Tận tâm, tận hiến
Tôi thấy ông, chạy tà tà bằng chiếc Honda 82, thật vừa vặn với dáng vóc tầm thước, có phần hơi thấp nhỏ, một cái xô và chổi quét vôi luôn sẵn sàng trong giỏ, chốc chốc lại dừng dừng, quét quét. Theo sau ông là mấy cậu thanh niên. Rất nhiều ngày, ông cháu đi khắp ngõ khối xóa các quảng cáo vặt lem nhem làm xấu bộ mặt khối phố. Ông hào hứng: “Mình phải lôi thanh niên vào việc làng việc khối chớ, qua làm việc các cháu càng gắn bó, càng có ý thức hơn với cộng đồng”.
Hằng tháng, ngày “Chủ nhật xanh” nào cũng thấy ông hoặc cầm cái gắp để gắp từng bao ni lông rác, hoặc cùng con Honda 82 chạy tà tà dọc con đường kênh và rộn ràng câu tếu táo động viên bà con làm vệ sinh trục đường kênh. Đó là hình ảnh quen thuộc về ông – Đinh Trọng Xoan – Bí thư Khối 5 phường Hà Huy tập, TP. Vinh của tôi những năm 2020-2022.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, những thông tin, những lời động viên luôn luôn được ông cập nhật hằng ngày, giờ trong zalo khối. Khối 5 là điểm đầu tiên của Nghệ An bị phong tỏa. Bao nhiêu hoang mang, lo lắng trong nhân dân, trong đảng viên. Ông như là đầu mối “nằm vùng” để khâu nối với phường nắm bắt tận tường tình hình cư dân vùng phong tỏa, kịp thời trấn an và tháo gỡ những vướng mắc, cũng như tham gia cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân, động viên nhân dân cùng hỗ trợ, cùng chia sẻ vượt qua khó khăn, thiếu thốn tạm thời, nhanh chóng ổn định tình hình.
Từ năm 2020, khối 5 của tôi và khối 7 của ông sáp nhập thành khối 5 mới, dường như tôi gặp ông nhiều hơn, có lúc trên những con ngõ của khối vì hầu như ông thường xuyên đi đây đi đó làm việc khối, việc phường; rồi mỗi năm mấy lần ông tới nhà chúc mừng mẹ chồng tôi nhân ngày Nhà giáo, ngày Tết, thắp hương ngày Thương binh liệt sĩ cho cậu tôi, v.v… Dù hiện nay đã 81 tuổi nhưng hiếm khi thấy ông nghỉ ngơi, ngồi một chỗ. Ông xuất hiện ở đây, ở đó, ông làm việc này việc kia cho hết phong trào này đến phong trào khác với rất nhiều vai trò: là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Hà Huy Tập, Phó chủ tịch Hội Khuyến học phường, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan tỉnh Nghệ An, là Bí thư Chi bộ khối 5 kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khối, và nay là Chi hội trưởng chi hội khuyến học khối, v.v…
Tôi thường hay được nhờ dẫn chương trình mừng thọ cho các cụ trong khối dịp đầu xuân, năm nào cũng có tiết mục “trình thơ” của “cụ” Xoan, mà nếu như không “phanh” thì chắc ông phải đọc cả buổi mới hết tất cả các bài thơ. Phải thừa nhận là ông có biệt tài hễ mừng thọ cụ nào thì sẽ có thơ về cụ đó. Hằng năm, khối tôi có đến bốn năm chục cụ được mừng thọ, mà cụ nào cũng được tặng thơ hợp với gia cảnh.
Công dân khối 5 dường như ông nắm rõ trong lòng bàn tay, ai ông cũng biết, cũng tỏ tường hoàn cảnh, ngay cán bộ của phường muốn nắm tình hình của khối đều điện hỏi ông là cách nhanh nhất. Cái việc tiễn biệt công dân trong khối rời cõi dương về miền Tây Trúc rất nhiều năm nay đều do ông viết điếu văn, chân thành và cảm động. Anh Ngô Minh Thanh – hiện là Khối trưởng khối 5 – một người đa tài của khối cũng phải thừa nhận, anh đã học được cách viết điếu văn từ ông Xoan. Và chính từ trải nghiệm công việc Khối trưởng nhiệm kỳ 2022-2024 mà anh càng nể cái nhiệt huyết, sự tận tâm cống hiến của ông Xoan.
