Ở Hoàng Vũ Thuật, cảm thức hiện sinh không chỉ xuất hiện như một đề tài trong các nội dung – mà cơ bản đã có chỗ đứng vững chắc, thậm chí còn đóng vai là nền tảng cơ bản để vận hành hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng trong thi ca của ông. Nói cách khác, Hoàng Vũ Thuật xây dựng không gian – thời gian nghệ thuật, ngữ liệu nghệ thuật cũng như bút pháp tu từ một cách có chủ ý để dẫn dắt người đọc đến địa hạt hiện sinh của ông. Vô thức sáng tạo đã đưa ông lại gần với chủ nghĩa hiện sinh, mặc dù ông không phải là nhà thơ xuất phát trực tiếp từ triết thuyết.

Chân dung nhà thơ Hoàng Vũ Thuật qua ký hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng.

Cảm giác của độc giả về một đặc trưng riêng biệt của thơ Hoàng Vũ Thuật một phần xuất phát từ vai trò của ngôn ngữ thơ trong việc tạo lập thế giới nghệ thuật thơ ca. Có thể nói, thế giới ngôn từ trong thơ Hoàng Vũ Thuật góp phần rất lớn tạo nên nhiều sắc màu giọng điệu thơ. Để xác lập một không gian nghệ thuật riêng biệt, một không – thời gian hiện sinh, hướng về một cõi siêu hình, Hoàng Vũ Thuật thường xuyên sử dụng một trường từ vựng mang đậm đặc tính mộng ảnh, hư huyền và một chút cảm thức về tôn giáo: “đời u tịch”, “cõi A Di Đà”, “trăm năm”, “hố thẳm”, “rốn vũ trụ”… Hướng đến thế giới này, nhân vật trữ tình được “phóng” đi đủ xa để vượt thoát những giam cầm của thế giới ngày thường đơn nghĩa. Từ đó, khi chuyển dịch quay về với thực tại, cái nhìn của nhà thơ với sự vật và thế gian không còn là cái nhìn thế tục nữa. Chủ thể trữ tình đã được đặt vào tình thế đối diện với bản thể. Cái nhìn mới ấy đã qua những bước siêu nghiệm (chiêm nghiệm về sự chiêm nghiệm) để thành cái nhìn hiện sinh.

Ngôn ngữ mờ hoá là đặc trưng đầu tiên ở thơ Hoàng Vũ Thuật. Trong thơ ông có những động tác cấp nghĩa riêng biệt cho ngôn từ. Bởi thơ ca còn được hoàn thiện ở một phía nữa, phía của người tiếp nhận (chính nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đưa ra quan điểm rằng: “người sáng tạo chưa đủ, mà cần có người đọc. Khi người đọc chưa nhn ra, đòi hỏi người đọc cùng sáng tạo lần nữa. Nghĩa là người đọc cũng nâng mình lên để kịp với sáng tạo”). Việc mờ hoá hoá ngôn ngữ thơ sẽ mang lại cho người đọc cơ hội để vươn tới một tầm mức tưởng tượng cao hơn, kích thích tối đa ở họ khả năng diễn dịch và chính người đọc sẽ được đưa vào tư thế suy tư của chủ thể hiện sinh. Phương thức để mờ hoá ngôn ngữ bao gồm cách hành động trên trục kết hợp, bằng bàn tay nghệ thuật khéo léo sắp các hình ảnh có độ lệch về trường nghĩa cạnh nhau, nhằm tạo ra một hiệu ứng đặc biệt tựa như gương chiếu gương. Ý tưởng tương tự như vậy phần nào đã được nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh gọi tên trong nghiên cứu “Thơ Hoàng Vũ Thuật – nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson” bằng mệnh đề “Phá vỡ trật tự con chhay là kĩ thuật lắp ghép l”.

