Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, cha tôi đã là một thầy giáo. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ và các anh chị trong gia đình. Lúc còn nhỏ, tôi chưa hiểu rõ về công việc của cha đang làm. Thế nhưng hình ảnh cha hàng ngày đi làm, mang một chiếc cặp da, khoác trên mình chiếc áo sơ mi trắng đóng thùng trong chiếc quần tây lỗ chỗ vài miếng vá đã thành quen thuộc với tôi. Cũng hình ảnh đó, lúc cha trở về nhà đã lấm lem phấn trắng trên tay và quần áo. Đêm đêm, cha lại lặng lẽ, miệt mài bên những trang giáo án, những chồng bài kiểm tra, vở của học trò đến thâu đêm suốt sáng…

           Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu hiểu ít nhiều về nghề nghiệp của cha, cũng là lúc tôi được làm cô học trò “đặc biệt” vì được học cha ở trường và cả ở nhà. Ông bà xưa thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thế nhưng, hầu như cha mẹ tôi rất ít khi dùng đòn roi để răn dạy con cái. Trong dạy học cũng như sinh hoạt hàng ngày, cha đều dùng lời lẽ khuyên bảo. Tuy nhiên, cha lại có những nguyên tắc, những khuôn phép riêng, điều mà cha luôn gọi là giữ lấy “gia phong”, “nếp nhà”. Mỗi khi có mâu thuẫn trong gia đình, cha đều nói “nhân vô thập toàn”, nên “dĩ hòa vi quý”. Có lẽ cũng chính vì quan điểm sống đó của cha nên trong gia đình tôi, ít khi có lời qua tiếng lại, luôn giữ không khí thuận hòa.

     Những điều tôi học được ở cha không chỉ là tri thức, mà cao hơn nữa là học cách làm người. Cha không dạy con cái bằng những lời giáo điều, sách vở, mà dạy con từ những việc nhỏ nhất và bằng những việc cha làm. Cũng như cách cha cư xử đối với ông bà nội ngoại, anh chị em trong gia đình hay bạn bè, làng xóm luôn có trên dưới, có trước, có sau, đủ để con cháu nhìn vào đó mà học tập. Cho đến bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi vẫn không quên kí ức tuổi thơ gắn với những đêm Hè, cả gia đình cùng ra sân ngồi hóng gió. Điều thú vị là dưới bầu trời đầy trăng sao đó, cha đố các con tìm ra đâu là sao Bắc Đẩu, đâu là sao Hôm, đâu là dải Ngân Hà,… Những hiểu biết về thiên văn học của cha luôn là điều khiến tôi thích thú. Cha còn đọc cho các con nghe những câu đố dân gian, những bài ca dao, những câu tục ngữ gắn với thời tiết, với đời sống hàng ngày… Những điều giản dị, đời thường thế thôi nhưng lại ghi dấu ấn sâu sắc trong kí ức tuổi thơ của tôi. Cứ như thế tôi đã lớn lên trong cái kho tàng dân gian mà cha truyền dạy.

      Là con thứ 4, cũng là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, tôi luôn được ưu ái hơn về vật chất lẫn tinh thần. Tôi thấy mình may mắn hơn so với các anh chị trong nhà và các bạn cùng trang lứa, bởi chỉ biết ăn và học mà không phải lao động vất vả. Các anh chị thiệt thòi hơn tôi vì tuổi thơ chỉ được lớn lên bên ông bà và mẹ, còn cha thì công tác xa nhà. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường ĐHSP Vinh, cha được phân công về dạy ở một nơi cách xa quê nhà hàng trăm cây số, đó là Trường THPT Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tôi nghe mẹ kể, lúc đó, ở quê nhà Nghệ An, mẹ tay bế tay bồng, “một nách 2 con”, lại bận việc ruộng vườn không nuôi được lợn để nộp cho Hợp tác xã nên thường xuyên phải đóng phạt. Tôi thường hỏi mẹ, sao cha đi dạy mà nhà ta nghèo thế, mẹ nửa đùa nửa thật “cha con đi dạy chỉ đủ nuôi thân, mỗi năm mang về được một can nước mắm chứ có gì đâu”. Tuy mẹ chỉ đùa thôi, nhưng tôi vẫn hình dung được cái khó khăn của gia đình mình lúc bấy giờ. Cha vẫn thường kể cho các con nghe, về những ngày cha vừa đi dạy, vừa phải làm thêm nhiều việc khác như sửa đồng hồ để kiếm tiền phụ thêm vào đồng lương ít ỏi. Câu chuyện vui về ông chủ tịch huyện phải đi bộ, đi chân đất được cha kể lại để các con hiểu thêm về cái khó khăn chung của đất nước thời bấy giờ. Gian khổ là thế lại phải xa gia đình, xa vợ con, thu nhập lại thấp, vậy mà suốt 10 năm đằng đẵng, trên con tàu từ Bắc vào Nam, cha vẫn kiên trì bám trụ với nghề, trong khi, cũng có nhiều người phải bỏ dạy giữa chừng, trong đó có chú ruột của tôi. Điều gì đã khiến cha làm được điều đó nếu không phải là vì tình yêu nghề, yêu trò, vì tâm huyết?!

