Dân làng Vĩnh Long đồn rằng bà Liên dạo này lâm bệnh tâm thần. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi chiều tà, cho dù mùa đông rét buốt hay mùa hạ nóng rát, bà vẫn ngồi trên bờ đê cuối làng, đưa mắt dán chặt nơi xa tít, bến đò Vạn Rú năm xưa, một thời in đậm bao kỷ niệm tuổi xuân của mình. Thường ngày bà ngồi sệt lên bờ đê, khiến cho vạt cỏ chết lụi, ngả màu trắng xóa, trở thành dấu mốc ranh giới giữa hai làng Vĩnh Long quê nội và làng Đông Thịnh quê ngoại ở phía Bắc bến đò này. Một số người độc miệng cho bà già rồi trở tính, dở hơi, tâm thần. Số đông khác, nhất là những người cùng trang lứa với bà còn sống ở làng Đông Thịnh, tỏ ra hiểu biết về bà, vì thế, họ thương cảm và chia sẻ với bà nhiều hơn. Họ cho rằng, hồi chiến tranh bà là một trong những người con gái của làng chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Vậy nên có thể giờ đây bà bị ám ảnh và suy nghĩ quá nhiều…
  Bà sinh vào năm Ất Dậu 1945, sau Cách mạng tháng Tám thành công chừng vài tháng, tính đến nay, bà tròn bảy lăm tuổi. Ở tuổi bảy lăm mà trông bà như người già hơn trăm tuổi. Chịu nhiều khổ đau nên khuôn mặt bà trở nên hốc hác, gầy khô, đôi mắt bà sâu hoẳm, hai hàm răng không còn một chiếc, khiến đôi má của bà lún sâu vào tận hai đáy tai. Người không quen, mới gặp lần đầu, dễ chắp tay chào bà là cụ lão. Bà có hai đời chồng, ông nào cũng là bộ đội. Ông chồng thứ nhất, có một con trai rồi bỏ bà, lấy vợ lẽ, lý do theo bà là do mình. Ông chồng thứ hai thì ăn ở với bà, có bốn mặt con, nuôi ba, nhưng khốn nỗi, ông đã có một bà vợ đầu nay còn sống, nhưng không có con, kỹ tính. Ông đã mất hơn hai năm nay. Còn bà, lại có một đứa con riêng, bố nó là ai, ở đâu, chẳng biết! Suốt ngày, bà cứ lẩm bẩm tính đủ sáu người con, ba trai (nuôi hai) và ba gái, tất cả đều được học hành, ăn nên làm ra, đi xa, còn lại bà một mình ở quê nhà, nơi giáp ranh hai đầu xóm nhỏ.