“hiện ra giữa bức hình của thời ta sống

dòng phấn trắng trên bầu trời bảng xanh

mặt nguyệt tròn cúc áo

hằng vĩnh

lặn trong dòng vô thức của đêm”

(Hoa Súng Đỏ)

Hình ảnh thơ của Hoàng Vũ Thuật vô cùng linh động, đan xen giữa thực và ảo, giữa ấn tượng siêu thực và đường nét hiện thực. Trong đoạn thơ trên, không gian nghệ thuật khởi phát từ “bức hình của thời ta sống”, nhưng đi sâu vào tâm điểm của không gian đó – tức “dòng phấn trắng” – cái màu sắc hiện thực dần mờ loãng đi. Hiện thực được cải biên lại: bảng xanh trở thành bầu trời, thế rồi chính nó lại thành dòng vô thức của đêm. Ngôn ngữ thơ đậm tính kỹ thuật và biến ảo một cách có chủ ý. Để kéo gần lại các vùng không – thời gian, Hoàng Vũ Thuật xoá mờ các dấu vết của tu từ, không có “mặt nguyệt tròn như cúc áo”, “bảng xanh” cũng không tựa như “bầu trời”, mà đơn giản ông chỉ đặt các chữ cạnh nhau và chính thanh âm đồng vọng dội lên từ nghĩa và âm của chúng dìu người đọc đi qua những miền siêu thực.

nhiều khi và nhiều khi 

sao cuộc đời này vừa dễ thương va cáu bẩn

chúng mình tự do hay nô lệ

vừa xây vừa phá vừa an phận va chống lại

sao cuộc đời ích kỷ lẫn bao dung

chúng mình muốn ôm choàng muốn xé nát

đam mê rồi quay mặt

điên loạn từng con chữ 

nhiều khi

đừng nói nữa đôi mắt không tuổi

trên cánh mi thiên đường đang mọc

vũ trụ vận hành

loài người sấp ngửa

ta bào thai trong đôi mắt ấy 

bào thai cùng ngôi mộ gió 

phiêu dạt bên đường

những ngôi mộ gió như câu thơ đắp đổi cuộc đời ta”

(Bài thơ chưa viết)

Đoạn thơ trên sử dụng một mật độ lớn các từ vựng đối lập. Không gian thơ chuyển từ không gian chiêm nghiệm thế tục gồm những dòng suy tư sang không gian hiện sinh siêu thực đầy ắp hình ảnh và ký hiệu, thông qua cây cầu nối “đôi mắt không tuổi”, nhưng các lớp nghĩa đối lập vẫn tiếp tục sánh vai nhau. Ta có thể nhận thấy: Dễ thương – Cáu bẩn, tự do – nô lệ, xây – phá, an phận – chống lại, đam mê – quay mặt, vận hành – sấp nga, bào thai – ngôi mộ – cuộc đời. Những trường nghĩa đối lập lại được xếp cạnh nhau, chúng thậm chí được dùng gán với nhau qua chữ “vừa”, và tăng tiến về mật độ. Mức độ đa nghĩa về ký hiệu cũng đậm lên dần với tốc độ cao: đây chính là một đặc điểm quan trọng của thơ Hoàng Vũ Thuật, nếu tiếp cận trên trên bình diện tu từ học. Chính vì cái éo le ngữ nghĩa của những đối lập, chủ thể hiện sinh mới quay trở về vấn đề bản thể, thông qua cặp đối lập tối hậu: bào thai – ngôi mộ gió. Lập tức người đọc liên tưởng đến cặp đối lập sống – chết, nhưng lại đặt trong một chuỗi tồn tục. Chủ thể được sinh ra một lần nữa ở ngôi mộ gió, từ vũ trụ khởi phát là đôi mắt không tuổi. Các đối lập phi lý của cuộc đời vô tình đã tạo ra một đường thoát cho suy tư. Suy tư không cần phải lựa chọn rằng cuộc đời là thế này hay thế kia, mà ngược lại, cần ngộ ra phía trên cuộc đời còn có hư vô. Từ sự đốn ngộ này, bản thể được lọc rửa và sinh ra một lần nữa. Ngôn ngữ thơ Hoàng Vũ Thuật như vậy đã tạo ra hẳn một thực tại khác, nơi khởi sinh của vũ trụ, của tồn tại vạn vật được lý giải lại một lần nữa.

