Đồng ruộng quê tôi ngày trước chẳng ai thả ai nuôi nhưng mùa nào cũng đầy những cá. Người ta gọi đó là cá trời, là cá do tự trời đất sinh ra. Đủ loại, nhiều nhất là rô, diếc, hẻn rồi chạch, mương, chày, bống… To thì có cá tràu, cá trê. Nhỏ thì cân cấn, mai mái, rô thia, tép mỡ… Nhiều vô kể. Ngày thấy tăm cá đi động chân lúa, đêm tiếng đớp mồi như vỗ tay. Không chỉ ở vùng ruộng trũng Bàu Bưởi, Đầu Làng mà cả vùng đồng cạn Cửa Vạn, Đồng Côi cũng có cá. Mùa gặt tháng Mười, trên những thửa ruộng đã khô, thỉnh thoảng lại gặp một vũng nước cá quây lại thành ổ hàng chục con, chủ yếu là cá rô. Người đi gặt chỉ việc nhặt và xâu lại bằng sợi toóc (rạ). Cá theo khe nước leo lên tận cái vũng nhỏ trên tận đỉnh Động Bằng của Rú Cuồi. Vậy nên bọn trẻ làng tôi mới hay dùng thành ngữ “cá tràu khe” để ví với những đứa quá hiếu động, như lũ cá thoắt ẩn thoắt hiện, nhảy phóc phóc qua những hõm nước lên tận đỉnh rú. Cá kéo chim về. Lũ cò cói rủ nhau về ăn cá đậu trắng lũy tre làng. Người làng kể: mùa chim non nở, chim mẹ bắt cá về bón cho chim con ăn. Chim con ăn không hết, xác cá rơi tanh cả một dãy bờ tre nhà cụ Hướng.

Vùng ruộng nào cũng nhiều cá. Mùa mưa, cá theo nước dềnh lên vào tận vườn tận ngõ. Tôi còn nhỏ đứng trên thềm nhìn dòng nước trắng đục từ Cửa Đình tràn qua sân, thấy rõ lũ chạch từng đôi giao hoan trồi lên hụp xuống. Tôi vớ vội cái dành tre nhảy xuống sân xúc. Những chú chạch mình tròn, bụng vàng béo lẳn còn quấn lấy nhau giãy lên đành đạch. Nước rút, có cả những chú rô vẫn mắc kẹt lại giữa bụi tre không ra được. Mùa khô, cá theo nước dồn dần lại vùng ruộng sâu, ao đìa, mương máng. Lần ấy, hợp tác xã cho đội thiếu niên làng được tát mương Rãy gây quỹ, vừa có cá ăn để tổ chức cắm trại hè. Đó là đoạn mương ngắn nằm dưới chân núi đá ong; nước mát, trong veo thu hút cá cả vùng cửa Vạn Sâu mùa khô vào ẩn trú. Lũ trẻ chúng tôi từng đôi tát nước gàu dai, hò hét vang chân rú. Gần trưa, nước cạn dần, cá dồn vào các hang hốc đá ong, chỉ việc luồn tay vào bắt. Hang hốc nào cũng có cá. Nguyễn Khắc Ảnh tìm được một cái hang, nó vừa móc cá ra vừa oang oang đếm thử. Được đúng 72 con, toàn cá rô cỡ bàn tay trẻ con xòe!

Lũ trẻ làng tôi ngày ấy đứa nào cũng thạo nghề tôm cá. Sáu bảy tuổi đã biết theo cha chú học đủ nghề. Nhỏ thì cất te. Lớn chút nữa thì rớ rồi vó. Đêm đi đắp bộng nhảy. Ngày tát vũng. Trời mưa còn gì thú hơn nón lá áo tơi gọi nhau đổ lờ thả đó. Trưa nóng cháy da đi bắt cá nắng. Ấy là lúc nước ruộng nóng như sôi, lũ cá không chịu nổi, nhao vào bờ cây mép ruộng; có trưa, cá nằm chết trắng mặt nước, nhặt về ăn không hết thì phơi khô để dành. Những ngày đông rét lạnh thì đi bắt cá giá. Lúa cửa Vạn, Cồn Chùa vừa gặt xong, ruộng xâm xấp nước, chỉ còn lại những chụm toóc chờ khô bó về đánh tranh lợp nhà, chụm thành hàng rải rác trên mặt nước giá lạnh. Quên cả bàn chân tê buốt như không còn cảm giác, bọn tôi bước thật khẽ, nhẹ nhàng nâng dịch từng chụm toóc sang một bên, thấy chỗ nào nước vẩn lên, chụp tay vào là y như có cá.

Minh họa: Đình Truyền

Nhiều người trong làng có biệt tài săn bắt cá. Ông Sáu (bố anh Tích) giỏi nơm. Ông Hoe Tỉu giỏi lừ. Cá bộng nhảy không ai bằng ông Quế, ông Quơn. Có ngày mỗi ông bắt được hàng yến cá. Cố Thái giỏi nghề nhủi. Chú Nam ngoài nhủi còn giỏi nghề câu cặm, câu vương. Mùa nắng, cá phơi thơm lừng rú Bưởi. Câu vút, câu vịt kiên trì nhất là dượng Chắt Thái, anh Cu Bơ (người làng vẫn gọi là “Bơ Câu”). Dượng Chắt Thái có lần bám theo đến 2 ngày mới tóm được con cá tràu ở Bàu nặng đến 2 cân rưỡi, đen trùi trũi.

