“Chánh tổng Tân”- một đời tài hoa và dung dị

 

Nghệ sỹ Đình Tân thường được bạn bè văn nghệ sỹ và bà con xứ Nghệ gọi bằng cái tên “đóng đinh” với vai diễn để đời của ông: “Chánh tổng Tân”. Ai người xứ Nghệ không từng biết tới vở chèo (sau được dàn dựng sang vở dân ca) nổi tiếng: “Cô gái sông Lam” của nhà viết kịch tài hoa Nguyễn Trung Phong. Cùng với lớp nghệ sỹ thời ấy, những Đinh Viết Cự, Minh Ngọc, Kim Tân…, nghệ sỹ Đình Tân trong vai chánh tổng đã đưa vở diễn gây tiếng vang tại Liên hoan sân khấu chèo miền Bắc năm 1962 với 4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc (cho vở diễn và các cá nhân), đặc biệt hơn, vở diễn được đưa vào Phủ Chủ tịch, được Bác Hồ xem và khen ngợi.

Nghệ sỹ Vũ Đình Tân, còn được gọi với những “nghệ danh” là Dương Tân (ghép với tên vợ ông), Na Tân. Trước khi “làm chánh tổng”, người con làng quê Diễn Bích (Diễn Châu) ấy cũng trải qua tuổi thơ nghèo khó ở quê nhà dưới thời thực dân Pháp. Có điều, cậu bé quê ngày ấy mê võ và mê ca hát. Ông thường theo thầy đi học võ. Những người quê Diễn Bích kể rằng, ông Na Tân ngày xưa ấy thông minh, khỏe mạnh, đẹp trai, hát hò hay và ăn nói có duyên. Ông cũng đã học hết đệ tam, rồi vào bộ đội chống Pháp. Khi hòa bình lập lại, ông trở về quê nhà, học thêm một vài năm nữa rồi được tuyển vào đoàn Văn công Nghệ An. Đến năm 1969, Vũ Đình Tân chuyển về Đoàn ca kịch Nghệ An, tới năm 1973 về Đoàn ca múa miền núi và sau đó chuyển về Đoàn cải lương Nghệ An cho tới khi nghỉ hưu (1982).

Tài năng của Đình Tân không chỉ là diễn xuất trên sân khấu. Ông còn sắm được rất nhiều “vai” khác sau cánh gà như: nhạc công, họa sỹ, thiết kế mỹ thuật. Sau này về hưu, ông được nhiều người tìm tới với tài vẽ tranh, đặc biệt là tranh cổ, ông đánh được nhiều loại đàn, biết biểu diễn rối nước, xem phong thủy, tử vi, tham gia dạy võ, dạy vẽ… Một nghệ sỹ đa tài như ông, nhưng đã trở về với nếp nhà quê yên ấm, hàng ngày vui vầy cùng sân gạch, hàng cau và bầy cháu nhỏ. Ai cần ông ở vai trò nào là lại nhiệt tình đến giúp.

Nói về vở diễn để đời “Cô gái sông Lam”, nhiều người nhận xét đó là vai “chánh tổng kinh điển” với cái “kỹ thuât” xoay ba tong ngoạn mục, dáng vẻ trời phú với cách “nhả ngôn” không ai có. Nghệ sỹ Đinh Viết Cự đã từng kể về những tháng ngày cùng nghệ sỹ Đình Tân và anh em trong đoàn Văn công Nghệ An đi biểu diễn, chia ngọt sẻ bùi và chịu bao nhiêu gian khổ chỉ vì đam mê được diễn.

Những ngày dựng sân khấu ngay trên vỉa hè phố Vinh. Khi đi biểu diễn ở đâu, anh chị em đều xúm vào đẩy xe bò chở đạo cụ, phục trang, kể cả những huyện xa. Rồi bao nhiêu lần biểu diễn trong tiếng bom đạn gầm rít. Và nghệ sỹ Đình Tân lúc nào cũng dáng vẻ ung dung, như mọi chuyện trên đời đều không có chi nghiêm trọng. Vinh dự nhất trong đời các nghệ sỹ ở Đoàn Văn công Nghệ An thời điểm đó là được gặp Bác Hồ, được biểu diễn cho Bác xem vở “Cô gái sông Lam”.

Đoàn văn công Nghệ An sau đêm diễn “Cô gái sông Lam” được gặp và chụp ảnh cùng Bác Hồ. Ảnh tư liệu chụp lại

Tin nghệ sỹ Đình Tân tạ thế tại quê nhà (làng Quyết Thành, xã Diễn Bích) hưởng thọ 87 tuổi khiến không ít người ngỡ ngàng, thương tiếc. Vẫn biết quy luật sinh lão bệnh tử, nhưng với “Chánh tổng Tân”, người dân quê ông vẫn xem là một biểu tượng văn hóa của đất quê, một con người tài hoa, dung dị, mà nói như nhạc sỹ- nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì ông là “một tài năng xuất chúng ở quê tôi”. Ông vẫn đang cống hiến cho quê hương bằng tài năng và nhiệt huyết của mình.

