Hồ Chí Minh, nhà văn hóa, nhà ngoại giao xuất sắc, vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Người quan niệm, làm văn nghệ là để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cụ thể là nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân, đế quốc. Để tạo sức mạnh cho cách mạng không thể thiếu vai trò của ngoại giao, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em, sự ủng hộ của nhân dân và dư luận thế giới. Chính vì vậy, cảm hứng quốc tế là một trong những cảm hứng xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác thơ ca cách mạng của Người.
Tư tưởng, đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích cách mạng, lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết. Từ những năm đầu thế kỉ XX, khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước chân ra đi tìm đường cứu nước, tình hình thế giới có sự phân hóa rõ rệt: một bên là các nước đế quốc xâm lược, một bên là các dân tộc thuộc địa. Đến thời kì Mặt trận Dân chủ Pháp nắm quyền điều hành đất nước (1936 – 1939); khi thế giới hình thành hai cực: Đồng Minh và Phát xít (1939 – 1945); khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa ra đời… thì đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh luôn biến đổi linh hoạt và khôn khéo. Cảm hứng quốc tế trong thơ Người gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết các dân tộc thuộc địa anh em – tinh thần quốc tế vô sản, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ chính quốc. Có thể nói, cảm hứng quốc tế trong thơ Hồ Chí Minh là tinh thần vô sản chân chính.
Thơ Hồ Chí Minh về tinh thần quốc tế được viết trên cả hai dòng: chữ Hán và chữ Nôm, tuy khác nhau về hình thức thể loại, văn tự nhưng có sự thống nhất về quan điểm, tư tưởng, ý chí…
Trong bài Việt Nam yêu cầu ca, Người đã nói lên tiếng nói của nhân dân, yêu cầu chính phủ Pháp tôn trọng những quyền căn bản của con người, của dân tộc Việt Nam. Người kêu gọi nhân dân Pháp – nhân dân của đất nước bác ái, không ngoảnh mặt trước nỗi đau của nhân dân thuộc địa. Người yêu cầu trả lại cho nhân dân Việt Nam 8 quyền cơ bản: tha tù chính trị; hai dân tộc Việt – Pháp bình đẳng, bỏ những phiên tòa bất công; nhân dân được tự do học hành, mở mang kĩ nghệ, lập công thương; lập hội; được tự do ngôn luận; tự do du lịch; ban hành hiến pháp; lập nghị viện. Đối với một bản kiến nghị, người dùng ngôn ngữ mềm mỏng, giọng điệu chân thành, tha thiết, thể hiện sự tôn trọng các nước lớn:
“Lòng thành tỏ nỗi sút sa
Dám xin đại quốc soi qua chút nào”.
Đề cao nhân dân Pháp:
“Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào bác ái không ai sánh bằng”
Trông người mà nghĩ đến ta, trong khi một số nước lân bang đã chuyển mình thì dân tộc Việt Nam vẫn trong vòng nô dịch, nguyên cớ do đâu, Người đã thấy rõ:
“Nào Ai Lan, Ấn Độ, Cao Ly
Xưa hèn phải bước suy vi
Nay gần độc lập cũng vì dân khôn”.
Tháng 4 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc tuyến đường xe lửa Vân Nam – Hồ Kiều (2). Người lấy giấy chứng nhận của tổ chức “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội”. Đây là tổ chức được nhà đương cục Trung Quốc công nhận hoạt động hợp pháp. Lấy danh nghĩa kiểm tra công tác Hội, Người đến ga Nghi Lương, Khai Viễn, Chỉ Thôn (thuộc huyện Mông Tự, Vân Nam)… Với bí danh “ông Trần”, Người tham dự lễ cầu hồn cho hai chục Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết hại. Tại ngôi đền dành cho đồng bào ở Chỉ Thôn, “ông Trần” đã ứng khẩu đọc bài Sớ ứng khẩu ở Chỉ Thôn bày tỏ nỗi xót xa trước những cái chết oan uổng của đồng bào ta:
“Nam mô Phật tổ Như Lai,
Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương.