Chúng ta đã rõ, Hoàng Vũ Thuật thường sử dụng những yếu tố vay mượn từ thế tục như một bệ phóng đầu tiên để đi đến cõi siêu hình. Nhưng ngay ở trong không gian thế tục, khi thơ Hoàng Vũ Thuật ở mức độ gần gũi nhất với chủ nghĩa hiện thực, hay nói cách khác – đời thường nhất – ngôn ngữ của ông vẫn mang nhiều những tiềm thể của suy tư hiện sinh.

“đây đảo Tự Do đâu phi rng dày

cây lưa thưa

cây cũng không ra lá

tuyết tan chiu qua

 

trú nơi nào

hỡi sóc nh

 

cái đuôi mày xinh quá

chiếc chổi tơ mịn màng

quất nóng lên ngực tao

 

bộ lông nâu óng mượt

đôi mắt tròn hạt d

mày hay là cô bé

có mày tao ấm lên

có mày tao tin

thế giới này thánh thiện

sẽ bớt đi phần ác trong mỗi con người

trong mỗi con người

sẽ bớt đi

xấu xí”

(Chú sóc nhỏ của tôi)

Bài thơ được viết từ một ngẫu hứng khi gặp một chú sóc trên một hòn đảo. Giống hầu hết sáng tác của nhà thơ người Quảng Bình, Hoàng Vũ Thuật tìm cảm hứng từ một sự vật sự việc để từ đó chìm vào cõi tư tưởng. Ngôn ngữ thơ đơn giản, nhưng giàu chất gợi: chiếc chổi tơ mịn màng / quất nóng lên ngực tao”. Độc giả cảm nhận thấy một chất thơ của đời thường được biểu tỏ, không gián tiếp qua các hình ảnh trung gian siêu hình, mà trực tiếp đi vào cảm niệm. Tình cảm của con người với thiên nhiên luôn là đề tài được các nhà thơ khai thác, bởi những nhạy cảm bản năng bên trong con người thi sỹ, luôn rung động trước cái đẹp, cái hùng vĩ hay cả những cái bé nhỏ thân thương của ngoại cảnh. Nhưng với Hoàng Vũ Thuật, tình cảm ấy được đón vào trong bằng vòng tay của suy tư hiện sinh: có mày tao tin / thế giới này thánh thiện / sẽ bớt đi phần ác trong mỗi con người.

Dĩ nhiên không phải vì hình ảnh một sự vật mà nhân vật trữ tình đi thẳng đến một cảm nhận độc đáo như vậy. Những suy tư này đã ém trong lòng rất lâu, và sự vật ngoại cảnh như khơi gợi lên những tâm tình. Sự khơi gợi này được tác giả truyền tải đến độc giả thông qua ngôn ngữ đời thường để khơi dậy một mối đồng cảm trong tâm hồn của người đọc.

Rất nhiều bài thơ của Hoàng Vũ Thuật đối thoại với cuộc đời thông qua một đối vật tưởng như vô tri, dày đặc nhất là trong tập thơ “Một mai gió chở tôi về”. Trải qua những thăng trầm của cuộc đời, cuộc đối thoại lớn nhất của một thi sỹ có lẽ luôn tự vấn chính mình. Tự vấn bằng hình thức gặp gỡ, trò chuyện, khơi gợi cảm hứng từ những “cây cột số”, “nai vàng”, “họng súng”, “chú Sóc”, “cửa sổ”, chiếc lá… Những hiện tượng, sự vật gần gũi, đời thường mang lại hiệu quả suy tư nơi người đọc, tạo ra một cảm giác như được đọc các văn bản ngụ ngôn.

