Danh nhân Tiến sỹ Trần Đình Phong (1843 – 1919) có tới mười mấy người con, tuyệt đại bộ phận là những người hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng và thành đạt. Nhưng, ít ai biết rằng người con trai thứ 6 của cụ là Trần Đình Quán lại làm nghề nhiếp ảnh. Tuy nhiên, vượt lên trên khuôn khổ một người thợ ảnh, Trần Đình Quán đã trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh đầu tiên, tài danh của xứ Nghệ, những tác phẩm của ông có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật hết sức to lớn và sâu sắc

         Trần Đình Quán sinh ra trong một gia đình nhà nho nổi tiếng và danh giá, bố ông là danh nhân, tiến sỹ Trần Đình Phong. Tiến sỹ Trần Đình Phong (1843-1909), đậu tiến sỹ khoa Kỷ Mão, năm Tự Đức thứ 32 (1879), từng giữ chức Đốc học Quảng Nam và sau đó là Tế tửu Quốc tử giám triều Nguyễn.

     Trần Đình Quán sinh năm 1885, là con thứ 6 của Tiến sỹ Trần Đình Phong, nên thường được gọi là “Ấm Sáu”. Sau khi học xong trường Quốc học Huế, ông về Vinh mở hiệu ảnh và hành nghề nhiếp ảnh một cách chuyên nghiệp. Sau tiêu thổ kháng chiến năm 1947, gia đình ông về quê và bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Một thời gian dài, gia đình tiến sỹ Trần Đình Phong bị coi là “tập đoàn phong kiến, địa chủ”, bị định kiến rất nặng nề. Sau cải cách ruộng đất vợ chồng ông đi đâu không rõ, ngay cả chết ở đâu, mồ mả ở đâu, hiện nay họ hàng cũng không ai biết.

  1. Hoạt động yêu nước và cách mạng

          Hoạt động yêu nước và cách mạng của Trần Đình Quán đã được ghi nhận trong hồ sơ người bị địch bắt ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (Số 55/C2)[1] và hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp, hiện còn lưu trữ tại Cục Hồ sơ an ninh (Bộ Công an). Theo hồ sơ mang số hiệu 5736/C2 của Cục Hồ sơ An ninh, Trần Đình Quán đã từng bị bắt ở Vinh ngày 25/7/1921. Mật thám Pháp còn mở hồ sơ theo dõi Trần Đình Quán từ năm 1927 đến năm 1935. Theo đó, từ những năm 1920, Trần Đình Quán cùng những người anh em ruột là Trần Đình Diệm, Trần Đình Nam, Trần Đình Phiên… đã hoạt động rất tích cực trong phong trào yêu nước do nhà yêu nước nhiệt thành Phan Bội Châu khởi xướng, (Trần Đình Diệm cũng được mật thám Pháp lập hồ sơ theo dõi). Trần Đình Quán là người tích cực tuyên truyền, quyên tiền và tuyển mộ người cho Cụ Phan. Từ năm 1927 đến 1935 hiệu ảnh của ông và bản thân ông thường xuyên bị mật thám Pháp theo dõi, mọi liên lạc và thư từ của ông đều bị kiểm soát. Mật thám Pháp cho rằng Hiệu ảnh của ông là nơi liên lạc và tụ tập của những người yêu nước ở Nghệ An, Hà Tĩnh… Trong những người liên hệ thư từ với ông có những người được mật thám Pháp ghi chú là “phần tử đặc biệt nguy hiểm”.

Ngoài ra, Trần Đình Quán cũng là người tham gia nhiều hoạt động xã hội của Vinh- Bến Thủy thời kì đó. Ông là thành viên, giữ vai trò thủ quỹ trong Ban trị sự Hội Tập Phúc, tổ chức từ thiện xã hội nổi tiếng của Vinh đã xây dựng nghĩa trang và chùa Tập Phúc.

