24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Chặng đường 5 năm và tầm vóc của một lãnh tụ thiên tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hàng chục năm nay là đề tài cao đẹp, hấp dẫn đối với nhiều cây bút văn xuôi và tiểu thuyết, trong đó có những tác phẩm gây được ấn tượng với độc giả. Nhà văn Sơn Tùng có “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”; nhà văn Hồ Phương có “Cha và con”; nhà văn Hoàng Quảng Uyên có bộ 3 tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”, “Giải phóng”; nhà văn Nguyễn Thế Quang có “Khúc hát những dòng sông”… Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của Nguyễn Thế Kỷ tuy mới “đi” được hơn nửa chặng đường (xuất bản 3 tập trong kế hoạch 5 tập), nếu hoàn thành trọn vẹn sẽ là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất khắc họa đầy đủ, sinh động và lôi cuốn về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình tượng văn học.

Nếu như ở tập I (có tên “Nợ nước non”) muốn khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành ở tuổi ấu thơ với bối cảnh gia đình, quê hương và xã hội đã hun đúc nên một nhân cách cao đẹp, một tinh thần  yêu nước và hoài bão cứu nước sục sôi; ở tập 2 có tên “Lênh đênh bốn biển” khắc họa hình tượng anh thanh niên Nguyễn Văn Ba – Nguyễn Ái Quốc đầy ý chí nghị lực và sự thông tuệ trên những dặm dài tìm đường, chọn đường cứu nước những năm 1911-1941 thì tập 3 (Từ Việt bắc về Hà Nội1) ghi lại hành trình 5 năm Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng đưa đến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong tập này, hình tượng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại có thêm những vẻ đẹp mới: một lãnh tụ giản dị, gần gũi, gắn bó với đồng chí, đồng bào; một vĩ nhân với tầm nhìn chiến lược và trí tuệ sắc sảo trong những thời điểm gay cấn, khó khăn nhất của lịch sử dân tộc.

