Bình yên biển Cửa Lò. Ảnh Hồ Chiến

Tôi đi miên man giữa bãi biển Cửa Lò.

Nắng hè rạng rỡ chạy trên cát. Sóng biển đùa vui dệt nên những doi cát nhấp nhô phía xa xa trước mặt, nơi tiếp giáp với màu xanh nước biển. Và phía dưới chân tôi, những hạt cát mịn màng nhẹ nhàng xoãi ra cho bàn chân lọt xuống, rồi nhẹ nhàng vun lại, ôm ấp. Một cảm giác êm dịu, thương mến. Trong rì rào tiếng biển, trong lao xao tiếng cát cất lên bởi vi vu gió biển, tôi như văng vẳng nghe đâu đây bài ca của cát. Ấy là bài ca về một người con gái đẹp, đẹp người đẹp nết, mà cuộc đời và cái chết anh hùng, quả cảm của cô đã như một áng thơ bi hùng. Bài ca về nữ liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.

Người dân ngõ 83 Đề Thám, phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng của một cô gái xứ Nghệ mới vào tuổi 28 nhưng đã mang trọng trách của một Quận ủy viên phụ trách thanh niên và là Bí thư chi bộ võ trang Liên quận (2-4), Sài Gòn, trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Nhiệm vụ của cô và đồng đội lúc này là vận động, xây dựng lực lượng, vận chuyển tập kết vũ khí, đạn dược, phối hợp các đội của quân đội và các đơn vị biệt động khác, chuẩn bị phát động Nhân dân nổi dậy trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Bằng sự mưu trí, nhạy bén nắm bắt và xử lý tình huống, cô Sáu Xuân (biệt danh của Lê Thị Bạch Cát thời điểm này) đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đợt 1.

Bước vào tổng tiến công đợt 2 (tháng 5/1968), khi ém quân ở ngõ 83 Đề Thám, lực lượng do Sáu Xuân chỉ huy đã triển khai trấn áp, tổ chức truy bắt sĩ quan, binh lính an ninh, cảnh sát khu vực; đồng thời bố trí lực lượng chiếm giữ các điểm xung yếu trong khu vực, thực thi phóng hỏa nghi binh kiềm chế hơn 300 lính cảnh sát dã chiến chốt giữ tại 4 lô cốt kiến thiết ở phường Cô Giang, buộc bọn địch án binh bất động. Mục tiêu là kéo dài thời gian chờ chi viện từ các đơn vị chủ lực của quân đội ta, đồng thời vận động Nhân dân nổi dậy đấu tranh, đào hầm hào, tạo vật cản, hạn chế đường hành binh phản kích của quân địch.

Nhà giáo, liệt sỹ Lê Thị Bách Cát (1940-1968).

Đợt tiến công tại ngõ này kéo dài từ 4/5- đến hơn 10h trưa 5/5 thì cô hy sinh. Tại đây, Trung đội do Sáu Xuân chỉ huy đánh giữ từng tấc đất, từng bờ tường nhà, v.v… Địch tái chiếm từ đợt này đến đợt khác. Các đội viên của Sáu Xuân đã kiên cường bám trụ và đánh trả quyết liệt. Họ chia nhau từng viên đạn, hạ gục từng mục tiêu địch quyết giữ vững trận địa, chờ tiếp viện khiến cả tiểu đoàn địch kinh hoàng. Tình thế càng lúc càng chênh lệch và bất lợi. Một số đội viên trong đội của cô đã hy sinh và bị thương. Một đội viên đề nghị được yểm trợ để Sáu Xuân rút lui, nhưng cô đã yêu cầu anh em rút về sau để bảo toàn lực lượng, còn lại cô và 2 người nữa trụ lại đánh chặn xe tăng Mỹ và lính ngụy. Mặc dù bị thương nhưng cô vẫn dành quả lựu đạn cuối cùng diệt thêm 4 tên địch, trước khi tắt thở với thân mình đầy vết đạn. Chúng kéo thân thể cô vứt ra đầu ngõ 83 Đề Thám nhằm uy hiếp tinh thần đồng đội và Nhân dân. Sau đó, thi thể cô bị chúng đưa đi đâu và “thủ tiêu” như thế nào không ai được biết.

Người con gái xinh đẹp ấy xuất thân trong một gia đình có 5 người con, bố là ông giáo làng, mẹ làm nông tại vùng biển Cửa Lò, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò). Tuổi thơ cô gắn với cát, với biển quê hương. Từ bé cô đã nổi tiếng về năng khiếu thể dục thể thao. Cô có thể đi lại thuần thục trên một đoạn dây treo trên cao. Nhưng sự học của cô phải gián đoạn vì gia đình nghèo. Cô phải bỏ học một thời gian. Tình yêu quê, tinh thần sống vì cộng đồng đã sớm hình thành trong trái tim ấm áp của cô. Không được tới trường, cô tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại địa phương. Cái tên Lê Thị Bạch Cát đã sớm trở thành một điểm sáng và đóng góp to lớn cho các phong trào của Đoàn, đội Thanh niên cứu quốc diệt “giặc dốt, gặc đói” tại quê nhà Nghi Thủy. Rồi cô được đi học trở lại. Ước nguyện làm giáo viên của cô cũng sớm thành hiện thực. Chỉ trong 5 năm cô đã được giảng dạy môn thể dục, thể thao tại 8 ngôi trường; từ cô giáo làng của ngôi trường cấp 1 Nghi Tân, Nghi Lộc quê nhà đến giảng viên của Trường Thể dục, Thể thao Trung ương – nơi đã giữ cô sinh viên ưu tú của trường ở lại giảng dạy. Với dáng người cao khỏe, khuôn mặt dễ cảm và bầu nhiệt huyết cống hiến luôn căng tràn, ở đâu, Lê Thị Bạch Cát cũng đều gây ấn tượng và thu hút sự cảm mến của mọi người.

