Trong chặng đường 68 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An, có đóng góp quan trọng của bác Trương Công Anh, nguyên là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An thời kỳ (1992 -1998).
Theo lời kể của bác, câu chuyện bác được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Các cơ quan Dân chính Đảng tại Đại hội lần thứ XIII (ngày 09/2/1992) (nay là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An), cũng rất “bất ngờ và thú vị”. Lúc ấy, bác đang là Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An. Đây là cơ duyên để bác được gắn bó với cơ quan Đảng ủy Khối nói riêng và cán bộ, đảng viên Đảng bộ khối nói chung trong 6 năm (1992-1998) ở cương vị là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An và mãi sau này, dù chuyển qua nhiều vị trí công tác, đảm nhận nhiều chức vụ cao hơn, nhưng với bác, cơ quan Đảng ủy Khối vẫn là ngôi nhà chung ấm áp, tình cảm, các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ luôn gắn bó và trách nhiệm như anh em một nhà. Tên tuổi của bác gắn liền với các nghị quyết, đề án với tư duy lãnh đạo mang tính đột phá, dễ nghe, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Thứ nhất là chủ trương “Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị mạnh, ngành mạnh”. Ở giai đoạn 1992 -1998, với trọng trách là người đứng đầu cấp ủy, Bí thư Đảng ủy Khối, bác đã lãnh đạo, chỉ đạo cùng với tập thể BTV, BCH Đảng ủy Khối thực hiện quyết liệt chủ trương này. Để chủ trương trở thành hiện thực, bác đã yêu cầu cơ sở tích cực thực hiện đề án “Chống tụt hậu của cơ quan, của ngành, gắn với nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng công chức”. Việc đó một mặt phát huy tác dụng của từng đảng viên, mặt khác bước đầu phát huy tác dụng của tổ chức đảng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Từ đó đã tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới về công tác xây dựng Đảng cùng với đổi mới cả hệ thống chính trị, nhất là tác động trực tiếp đến sự đổi mới trong việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước cũng như việc xác định chức năng nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan đầu ngành cấp tỉnh. Sự đổi mới ấy, một mặt khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mặt khác đòi hỏi Đảng phải tự đổi mới, phải tự chỉnh đốn để ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử mà công cuộc đổi mới đất nước đặt ra.
Thứ hai là bác Trương Công Anh đã lãnh đạo ban hành những nghị quyết rất sát, đúng với tình hình lúc bấy giờ. Trong đó, nổi bật nhất là Nghị quyết số 09 ngày 04/11/1993 về nâng cao chất lượng đảng viên và Nghị quyết số 16 ngày 18/11/1994 về nâng cao chất lượng chi bộ. Đây cũng được xem là những nghị quyết nền tảng để xây dựng các nghị quyết sau này của Đảng bộ Khối. Mỗi một câu chữ, nội dung trong nghị quyết được bác cân nhắc thận trọng. Bác thường nhắc nhở các ban, bộ phận tham mưu phải bám vào 3 nội dung chủ yếu để tham mưu: Vì sao phải ban hành nghị quyết này? Nội dung chủ yếu của nghị quyết là gì? Chúng ta làm gì để thực hiện nghị quyết? Theo bác, “nói thẳng, chốt đúng trọng tâm” thì nghị quyết sẽ thành công. Việc ban hành 2 nghị quyết rất “trúng và đúng” ở thời điểm đó đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đảng viên và tổ chức đảng ở Đảng bộ Khối. Việc xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, có tác dụng làm trong sạch tổ chức đảng.
Với các thế hệ cán bộ của Cơ quan Đảng ủy Khối đã vinh dự được làm việc với bác, ai cũng ấn tượng với phong cách làm việc dân dã, bình dị, dí dỏm song cũng rất thẳng thắn, quyết liệt của bác. Bác cũng là người rất quan tâm đến cuộc sống của anh em cán bộ. Thời điểm bác giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Khối, anh em cán bộ cơ quan Đảng ủy Khối lần đầu tiên có cơ hội được đi tham quan, nghiên cứu thực tế ở các địa phương khác. Trong những chuyến đi ấy, các thế hệ cán bộ của cơ quan Đảng ủy Khối được học hỏi ở bác rất nhiều điều, đặc biệt là những kiến thức về thực tiễn. Từ lần đầu tiên ấy, các thế hệ lãnh đạo sau này đã phát huy, tạo điều kiện cho cán bộ cơ quan Đảng ủy Khối được đi tham quan, nghiên cứu thực tế nhiều nơi, từ đó đội ngũ cán bộ có thêm kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong một lần Cơ quan Đảng ủy Khối tổ chức cho các Cựu cán bộ cơ quan tham quan tỉnh Cao Bằng vào năm 2019, lúc này, tuy đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” song bác vẫn hăng hái tham gia. Trong khi trao đổi với các lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về việc xây tượng đài của Bác Hồ tại Cao Bằng, bác nêu câu hỏi: “Thưa các anh, điều gì là đặc biệt, riêng có của Bác Hồ chỉ có ở Cao Bằng mà không địa phương nào có được?” Có nhiều câu trả lời nhưng không ai có câu trả lời xác đáng. Lúc này, bác mới điềm đạm phân tích và kết thúc bằng câu: “Nếu đặt tượng Bác ở Cao Bằng thì đó phải là hình tượng riêng có của Cao Bằng – là “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, phải là hình ảnh Bác Hồ đang ngồi làm việc bên bàn đá.” Chi tiết nhỏ vậy thôi nhưng tất cả những người có mặt hôm ấy cũng như những người được nghe kể lại đều nể phục bác về sự sâu sắc, về tầm nhìn thực tiễn của bác.
Kể cả khi đã về hưu, rời xa “chính trường” một thời gian dài, bác vẫn luôn dành nhiều tâm huyết cho Đảng bộ Khối. Mỗi dịp bác đến thăm cơ quan là mọi người hân hoan, vui vẻ chào đón. Những bài phát biểu, những câu chuyện đời thường trong công việc và trong cuộc sống, mềm mại mà tinh tế, bác đã truyền lửa cho bao thế hệ cán bộ cơ quan Đảng ủy Khối. Không có sự kiện quan trọng nào của Đảng bộ, không có buổi gặp mặt cựu cán bộ nào mà bác không tham gia và lần nào bác cũng có những ý kiến đóng góp ý nghĩa. Các ý kiến của bác vừa sâu sắc, vừa đề cập đến những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn, đưa ra được các giải pháp thiết thực cụ thể, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, từ đó xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh.
Các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh vẫn luôn nhớ đến bác Trương Công Anh trong vai trò Bí thư Đảng ủy Khối bởi những đóng góp to lớn của bác đối với Đảng bộ. Bác mãi là tấm gương sáng ngời về đạo đức, về tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, về phong cách làm việc giản dị, gần gũi; về tư duy đổi mới, cách nhìn mới; về sự tiên phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Giờ phút bác ra đi cũng thanh thản, nhẹ nhàng, không phiền lụy đến ai như cuộc sống thường ngày của bác vậy. Mấy dòng ký ức về người thầy, người “thủ lĩnh” lưu bút trên trang viết hôm nay như một nén tâm nhang của các thế hệ cán bộ, đảng viên Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh gửi đến bác, người Bí thư Đảng ủy Khối luôn được kính trọng, mến mộ.
Lê Thị Kim Oanh