Nhắc đến cá lại nhớ dượng Cu Ất. Dượng quê Bình Định, là bộ đội Sư đoàn 324 làm rể làng tôi. Dượng lấy o Trung con bác Chắt Thuy, ngôi nhà nhỏ nằm cạnh đầu làng, có cái đìa cá và bụi tre trùm mát rượi. Buổi trưa hè ra ngồi bóng tre hóng mát, gió đồng lồng lộng thổi. Thấy tăm cá động chân tre, dượng lấy cái nơm úp thử một nhát. Rầm! Cá đóng vật ầm ầm. Bắt và đếm. Chỉ một lần úp được những 7 con, toàn cá tràu cỡ cán liềm. Dượng Ất gật gù nói như đinh đóng cột: Đất này sống được!

Đất này sống được. Đó là lời đánh giá khách quan của chàng trai Bình Định về chất lượng sống của làng tôi. Mà làng tôi, cái làng quê nghèo thuần nông ấy thì cỗi cằn có gì đáng nói. “Đất Cửa Vạn bừa sắt cắt từng nhát/ Ruộng Động Lều nước lũ trượt bàn chân” (thơ Vương Trọng). Chỉ có cá trời! Cám ơn dượng Cu Ất đã lần đầu phát hiện thành lời cái giá trị vật chất sống của làng tôi. Và rồi dượng còn chứng minh điều ấy bằng chính cuộc đời mình. Vì sức khỏe yếu, không theo đơn vị trở về miền Nam chiến đấu được, dượng về hưu và ở hẳn lại làng tôi rồi tham gia xây dựng hợp tác xã, làm trưởng ban thống kê kế toán. Nhưng lương hưu cộng với công điểm hợp tác xã vẫn không đủ sống. Đêm đêm, dượng lại vác cần đi câu. Chính cá trời đã góp phần không nhỏ giúp o dượng nuôi cả đàn con đến ngày trưởng thành, trở lại quê hương Bình Định.

Thức ăn với cơm của lũ trẻ ở trại hè ngày ấy chỉ có cá và rau muống. Rau muống thì xin ở “ao phụ nữ”. Cá thì tát mương về, sau khi chọn những con to đem bán lấy quỹ cắm trại, mua sách góp vào tủ sách Kim Đồng, còn con nhỏ, chủ yếu cá vặt, mới được kho ăn. Vậy mà cũng được đầy mấy cái xoong to, thơm ngậy. “Có cá làm vạ cho cơm”. Ngày ấy, tuổi nhỏ làng quê chỉ được ăn no và ngon nhất là những bữa cơm cắm trại!

Cái giống cá trời quả ngon thật! Được nuôi tự nhiên, bơi lội tung tăng khắp đồng trên ruộng dưới, đất sẵn phù du, cỏ rau, hoa lúa nên con cá dù mình nhỏ cũng béo săn. Cá kho nghệ, kho tương, cá rán giòn, cá hấp ngải cứu,… Cá rô ướp gia vị cho vào nồi đất vùi trấu qua đêm, sáng mai giở ra mình còn thơm nguyên mà xương gãy vụn. Thú vị nhất là món cá tràu nướng trui, từng lọn thịt xé ra còn bốc khói…

Vậy mà đã mấy chục năm qua. Giờ thì cá trời dường như chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi. Những vùng đồng vắng bặt bóng chim tăm cá. Cá trời bị tuyệt diệt từ đâu? Có lẽ bắt đầu từ khi thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng một cách tràn lan. Xác cá chết nổi trắng đồng sau mỗi “chiến dịch” phun thuốc trừ sâu. Có người tiếc quá tìm nhặt những con cá còn sống sót về ăn. Nồi cá kho lên vẫn phảng phất mùi mê-tin, 666 (C6H6Cl6). Thương thay phận cá! Còn vài con lươn, con chạch, lánh xuống mương thì gặp lưới hồ lô. Trốn xuống tận bùn sâu cũng không thoát được kích điện. Cộng với hình thức canh tác mới: năm 2 mùa đồng bị vét sạch nước để gieo thẳng lúa. Không còn nước cá ở vào đâu?

Cũng may những năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt ở nông thôn được chú ý đầu tư và phát triển trở lại. Mô hình cá – lúa, cá vụ 3, rồi những ao nuôi cá, hồ nuôi cá quy mô ngày càng lớn mọc lên vỗ sóng giữa đồng xưa. Những giống cá mới được đưa về: rô phi đơn tính, chim, mè hoa, trắm cỏ… Bữa cơm giờ đã không lo thiếu cá. Giống tốt, người nuôi có kỹ thuật, con cá nuôi một năm đã nặng một vài ký. Mè hoa vài năm nặng sáu, bảy ký là chuyện thường. Bè bạn lâu ngày hội ngộ, thỏa sức cho chị em trổ tài làm đủ món hấp, kho, nướng, lẩu… Bên mâm cơm đủ đầy, bạn tôi bảo: chẳng có món nào ngon bằng cá trời ngày ấy!

Vương Long

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 29, tháng 11+12/2022)