Tranh minh họa của Hoeyyn Ngu
      Người ta vẫn thường nói mỗi cá nhân chỉ thực sự sống khi biết cho đi. Thế nhưng, cho đi vốn không phải là chuyện dễ dàng. Ngay cả khi không bị ngăn cản bởi lòng hẹp hòi, ích kỷ, bởi những toan tính lợi ích thì rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa thực sự biết cách cho. Phải chăng, chính việc chưa hiểu, chưa biết cách cho và nhận ấy là cội nguồn của rất nhiều những ồn ào liên quan đến thiện nguyện hiện nay?

    Mấy năm trở lại đây, thiện nguyện là một chủ đề nóng trong dư luận. Sự “nở rộ” của các hoạt động thiện nguyện, trước mắt là cần thiết và kịp thời để tháo gỡ tình huống cấp bách do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, có lẽ chúng ta cần phải xem lại. Đặc biệt, “cuộc chiến” trên mạng xã hội về câu chuyện “sao kê, minh bạch” tiền ủng hộ của các nghệ sỹ lại càng đặt ra nhu cầu bức thiết về việc làm sao để các hoạt động thiện nguyện được tiến hành bài bản, đúng hướng; tránh vì một vài cá nhân mà làm xói mòn lòng tin của nhân dân cũng như làm nản lòng những người tử tế.

Hoạt động thiện nguyện là cần thiết

       Suốt mấy năm nay, đặc biệt trong mấy tháng gần đây, chúng ta được chứng kiến rất nhiều hoạt động thiện nguyện trên khắp cả nước. Hàng nghìn người đã bỏ tiền bạc, công sức, mồ hôi, nước mắt, bất chấp hiểm nguy và thậm chí hy sinh mạng sống của mình vì người khác. Hãy tạm gạt sang bên lề những câu chuyện ồn ào phía sau để nhìn vào những gì họ đã, đang làm được cho cộng đồng, ta sẽ thấy sự cần thiết của hoạt động này. Chúng ta đã được thấy rất nhiều “bếp ăn từ thiện”, “quán cơm 0 đồng” nấu và đưa từng suất cơm cho người vô gia cư, người gặp khó khăn tại Sài Gòn trong thời gian giãn cách. Chúng ta được thấy những ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM oxy,… Chúng ta được thấy những người chủ trọ miễn/giảm tiền phòng cho người thuê; những cá nhân sẵn sàng đi chợ hộ, mang từng túi thuốc, bình oxy đến cho các F0 điều trị tại nhà; những chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân miễn phí; các dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí; các nhóm lo mai táng cho những gia đình không may có người qua đời vì Covid -19. Và rất nhiều nhóm, cá nhân tham gia vào đủ việc trong vận chuyển, phân phát hàng hóa; điều phối, hướng dẫn người dân đến xét nghiệm, tiêm chủng; hỗ trợ tiền, thức ăn cho người trên đường hồi hương; hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; hiến máu nhân đạo; nhận đỡ đầu trẻ mồ côi vì dịch bệnh;…. Hàng trăm tấn hàng hóa do người dân quyên góp từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung được chuyển vào Nam. Trong đó, nổi lên nhiều cá nhân khiến chúng ta thực sự xúc động như chủ quán cơm chay xã hội Cường “béo” (Vũ Quốc Cường) tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh, người dành cuộc đời mình cho hoạt động thiện nguyện và quán cơm của anh lâu nay là địa chỉ quen thuộc của người nghèo. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, bếp cơm từ thiện của anh liên tục đỏ lửa để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch nhưng cuối cùng anh nhiễm Covid – 19 và qua đời. Có những nhóm bạn tuổi đời rất trẻ như nhóm “Những bước chân xanh” đã miệt mài với hoạt động hỗ trợ suất cơm, bình oxy, thực phẩm,… cho người dân khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh từ đầu dịch đến nay. Nếu không có họ có lẽ người dân các tỉnh phía Nam khó có thể chống chọi được với nhiều tháng giãn cách xã hội và chính quyền cũng sẽ đuối sức trong công tác chống dịch.

