Giáp tết, trời cứ mưa dầm dề, thế nhưng hàng hóa vẫn cứ tuồn về chật chội. Chợ Phuống cũng tất tả hơn trong những ngày cuối năm. Người bán, kẻ mua cứ đông dần lên, giá cũng leo thang theo cơn sốt của cả nước, ai bảo chợ quê không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường? Ai bảo cộng đồng làng xã vẫn còn tự cung, tự cấp. Chủ yếu là hàng hóa ở Vinh tràn lên, cái chợ Phuống bé nhỏ này thế mà bỗng chốc cứ phình to dần lên. Bến đò cũng lặn lội nối giữa hai bờ, thông thương giữa Cồn và Phuống.
   Quê tôi ở mãi Thanh Tùng, cái mảnh đất mà ai cũng phải thốt lên: “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Lúa mỗi năm một vụ, hoa màu lẻ tẻ vài nơi, thế nên cái mùa giáp hạt vẫn khiến bao gia đình lay lắt. Thanh niên vừa hết học đã vội vã “Nam tiến” để mưu sinh, đồng ruộng vì thế cũng già đi trông thấy.
Cuối năm, nhà nhà đều chắt chiu cho phiên chợ cuối, như để hòa vào sự ồn ã một chốc, như để thoát đi cái bình lặng, hẩm hiu của “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Con đường từ Thanh Tùng nối ra chợ cứ như thách đố nhau vậy, chưa mưa đã bê bết bùn lầy, chưa nắng đã ngập ngọi bụi bặm. Thế nhưng, đến phiên chợ cuối, đường cứ tấp nập hẳn lên, người qua lại rộn rịp cứ như làm hợp tác ngày xưa. Xưa, xe đạp là sang lắm; giờ, còi xe máy cứ inh ỏi; xóm làng cứ như nổi cả lên.

Ảnh minh họa: Trung Hà

Lúc nhỏ, cứ trông chờ những ngày giáp tết để được đi chợ. Tưởng như tất cả những gì tinh hoa của xóm làng đều bày biện ở phiên chợ cuối năm. Dù mưa nhưng người đi chợ tết vẫn như nêm. Hàng hóa cứ tràn cả xuống lòng đường. Kẻ dăm bó chè xanh, người vài quả bưởi; cứ thế, chợ trở thành một nét ồn ào giữa làng quê vốn quanh năm tĩnh lặng.
Trẻ nhỏ cứ lân la những viên kẹo xanh đỏ, người già vây lấy câu đối nho nhã, thanh niên thì ùa vào hàng tranh ảnh và hoa giấy, ai cũng tìm cho mình một thứ gì đó mới.
Áo mới, đi chợ tết ai cũng khoác lên mình, cứ như để khẳng định rằng: tâm hồn đang hứng khởi, đang trào dâng những cảm xúc mới mẻ trong những giờ khắc chuyển năm.
Chợ tết ở quê cũng có đào, có mận đấy. Những cành hoa được chặt vội từ vườn nhà, không tỉa tót cầu kì như hoa ở thành phố nhưng đó cũng là hương vị truyền thống. Dẫu không bán được cành hoa nào nhưng cô bé vẫn tươi vui mang trên tay cành mận đầy hãnh diện; dẫu chẳng mấy người mua nhưng chị hàng hoa vẫn đon đả: “Tết mới hoa tươi, người người mua đơi…ơi!”.
Ồn ã nhưng không lộn xộn, chật chội nhưng không chen lấn xô đẩy, người ta đi chợ cứ như trẩy hội, như để ngắm nhìn nhau, để chứng kiến quê mình đổi mới thế nào qua phiên chợ cuối. Đi chơi chợ chứ không phải mua bán, mà người quê thuần nông làm gì có nhiều tiền để sắm sang chứ, chỉ gắng mua cho con một bộ quần áo mới, mua cho cha mẹ một vài bánh gói và đem cho mọi người một vài nụ cười, niềm vui.
   Chợ quê ngày tết năm ấy, có cậu bé lân la theo tay mẹ, bước chân mò mẫm, ngập ngừng. Thứ gì nó cũng thích, nào chong chóng quay tít, nào tranh màu rực rỡ, nào bánh kẹo thơm phức… nhưng nó chỉ biết ngắm nhìn. Đơn giản vì mẹ nó cũng không có tiền để chiều những sở thích. Được đi chợ tết đã là một niềm vui mới mẻ rồi. Nhưng không vì thế mà cậu bé buồn rầu, nó vừa nhặt được một nhành hoa giấy và mỉm cười…

Bình Nguyên

(Bài Đăng trên Tạp chí Sông Lam số 10 (tháng 1+2/2021)/Chào Xuân Tân Sửu 2021)