  1. Nghệ sỹ nhiếp ảnh.

            Theo hồ sơ mật thám Pháp thì năm 1927 Trần Đình Quán mới từ Huế về Vinh mở hiệu ảnh. Thế nhưng, chúng tôi đã sưu tầm được một vài bức ảnh của Trần Đình Quán đã được in thành bưu thiếp từ năm 1925. Chưa kể, căn cứ vào bức chân dung tiến sỹ Trần Đình Phong do Trần Đình Quán chụp, thì có thể nói Trần Đình Quán đã hành nghề nhiếp ảnh từ rất sớm, trước năm 1909 (vì cụ Trần Đình Phong mất năm 1909). Và, có lẽ trước đó trong thời gian ở Huế ông đã học và hành nghề ảnh. Như vậy, sách “Nhiếp ảnh Nghệ An thế kỷ hai mươi” (NXB Nghệ An, 2003) ghi “mãi đến năm 1932 ông Trần Đình Quán (quê ở Yên Thành) mới mở hiệu ảnh đầu tiên ở phố Hoa kiều” là không chính xác. Hồ sơ mật thám Pháp ghi Trần Đình Quán là “thợ ảnh” (photographe), trú ở số nhà 85 phố Marechal Foch (Phố Ga, nay là đường Quang Trung, thành phố Vinh), một đường phố trung tâm của Vinh ngày ấy cũng như hiện nay.

Quảng cáo của Hiệu ảnh Trần Đình Quán trên báo Thanh Nghệ Tịnh số 66, ra ngày 9/11/1935. Ảnh tư liệu

Căn cứ trên dưới 60 bức ảnh đã xác minh chắc chắn của Trần Đình Quán, mà chúng tôi sưu tầm được, có thể thấy ông chụp khá nhiều lĩnh vực và đề tài khác nhau. Chúng tôi tạm thời chia ra thành năm mảng chính sau đây:

    -Mảng ảnh thời sự, báo chí:

Ở mảng này không có nhiều tác phẩm, nhưng với những bức ảnh đã đăng báo, hoặc sử dụng trong các bộ lưu trữ cho thấy ông đã bám sát và phản ánh một số sự kiện chính trị, xã hội đương thời. Trong số đó có một số bức được đăng báo, như các bức ảnh phản ánh sự kiện Vua Bảo Đại thăm Nghệ An tháng 11/1932; sự kiện khánh thành Cầu Gang ở Nam Đàn năm 1934. Hoặc một số công trình thủy nông lớn của tỉnh thời kỳ đó cũng được ông kính của Trần Đình Quán ghi lại. Hoặc một số sự kiện thi đấu bóng đá ở Vinh đã được Trần Đình Quán chụp và đăng báo. Thậm chí một số hoạt động mang tính chất “khuyến nông” như ươm dừa ở Diễn Châu, ươm bưởi ở Anh Sơn cũng được ông ghi lại. Ảnh thuộc mảng này chưa sưu tầm được nhiều, nhưng có giá trị lịch sử quan trọng, cung cấp những bằng chứng sinh động khi nghiên cứu lịch sử điạ phương và dân tộc trong giai đoạn này.

Vua Bảo Đại thăm Trại Giám binh ngày 17/11/1932. Ảnh đăng Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn.

  -Mảng ảnh công trình kiến trúc, đô thị

Đây là mảng ảnh khá phong phú của Trần Đình Quán, chủ yếu ghi lại hình ảnh đô thị và các công trình kiến trúc đương thời ở khu vực Vinh – Bến Thủy, những năm 1920 – 1930. Ống kính của Trần Đình Quán đã cho chúng ta hình dung khá sinh động diện mạo đô thị Vinh thời kì đó. Những đường phố chính của Vinh như Marechal Foch (Đường Quang Trung hiện nay); Destenay (Trần Phú); Gia Long (Đặng Thái Thân); Ngã tư Chợ Vinh; Bến Thủy; Cửa Lò; những công trình kiến trúc như Dinh Công sứ, Bệnh viện, Bưu điện, Nhà Ga, công sở, trụ sở công ty… đều được phản ánh qua các tác phẩm của Trần Đình Quán.

Chính nhờ những bức ảnh chụp Vinh – Bến Thủy hồi đầu thế kỷ 20 của P. Dieuleffils, cùng với một số nhà nhiếp ảnh Pháp khác, cộng với những bức ảnh của Trần Đình Quán mà chúng ta ngày nay có thể hình dung được diện mạo đô thị Vinh – Bến Thủy suốt từ đầu thế kỷ đến những năm 1940. Giá trị lịch sử, văn hóa của những bức ảnh đó càng trở nên vô giá, khi thành phố Vinh hầu như đã bị tiêu hủy hoàn toàn qua chiến tranh, thiên tai và cả sự ấu trĩ, tả khuynh của con người.