Tranh sơn dầu: Đỗ Đức Khải

Bờ đê nằm giữa khoảng trống hai làng từ hai năm nay chiều nào cũng có bóng bà chết lặng. Người làng nói ra, nói vào chán chê, rồi họ tìm cách báo với những đứa con của bà. Chiều nọ, bà đang ngồi lặng yên,  bỗng giật mình khi nghe tiếng gọi to của cậu con trai riêng, từ thành phố về:
– Mẹ về đi, đừng ngồi ở đây nữa. Mẹ ngồi, người dân người ta bàn tán xôn xao, mà chúng con cũng bị chê trách. Tại sao vậy mẹ? Ma xui mẹ ạ?
Bà Liên đưa mắt nhìn con, không rời chỗ, chĩ khẽ khàng:
– Thiện đấy à con? Ai nói con ra đây tìm mẹ?
Thiện nài nỉ:
-Mẹ hãy về đi, năm hết, tết đến rồi, càng về cuối năm, con càng bận việc.
Anh em, bà con làng xóm nhiều người nhắn tin, bảo con phải về, kiên quyết, dứt khoát không cho mẹ ra ngồi giữa mưa, nắng như thế nữa, dễ sinh bệnh tật, lại ngồi nơi trống vắng, ít người qua lại, thật nguy hiểm.
Rồi Thiện nắm chặt tay bà Liên, kéo về. Bà Liên bức xúc, giật mạnh làm Thiện ngã ra bờ đê. Lúc này thì Thiện vừa bực, vừa thực sự thương mẹ. Thiện chăm chăm nhìn vào mắt mẹ, vừa khóc, vừa năn nỉ:
– Mẹ ơi! Con thương mẹ nhiều lắm. Mẹ hãy thương con đi. Thương con thì mẹ hãy về nhà đi!
Bà Liên nhìn Thiện một lúc, rồi chậm rãi, nói:
– Con hãy ngồi xuống đây. Mẹ muốn kể cho con nghe, để con hiểu vì sao mà mẹ lại ra đây ngồi.
Gần 60 năm về trước, năm mười sáu tuổi, mẹ đã học hết cấp hai (hệ bảy năm) rồi cơ mà. Hồi đó, trong làng mình, số người học hết cấp hai hiếm lắm, cả làng tính ra được năm, bảy người. Con trai, con gái trong làng xung phong lên đường nhập ngũ ra tiền tuyến. Số còn lại ở nhà, như mẹ làm công tác giao liên. Ngày ấy, mẹ cũng thuộc dạng xinh xắn, hát hay nên sớm lấy chồng. Sau đám cưới chừng vài tháng, chồng đi bộ đội. Gần một năm sau, mẹ sinh con trai, là anh Qúy đấy. Chồng đi biền biệt không về, sau mẹ hay tin ông đã cưới vợ khác, người ngoại tỉnh. Ở quê, họa vô đơn chí, nhà ông bà nội, nơi mẹ về làm dâu bị trúng bom từ trường của giặc Mỹ, nổ tung, tan hết. Sau sự kiện đau lòng ấy, mỗi người đi sơ tán mỗi nơi kiếm sống. Mẹ phải về nhà ông bà ngoại, rồi tiếp tục làm công tác giao liên như ngày trước.
Nói rồi, bà Liên đã giơ cánh tay chỉ về hướng nơi làng Đông Thịnh, thả giọng nhẹ nhàng:
– Đây là nơi chôn rau cắt rốn của mẹ! Và, suốt mấy năm nay đây là nơi dừng chân của hàng trăm ngàn bộ đội vào Nam chiến đấu. Con biết không, ngày ấy, cứ vào chiều tối là bộ đội bắt đầu hành quân. Xuất phát từ một vị trí nào đó ở phía Bắc làng mình, họ tính cho bộ đội đi bộ suốt đêm, sao cho trời hửng sáng là đến nơi, dừng chân nghỉ tại làng mình. Nếu không đến kịp trước lúc trời sáng, máy bay Mỹ phát hiện được, nó đánh bom rất nguy hiểm. Mẹ cùng nhiều chị em khác trong làng, khoảng bốn, năm giờ sáng là thức dậy, được phân công dẫn các anh bộ đội vào từng nhà dân ổn định, ăn nghỉ. Đến chiều tối, lại tiễn chân bộ đội tiếp tục rời làng hành quân vào Nam…
Bà Liên, một tay nắm chặt tay Thiện, tay kia giơ cao chỉ về phía trước, nói tiếp:
– Men theo con đường nhỏ quanh co này, rồi qua mấy bãi mía, nương ngô bạt ngàn kia, con hãy đi tiếp gần đến nơi bờ sông, thấy ngọn núi nhỏ, đấy là bến đò Vạn Rú. Bến đò mà đêm nào cũng bị máy bay Mỹ rình rập thả pháo sáng, dội bom, ấy thế mà hàng trăm ngàn bộ đội hành quân đi qua đều an toàn đấy. Bến đò, nơi có biết bao kỷ niệm cho quân và dân làng mình, sau mỗi lần bộ đội đến rồi đi. Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi hành quân đi qua đã có bài thơ nổi tiếng:“Bến đò Vạn Rú”, trong đó có câu thơ hay, mẹ còn nhớ: “ Giữa khúc sông Lam có hai bến đò Vạn Rú”.
– Mẹ mà cũng biết nhà thơ Phạm Tiến Duật à? Thiện hỏi.
– Đừng có coi thường mẹ. Bà Liên cười nhẹ. Hồi trước, mẹ không chỉ thuộc bài thơ của ông ấy, mà còn thuộc nhiều bài thơ của các nhà thơ khác nữa. Nay lâu ngày, già rồi, trí nhớ kém, mẹ quên đi nhiều, những kỷ niệm năm xưa về công tác giao liên nơi bến đò Vạn Rú này, thì mẹ làm sao quên được.
– Kỷ niệm gì thế hả mẹ? Mẹ kể tiếp đi! Con nghe đây. Thiện nói
– Vào một đêm mùa Đông nào đó, dịp gần tết Mậu Thân năm 1968, lúc tiễn chân bộ đội hành quân ra bến đò này để qua sông, bất ngờ máy bay địch ập tới. Chúng bắn hàng chục quả pháo sáng, làm sáng trưng cả một vùng. Tất cả bộ đội, nằm sát bên nhau, lá ngụy trang chồng lên thành hai hàng cây xanh bên đường. Mở mắt thấy rõ cả đàn kiến bò trên mặt đất. Đêm ấy, mẹ mang hộ một ba lô nặng với một bao tượng gạo và một khẩu súng AK cho anh bộ đội đang bị cảm nặng. Và, khi nghe tiếng còi báo động, mẹ và anh ấy chỉ kịp nằm xuống trên một hố cạn trồng bí đỏ, nơi vạt đất bên đường. Con biết đấy, trong khoảng không chật hẹp, giữa bao nhiêu nguy hiểm rình rập trên đầu, và hai con người với những thanh xuân đang rực cháy…Mãi hồi lâu, máy bay Mỹ không tìm thấy mục tiêu, chúng bỏ đi. Pháo sáng tắt dần, bộ đội theo lệnh chỉ huy tiếp tục hành quân. Mẹ và anh bộ ấy bịn rịn chia tay và biền biệt tin nhau cho đến bây giờ!
Bà Liên dừng lại, lặng im hồi lâu không nói. Thiện thầm đếm những giọt nước mắt lăn nhẹ trên gò má của mẹ. Không giấu nổi xúc động, Thiện mạnh dạn hỏi luôn:
– Mẹ ơi! Con hỏi thật mẹ nhé. Mẹ hãy nói cho con biết, bố của con là ai?
Bà lặng người, giọt nước mắt nặng hạt lại tiếp tục rơi tràn lên khuôn mặt nhăn nheo. Đã hơn chín giờ tối rồi hai mẹ con vẫn ngồi trên bờ đê. Bà Liên ôm chặt Thiện vào lòng, chậm rãi nấc lên từng tiếng:
– Con ạ! Ngay đến bây giờ, mẹ cũng không nhớ nổi, chỉ biết tháng chín năm sau mẹ sinh con. Con bỏ qua lỗi này cho mẹ. Những ngày mẹ sinh con, được ông bà ngoại chăm nom, và những năm tháng sau đó, con được ông bà ngoại nuôi dưỡng con ăn học hết cấp ba, rồi đi đại học. Bây giờ con đã có vợ, có nhà ở thành phố, sinh hai con trai, chúng nó đều học giỏi, một đứa tốt nghiệp đại học ra trường. Mẹ mừng lắm. Thôi! Con đừng bận tâm đến điều đó làm gì, vì đến nay, mẹ cũng chẳng biết gì hơn về con người ấy.