Hình minh họa, nguồn: tuoitre.vn

        Sau một thời gian dài, cùng với sự kiên trì, bền bỉ, rồi một ngày cha xin được về dạy học trên quê hương Nghệ An của mình. Nhà tôi ở huyện Yên Thành, nhưng cha lại được phân về dạy học ở một trường thuộc huyện Diễn Châu. Hàng ngày, cha vẫn gắn bó với chiếc xe đạp, vượt mấy chục cây số đều đặn đến trường, bất kể nắng hay mưa. Mấy năm sau, cha mới chuyển được về dạy học ở một trường cấp 2 trong xã cho đến lúc về hưu. Cha kể, có 2 lần cha ốm nặng vì đau thần kinh tọa, phải xin nghỉ dạy 2 năm. Bệnh tình hành hạ, khiến cha không thể đứng, không thể nằm. Trong 2 năm đó, thời gian cha điều trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An nhiều hơn ở nhà. Con đường đến trường trở nên xa vắng khi con đường đến viện trở thành quen thuộc. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc đời cha, không chỉ về vật chất mà chính là về đời sống tinh thần. Thử hình dung, một người vốn rất nghị lực, không thiếu sự kiên nhẫn và vô cùng yêu, quý nghề dạy học như cha, đã được về dạy tại xã nhà mà đành phải xin nghỉ việc, nằm tại nhà trong nỗi đau thân thể bị bệnh tật dày vò. Rồi chính bằng nghị lực, hơn hết là vì yêu nghề, yêu trò, cha đã chiến thắng được bệnh tật để lại được đến trường, được đắm mình trong niềm vui thầy trò, niềm hưng phấn trong từng bài giảng.

           Những câu chuyện về nghề, về những tháng ngày đất nước còn khó khăn, hay những gian truân mà cha cùng gia đình từng trải qua luôn kích thích sự tò mò đối với tôi, để từ đó khi hiểu ra rồi, tôi càng trân trọng hơn những giá trị mà mình đang được hưởng. Năm 1985, tôi ra đời, lớn lên được gần bên cha vì lúc đó cha đã về dạy gần nhà. Từ bé tới lớn, tôi luôn coi cha như là một “kho tàng tri thức” để tôi có thể giải đáp những thắc mắc của mình. Tuy là một giáo viên dạy Văn, nhưng cha tôi lại có sự am hiểu trên nhiều lĩnh vực, tự nhiên lẫn xã hội. Tôi xem đó là điều may mắn, bởi bao nhiêu điều không biết tôi đều hỏi cha. Nhiều lúc tôi thấy cha vừa là một người thầy, lại như là một người bạn của tôi vậy. Không chỉ với tôi mà bất cứ ai trong gia đình, sau này là các cháu nội, ngoại của cha, đều thích trò chuyện với ông để được ông chỉ bảo nhiều điều.