Những ngày cuối năm 2023, dù đang là bệnh nhân của căn bệnh hiểm nghèo, ông vẫn say sưa làm báo tường cho khối, từ đặt bài, viết, biên tập, mi trang, từ A đến Z ông làm tất tần tật để có một tờ báo khá bắt mắt và phong phú thể loại: phỏng vấn, thơ, hò, vè, ví giặm, tranh, ảnh, v.v…, trong đó ông đóng góp khá nhiều bài viết. Nữ bác sĩ Bệnh viện Ung bướu điều trị cho ông thường đùa: “Cháu hay bác mới là bác sĩ đây? Lúc nào bác cũng tiếp cho cháu một phương thuốc tinh thần lạc quan, yêu đời, thật quý quá!” Năng lượng ấy ở ông dường như vô hạn. Nó tỏa ra từ tác phong nhanh, gọn, chỉn chu quên tuổi tác, từ gương mặt dường như lúc nào cũng cười, từ giọng nói từ tốn điềm đạm, từ ánh mắt thân thiện, từ thái độ khiêm tốn học hỏi và từ tinh thần góp ý thẳng thắn nhưng chân thành, nhẹ nhàng như trao đổi. Năng lượng ấy khiến mọi người nhanh chóng có thiện cảm với ông. Còn ông, cứ đi, cứ làm miệt mài, say mê, cứ cười nói vui vẻ như là một nhu cầu, một lẽ tự nhiên vậy.
Muôn cách vận động
– Ngõ 23 này phía nam đã lùi từ 1,3 đến 1,6 mét, xây lại hàng rào thẳng đẹp, nhưng phía bắc của ta đây còn thòi thụt, nếu lùi cho thẳng thì đẹp biết mấy bà con nhỉ!? – Ông Xoan gợi ý.
– Em Hương lùi hàng rào và xây lại hàng rào cho tôi thì tôi sẽ lùi không những 40 phân mà 50 phân cũng nhởi. – Anh Minh vẻ thách đố.
– Để em về trao đổi với chồng đã. – Chị Hương đáp lại ngay.
– Quyết nhanh đi không tôi đổi ý đấy! – Anh Minh nói thêm.
– Khối đứng ra xây lại hàng rào cho anh có được không? – Ông Xoan chớp thời cơ hô to.
– Ai xây cũng được, miễn là hàng rào chắc chắn. – Anh Minh vui vẻ.
– Thế nhé, ngày mai chị Hương và khối sẽ trả lời anh!
Câu chuyện tưởng chỉ là tếu táo trong phút giải lao của tốp thợ với Ban Giám sát của khối và mấy nhà trong ngõ lúc mọi người đang vui vẻ vì tiến độ mở rộng ngõ nhanh và thuận lợi đã được ông Xoan chớp lấy biến thành “thời cơ vàng”. Ngay chiều đó, ông xin ý kiến cấp ủy và những người hưởng lợi khi mở ngõ. Cũng có người ái ngại khó tìm nguồn kinh phí vì lâu nay đã vận động bà con khá nhiều rồi. Ông Xoan vẫn quyết vì ông đã chợt nghĩ ra cách. Ngay tối đó ông trao đổi và được vợ chồng chị Hương nhất trí. Hăm hở tìm đến bà Liên – đã 90 tuổi, ở tổ khác nhưng rất nhiệt tình, ông trình bày câu chuyện. Bà Liên nói như reo: “Tốt quá đi, anh Minh vừa hiến 12 mét vuông đất để lùi hàng rào ở phía bắc hẻm 1 ngõ 19, nay lùi thêm 0,5 mét ở phía tây là 8,5 mét vuông để mở rộng ngõ 23 là quý lắm. Anh cứ tiến hành đi, tôi ủng hộ 5 triệu đồng và vận động các con ủng hộ thêm”. Không để anh Minh có thể đổi ý, ông đến thông báo ngay cho anh Minh biết quyết tâm của khối và cảm ơn tấm lòng vàng của anh. Ngặt nỗi, số tiền xây hàng rào cho anh Minh vẫn chưa đủ, ông bàn với Bí thư chi bộ (thời điểm đó là vợ ông làm) phân bổ cho cấp ủy người lo vài triệu bạc. Vậy là, cả Anh Minh, chị Hương cũng lùi hàng rào tới nửa mét.