Xin được giới thiệu những dòng suy nghĩ, những kỷ niệm của 2 người con quê hương Diễn Châu, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật về nghệ sỹ Đình Tân.

Nhà báo- nhiếp ảnh gia Trần Cảnh Yên: Một lần xem “chánh tổng” diễn.

Sau lần làm quen với người nghệ sỹ già trong một cuộc sinh hoạt của CLB thơ Hương Quê, tôi có dịp về thăm nhà của “chánh tổng” Tân tại xóm Quyết Thành thuộc xã Diễn Bích (Diễn Châu). Cơ ngơi của “chánh tổng” là hai gian nhà đơn sơ nếu như không muốn nói là rất tuềnh toàng. Nhà chỉ có hai người, cụ bà Lê Thị Dương tuổi cũng đã ngoài tám mươi nhưng vẫn còn hoạt bát nhanh nhẹn. Cụ “chánh” vẫn khỏe mạnh, chỉ hiềm một nỗi tai bị nghễnh ngãng nhưng nhờ có cụ bà “thông ngôn” cho nên cuộc giao lưu trò chuyện của tôi với “ngài chánh tổng” vẫn suôn sẻ.

Ông Tân bộc bạch: “Tui thì nói thật là trời cũng ban cho nhiều cái khiếu vặt… Công danh sự nghiệp thì chẳng đến đâu nhưng phần thưởng lớn nhất trong đời hoạt động sân khấu của tui là lần cùng với Đoàn văn công tỉnh nhà vinh dự được vào Phủ Chủ tịch diễn vở “Cô gái sông Lam” cho Bác Hồ và các vị lãnh đạo chính phủ ta xem vào cuối năm 1962”. Khi tôi hỏi, từ ngày về hưu, ông làm gì, ông trả lời: “Làm nhiều chớ, tui về “vườn” rồi nhưng làm không hết việc: vừa vẽ tranh cho con bán vừa đi biễu diễn múa rối.

May mà hồi trước tui được đoàn cử đi học một năm múa rối ngoài Hà Nội để khi giải nghệ có thêm một cái cần câu cơm. Nói vậy chớ hồi mới về hưu tôi cũng làm cho ngành văn hóa được ối việc. Năm 1982 tui viết và dàn dựng biểu diễn vở Bến nước quê mình; 1983 vở: Diễn Bích căm ; Diễn Yên quê tôi; và một loạt ca khúc như: Diễn Cát quê em (1985); Con trâu (1990); Quê mình câu nhớ câu thương (1993); Tình quê hương lúa ; Lời ru tâm tình (1998)…

Bà Dương cũng kể thêm: “Hồi mới về hưu ông ấy hăng lắm, cứ hai bồ chất đầy con rối gánh đi diễn khắp nơi. Vé xem múa rối chỉ có hai hào thôi mà cũng thu được nhiều tiền lắm nhưng mình được chia phần không là bao vì phần nhiều thuộc về ông bầu ở các làng xã nơi mình đến biểu diễn. Múa rối chán rồi ông mở lớp vẽ tranh, dạy võ, dạy nhạc; vừa dạy vừa vẽ tranh bán. Hồi đó mấy thứ tranh như Võ Tòng đánh hổ, Lưu-Quan-Trương…đem bán ở chợ Si cũng kiếm được ít tiền”.

Nghệ sỹ Đình Tân và cháu nội. Ảnh: Cảnh Yên

Bà Dương cười chỉ tay lên bức vách, tôi thấy ở đó treo dăm bảy bức tranh đã ố vàng. Phía dưới mấy bức tranh là một chiếc đàn ghita, một cái nhị và một cái vĩ cầm bọc kín trong túi da. Ông Tân lấy cây vĩ cầm xuống định chơi một bài đàn cho tôi nghe nhưng té ra cây đàn để lâu không còn đủ dây nên ông lại treo nó lên chỗ cũ. “Thôi thì hay là ông lụa vài đường ba-toong cho chú xem thử có còn điệu như hồi xưa không”- Ông Tân nghe được gợi ý của bà Dương liền cười to: “Được chớ” rồi ông vào nhà lục tìm mãi được cái gậy trúc “nhà nghề” giấu trong ngạch chum. Tôi theo ông ra sân, sau khi bà Dương soạn xong “sân khấu”, ông Tân cười khoái chí nói với tôi: “Diễn thử vai chánh tổng nhé”. Nói xong ông múa tít cây gậy trúc rồi hắng giọng:

-Lão già…chứ lão già đã biết quan huyện Phàng ch..ư…a…?

