Ivan Bunhin sinh ở miền Trung nước Nga, tuổi thơ sống ở miền quê tĩnh lặng của tỉnh Oryol. Bunin làm thơ, viết văn khá sớm, sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu nổi tiếng về văn xuôi với các truyện ngắn và truyện vừa.
Tác phẩm đầu tiên của ông là bài thơ Bên mộ Nadson – tên nhà thơ Nga (Semën Yakovlevich Nadson). Năm 1897, xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên Nơi cuối trời và các truyện ngắn khác, viết về sự suy tàn của tầng lớp quý tộc và cảnh sống cơ cực của người nông dân Nga, được giới phê bình khen ngợi.
Năm 1909, Bunhin được bầu làm viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Bunhin là nhà văn Nga đầu tiên được nhận giải Nobel Văn học. Ông mất ở Pháp năm 1953.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn này của ông do dịch giả Thiên Việt dịch và gửi riêng cho tạp chí Sông Lam.

Chân dung Ivan Bunhin. Ảnh: Internet

                                                          *****

 Khi  tới Matxcơva tôi lén lút trọ trong một khách sạn vô danh nằm tại con ngõ nhỏ của phố Arbat và mệt mỏi sống như một ẩn sĩ – chờ đợi tin từ cuộc hẹn này sang cuộc hẹn khác với nàng. Nàng đến gặp tôi trong thời gian này vẻn vẹn có 3 lần, lần nào cũng đi gấp gáp, với câu nói cửa miệng:
– Em chỉ tới được một phút thôi…
Nàng xanh xao bởi một sự xanh xao tuyệt đẹp của những người phụ nữ  đang đau đáu trong tình yêu, giọng của nàng bị khản, và cứ như là nàng quên bỏ quên ở đâu đó cái ô, vội vàng nâng chiếc khăn voan và ôm lấy tôi, làm xao xuyến tôi bởi vẻ buồn rầu và hân hoan.
– Em có cảm giác – nàng nói – anh ta đang nghi ngờ điều gì, thậm chí anh ấy đã biết được chuyện gì – có thể đã đọc được bức thư nào đó của anh cho nên đã cất cái chìa khóa của ngăn kéo bàn em… Em nghĩ rằng anh ta dám làm tất cả trong cái tính tự ái cay nghiệt của anh ấy. Có lần anh chồng em nói thẳng: “Tôi không lùi bước trước điều gì để bảo vệ danh dự cá nhân, danh dự của những người chồng và của người sĩ quan”. Hiện tại, anh ta không hiểu sao theo dõi em từng bước theo đúng nghĩa đen, để kế hoạch của chúng ta không bị hỏng, em phải cảnh giác cao độ. Anh ấy đồng ý cho em đi vì em tỏ ý là sẽ chết nếu không tận mắt nhìn thấy miền phương Nam ngọt ngào, biển xanh nên lạy chúa, anh hãy gấp gáp lên!
Kế hoạch của chúng tôi thật táo bạo: đi cùng một toa tàu tới bờ biển Cap-ca-dơ và sống ở đó vào tuần lễ trên một miền hoang sơ nào đó. Tôi biết bờ biển này đã lâu, từng có thời gian sống ở đó bên cạnh Xô tri – thời trẻ, cô độc – suốt cả đời nhớ mỗi những ngày thu giữa đám cây bách màu đen, bên những đợt sóng xám lạnh buốt…
Và nàng xanh xao lúc tôi nói “Bây giờ anh sẽ cũng em tận hưởng những đầm lầy trên núi, vùng biển nhiệt đới…”. Trong thực tế chúng tôi không thể tin kế hoạch sẽ thành công đến phút chót – Điều đó là một hạnh phúc quá ư lớn lao cho chúng tôi trong cõi đời này.
Trên Mat-xcơ-va mưa rơi triền miên, lạnh buốt tựa như mùa hè đã trôi qua không bao giờ trở lại, tất cả chìm trong bẩn thỉu, ảm đạm, phố xá lóng lánh ẩm và đen thẫm vì những cái ô xòe ra của dân qua lại và những chóp xe dựng đứng run rẩy của đám xe xà ích  đang phi nước đại. Chiều đã xâm xẩm, nhớp nháp, khi tôi đi ra ga trong lòng tê tái vì lo âu và lạnh lẽo. Tôi đi dọc sân ga,  đồng thời kéo sụp mũ xuống tận mắt, giấu mặt trong cổ áo pantô.
Trong kupe nhỏ hạng nhất mà tôi đã đặt từ trước, tiếng mưa đổ ầm ầm trên nóc. Tôi ngay lập tức tháo rèm cửa sổ xuống và khóa cửa lại sau khi người phục vụ vừa chùi bàn tay ẩm ướt vào chiếc tạp dề trắng, mang trà vào rồi đi ra ngoài.
Sau đó tôi hơi hé tí chút rèm cửa và lạnh cóng người, nhìn chằm chằm vào đám đông hỗn độn, đi tới đi lui với đống đồ đạc dọc theo các toa tầu trong ánh sáng tối thẫm của những ngọn đèn ga. Chúng tôi thỏa thuận với nhau rằng tôi sẽ đến ga sao cho sớm hơn, còn nàng có thể chậm hơn để tôi có thể không chạm trán với nàng và anh chồng trên sân ga. Giờ đã đến lúc họ phải đến. Tôi nhìn toàn sân và căng thẳng hơn – không có họ. Tiếng còi thứ hai vang lên. Tôi hoảng hốt: nàng đến muộn hay phút chót người chồng không cho đi?. Nhưng ngay tức sau đó dáng cao to của tay chồng xuất hiện một cách kinh ngạc, mũ sĩ quan, áo khoác ngắn và găng tay da, sải bước đỡ khuỷu tay nàng. Tôi rời khỏi cửa sổ, ngả người vào góc đi văng. Bên cạnh là toa tàu loại hai – tôi nhận thấy anh ta đi vào toa cùng vợ, dáng điệu rõ là người chủ, quay lại nhìn xem người hầu đã mang va li tới chưa – tháo găng tay, bỏ mũ  kepi xuống, hôn nàng, hôn cây thánh giá trên ngực…