Không chỉ vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất lùi hàng rào, xây lại hàng rào và cổng của mỗi nhà khang trang hơn, ông còn vận động kinh phí để làm đường làm mương, ngoài ra ông còn là người thiết kế dự toán công trình, giám sát và chỉ đạo thi công, đến nghiệm thu quyết toán công khai sòng phẳng, điều đặc biệt là ông không nắm giữ một đồng tiền nào cả, nhưng công tác giám sát rất chặt chẽ, hiệu quả nên dân rất tin tưởng. Thế là, như một giấc mơ, qua rất nhiều năm vận động, ngõ 23 từ 2 mét trở thành con ngõ rộng tới 4,1 mét, có mương thoát nước chuẩn, mặt đường đẹp, đường thông hè thoáng, mà tình khối phố thêm bền chặt. Đây là câu chuyện của cách làm mà ông là cái đinh chốt trong toàn bộ quy trình ấy. Ngõ 23 đường Hoàng Văn Thụ có một đặc thù rất riêng, nếu không biết cách, không kiên trì và có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân quả là khó thực hiện. Ngõ dài tới 64 mét rộng 1,9 mét, có 14 hộ liên quan, song chỉ có 4 hộ mở cổng ra ngõ này, trong đó lại có hộ khó khăn. Sự quyết tâm của Chi bộ, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của địa chính phường, với sự khéo léo của Ban Công tác mặt trận trong đó có vai trò quan trọng của ông đã gỡ từng nhà, tháo từng khâu để cuối cùng làm nên thành quả mà hàng bao nhiêu năm trước chưa thực hiện được.
Giữa thành phố Vinh, tấc đất là tấc vàng, nào ai dễ xén đất cho làng cho nước, nhưng kiên trì vận động kiểu mưa dầm thấm đất và tận dụng mọi cơ hội ông đã thuyết phục được bà con trong khối 7 cũ cắt tới hàng trăm mét đất để ngõ nối ngõ năm này qua năm khác mở rộng thành những con ngõ thông thoáng, đi lại thuận tiện.
Câu chuyện mở đường đã được đề xướng từ năm 2005, nhưng vẫn mãi là chủ trương. Năm 2012, Chi bộ khối 7 (cũ) lại đề ra nghị quyết hiến đất mở rộng đường, giao cho đảng viên gương mẫu đi đầu, thành lập Ban vận động do Bí thư chi bộ là ông làm trưởng ban. Ông – bí thư chi bộ làm gương đập hàng rào nhà mình và lùi 0,3 mét với chiều dài 20 mét xây lại hàng rào mới. Nhưng sau một năm cũng chỉ lác đác được dăm nhà lùi hàng rào. Không nản chí, Ban vận động vừa dùng mọi giải pháp vừa thay đổi phương thức: tỉ tê đánh lẻ từng hộ; vận động con cháu hưởng ứng; chọn những gia đình tích cực vận động làm trước; vận động các hộ không thuộc diện hiến đất hỗ trợ kinh phí giúp các hộ hiến đất lùi hàng rào nhưng hoàn cảnh khó khăn, v.v… từ đó khí thế hiến đất làm đường, góp tiền làm mương, làm nền đường trở thành phong trào, sôi nổi khắp khối. Các con ngõ khối 7 cũ vốn là ngõ hẹp, thuộc loại xấu của phường Hà Huy Tập qua 5 năm từ 2014 cho đến 2019 đã thay hình đổi dạng, thông suốt và thẳng tắp.
Người ta nói nào kỹ năng dân vận, nào nghệ thuật thuyết phục, ông không quan tâm những điều lý thuyết. Cứ tùy vào những công việc, những vấn đề cụ thể, tình hình cụ thể ông thiên biến vạn hóa cách làm, lời nói, và chính ông thực hành trước, miễn sao là việc chung được thực hiện.