    –Mảng ảnh phong cảnh

Có thể Trần Đình Quán không có chủ ý về ảnh phong cảnh, nhưng trên con đường mưu sinh của một người hành nghề ảnh và trên con đường xê dịch của một nghệ sỹ, ông cũng đã thu vào ống kính của mình những phong cảnh đẹp, thơ mộng, hoặc hùng vĩ của quê hương, đất nước. Những bức ảnh về Bến Thủy, Cửa Lò, cảnh miền tây Xứ Nghệ, hay bức ảnh về một cây cầu trên đường 9 ở Quảng Trị đã cho thấy điều đó.

     –Mảng ảnh chân dung, sinh hoạt

Với tư cách một người hành nghề nhiếp ảnh để mưu sinh chắc chắn đây là mảng ảnh chính của Trần Đình Quán. Thế nhưng, đây chính là mảng mà chúng tôi sưu tầm được ít ảnh nhất. Lí do đơn giản là những bức ảnh này chủ yếu nằm trong album gia đình, chứ không mấy bức được đưa ra bán, hoặc công khai hóa. Hiện nay, ngoài bức chân dung TS Trần Đình Phong, chúng tôi chỉ có một số bức ảnh chụp tập thể trong Dinh Công sứ. Trong tất cả những bức ảnh đó, Trần Đình Quán đã chụp được các nhân vật của mình trong trạng thái tự nhiên nhất, đây là việc rất khó trong chụp ảnh chân dung, nhất là trong những năm đầu nhiếp ảnh mới vào nước ta. Ngay bức ảnh chụp cụ Trần Đình Phong cũng cho thấy đây là một bức chân dung khác thường thời kì đó. Thay vì để cụ ngồi nghiêm ngắn, nhìn thẳng, hai tay để lên đầu gối như thường lệ chụp chân dung đương thời, thì bức ảnh lại chụp cụ ở tư thế tự nhiên nhất, như vừa ăn cơm xong đang ngồi thư giãn, một chân co lên ghế, tay cầm quạt giấy để lên đầu gối rất tự nhiên. Rõ ràng đây không phải là bức chân dung do một thợ ảnh chụp, mà là tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sỹ nhiếp ảnh tài ba sáng tác.

Ngay việc Trần Đình Quán, mặc dù đang bị mật thám Pháp mở hồ sơ theo dõi, nhưng vẫn được Tòa Công sứ mời vào chụp ảnh các sự kiện ở đây, đã chứng tỏ tài năng và nhân cách của ông rất được tôn trọng.

 –Mảng ảnh các di tích văn hóa, tín ngưỡng

Đây là mảng ảnh chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Trần Đình Quán. Hầu như các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, tâm linh ở Vinh như Chùa Diệc, Thành Nghệ An, Văn Miếu, Võ Miếu, Thiên hậu phủ…đều được ống kính tài hoa của Trần Đình Quán ghi lại. Đó là chưa kể, trong Lời dẫn nhập cuốn “An Tĩnh cổ lục” (Le vieux An Tĩnh), Hippolyte Le Breton đã viết: “Những tấm ảnh về Nghệ An là của ông Trần Đình Quán, nhà nhiếp ảnh ở Vinh”. Cần nói rõ là trong sách này có minh họa hàng trăm bức ảnh. Hippolyte Le Breton những năm 1924 – 1928 là hiệu trường trường Quốc Học Vinh (Colegé de Vinh), đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử kiệt xuất. Trong bốn năm ngắn ngủi ở Vinh ông đã cùng thầy trò trường Quốc Học Vinh đi điền giã khắp những nơi có di tích, danh thắng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, lên đến tận bia Ma nhai ở Con Cuông.

Trong bối cảnh các công trình văn hóa, tín ngưỡng ở Nghệ Tĩnh hầu hết đều bị hủy hoại thì kho tàng ảnh mà Trần Đình Quán cùng với H. Le Breton để lại là có giá trị vô cùng to lớn. Nó không chỉ khẳng định trầm tích, trữ lượng văn hóa lịch sử vô cùng giàu có của Xứ Nghệ, mà còn là cơ sở khoa học cho việc trùng tu, phục dựng và bảo tồn các di sản văn hóa hiện nay của chúng ta.