Minh họa: Trần Minh Châu

Bà Liên dừng lại hồi lâu rồi nói hết cạn tâm tư:
– Này Thiện con! Mẹ dặn con mấy việc. Tuy mẹ sống một mình, nhưng mẹ có năm người con. Mặc dầu mỗi đứa mỗi nơi, đứa ở trong Nam, đứa ngoài Bắc, nhưng tất cả là con của mẹ. Ngày mẹ mất, các con chung tay lo công việc cho mẹ. Riêng con là con riêng của mẹ, mẹ dặn thêm con một điều: Mẹ mất, con thờ mẹ. Còn bố thì con thờ …?
Bà Liên nghẹn ngào không nói nên lời. Lần này, đôi mắt bà khô cứng, những giọt nước mắt như chảy vào trong. Bà nấc lên từng tiếng một:
– Thường niên, năm hết tết đến, giỗ chạp con về nơi thờ ông bà ngoại để lễ nghi, khánh tiết. Khi mẹ mất, đến ngày giỗ mẹ, không cần phải nói gì thêm nữa, mất ngày nào cúng ngày đó, tốt hơn, trước ngày kỵ ấy, vào chiều tối, con làm nhẹ mâm cúng. Và, điều quan trọng hơn là ngày kỵ của cha con, theo mẹ, con hãy lấy ngày 27 tháng 7 hàng năm để làm giỗ. Nếu con hứa sẽ nhớ và làm theo lời mẹ, từ nay trở đi, mẹ sẽ không bao giờ ra ngồi bờ đê này nữa!
Thiên ôm mẹ vào lòng. Giờ đây thì anh đã hiểu bao nhiêu câm lặng của mẹ mình trong quãng đời dằng dặc. Anh hứa với mẹ, như hứa với lòng mình, rằng anh sẽ không quên những gì hôm nay mẹ kể cho anh và mẹ dặn anh.
   Đêm đã về khuya, Thiện nắm tay mẹ trở về. Trong căn nhà tĩnh mịch giữa làng quê thanh bình, đêm ấy, có hai người không ngủ…

Bùi Đình Sâm

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, sô 8/tháng 8+9/2020)