Cuốn sách “Nợ nước non” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: TL

Trước Nguyễn Thế Kỷ, nhà văn dân tộc Tày Hoàng Quảng Uyên trong tiểu thuyết “Mặt trời Pác Bó”2 cũng đã chọn một khoảng thời gian tương đồng để khắc họa hình tượng Bác từ khoảng 1941 đến 1945. Tuy nhiên, với vốn sống và cách khai thác tư liệu riêng, Hoàng Quảng Uyên  chú ý tô đậm những năm tháng Bác sống và làm việc tại Cao Bằng, tình cảm của Bác đối với đồng chí và nhân dân Cao Bằng cũng như những tình cảm kính yêu của nhân dân, lực lượng vũ trang Cao Bằng đối với Người. Nhà văn người Tày thú nhận: “Tôi yêu 3 đứa con tinh thần như nhau nhưng thật sự tâm đắc vẫn là Mặt trời Pác Bó, bởi trong đó hình ảnh Cụ Hồ hiện lên rất rõ, tình cảm của Người với người dân Cao Bằng khắc họa đậm đà. Một số nhân vật như Lê Quảng Ba, Nông Thị Trưng… cũng sống động trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này”3. Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ có phần bắt gặp cái nhìn của Hoàng Quảng Uyên, nhưng anh còn muốn khắc họa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên một cái nhìn nhất quán, toàn diện hơn cả ở hai phương diện của con người Bác: một nhân cách cao đẹp, trong sáng, giản dị và một lãnh tụ thiên tài. Thực ra, khi viết tiểu thuyết lịch sử, bất cứ nhà văn nào cũng đặt mình trước một thử thách: làm sao để cuốn tiểu thuyết không sa vào “bẫy” lịch sử, không lặp lại những con người, sự kiện mà mọi người đã quá quen thuộc. Do đó viết tiểu thuyết lịch sử trước hết là để thể hiện một diễn ngôn của nhà văn, một diễn ngôn trong đó có những sáng tạo mới mẻ trong cách nhìn và cách thể hiện. Theo dõi các tiểu thuyết lịch sử trong những năm gần đây, chúng tôi thấy có 3 xu hướng chính trong cách tiếp cận hiện thực và xây dựng nhân vật lịch sử: 1. Tiếp cận từ góc nhìn đồng hướng với chính sử, 2. Tiếp cận từ góc nhìn bổ khuyết, đối thoại với chính sử, 3. Tiếp cận từ góc nhìn mượn lịch sử để đào sâu, khám phá con người cá nhân đời tư. Tất nhiên, sự phân chia này chỉ là tương đối vì trên thực tế ở nhiều tiểu thuyết lịch sử thường có sự kết hợp, đan xen khá sinh động. Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ “Nước non vạn dặm” của Nguyễn Thế Kỷ nói chung, tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” nói riêng cơ bản đi theo xu hướng thứ nhất. Cũng như ở 2 tập tiểu thuyết trước đó, ở tập này, nhà văn vẫn trung thành với bút pháp tự sự theo trật tự thời gian tuyến tính. Tác giả dẫn người đọc lần theo bước chân của Bác từ khi Người xúc động đặt chân “trên mảnh đất ấm áp, thân thương” của Tổ quốc sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài đến những giây phút thiêng liêng Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập “trong cảm giác tột cùng hạnh phúc”. Với điều kiện công tác của mình, Nguyễn Thế Kỷ có thế mạnh được đi nhiều, biết nhiều, được tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu phong phú về Bác. Tuy nhiên, người viết biết chọn lọc, sắp xếp và cả tiết chế tài liệu, vì thế khối tài liệu khổng lồ kia rất phù hợp và đủ để tạo ra không khí, bối cảnh, không gian của một giai đoạn lịch sử nóng bỏng, phức tạp, đầy biến động ở trong và ngoài nước. Bên ngoài thì chiến tranh thế giới diễn ra ác liệt, phát xít Đức tấn công Liên Xô, Nhật tấn công Trung Quốc và đẩy mạnh cuộc chiến ở châu Á – Thái Bình Dương; cuộc kháng chiến chống Nhật khó khăn và mối liên minh Quốc – Cộng mong manh giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản ở Trung Quốc; thái độ không rõ ràng và đầy thận trọng của người Mỹ đối với Việt Minh và cách mạng Việt Nam. Trong nước thì tình hình diễn biến khẩn trương, mau lẹ. Nhật nhảy vào Đông Dương hất cảng Pháp, nhân dân ta chịu “một cổ hai tròng”, nạn đói Ất Dậu kinh hoàng khiến hàng triệu người chết đói. Rồi phong trào cách mạng lên cao, ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh ngày càng lớn. Hàng loạt hoạt động của Bác để xây dựng lực lượng chính trị và võ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa: thành lập Mặt trận Việt Minh, ra tờ báo “Việt Nam độc lập”, chỉ đạo thành lập các đội du kích, thiết lập các mối quan hệ với đại diện của nước Mỹ ở Trung Quốc… Rồi 13 tháng bị giam cầm trong nhà ngục tỉnh Quảng Tây và tiếp tục bị giam lỏng sau khi được trả tự do… Người đọc biết rõ thêm nhiều sự kiện lịch sử và cả một số khoảng mờ trước đó trong tiểu sử Nguyễn Ái Quốc khi tác giả khéo léo dùng thủ pháp hồi tưởng của nhân vật. Chẳng hạn sau khi Bác tiễn chân đồng chí Trường Chinh, nghĩ về việc phải “thương nhau, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ”, nhà văn đã để cho Người nhớ lại một quãng thời gian hoạt động ở nước ngoài với nhiều xót xa của mình: “Đó là những bài học xương máu và nước mắt. Ông nhớ lại những gì diễn ra trong Đảng và với cá nhân ông, nhất là từ sau Hội nghị lần thứ Nhất của Trung ương họp tháng 10 năm 1930 tại Hồng Kông, Trung Quốc. Cả Quốc tế Cộng sản, kể cả một số đồng chí, đồng hương của ông đã không hiểu ông, có những báo cáo gây tổn thương, tổn hại cho ông. Có những lúc ông cảm thấy họ đẩy ông ra xa tổ chức, thậm chí, coi ông như là người đứng bên cạnh Đảng, đứng bên ngoài Đảng, tổ chức máu thịt mà ông tâm nguyện dành cả cuộc đời không tiếc máu xương” (tr. 57-58).