Trăm tầng áp bức thảm thương,
Thân gầy như củi, xác nhường thây ma”.
Người oán trách quân Nhật tàn bạo, kêu gọi những người còn sống đền nợ nước:
“Đừng tin vào số mệnh trời,
Mà do quân Nhật giết người gây nên.
Hồn ơi, hồn có linh thiêng,
Hãy cùng người sống báo đền nước non”.
Đối với chính quyền thực dân, Hồ Chí Minh có nhiều bài thơ châm biếm những quan chức Pháp miệng hùm gan sứa, chỉ giỏi dọa dẫm, hành hạ nhân dân thuộc địa, còn với bọn Phát xít, kẻ thù của toàn thế giới và là kẻ thù chung của dân tộc Việt và Pháp, thì chúng lại hèn hạ cúi đầu. Trong bài Tặng Thống chế Pê-tanh (Petain) Người đã cười vào mặt Thủ tướng Pháp, kẻ bị kết án tử về tội phản quốc vì đã cắt các tỉnh miền Bắc và ven biển nước Pháp, trong đó có thủ đô Pa-ri, cho quân Đức, chính quyền của Petain phải chuyển về Vichy. Tháng 9 năm 1940, quân Mỹ tấn công Đức qua Pháp, chính quyền Vichy bị ép sang Đức. Sau này Tướng De Gaulle tuyên bố Pétain tội phản quốc, rồi được giảm từ tử hình xuống chung thân và đi đày ở đảo D’Yeu, bài thơ có những câu:
“Vận mệnh Lang-sa lúc chẳng lành
Pê-tanh lão tướng hóa hôi tanh,
Cúi đầu quỳ gối hàng quân Đức,
Trợn mắt chau mày chửi nước Anh”.
Trong bài Tặng Toàn quyền Đờ-cu (Decoux), Người đã tỏ ra xem thường tên toàn quyền Pháp, kẻ đứng đầu của đất nước tự xưng mẫu quốc, bảo hộ cho người An Nam, đã quỳ gối trước phát xít Nhật ở ngay Đông Dương, xứ sở mà họ có trách nhiệm bảo hộ. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Đại sứ Matsumoto Shunichi gửi tối hậu thư cho Decoux đòi chính phủ Pháp chấp nhận vô điều kiện sự chỉ huy của quân đội Nhật ở Đông Dương. Decoux đã hèn hạ chấp nhận. Bằng lối chơi chữ, Hồ Chí Minh gọi Decoux là “thằng cu”, Người lo ngại khi vận mệnh dân tộc ta lại phụ thuộc một kẻ hèn như Decoux mà xót, cũng giống như Pétain, bọn chúng chỉ biết bắt nạt nhân dân thuộc địa:
“Non nước Rồng Tiên rõ mịt mù,
Lợi quyền phó mặc bố thằng cu.
Đối dân Nam Việt thì lên mặt,
Gặp bọn Phù Tang chí đội khu”.
Bọn thực dân, đế quốc luôn tự hào đất nước mình là đất nước của tự do, bình đẳng, bác ái… đi ban phát tự do, bình đẳng cho các dân tộc khác nhưng thực chất đó chỉ là những diễn ngôn lòe bịp. Bản chất của đất nước họ vẫn còn bao nhiêu bất công, ngang trái, người dân nghèo vẫn khổ, phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại:
“Ai sang Niu Yoóc mà coi,
“Tự do” nắm đuốc mà soi Hoa Kỳ
Tự do soi thấy những gì?
Bên thì nô lệ, bên thì dã man!”
(Trắng và đen)
Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian lâu dài ở Trung Quốc, sau này Trung Quốc cũng là nước giúp chúng ta nhiều trong kháng chiến chống Mỹ, vì vậy không có gì khó hiểu khi Người có nhiều người bạn đồng chí, thân với nhiều chính khách Trung Quốc, họ được nhắc đến trong các bài: Thư gửi đồng chí Vương Đàm; Gửi đồng chí Trần Canh; Tiên sinh họ Quách; Trưởng ban họ Mạc;… Cũng như vậy những địa danh, danh thắng Trung Hoa có một vị trí đặc biệt trong thơ người: Vịnh Thái Hồ; Quế Lâm phong cảnh; Phỏng Khúc Phụ; Nhật ký Hoàng Sơn…
Người thấy được sự tương quan vận mệnh Việt – Trung khi những người dân vô tội của hai nước đều chịu nỗi đau bị đày đọa dưới gót dày đế quốc Nhật Bản:
“Người thì bị giết, nhà bị thiêu
Núi đầy xương, đất đầy máu đỏ.
