Trải qua hàng thế kỷ đấu tranh đầy nước mắt, đến nay, đây đó trên thế giới vẫn còn rất nhiều trẻ em gái, phụ nữ phải chịu đựng sự bất công. Những giọt nước mắt, nỗi bất hạnh, khổ đau do bạo lực, quấy rối tình dục, miệt thị ngoại hình,… vẫn còn đó như một nỗi ám ảnh. Các nhà hoạt động nữ quyền, các tổ chức bảo vệ phụ nữ đã và đang không ngừng nỗ lực để cải thiện tình hình nhưng mọi cố gắng, mọi đòi hỏi sự tôn trọng từ phái khác sẽ trở nên vô nghĩa nếu mỗi phụ nữ và trẻ em gái không được giáo dục và thức tỉnh giá trị của bản thân.

    So với không ít quốc gia khác, nơi phụ nữ phải chịu đựng rất nhiều những bất công, thiệt thòi ngoài xã hội, trong gia đình; nơi thân phận của phụ nữ và trẻ em gái bị rẻ rúng và phụ thuộc; nơi những nhu cầu cơ bản về sức khỏe, danh dự của phụ nữ không được đáp ứng thì Việt Nam là một quốc gia đạt được thành tựu khá tốt trong đấu tranh bình đẳng cho nữ giới. Tuy nhiên, hiện nay, dường như chúng ta đang quá tập trung vào việc đòi hỏi xã hội, nam giới phải đối xử công bằng với nữ giới trong khi quên đi một việc quan trọng không kém là cần thay đổi tư duy, suy nghĩ của chính phái nữ. Muốn đạt được bình đẳng, muốn trao quyền và khẳng định giá trị của nữ giới thì trước hết chính họ phải tự nhận thức ra giá trị của mình.

    Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng viết: “Tất cả chúng ta vẫn còn bị “đóng hộp” trong những khuôn mẫu về cách ứng xử giữa đàn ông và phụ nữ. […] Định kiến về giới tính như lưỡi dao vô hình khắc sâu vào tâm hồn các bé gái từ khi còn rất trẻ, khiến chúng cảm thấy, mình sẽ bị thua kém nếu không có ngoại hình cũng như hành xử theo một chuẩn mực nào đó”. Quả thực những khuôn mẫu, giá trị văn hóa nhiều khi lại là trở lực cho quá trình tiến đến bình đẳng giới. Các bé gái và phụ nữ Việt hiện nay vẫn đang sống trong một môi trường mà ở đó họ được giáo dục khá nhiều khuôn mẫu liên quan đến giới tính. Điều đó vô hình trung hình thành trong tính cách, nhận thức của phái nữ một ý thức về giới hạn của bản thân. Họ nghiễm nhiên chấp nhận những bất bình đẳng mà không hề cho đó là bất công, trái lại, đó được coi là điều tốt nên làm. Hãy tự hỏi xem có phải bạn, người thân/quen của bạn vẫn thường dạy con mình theo những chuẩn mực dựa trên giới tính hay không? Có phải, trong xã hội hiện nay người ta vẫn dạy là nữ thì phải ăn nói hiền thục, phải duyên dáng, ý tứ, tinh tế và biết làm hầu hết việc nhà? Là nữ thì không nên quá cá tính, không nên tham gia các hoạt động mạo hiểm, phiêu lưu, không cần phải phấn đấu quá nhiều cho sự nghiệp;…? Một cô gái được xem là tốt trước hết phải siêng năng, chu toàn lo lắng cho gia đình. Một cô gái không giỏi nội trợ, không sớm lập gia đình, không khéo léo trong chăm con thì sẽ chẳng là gì cả dù cho sự nghiệp có thành công đến đâu…. Trải qua hàng nghìn năm phong kiến; trải qua một lịch sử với nhiều chiến tranh, mất mát, người Việt luôn đề cao đức tính hy sinh của phụ nữ. Tuy nhiên, đến hôm nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi thì việc tiếp tục giáo dục các bé gái phải đề cao và tiếp tục xem sự hy sinh là chuẩn mực có còn hợp lý hay không? Tại sao là phụ nữ thì phải nhẫn nhịn, phải chịu đựng thiệt thòi? Chính những suy nghĩ này đã khiến rất nhiều phụ nữ cắn răng chịu đựng bạo lực gia đình; nhiều phụ nữ ngậm đắng nuốt cay không dám lên tiếng trước những hành vi quấy rối tình dục…