-Dạ bẩm quan là con biết rồi ạ

– Ờ…biết rồi thì tốt, quan huyện Phàng là quan nhân đức lắm; ngươi mà hết lòng phụng sự quan trên, d..ẹ…p yên cộng sản rồi ta sẽ bẩm lên quan trên cho mà nhờ…he he he he…

Thật là ngoạn mục! Tôi được một phen đắc chí vì sau hơn nửa thế kỷ, vai chánh tổng lại được ông Tân tái hiện lại thật tuyệt vời! Cái điệu xoay chiếc gậy ba-toong và giọng cười he he he he cùng với những động tác sân khấu: “Loan-điểm-chỉ-khuyết-cầu-ký” của ông Tân thật độc nhất vô nhị. Tôi chợt nghĩ: Một con người thật đa tài, nhưng có lẽ ông Tân sinh ra là để làm “chánh tổng” cho Nguyễn Trung Phong!

Sau một hồi lâu nghỉ lấy sức, ông Tân kêu bà Dương vào tìm cho ông hai tập bản thảo chi đó mà ông nói là vừa viết xong cuối năm 2011. Tủ sách của ông Tân là chiếc ghế băng và mấy cái bao xác rắn chất đầy sách vở. Bà Dương vừa lục tìm vừa phàn nàn với tôi: “Già cả thế mà còn ham đọc, ham viết lắm chú ơi! Đây rồi, cái này là “Về Trường Sa”, còn cái này là “Quan Nghè Ôn”; có hai tập này mà tôi thuê đánh máy, photo thêm chục bản nữa mà hết năm trăm ngàn đồng đấy”.

Ông Tân lật lật vài trang trong tập bản thảo rồi nhìn tôi vẻ tiếc rẻ: “Hai cái này tôi viết hơn hai năm trời mà giờ đành xếp xó. Tui không gửi vì đây là hai vở ca kịch cải lương mà Nghệ An nhà mình giờ đâu còn cải lương! Hay là tui sẽ nhờ một tác giả nào đó chuyển thể nó sang dân ca thì may ra dùng được…”.

Được đọc 5 màn kịch mà nghệ sỹ Dương Tân đã miệt mài viết trong mấy năm trời tôi mới thấy sức lực làm việc của một người tuổi ngoài tám mươi thật đáng nể phục. Không tin chắc là hai vở kịch của cụ Tân có dàn dựng được không nhưng có một điều mà tôi tin chắc là trong những trang viết của cụ, cái tâm và cái tình của người nghệ sỹ trong con người ông với văn chương-nghệ thuật, với đời thì vẫn sáng láng, vượt lên trên cả thời gian.

Họa sỹ Nguyễn Trung Hợi: “Ông là một nghệ sỹ đa tài”

Ông là bậc cha chú của tôi, nhưng ông coi tôi như người bạn đồng nghiệp. Năm 1991 tôi rời quân ngũ về mở tiệm vẽ truyền thần ông ghé chơi và từ đó ông hay nhờ tôi chở đi chơi , ông thích nói chuyện về nghệ thuật, tình yêu … Khi nhắc đến vai “chánh tổng” trong vở “Cô gái Sông Lam” ông tự hào lắm: “Cuộc đời tau nghèo nhưng tau gặp may và cũng rất tự hào khi được cùng đoàn ra Hà Nội diễn cho Bác Hồ xem, vở kịch có 5 màn, kết thúc mỗi màn thấy khán giả vỗ tay là tau sướng nhất.” Rồi ông kể vì vai diễn này mà mãi về sau này nhiều người vẫn gọi ông là “ông chánh tổng”.

Có lần ông mời tôi xuống nhà chơi, bước vào ngôi nhà đơn sơ nhưng treo những bức tranh rất đẹp, tôi chưa kịp hỏi ông đã nói :

-Ở Diễn Châu này, vẽ truyền thần giỏi nhất là mi – Trung Hợi. Vẽ sơn dầu là thằng Bình (Ông Bình cùng đoàn Văn công với Đình tân quê Diễn Liên, đã mất). Còn vẽ tranh cổ không đứa nào qua mặt tau, mi xem đi tất cả là tau vẽ đấy.

Thật kính nể, ông không những tài diễn xuất trên sân khấu mà còn là tay bút xuất sắc vẽ tranh cổ. Ông giải thích cho tôi :

-Vẽ tranh cổ ngoài tài hoa còn phải hiểu về nó mới có tác phẩm đẹp.

Ngoài những gì ông có ở trên, ông còn am hiểu phong thuỷ, biết xem tử vi, trong túi xách nhỏ của ông lúc nào cũng có vài quyển sách như vật bất ly thân, mới biết ông rất đam mê nghiên cứu.

Lúc tuổi ngoài thất tuần, địa phương nào cần dàn dựng chương trình cho đội văn nghệ ông cũng rất sẵn sàng và đầy nhiệt tình, bởi công việc đó ông thích nhất trong cuộc đời.

Nguồn: Báo Nghệ An

Thùy Vinh- Cảnh Yên- Trung Hợi