       Tuy chỉ là một thầy giáo bình thường, cái chức cha giữ bao năm cao nhất chỉ là tổ trưởng tổ chuyên môn, nhưng cha luôn được rất nhiều thế hệ học sinh, đồng nghiệp kính trọng. Dường như cha dành cả cuộc đời mình để trau dồi chuyên môn, để phục vụ những giờ lên lớp, để bồi dưỡng biết bao thế hệ học sinh. Nhắc đến cha, là nhớ về người thầy với những giờ lên lớp đầy nhiệt huyết, là người thầy đa tài với thơ, ca, hội họa, thông thạo Hán, Nôm nhưng rất mực khiêm nhường, là người thầy sống gần gũi, luôn giúp đỡ đồng nghiệp khi cần thiết. Tôi từng nghe một số thầy cô giáo trẻ gọi cha với cái tên thân mật là “cha nuôi”, bởi cha luôn sẵn sàng giúp đỡ những giáo viên còn trẻ như chính con của mình. Chưa lúc nào cha đề cao thành tích. Cha không khoe về những thành tích của lớp cha dạy, về những học sinh giỏi được cha bồi dưỡng, hay những giáo viên được cha bổ trợ trong việc thi giáo viên giỏi đạt thành tích cao… Cái cha thường nhắc như một điều tự hào là những học trò đã thành đạt ra sao, trưởng thành thế nào, và làm được những gì có ích cho xã hội. Cũng vì quan điểm đó mà tôi cũng như các anh chị của mình chưa bao giờ chịu áp lực học tập nhiều từ gia đình. Cha luôn sẵn sàng chỉ bảo con cháu, giải đáp mọi thắc mắc, nhưng không bao giờ ép buộc hay áp đặt. Tôi nhớ khi còn là học sinh, vào mỗi dịp cuối tuần, mẹ vẫn nhắc nhở tôi học bài. Nhưng cha bảo, mẹ để cho các con nghỉ ngơi bởi sinh ra thứ Bảy, Chủ nhật là để các con vui chơi, giải trí. Sau này, tôi càng thấy điều cha nói là đúng bởi nhiều phụ huynh bắt con mình học quá sức, học nhồi học nhét là một sai lầm, đặc biệt là đối với các cháu đang còn nhỏ tuổi. Năm 2003, khi tôi chọn con đường nối nghiệp cha để thi vào khoa Sư phạm Ngữ văn, cha cũng để tùy con quyết định, bởi vì cha nghĩ đó là sở thích, là mơ ước của con. Tuy thế, tôi vẫn biết cha luôn kỳ vọng vào các con, luôn mong con học hành thành đạt. Không phụ lòng mong mỏi của cha, cánh cổng trường đại học đã mở rộng đón tôi cùng hành trang mà cha đã trao trong suốt quãng thời gian trước đó. Trước tôi có các anh chị, sau tôi có các cháu của cha đều lần lượt vào đại học. Cứ như thế, thế hệ sau nhìn và noi gương thế hệ trước để học tập và trưởng thành.

“Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”

        Mỗi người cha sẽ yêu thương con theo cách riêng của mình. Với cha, tình yêu thương dành cho con cháu không ồn ào mà cứ lặng lẽ, âm thầm từng ngày. Cha vẫn thường đón đưa tôi đi học trên chiếc xe máy Honđa màu đỏ; vẽ cho tôi những đầu báo tường để mang đi thi, chỉ tôi cách vẽ một bông hoa hay một con vật yêu thích; giảng giải cho tôi nghe những câu Kiều; kể cho tôi nghe những câu chuyện tiểu thuyết như Thủy hử, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí; cho tôi những đồng tiền lẻ mua quà mỗi lúc nhận được lương… Cha còn tận tình giảng giải cho tôi những bài toán khó, những câu thơ chưa hiểu hết lời. Cho đến bây giờ, dù cha đã già yếu, nhưng mỗi lúc tôi gặp khó khăn, những lời khuyên, lời răn dạy của cha vẫn luôn là kim chỉ nam, tiếp thêm động lực giúp tôi tháo gỡ và vượt qua tất cả. Cha vẫn luôn dạy con cháu nên học về chữ “nhẫn”, trong đó có chữ “đao” và chữ “tâm”, là đau như dao đâm vào tim để răn dạy con cháu phải biết giữ kiên nhẫn trong cuộc sống, không nên nổi nóng mà hỏng việc.

        Cho đến hôm nay, khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, khi mái tóc cha đã không còn sợi đen mà bạc màu bụi phấn, cha vẫn lặng lẽ quây quần bên gia đình, chỉ bảo cháu con. Niềm vui của cha bây giờ là thấy học trò trưởng thành, các cháu nội ngoại lớn khôn; là những buổi giao lưu, đàm đạo thơ ca, vui cùng bạn bè văn chương ngoài đời lẫn trên Internet như Facebook, Zalo; là niềm vui với những cuộc chuyện trò hay những chuyến viếng thăm của những học trò cũ… Bạn bè cùng trang lứa của cha đã dần khuất núi, học trò của cha có người tóc cũng đã pha sương, cha cũng không thể chống lại được quy luật khắc nghiệt của thời gian nên cũng nay ốm, mai đau. Thế nhưng trời phú cho cha đôi tai tinh, đôi mắt sáng để còn có thể đọc sách, báo hàng ngày. Có thể nói cha là tấm gương “học tập suốt đời” của tôi.

“Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”, và tôi đã nhận thấy điều đó từ chính cuộc đời của cha, người thầy đặc biệt của tôi!

Lê Nhung

(Bài đăng Tạp chí Sông Lam, số 19, tháng 11 + 12/2021)