Cuốn sách “Lênh đênh bốn biển” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Thúy Hoa

Trong xây dựng hình tượng nhân vật Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, thủ pháp khắc họa hình tượng nhân vật qua hành động, qua ngôn ngữ đối thoại quả đã phát huy hiệu quả. Vị lãnh tụ kiểu mới, gần gũi với quần chúng không chỉ thể hiện qua những nguyên tắc sống, làm việc, thói quen chuẩn mực mà còn thể hiện qua nhiều chi tiết tưởng như nhỏ nhặt: kiên quyết từ chối một bát cháo trứng dành cho mình mà nhường bát cháo ấy cho cụ già nhiều tuổi hơn trong gia đình (tr. 36) hay khi ngủ trong hang “cố gắng trở mình thật khẽ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của anh em” (tr.24). Ở những thời điểm cần thiết, tác giả sử dụng thật đắc địa thủ pháp độc thoại nội tâm (bằng lời văn hai giọng), chẳng hạn trong thời khắc bồi hồi xúc động đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất Cao Bằng địa đầu Tổ quốc, Người quặn thắt nổi nhớ cha, mẹ, người thân: “Nguyễn Ái Quốc nhớ tới cha. Ngày ông đi, một lời tiễn biệt hay một cái ôm ông cũng không thể thực hiện được. Cha ông, ông phó bảng cả đời thanh sạch, chính trực, khí khái đã qua đời khi ông còn lênh đênh ở xứ người. Ông nhớ mẹ, nhớ bà ngoại, nhớ chị Thanh. Nhớ những bông hoa huệ tinh khiết nở dịu dàng trong vườn. Nhớ cây mít sau nhà, bờ mạn hảo lối ngõ, nhớ chiếc võng gai, chiếc rương gỗ nhỏ, bờ tre kĩu kịt xỏa tóc sau nhà” (tr.13)…

Cuốn sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: TL

Có thể có người cho rằng tiểu thuyết Nguyễn Thế Kỷ ít có yếu tố cách tân trong kết cấu, bút pháp và trần thuật. Nhưng tôi nghĩ mỗi tác giả khi viết tiểu thuyết lịch sử có cách lựa chọn riêng, vừa phù hợp với cái “tạng” của mình và phù hợp với đối tượng độc giả mà nhà văn hướng tới. Bút pháp, lối kể chuyện đậm chất truyền thống trong cuốn tiểu thuyết đã tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn với số đông bạn đọc, dù cho cuộc đời của Bác, các sự kiện lịch sử mà tác giả đề cập không hề xa lạ với nhiều người. Với những gì thể hiện qua 3 cuốn tiểu thuyết nói chung, gần 200 trang tiểu thuyết của “Từ Việt Bắc về Hà Nội” nói riêng, hy vọng 2 tập tiếp theo của bộ sách sẽ vẫn làm hài lòng độc giả trên hành trình “Nước non vạn dặm” theo dấu chân của Người.

Đinh Trí Dũng

­1. Nguyễn Thế Kỷ, Từ Việt Bắc về Hà Nội, Nxb Văn học, Hà Nội, 2024.
2. Hoàng Quảng Uyên, Mặt trời Pác Bó, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.
3. Nông Hồng Diệu, Chuyện tác giả bộ tiểu thuyết Hồ Chí Minhhttps://tienphong.vn/chuyen-tac-gia-bo-tieu-thuyet-ho-chi-minh-post1564027.tpo, cập nhật 2/9/2023).

VIDEO