Tà áo dài duyên dáng đã vô cùng gần gũi, gắn bó với đời sống của người Việt từ bao đời nay và trở thành trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Từ nhỏ, tôi đã rất thích ngắm nhìn các mẹ, các chị mặc áo dài. Dù chưa hiểu biết tận tường nhưng đôi mắt trẻ thơ của tôi đã nhận ra các mẹ, các chị trở nên xinh đẹp, duyên dáng hơn khi khoác lên mình bộ áo dài thướt tha. Hồi đó, tôi cứ ngỡ, áo dài là cô tiên tốt bụng đã khéo léo che bớt những khuyết điểm trên cơ thể của mẹ, của chị và tôn thêm vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ. Lớn lên thì tôi hiểu, phải chăng đây chính là yếu tố góp phần tạo nên sức sống trường tồn của tà áo dài để mãi được lưu truyền qua muôn thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay.

Áo dài đươc chị em lựa chọn để mặc trong những chuyến tham quan, dã ngoại. Ảnh: Võ Khánh

Từ hơn 2000 năm trước, áo dài đã xuất hiện trong đời sống của người Việt. Người ta tìm thấy hình ảnh áo dài trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hà, thạp đồng Đào Thịnh… Theo thời gian, áo dài đi vào đời sống người Việt, song hành cùng với lịch sử dân tộc. Trải qua các thời kì, áo dài đã có nhiều sự biến đổi từ kiểu dáng đến chất liệu, có nhiều cách tân, nhưng vẫn giữ được nét đẹp riêng mà không một trang phục nào có được. Đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp kín đáo lẫn gợi cảm, yêu kiều. Trải qua các giai đoạn lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trong những nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp và cả trong các sự kiện quan trọng của đất nước, hay trên các diễn đàn quốc tế.

Cứ đến mỗi dịp lễ tôn vinh phụ nữ, đâu đâu cũng ngập tràn hình ảnh các cô, các chị, các em xúng xính, yêu kiều trong những bộ áo dài đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng; tà ngắn, tà dài, tà đơn, tà kép; cổ tròn, cổ vuông, cố thuyền; với đủ chất liệu lụa, gấm, nhung,.. phủ sóng khắp từ làng quê đến phố phường, từ công sở đến các khu chợ; từ đời thực đến “cõi mạng”. Họ trở nên duyên dáng, xinh đẹp hơn trong những tà áo dài truyền thống.

Phụ nữ trở nên xinh đẹp, thướt tha trong tà áo dài với đủ màu sắc, chất liệu, kiểu dáng. Ảnh: Võ Khánh

Thật vui khi tà áo dài truyền thống ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống của người phụ nữ Việt hôm nay, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Áo dài cứ thế đi vào đời sống, trở thành tình yêu, niềm kiêu hãnh, tự hào của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều người đã chọn áo dài đồng hành cùng mình trên mọi chặng hành trình, dù ở trong nước hay ra nước ngoài. Ngoài ý thức tôn vinh, giới thiệu về trang phục dân tộc với bè bạn quốc tế, tự trong trái tim họ đã sâu nặng tình yêu với tà áo dài.

Nghệ sỹ Quế Thương mang trang phục áo dài biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa Việt Nam tại Úc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nghệ sỹ Quế Thương, một người con xứ Nghệ, tâm sự: “Không chỉ trong nước mà những lần ra nước ngoài, dù ở châu Á hay châu Âu, tôi đều mặc áo dài Việt Nam để biểu diễn. Tôi cảm thấy tự tin và rất tự hào khi diện áo dài truyền thống trước bạn bè quốc tế. Có lần, một số vị khán giả nước ngoài thấy thích quá, lên hẳn trên sân khấu đòi mua lại áo dài của chúng tôi. Những lúc như thế, tôi lại càng thấy yêu hơn áo dài truyền thống của dân tộc mình”. Những lời chia sẻ của chị khiến tôi xúc động và cả tự hào. Chính tôi cũng đã nhiều lần được chứng kiến, nhiều nữ du khách khi đến Việt Nam cũng chọn cho mình một bộ áo dài để “diện”, có khách mua về làm kỷ niệm.

Áo dài cũng là lựa chọn của chị em chốn công sở. Ảnh: Võ Khánh

Đến hôm nay, tà áo dài truyền thống vẫn luôn khẳng định giá trị và tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Áo dài, đấy là bản sắc, là giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt.

“Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó… em ơi…” (ca khúc Một thoáng quê hương), đang vang lên đâu đó khiến lòng tôi rưng rưng tự hào!

Lê Nhung