Cựu Tổng thống B. Obama và những lời phát biểu nổi tiếng về nữ quyền. Nguồn ảnh: Dân Trí

    Không phủ nhận rằng, mỗi giới tính có những đặc trưng riêng về tâm sinh lý; có những yếu tố khác nhau để tạo nên sự hấp dẫn hay thành công. Không phủ nhận rằng mỗi người sinh ra đều cần học và giữ những chuẩn mực đạo đức cơ bản. Tuy nhiên, sẽ thực sự vô lý nếu chúng ta cứ gắn phái nữ với những chuẩn mực riêng, giới hạn họ trong những phạm vi riêng và bất biến theo thời gian. Trong khi đó cuộc sống thì không ngừng vận động và chẳng có giá trị nào là đóng băng mãi cả. Yuval Noah Harari cũng đã viết trong cuốn Lược sử loài người rằng: “Sau khi xuất hiện, các nền văn hóa không bao giờ ngừng thay đổi và phát triển, và chúng ta gọi những thay đổi không thể ngăn cản được là ‘lịch sử’”. Quả thực. chúng ta không thể cứ ôm khư khư những giá trị quá khứ chẳng còn phù hợp để làm chuẩn mực soi chiếu hiện tại. Bởi thế mà Điều 5, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã chỉ rõ cần: “Sửa đổi khuôn mẫu văn hóa, xã hội về hành vi của nam giới và nữ giới nhằm xóa bỏ các thành kiến, phong tục tập quán và các thói quen khác dựa trên tư tưởng cho giới này là hơn, giới kia là kém, hoặc dựa trên những kiểu mẫu rập khuôn về vai trò của nam giới và phụ nữ;”

     Ngày nay, phụ nữ và trẻ em gái cần được giáo dục những kiến thức mới, những hiểu biết mới về giới; cần được khơi dậy trí tuệ, bản lĩnh để có thể làm chủ cuộc đời và sẵn sàng hội nhập quốc tế. “Đã qua rồi cái thời phụ nữ lấy chồng để dựa dẫm hay đảm bảo một cuộc sống ổn định. Ngày nay, phụ nữ dù kết hôn hay chưa, họ vẫn luôn độc lập về tài chính. […] Nên bỏ ngay suy nghĩ, cứ con gái là phải dịu dàng, hiền thục, còn con trai phải mạnh mẽ, quyết đoán cũng như từ bỏ suy nghĩ “phụ nữ là phần thưởng cho đàn ông”. Chúng ta cần thay đổi thái độ về sự xuất hiện của người phụ nữ, cũng như “dạy” những người đàn ông, không cảm thấy kém cỏi khi phụ nữ thành công hơn mình. Chúng ta cần thay đổi thái độ thiên vị, khen ngợi một người cha biết thay tã cho con, nhưng lại chỉ trích người mẹ đang phải vật lộn nơi công sở.”[1] Lời phát biểu từng gây chấn động ấy của cựu Tổng thống Mỹ B.Obama có lẽ đã đang và sẽ xoáy sâu vào mỗi người, đặc biệt là những người quan tâm, đấu tranh cho bình đẳng giới. Đúng vậy, làm sao có thể thay đổi tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái khi chúng ta ngày ngày vẫn gieo vào đầu trẻ các bài học, những thước phim, quảng cáo về hình ảnh phụ nữ chuẩn mực luôn gắn với công việc gia đình, bếp núc! Làm sao tìm kiếm được sự bình đẳng khi chính những người làm trong các tổ chức đại diện cho nữ quyền vẫn duy trì suy nghĩ phụ nữ phải gắn với những khuôn mẫu nào đó như đảm đang, trung hậu, biết hy sinh! Nếu ta chưa thay đổi được nhận thức cho nữ giới, chưa để họ nhận ra giá trị của mình, chưa giúp họ phá bỏ những rào cản trong tư duy thì tất cả những hoạt động kêu gọi bình đẳng khác đều là vô giá trị.