     Nhìn xa hơn, không chỉ bây giờ mà từ trước đến nay nhiều cá nhân, tổ chức vẫn luôn bền bỉ với công việc thiện nguyện của mình. Rất nhiều nhóm đã xây các điểm trường tại vùng cao, quyên góp sách vở, áo ấm, tiền cho đồng bào các dân tộc thiểu số; giúp đỡ các em mồ côi, người già neo đơn, người bị bệnh hiểm nghèo, vùng chịu ảnh hưởng thiên tai,… Tỉnh Nghệ An cũng đã phát động nhiều phong trào thiện nguyện như “mỗi cơ quan đơn vị giúp một xã nghèo, một hộ nghèo”, nhận làm nhà tình nghĩa, tổ chức “Trung thu cho em” ở các xã vùng cao, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nuôi dưỡng trẻ mồ côi… Hoạt động thiện nguyện ngày càng được tiếp sức nhờ sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội. Chỉ một vài lời kêu gọi trên mạng sẽ nhanh chóng thu về hàng chục, hàng trăm triệu; thậm chí hàng tỷ đồng. Bằng cách đó, rất nhiều cá nhân, cộng đồng đã được giúp đỡ vượt qua khó khăn.

     Đó là thực tế ta không thể phủ nhận. Đó là những điều thật đáng quý và cần được lan tỏa khi quanh ta còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, khi đất nước còn nghèo, khi xã hội đang cần được thấy những điều tử tế, tốt đẹp. Thật đáng trân trọng những trái tim còn biết rung lên trước nỗi đau của người khác để rồi chẳng cần suy nghĩ nhiều, sẵn sàng lập tức góp tay chia sẻ, giúp đỡ. Đúng, chúng ta có quyền nghe theo tiếng gọi của trái tim, có quyền để trái tim dẫn lối. Thế nhưng, liệu ta có thể nghe theo trái tim đến cùng? Và nên chăng đôi lúc ta cần bình tĩnh hơn để lắng nghe lý trí? Nói cách khác, về lâu dài, các hoạt động thiện nguyện cần bài bản hơn thay vì dựa vào cảm tính bởi chính sự cảm tính, bộc phát ấy hiện đang là căn nguyên của nhiều vấn đề bất cập.

Ảnh: Diệp Phan – Nguồn: VNExpress

Nhưng cần biết “cho” đúng cách

     Có thể thấy dù rất nhiều hội nhóm, cá nhân hoạt động thiện nguyện thời gian qua nhưng các hoạt động chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu bài bản, thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm. Điều này không những không mang lại hiệu quả cao mà nhiều khi còn gây ra tình trạng lộn xộn, lãng phí, thậm chí nguy hiểm cho chính cá nhân làm thiện nguyện. Đặc biệt, tâm lý phong trào trong làm từ thiện dẫn đến nhiều bất cập. Người trao tiền cho các cá nhân, hội nhóm thường hành động vì một phút xúc động nhất thời để rồi cũng vì một vài lời lẽ nhất thời mà trở nên tức giận, chửi bới người nhận tiền quyên góp của mình. Họ hành động theo cảm xúc nên cũng ít khi quan tâm đến chuyện tiền của mình sẽ đi về đâu, được quản lý và sử dụng như thế nào. Người đứng ra kêu gọi cộng đồng nhiều khi cũng vì cảm xúc nhất thời để rồi lúc có trong tay số tiền lớn lại không biết cách điều phối, sử dụng, không lường trước hết các vấn đề bản thân có thể phải đối mặt. Không loại trừ, một số cá nhân, hội nhóm lợi dụng chính sự cảm tính ấy của người dân để trục lợi. Đó là lý do dẫn đến những lùm xùm không dứt liên quan đến từ thiện thời gian qua.

      Vì thế, đã đến lúc những người làm công tác thiện nguyện cần trang bị cho mình đủ kiến thức, kỹ năng trong hoạt động này và mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm hơn với cách cho của mình. Các cá nhân, hội nhóm thiện nguyện nên có sự liên kết với nhau, tận dụng tối đa những tiềm năng của mình và của cộng đồng để hoạt động. Khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra, hay đối với một cộng đồng nghèo đói cụ thể nào đó, khó khăn họ đối mặt không chỉ là câu chuyện có cơm ăn mỗi ngày. Rất nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội, sức khỏe, an sinh phải giải quyết nên nếu các cá nhân, hội nhóm không liên kết thì sẽ khó có thể hoạt động hiệu quả. Nguồn tài chính, các khoản chi luôn cần được công khai, minh bạch trong suốt quá trình làm từ thiện mà không cần đợi bất cứ ai đòi hỏi, yêu cầu. Đặc biệt, người làm thiện nguyện phải có chương trình, kế hoạch, mục tiêu cụ thể từ ban đầu và cam kết thực hiện đúng những điều mà họ đã công bố để kêu gọi tài trợ. Điều này sẽ giúp tạo dựng được lòng tin, sự an tâm đối với người đã đóng góp đồng thời để người làm việc thiện thực sự tránh được những nghi ngờ không đáng có.