“Tham quyền cố vị”
“Cũng có một thời gian ngắn trông ông buồn buồn. Nhưng rất nhanh, ông lại trở về với bản tỉnh của mình, vui vẻ, lạc quan và nhiệt huyết. Chúng tôi rất biết ơn ông và vô cùng quý cái tâm huyết ông dành cho việc khối, việc phường, việc đoàn thể. Con người như ông thời nay thật hiếm!”. Chị Phạm Thị Hạnh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hà Huy Tập chia sẻ. Ấy là chị Hạnh đang nói tới việc một vài người không đủ thông tin cho rằng ông là người “tham quyền cố vị”.
Ở cơ sở, có 13 chức danh thuộc các tổ chức, đoàn thể, thì ông “chiếm” tới gần chục “chức”. Năm 2003, rời “ghế” Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Nghệ An ông về hưu là “nhậm” chức tổ trưởng Đảng, Chi hội trưởng chi Hội Khuyến học khối 7 (cũ) liền một hơi cho đến năm 2010. Từ 2010-2017, ông làm Bí thư chi bộ khối 7 cũ. Vợ ông gối tiếp làm bí thư chi bộ thay chồng đến năm 2019. Đầu năm 2020, ông trở lại làm thêm khóa bí thư khối 5 mới cho đến 2022 và kiêm luôn Trưởng Ban CTMT khối 5 mới, hiện nay ông là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học Khối 5. Ngoài ra, từ 2016 cho đến bây giờ ông là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Hà Huy Tập, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hà Huy Tập, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan tỉnh Nghệ An. Danh sách “chức vụ” ở khối, ở phường và cả ở thành phố của ông đúng là dài thật, lại còn chuyện bà và ông chia nhau làm bí thư. Vợ ông cũng “ôm” khá nhiều chức vụ trong khối như Tổ trưởng Đảng, Chi hội trưởng Cựu giáo chức, Chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Y tế trẻ em, Tổ phó hòa giải và cả Bí thư chi bộ. Người ta nghĩ vậy cũng có cơ sở, nhưng quả thực, ai trong cuộc, ai hiểu chuyện mới thực sự cảm thông và trân trọng sự gánh vác của ông bà. Khối 7 cũ, Khối 5 mới thuộc tốp những đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm người làm việc khối. Đặc biệt năm 2020, là thời kỳ sáp nhập khối 7 và khối 5 thành khối 5 mới. Số cán bộ đương nhiệm của cả 2 khối vì nhiều lý do, người vì hoàn cảnh gia đình phải nghỉ, người e ngại sự phức tạp do sáp nhập, số cư dân quá đông nên không dám đảm đương. Đến giờ G vẫn chưa tìm ra người, nên ông Xoan lại được Đảng uỷ phường “điệu ra” chống cháy. Vậy nên mới có chuyện ông thay bà “lãnh đạo”. Xem ra sự “tham quyền cố vị” của ông chỉ mang lại điều hay, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho khối phường. Ông “tham” vì ông được người dân, ông được các đồng sự trong khối, được cán bộ phường tín nhiệm, tin tưởng trao việc “buộc” ông làm. Mà con người ông hồn nhiên lắm, trao thì ông nhận vì ông thấy khi vui được làm việc, được cống hiến, nó tự nhiên như là việc thở, việc ăn uống thường ngày vậy. Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày ông có thêm nhiều niềm vui từ việc làng việc khối. Vì ham làm việc mà cả khi đang điều trị trọng bệnh vào giữa năm 2023, Mặt trận khối cần làm báo tường, ông cũng không nề hà nhận lời làm giúp dù ông có lý do để chối từ.
Cũng từ nhiệt huyết và sự tập hợp, khơi gợi của ông, khối 5 mới có những công trình độc đáo: con đường xanh, con đường bích họa, thùng rác công viên, ghế đá công viên, v.v… Ông đã khéo léo vận động, khơi dậy tâm huyết, niềm đam mê, tiềm năng trong các công dân khối như đại gia đình bác sĩ Ngô Bình trong việc huy động các cháu làm con đường bích họa, các gia đình trồng cây leo tường làm con đường xanh, v.v… để tạo nên những phong trào chung vì cộng đồng khối phố. Cũng từ những phong trào này mà tình cảm khối phố ngày càng thêm keo sơn, bền chặt.