  • Về giá trị nghệ thuật:

Về khía cạnh nghệ thuật, sẽ có những nhà chuyên môn phân tích sâu hơn. Theo tôi, những bức ảnh của Trần Đình Quán cũng đã cung cấp những khuôn hình mang tính kinh điển về bố cục và ánh sáng. Ông đặc biệt xuất sắc về chụp phố xá, công trình kiến trúc và các di tích lịch sử văn hóa. Việc lựa chọn góc độ, cắt cúp chính xác của ông đã cho chúng ta những khuôn hình trong đó có sự hài hòa, nhưng hết sức chặt chẽ về bố cục. Những bức ảnh chụp phố xá, công trình kiến trúc, công trình tín ngưỡng đều hết sức sinh động, có tình, có duyên. Đôi khi có cảm giác nghệ sỹ đã sắp xếp cả nhà cửa, cây xanh, con người để có những bức ảnh thật hài hòa, nhưng rất chân thực. Ở mảng ảnh chân dung, sinh hoạt Trần Đình Quán đã thể hiện tài năng của mình thông qua những bức ảnh mà trong đó các nhân vật thể hiện thần thái của mình hết sức tự nhiên và sinh động.

Những năm đầu thế kỷ các nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng đều in tác phẩm của mình thành bưu thiếp để bán. Người bán được nhiều bưu ảnh nhất ở Việt Nam được cho là P. Dieuleffils. Chắc chắn phải đạt đến một chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật như thế nào đó thì những bức ảnh mới được in thành bưu thiếp và bán được trên thị trường. Bằng việc có nhiều ảnh được in thành bưu ảnh và bán được trên thị trường, Trần Đình Quán đã khẳng định được vị thế, tên tuổi của mình trên thị trường nghệ thuật hồi đó. Cũng cần lưu ý rằng hồi đó số nghệ sỹ nhiếp ảnh người Việt làm được điều này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

  1. Đôi điều kiến nghị.

Với những tài liệu đã có hiện nay có thể khẳng định: Trần Đình Quán là một người yêu nước, đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng. Đặc biệt, ông là người đầu tiên hành nghề nhiếp ảnh một cách chuyên nghiệp, mở hiệu ảnh rất sớm ở Vinh. Các tác phẩm nhiếp ảnh của ông đa dạng, phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị nghệ thuật và trình độ kỹ thuật rất cao. Vượt ra khỏi khuôn khổ một người thợ ảnh, Trần Đình Quán đã trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh lớn của vùng quê Nghệ Tĩnh, đồng thời có tên tuổi trong làng nhiếp ảnh đương thời của Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Chính vì vậy, một mặt cần tiếp tục sưu tầm tài liệu, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Trần Đình Quán, với cả hai tư cách nghệ sỹ nhiếp ảnh và chiến sỹ hoạt động yêu nước và cách mạng. Rất cần thu thập đầy đủ và hệ thống hơn tư liệu thông tin về ông. Bên cạnh đó cũng phải nghiên cứu, biên dịch, xác minh hồ sơ của ông và người anh là Trần Đình Diệm do mật thám Pháp lập. Đồng thời sưu tầm và phân tích thẩm định các tác phẩm nhiếp ảnh của ông cả về giá trị văn hóa – lịch sử và giá trị nghệ thuật. Trên cơ sở đó có sự đánh giá chính xác hơn về những đóng góp và vị trí của ông trong lịch sử nhiếp ảnh tỉnh nhà và cả nước.

Đồng thời có hình thức ghi nhận và tôn vinh xứng đáng với nhân vật này. Trước mắt, đề nghị công nhận và tôn vinh Trần Đình Quán là nghệ sỹ nhiếp ảnh đầu tiên của Nghệ An và Xứ Nghệ. Có hình thức tưởng niệm một cách phù hợp, ví dụ đặt một giải thưởng về nhiếp ảnh của Nghệ An mang tên Trần Đình Quán.

Phạm Xuân Cần

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 1/ Bộ mới/2019)

 

[1] Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Nhà lao Vinh, NXB Nghệ An, 2005