Minh họa: Hữu Tuấn

Tiếng chuông thứ ba làm choáng váng tôi, toa tàu nghễnh ngãng sững sờ bắt đầu chạy…Tàu rời ga, lắc lư, đung đưa sau đó trở nên đều đều khi mở hết tốc lực…. Người kiểm soát vé đưa nàng đến chỗ tôi và xách đồ của nàng theo, tôi lạnh lùng nhón tờ giấy 10 rúp nhét vào cho hắn…
Khi đi vào, nàng thậm chí không hôn tôi, chỉ mỉm cười rầu rĩ, ngồi xuống đi văng và tháo bỏ cái nón ra khỏi mái tóc.
-Em chưa kịp ăn thứ gì buổi trưa – nàng nói – Em đã nghĩ rằng mình không diễn được vở kịch khủng khiếp này tới phút chót – Em khát chết mất. Anh yêu cho em xin chai nước không – nàng nói, lần đầu tiên nàng xưng hô như vậy – Em cho rằng anh ấy sẽ đi theo sau em. Em cho anh địa chỉ, gelenik và gagrư
Vậy anh ta sẽ tới đó sau 3-4 ngày nữa… nhưng mặc xác anh ta, thà chết sung sướng còn hơn sống đau khổ…
Buổi sáng khi tôi đi ra hanh lang, ở đó đã sáng rực, sực nức thơm mùi xà phòng, mùi nước hoa từ phòng vệ sinh và bốc mùi của một tòa tàu sang trọng. Sau những ô cửa sổ nóng nực và mờ mờ bụi đã xuất hiện thảo nguyên bằng phẳng, mong đợi, nhìn rõ những con đường rộng rãi, lầm bụi, những chiếc xe gỗ, đàn bò thấp thoáng, những điếm canh đường sắt với từng đám hoa hương dương và phù dung đỏ thắm trong các mảnh vườn con….
Tiếp tục là những đồng bằng mênh mông không giới hạn với những ngôi mộ cổ và nghĩa trang, mặt trời khô khốc không chịu nổi. Bầu trời sau đám mây, đồng dạng phối cảnh với mây bằng những tia sáng, phía xa lắc hiện lên vệt mờ mờ của những mỏm núi đầu tiên trên đường chân trời.
Từ Gelengik và Gagrư nàng gửi cho chồng bưu thiếp viết rằng chưa biết xuống ở đâu. Sau đó chúng tôi đi dọc theo bờ biển xuống phương Nam.
Chúng tôi tìm được một chỗ hoang sơ, có những cánh rừng cây tiêu huyền nguyên sinh những bụi cây nở hoa rực rỡ, gỗ hồng sắc, bụi mộc lan, những cây lựu, giữa chúng cao vút lên  là những cây cọ hình rẻ quạt, đám cây bạch đàn thẫm
Tôi dậy sớm trong lúc nàng còn đang thiêm thiếp và đi bách bộ dọc qua những quả đồi trong cánh rừng đại ngàn trước khi quay trở về để cùng uống trà vào 7 giờ. Mặt trời đã bắt đầu gay gắt, nắng tinh khiết và hân hoan. Trong rừng mây thơm ngát, tan ra, tản đi và có phát màu thiên thanh, sau những ngọn rừng tít đằng xa là mảng trắng xóa của đỉnh núi tuyết hắt ánh chói rực. Trở về, tôi đi xuyên qua cái chợ làng quê nóng rẫy và thoảng mùi thơm từ cây cỏ: ở đó đám đông đang buôn bán náo nhiệt, tiếng ồn ào của lừa ngựa – sớm sớm những người dân thiểu số của miền núi đã tới đây, họ có dáng đi uyển chuyển trong những bộ quần áo đen dài sát tới đất, đầu đội mũ đỏ, trên đầu có quấn một miếng vài màu đen trang trí, ánh mắt sắc lẻm…. Lát sau chúng tôi cùng nhau đi ra bờ biển, ở đó, hoàn toàn vắng vẻ, chúng tôi tắm và nằm dưới ánh sáng mặt trời cho tới bữa ăn. Ăn xong – bữa ăn gồm có cá chiên giòn, vang trắng, hồ đào và các loại hoa quả – vào lúc hoàng hôn trong lều mờ mờ, có những dải ánh sáng tươi tắn nóng bỏng xuyên qua khung cửa sổ chăng ngang.
