khi chúng ta vuông vắn bánh chưng, tròn trịa bánh dày thì đây đó vẫn còn những người không có Tết. Pháo hoa giao thừa vút lên trong tiếng vỗ tay và cũng là lúc những người bệnh bấm bụng chống chọi với cơn đau. Chị lao công vẫn miệt mài với chiếc chổi tre trên phố. Anh lính trẻ vẫn bồng súng canh gác nơi hải đảo xa xôi. Một chuyến bay trên trời chưa hạ cánh. Một con tàu xuyên qua năm cũ trên cung đường ray quen thuộc và rất có thể ngay trong thời khắc thiêng liêng ấy lại có một sinh linh bé bỏng chào đời.

Ảnh minh họa: Quốc Đàn

   Tại sao không tận hưởng những điều kỳ diệu kia một cách sáng suốt và trách nhiệm hơn? Mạnh dạn rũ bỏ những gì đã lạc hậu cũng là một cách thức khôn ngoan tiếp cận với văn minh nhân loại cơ mà.  Bao giờ chúng ta mới dứt ra khỏi thói quen hưởng thụ niềm vui ngày tết bằng một tiết tấu rề rà hình thành trong cái văn hóa làng xã từ cả ngàn năm trước? Tết cha, tết mẹ, tết thầy, rồi mừng thọ, rồi trồng cây, rồi khai hạ, rồi thì rằm tháng Giêng, rồi thì lễ hội đền chùa, rồi thì du xuân… cứ thế cứ thế và cứ thế. Câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc tháng ba rượu chè” là một khảo dị ca dao rất đáng để buồn bã. Liệu có nén lại ngắn hơn được không? Thời gian quý hơn vàng, vậy mà thật cám cảnh với các doanh nghiệp sau tết, đôn đáo đánh xe đến tận quê đón người làm rồi lại trở về tay trắng bởi lũy tre nào cũng thiếu vắng… “ông chủ”. Đó là thói quen xấu xí cần dứt khoát loại bỏ. Tết đã về, câu khẩu hiệu “Vui tươi, an toàn, tiết kiệm” vẫn chưa đáng bị thay thế. Càng dài càng mất an toàn, càng lê thê càng lãng phí thời gian. Đúng rồi, vui thì phải tươi, vui mà để cho héo thì còn gì là vui nữa. Ngượng lắm, khẩu hiệu “công nghiệp hóa” đọc vanh vách mà đến rằm tháng Giêng vẫn hồn nhiên trả lời “Choa đang ăn tết”.

Nguyễn Khắc An

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 2/Bộ mới/2020)