Tàu bay, bom đạn tránh làm sao?
Đói rét ốm đau sống thật khó”.
Bài thơ thể hiện tầm nhìn chiến lược cho cách mạng Việt Nam đồng thời thể hiện tinh thần bác ái quốc tế lớn lao:
“Giặc Nhật tấn công cả thế giới,
Là kẻ thù chung của nhân loại”.
Chiến lược đối ngoại Hồ Chí Minh, về bản chất, không phân biệt Đông – Tây, không phân biệt cộng sản – tư bản mà chỉ phân biệt bạn – thù, tốt – xấu. Hồ Chí Minh có nhiều bài thơ hoặc sử dụng thơ thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế. Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru là một trong những người bạn lớn của Người, xét ở cả góc độ tình cảm cá nhân lẫn vai trò nguyên thủ quốc gia sau này. Hai người bạn ấy có nhiều nét tương đồng trong cuộc đời hoạt động: “Khi tôi phấn đấu anh hoạt động – Anh phải vào lao, tôi ở tù – Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt – Không lời mà vẫn cảm thông nhau” (Gửi Nê-ru).
Trong nhiều bài phát biểu đưa tiễn các vị nguyên thủ quốc gia bạn bè, Người đều lồng ghép những câu thơ vừa tiễn bạn, tiễn đồng chí vừa thể hiện tình hữu nghĩ sâu sắc: Tiễn Chủ tịch đoàn đại biểu Ba Lan A-đa-vát-ski; Tiễn Tổng thống Indonexia Xu-các-nô; Tiễn Chủ tịch Albania Gi-lê-si; Diễn văn chào mừng Tổng thống Ghi nê (Xê-cu-tu-rê); Lời chào mừng vua Lào Xri-va-vang Vát-tha-va)… Không thể không nhắc đến tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào, bằng hình thức lẩy Kiều quen thuộc, Người khẳng định: “Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Những lời phát biểu ấy không chỉ thể hiện tình cảm của hai con người mà trên hết là tình hữu nghị giữa hai dân tộc, thể hiện quan điểm, tư tưởng đối ngoại mở rộng, tích cực của Hồ Chí Minh trên trường quốc tế.
Ngoại giao nhưng không xã giao, chính vì vậy ngôn ngữ thơ của Người mộc mạc dung dị, mang tính chất của những sáng tác ngẫu hứng, bộc phát từ tình cảm, cảm xúc, câu chữ không cầu kì mà rất tự nhiên. Các thể thơ Người sử dụng chủ yếu là lục bát, song thất lục bát, thơ bảy chữ, năm chữ dễ thuộc, dễ nhớ.
Có thể nói, trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn sử dụng thơ ca để làm phương tiện truyên tuyền, phương tiện đối ngoại, làm vũ khí đấu tranh vì quyền lợi dân tộc, quyền lợi những người lao động Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Trong suốt sự nghiệp thơ ca của Người thì cảm hứng quốc tế, với các đề tài về con người, sự kiện chính trị, thiên nhiên… được Hồ Chí Minh phản ánh khá phong phú, đa dạng, thể hiện tình hữu ái giai cấp, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần đoàn kết với nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Xin mượn câu thơ của Người thay cho lời kết: “Tinh thần quốc tế của công nhân – Quý giá nghìn vàng há dễ cân” (Công nhân quốc tế).
Trần Hữu Vinh
Tài liệu tham khảo:
(1) Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn: Thơ Hồ Chí Minh, NXB Nghệ An, 1998.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
(3) Chỉ Thôn thuộc huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.