       Quan trọng hơn cả, chúng ta cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động thiện nguyện. Khi các hoạt động này đang diễn ra lộn xộn và thiếu bài bản thì việc có những quy định pháp luật rõ ràng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, việc ban hành quy định không nên theo hướng hạn chế, gây khó khăn cho các cá nhân, hội nhóm tự đứng ra làm từ thiện mà là để tạo điều kiện cho các hoạt động ấy được đi đúng hướng và quy củ hơn. Nói cách khác, cần sự phối hợp giữa nhà nước và các cá nhân, hội nhóm, tổ chức phi chính phủ trong hoạt động thiện nguyện để có thể huy động tối đa các nguồn lực trong khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế. Bởi việc của Chính phủ, của Nhà nước không phải là trực tiếp đứng ra kêu gọi đóng góp, làm thiện nguyện mà là đưa ra những quy định, những chính sách để khuyến khích, hỗ trợ và quản lý các hoạt động này trong cộng đồng.

     Trong lúc chờ đợi những hành lang pháp lý, những quy định rõ ràng từ Chính phủ thì mỗi một cá nhân cần ý thức rõ hơn về hành động cho đi của mình. Chúng ta cần tự nhìn lại việc cho và nhận của mình đã đúng hay chưa, cần nhìn rõ bản chất của sự việc và cư xử văn minh thay vì đôi co, xúc phạm nhau trên mạng xã hội. Chúng ta cần hiểu cho đi không phải chỉ lúc đủ đầy, dư thừa mà sẵn sàng chia sẻ ngay cả khi chính mình đang khó khăn. Cho đi không phải là để mong chờ được đáp lại, để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, để đòi hỏi/áp đặt người khác làm theo ý mình, để bản thân không áy náy, để làm đẹp tên tuổi,… Cho đi phải xuất phát thực sự từ tình thương, từ việc nghĩ cho người khác thì mới mang lại kết quả, mới không nảy sinh lòng tham hay sự vụ lợi. Nếu thực sự nghĩ cho người khó khăn, chúng ta sẽ tìm cách giúp họ lâu dài chứ không phải chỉ vài ba chuyến tặng áo quần, gạo, mỳ,… mỗi năm. Hành động cho đi ấy của chúng ta phải làm sao để người nhận có thể thấy được giá trị của mình, được phát huy những tiềm lực bỏ quên của mình chứ không nên biến họ trở thành những kẻ ăn bám, phụ thuộc, chỉ biết trông chờ vào người khác. Nếu ta thực sự muốn cho và biết cách cho, có lẽ sẽ khó ai có thể khiến ta chùn bước hay phiền lòng.

     Lịch sử chứng minh sức mạnh dân tộc Việt Nam bao đời nay là sức mạnh của đoàn kết và lòng nhân ái. Chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn chính nhờ sức mạnh của tình người. Trong thời đại mà nhiều giá trị đang bị hoài nghi như hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh đang làm kiệt quệ nền kinh tế, đe dọa cuộc sống bao người như hiện nay thì việc khơi dậy tinh thần thiện nguyện, tương thân tương ái ấy là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, điều một nhà nước cần hướng đến không phải là gia tăng hoạt động thiện nguyện mà phải là làm cách nào để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, để xóa đói giảm nghèo và gia tăng công bằng xã hội. Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đối với nhóm yếu thế. Chúng ta cần giữ vững niềm tin cho người làm việc thiện trong xã hội nhưng chúng ta cũng cần giữ vững niềm tin của dân vào Chính phủ, vào Nhà nước – một Nhà nước có thể đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Trang Đoan

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 17, 9/2021)