Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh Thành Duy

Đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã diễn ra trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước vào sáng nay, 24/11.

Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung; Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy.

Tại Nghệ An, hội nghị cũng được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện và các xã, phường, thị trấn.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh Thành Duy

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; nhìn nhận lại vai trò, vị trí  của văn hóa; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế để từ đó thống nhất quan điểm, nhận thức và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, rất vui mừng, vinh dự và hào hứng được dự hội nghị. Tổng Bí thư cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần thứ ba đất nước ta có một hội nghị Văn hóa toàn quốc và diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất. Tổng Bí thư hy vọng, qua Hội nghị sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ngay từ ngày đầu thành lập cho tới nay, quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa đó là, văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng khẳng định, lâu nay một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa. Và trong suốt bài phát biểu đầy tâm huyết, trăn trở của mình, Tổng Bí thư đã mượn lời tiền nhân, thường xuyên nhắc nhở “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

Chiều nay, Hội nghị tiếp tục với các bài tham luận tập trung bàn về chiến lước phát triển văn hóa theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII. Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận: Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh văn hóa. Tuy nhiên, còn rất nhiều nội dung, nhiều việc phải làm để chấn hưng văn hóa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước hết là phải tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc về văn hóa, vai trò của văn hóa. Cán bộ làm văn hóa các địa phương tâm sự, làm văn hóa rất khó bởi phải chịu sức ép về tăng trưởng; Đội ngũ chuyên gia và những người có kinh nghiệm trong công tác văn hóa chưa được trọng dụng; Kết quả và hậu quả của công tác văn hóa rất khó nhìn thấy ngay được; v.v… Nhưng theo Phó Thủ tướng, khó là bởi, chúng ta đã quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, nhưng nhận thức của chúng ta chưa triệt để. Một khi nhận thức chưa thực sự sâu sắc thì chúng ta sẽ chưa dồn mọi nguồn lực, tâm huyết để thực hiện bằng được. Đồng thời, ông nhấn mạnh, để chấn hưng văn hóa thì việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa phải được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và chắc chắn từng bước. Phải làm sao tạo được một môi trường đủ sức cổ vũ sự sáng tạo, đặc biệt là phải tạo ra một xã hội, một môi trường cổ vũ cái mới, cái khác không đi ngược lại với lợi ích của đất nước thì chắc chắn chúng ta sẽ đi được nhanh hơn. Phải làm sao để mọi người đều cảm thấy bị thôi thúc vì việc chấn hưng văn hóa; khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân khát vọng dân tộc. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đội ngũ làm văn hóa phải là những người làm gương về văn hóa và kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể, các hội cần có nhiều hoạt động văn hóa thiết thực. Ông mong muốn, mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào đều cùng nỗ lực lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc Việt Nam để sự nghiệp chấn hưng văn hóa từ sau hội nghị quan trọng này sẽ sớm có thành tựu, làm cho văn hóa, văn hiến Việt Nam sẽ tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

PV