Khi cái nóng đã giảm hết, chúng tôi mở toang hết cửa lều, giữa những cây trắc bách diệp mọc lên từ sườn dốc phía dưới, từ đây nhìn rõ một phần của biển có màu tím biêng biếc, hiền hòa, cảm giác không ở đâu có sự thanh tĩnh này, vẻ đẹp dường này.
Đêm xuống, phía xa ngoài biển chồng chất những đám mây kỳ dị: chúng sáng óng ánh kỳ diệu đến nỗi đôi khi nàng nằm xuống đi văng, úp mặt vào chiếc khăn sa và thổn thức: Tiếc rằng ta chỉ còn ở đây có hai, ba tuần nữa là phải về Mat xcơ va.
Đêm ấm áp và tối như bưng, trong màn đêm đen kịt trôi lơ lửng, nhấp nhánh những con ruồi lửa được chiếu bởi vệt sáng, lũ nhái bén kêu vang vang như chuông thủy tinh. Khi mắt đã quen với bóng đêm ta nhận thấy tít trên cao những chấm sao và đỉnh núi, lộ ra những đám cây cối phía trên của làng bản mà không nhận ra được vào ban ngày. Suốt đêm nghe từ đâu đó tiếng gõ trống trầm đục và một giọng hò rầu rĩ hạnh phúc đến tuyệt vọng dường như là của một bài ca bất tận.
Không xa chỗ chúng tôi, trên bờ của một khe xói, xuất hiện con suối trong suốt nhỏ nhắn nhảy nhót trôi theo lòng đá từ trên rừng xuống biển. Kỳ diệu sao những ánh nhấp nhánh của nó vỡ vụn ra, sôi lên vào đúng một thời điểm bí ẩn nào đó, khi từ rừng và núi trăng muộn nhô ra nhìn xuống chăm chắm, tựa như khung cảnh một thời hoang sơ xưa. Đôi khi có mây đen đáng sợ từ núi kéo đến, bão tố hung dữ lồng lộn, trong đêm đen rùng rợn ầm ỹ của rừng, những vực thẳm xanh biếc huyền ảo mở ra và tiếng ầm vang quen thuộc vỡ vụn trên nền trời cao. Lúc ấy, những con đại bàng non kêu chíp chíp trong tổ và ngủ thiếp đi, đâu đó tiếng rống của một con báo, lũ chó sói sủa ăng ẳng…
Có đêm nguyên một đàn chó sói tới khung cửa sổ có ánh sáng của chúng tôi, chúng thường xuyên tụ tập trong những đêm như vậy, tới chỗ có người ở- chúng tôi mở cửa sổ và ngắm nhìn chúng từ trên cao, đàn chó đứng lóng lánh dưới mưa rào và kêu ăng ẳng xin ăn…
Nàng đã khóc òa sung sướng, ngắm nhìn chúng
   Anh ta đi tìm nàng ở Genlengik, ở Gagrư, ở Xô chi. Ngày tiếp theo anh ta đến tắm ở Xô chi, buổi sáng ra biển, sau đó cạo râu, thay ga sạch sẽ, khoác áo sĩ quan màu trắng tuyết, ăn sáng trong khách sạn, uống hết một chai sâm panh, nhâm nhi cà phê với một lát đường, rồi chậm rãi hút tàn một điếu xì gà. Quay trở lại phòng mình, anh ta nằm trên đi văng, và tự bắn hai phát đạn vào thái dương mình.

Ivan Bunhin 

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 5/Bộ Mới/2020)