Poster do J. Howard Miller’s thiết kế năm 1943 là hình ảnh kinh điển về nữ quyền.

    Chính vì lẽ đó, việc cần làm hiện nay là làm sao để các bà mẹ không buộc con gái mình phải học những khuôn mẫu, chuẩn mực riêng cho phái nữ; làm sao để những bé gái không có mặc cảm về sự yếu đuối trong giới tính; làm sao để những nữ nhân viên không tự thấy an phận với những vị trí thấp và những người vợ không thấy hy sinh và cam chịu là bổn phận của mình. Chúng ta phải làm sao để những người phụ nữ không còn miệt thị nhau về ngoại hình; làm sao để họ biết đề cao giá trị bản thân, đòi hỏi được tôn trọng. Đặc biệt, những người phụ nữ phải biết lên tiếng cho nhau, bảo vệ nhau trước các hành vi quấy rối tình dục, bạo hành gia đình, bắt nạt nơi công sở,… Thật đáng buồn khi ngày nay, lên các trang mạng xã hội, trong mọi câu chuyện chưa rõ đúng sai, thậm chí trong những câu chuyện người phụ nữ bị hại phải lấy hết can đảm để tố cáo, thì vẫn có rất nhiều người thuộc phái yếu lên tiếng mỉa mai, quy kết họ. Chúng ta có thể đòi hỏi được nam giới tôn trọng chăng khi mà chính chúng ta còn chưa trân trọng những giá trị của phái mình; khi ta vô tình dung túng cho những hành vi chà đạp lên giá trị của người phụ nữ? Trước khi trông chờ sự giúp đỡ từ người khác, chúng ta phải biết cách để tự cứu lấy mình. Trước khi chờ đợi nam giới cư xử đúng mực, phụ nữ phải tự ý thức được những quyền lợi và giá trị của bản thân.

    Tất nhiên, không phải một sớm một chiều có thể làm được những điều đó. Nó cần một quá trình bởi thay đổi nhận thức, tư duy và sự chi phối của phong tục, tập quán vốn là điều chưa bao giờ dễ dàng. Trong cuộc đấu tranh dài hơi này, giáo dục và truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng. Đã đến lúc các nhà trường cần quan tâm hơn đến việc giáo dục giới tính và thay đổi cách thức giáo dục về những chuẩn mực dựa trên giới tính như trước đây. Các cơ quan báo chí, người làm truyền thông cũng cần tiếp cận, cập nhật các kiến thức về giới nhiều hơn để nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ nhất về bình đẳng giới trước khi đưa các sản phẩm của mình đến với công chúng. Báo chí phải sát cánh cùng các tổ chức, hiệp hội bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái để nhanh chóng truyền tải thông điệp, lan tỏa thông tin tích cực đến người đọc. Hành động sẽ thay đổi khi nhận thức thay đổi. Muốn có được những bước tiến tích cực hơn trong bình đẳng giới, muốn giải quyết tận gốc các vấn đề tồn tại hiện nay thì cách duy nhất là tác động, thay đổi nhận thức của xã hội nói chung và của phụ nữ nói riêng về vai trò, vị trí của phụ nữ.

     Không ai có quyền phán xét một cá nhân qua bề ngoài, giới tính, hay hoàn cảnh xuất thân của họ. Sự đánh giá công tâm nhất phải dựa trên tính cách, hành vi, tài năng của người đó. Đã đến lúc chúng ta cần lan tỏa thông điệp ấy mạnh mẽ hơn để thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi người; để những định kiến về giới không tiếp tục kìm hãm tài năng, cảm xúc của cá nhân; để xã hội sẽ ngày một bình đẳng, tiến bộ và văn minh hơn.
___

  1. Theo bản dịch của Nguyễn Nguyễn trên Trí Thức Trẻ

Trang Đoan

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 28, phát hành tháng 10/2022)