tao biết mày có mặt trong cuộc đời này từ lâu

cả những điều mày thích nhất

máu & nước mắt

khi mày khạc ra lửa

hàng triệu người ra đi

hàng triệu cuộc chia ly

hàng triệu đôi chân trên nạng gỗ

Sự chết và khổ đau cho mày lên ngôi

(Nói với họng súng, 2019)

Rất đời thường và giản dị, thậm chí có phần thờ ơ lạnh lùng, nhà thơ để cho độc giả như sờ chạm được nỗi gai góc của cái ác, qua biểu tượng họng súng. Biện pháp điệp từ “hàng triệu” nhấn mạnh cái đơn giản vô nhân tính của chiến tranh, khi con người chỉ là những số đếm của bàn tay bạo chúa. Trong những bài thơ như vậy, có một Hoàng Vũ Thuật thẳng thắn, trầm tĩnh đối diện với ánh sáng và bóng tối của thế tục, mặt đẹp và mặt xấu của cuộc đời.

“sau một cái cây

sau một khoảng mù trong rừng rậm

sau một dòng suối lạ

sau một gò đồi

sau bờ bãi nâu

những chiếc lá thao thức đêm cuối

thanh thản lìa cành

chúng dệt nên tấm thảm vàng ấm”

(Tôi và lá, 2019)

Vẫn bằng ngôn ngữ đời thường, cuộc đối thoại với chiếc lá được phủ một lớp ý niệm về cái chết. Chiếc lá như biểu tượng của một sức sống đã sẵn sàng để lìa đời. Những khoảng mù trong rừng rậm, dòng suối lạ, gò đồi, bãi nâu thoạt nhìn không có gì đặc biệt, (đồng thời người đọc cũng không nhất thiết phải tiếp nhận những lớp nghĩa khác phía sau mà vẫn có thể dự cảm được về ám ảnh cái chết) nhưng những biểu tượng ấy gợi lên một sự chìm khuất, riêng tư và sâu thẳm. Điệp từ “sau” càng tô đậm nên nét nghĩa này. Khoảng không mịt mù ấy nơi chiếc lá thầm lặng lìa cành chứa đựng chân lý về cái trác tuyệt mà về sau sẽ được phóng lên qua hình ảnh “tấm thảm vàng ấm”. Như vậy, ngôn ngữ thơ tầng tầng lớp lớp nghĩa, tạo ra một không khí của niết bàn: cái chết sâu thẳm và bình lặng, mọi dữ dội của đời không còn mảy may vương vấn gì nữa. Ở phía bên này của hư vô, cuộc đời chỉ còn một mục tiêu hướng đến cái trác tuyệt. Điều này phần nào được lý giải ở những đoạn thơ cuối, nơi không gian – như thường lệ – chuyển về phía suy niệm

“tôi thấy mùa đi

i nghe mây thầm thì

tôi biết mình có gì

tôi thành tôi xưa kia”

Ý nghĩa của lá rụng về cội được thông diễn lại qua hành trình phóng thể của con người vào chiếc lá. Đứng trước ám ảnh về cái chết, con người được tồn tại một cách trọn vẹn, đầy đủ trước thế gian. Vì vậy, dẫu các hình ảnh và ngôn ngữ thơ của Hoàng Vũ Thuật có giản dị bao nhiêu, đó vẫn là kết quả của một thao tác giảm trừ hiện tượng luận nền tảng của triết học hiện sinh: đặt sự vật vào trong ngoặc, để chúng tự cất lên tiếng nói, qua đó khai mở cho ta biết về hữu thể.

Như vậy, ngôn ngữ thơ Hoàng Vũ Thuật vừa biến ảo, vừa có lúc giản dị, nhưng tựu trung được phủ lên một lớp chiêm nghiệm, triết lý rất cao, mang đậm tính chất hiện sinh.

Lê Nga