Điều đáng quý ở ông là càng làm việc ông càng say mê học hỏi. Trước đây và cả bây giờ ông vẫn luôn nâng cao sự học. Sau khi nghỉ hưu ông tự mày mò học vi tính văn phòng, Excel, AutoCAD, v.v… ông nói học cho vui cũng để giúp ích cho công việc hàng ngày tốt hơn và để mình không lạc hậu, không già; từ sách vở, từ bạn bè ông học thiết kế dự toán công trình, đủ khả năng thiết kế, giám sát các công trình xây dựng; những kỹ năng này ông mới học được sau khi nghỉ hưu. Còn chuyện làm thơ của ông cũng khá thú vị. Ông vốn không biết làm thơ, suốt cả thời gian đi học và làm việc ông chưa bao giờ làm được một bài thơ. Thế nhưng khi “nhậm chức” Bí thư chi bộ khối 7 (năm 2010), mong muốn khối có một tờ báo tường để phản ánh hoạt động của khối và động viên nhân dân bằng thơ ca, thế là, ông vận động mọi người làm thơ và chính ông nêu gương trước. Ông học làm thơ, học trên mạng, học bạn bè, mạnh dạn tham gia các hội thơ của phường, thành phố, ở đâu có giao lưu thơ là ông tới dự để học hỏi, mở mang hiểu biết. Ông tự nhận mình là “lều thơ”, thơ của mình là thơ khẩu hiệu, thơ động viên phong trào, chỉ phản ảnh hiện thực cuộc sống, không bay bổng nhưng khá hữu hiệu trong công tác tuyên truyền. Ông còn có một biệt danh nữa “nhiếp ảnh gia” là vì từ khi chưa có điện thoại thông minh, ông đã mua một máy ảnh cà tàng thường xuyên ghi lại những hoạt động của khối của phường thành tư liệu và vẫn duy trì cho đến nay. Thường xuyên ghi lại các hoạt động bằng hình ảnh đã thành kỹ năng lưu giữ tư liệu đối với ông. Chia sẻ về niềm đam mê làm việc khối, việc phường, việc “tù và hàng tổng” tôi thực sự trân quý những mục tiêu sống bình dị của ông: “mình làm để con cháu thấy mà noi theo, để đóng góp cái gì đó cho cộng đồng, quê hương thứ hai này” và còn bởi:
“Muốn cho bộ não không đông
Tuổi này không thể ở trong thương trường
Tham gia việc khối việc phường
Để cho bộ não hết đường nghỉ ngơi
Đó là một cách vui chơi
Không cho não nghỉ để đời dài thêm”
(trích thơ của ông).
Cá nhân ông và gia đình luôn nhận được nhiều khen thưởng như Bằng khen của UBND tỉnh về Gia đình xuất sắc tiêu biểu giai đoạn 2000-2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương ông là cá nhân điển hình 5 năm thực hiện chỉ thị 03.CT/ TW (2010-2016), nhưng khen thưởng lớn nhất mà ông có, ông vui đón nhận và phấn đấu hết mình cho điều đó, ấy là được nhân dân tin, yêu và giao phó nhiều việc của cộng đồng khối phố.
Ngẫm ra, trong cuộc đời có nhiều thú để chơi, để thưởng thức: chơi cây cảnh, chơi hoa, chơi chim, chơi đàn, hát, thơ ca, v.v… để tạo cho mình những niềm vui, để cân bằng cuộc sống, mà thấy đời, thấy người luôn thật đáng yêu, thật thi vị. Còn ông, ngoài thú chơi cây cảnh, làm thơ, du lịch ông còn “đam mê” cái thú vui thật kỳ lạ, chắc là chẳng mấy ai như vậy: thú tự nguyện gánh vác đủ mọi “tù và hàng tổng” cho khối phường, cho nhân dân!
Đào Thúy Hoa