Năm 1964, với bức tâm thư viết bằng máu, với cuộc hành quân bí mật và thần tốc vào Nam, cô giáo Lê Thị Bạch Cát chính thức trở thành nữ biệt động mưu trí và quả cảm tại chiến trường miền Nam để hôm nay biển cát mênh mông của quê hương yêu dấu đã rung động cất lên bài ca tự hào về người con xứ sở.

Liệt sỹ Lê Thị Bạch Cát hiện được thờ tại nhà thờ họ Lê ở Nghi Thủy, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Bùi Hào

Cô đã sống và đã hy sinh cho đất nước, cho quê hương hôm nay được hưởng những giá trị của tự do, của hòa bình. Lý tưởng ấy cô đã chọn và tự nguyện dâng hiến. Hẳn rằng ở thế giới bên kia, cô luôn mỉm cười hài lòng, vì những gì cô dâng hiến, đồng bào của cô đã thực sự được thụ hưởng. Nhưng những người thân của cô còn sống hôm nay vẫn chưa nguôi trăn trở. Ông Lê Văn Dược, người cháu ruột (con anh trai của Lê Thị Bạch Cát) trong dòng ký ức về người cô yêu kính lại nhớ về cha mình: cha tôi là người sống nội tâm, ông ít chia sẻ, nhưng tôi hiểu cho tận đến khi mắt mắt xuôi tay (năm 1990) ông vẫn ngậm ngùi vì chưa rõ danh phận, mồ mả của người em gái. Cô Bạch Cát vào Nam năm 1964, suốt 3, 4 năm liền không có một hồi âm gì. Năm 1967, ông đã lên Ty Thương binh, Xã hội Nghệ An hỏi han nhưng cũng không có tin tức. Mãi đến năm 1980, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Cũng vài lần dò la, hỏi han các manh mối nhưng cha tôi không tìm được thêm thông tin gì. Tới kỳ giỗ cô vào năm 1993, ai đó bảo trong Nam có con đường mang tên cô, tôi đã ngỡ ngàng và vô cùng xúc động, nước mắt tự nhiên trào ra. Tôi tự hiểu, cha tôi đã giao lại trọng trách này cho mình. Sau đó, nhiều lần tôi vào Nam ra Bắc tìm hiểu (không liền mạch vì hồi đó đi lại cũng khó khăn, điều kiện gia đình không cho phép), dần dần tôi đã nắm được lai lịch cuộc đời và sự nghiệp của cô từ khi cô rời nhà đi học, đi dạy và vào miền Nam chiến đấu, hy sinh. Những tên đường, tên trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh; tên đường, tên trường học ở quê nhà Cửa Lò mang tên cô: Lê Thị Bạch Cát, đã phần nào nói lên sự ghi nhận của Nhà nước ta, của hậu thế đối với sự hy sinh, cống hiến của cô, của nữ liệt sỹ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chỉ có điều, cho đến nay và có lẽ còn lâu dài nữa, dòng họ Lê ở Nghi Thủy chúng tôi vẫn không thể nguôi ngoai về phần mộ của người cô yêu dấu. Thêm nữa, chúng tôi rất mong, hồ sơ vinh danh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đối với nhà giáo – liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát do 3 trường đại học, Tổng cục Thể dục, Thể thao, Đoàn K33, Khu đoàn Sài Gòn – Gia Định, Quận ủy – UBND Quận – Quân đội – Quân Đoàn (Quận 1), Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi cô từng sống, chiến đấu, học tập, công tác và quê hương Nghệ An đệ trình, sẽ sớm được công nhận.

Tôi vẫn đi miên man giữa cát biển Cửa Lò, nghe và thấm những lời ca tuyệt đẹp về người con gái xứ biển. Giữa rất nhiều câu chuyện đời thường và cổ tích của vùng biển du lịch nổi tiếng Cửa Lò, thì câu chuyện đẹp về người con gái quả cảm Lê Thị Bạch Cát, với tôi cũng như là một cổ tích. Cát biển Cửa Lò sẽ mãi ca bài ca ấy, và rồi đây, chắc hẳn sẽ có thêm đoạn kết với những ca từ đẹp: Lê Thị Bạch Cát – nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân!

Đào Thúy Hoa

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in tháng 7/2022)