Bác Nguyễn Xiển là ngôi sao chủ chòm trên bầu trời khí tượng Việt Nam và nổi tiếng trong các lĩnh vực toán học, lịch… Bác còn là một chính khách có hạng.

Tôi được gặp bác hai lần. Lần đầu khi tuổi thiếu niên những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ở Thanh Hóa. Lần thứ hai khi đã trưởng thành, ở Hà Nội. Cuộc gặp đầu tiên gắn với kí ức tuổi thơ thật khó quên. Hồi đó, bác Đặng Thai Mai công tác ở Thanh Hóa, trú trong nhà bác Lê Chủ, Phó Chủ tịch tỉnh. Làng Yên Lộ quê bác Chủ có lèn đá, có hồ sen mênh mông nằm bên bờ sông Chu trong xanh hiền hòa. Bác Chủ dành ngôi nhà ngói lớn cho gia đình bác Mai ở. Phòng khách ngôi nhà có nhiều đồ gỗ quý. Rất nhiều cán bộ ngoài Bắc vào Nam công tác đều ghé thăm và làm việc với bác Mai. Như ông Đặng Phúc Thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính, ông Nguyễn Xuân Yêm, Tổng thư ký Đảng Dân chủ, đại tá Hoàng Minh Thảo, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhạc sĩ Lê Văn Thương… Bác Nguyễn Xiển đến, lúc này bác là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam. Sau một ngày làm việc với bác Mai, tối đến, bác và tôi ngủ trên một cái dong rộng đẹp, bác hỏi qua loa vài ba câu chuyện và nói hồi chiều thấy Phục đọc Tam quốc, để bác “kiểm tra” xem “trình độ” của cháu thế nào.

Chân dung bác Nguyễn Xiển cùng đại gia đình

Thế là mãi gần khuya hai bác cháu chuyện trò về cuốn sách quá hấp dẫn này. Hỏi: Tam quốc có ai dị dạng? Thưa: Lưu Bị tay dài quá đầu gối. Hỏi: nhân vật đại hủ nho lý thuyết suông nào nổi tiếng? Thưa: Mã Tốc, tướng của Lưu Bị, được giao việc lớn nhưng làm hỏng, bị Gia Cát Lượng gạt nước mắt chém đầu. Hỏi: có tình tiết đau lòng nào đáng nhớ nhất? Thưa: khi Hạ Hầu Đôn tướng của Tào Tháo bị trúng tên vào mắt, đành rút tên nuốt gọn con ngươi và kêu: tinh cha huyết mẹ không nên bỏ! Hỏi: có ai chết trận vì bị sỉ nhục không? Thưa: Gia Cát Lượng mắng Vương Lãng ngã ngựa, đời sau có thơ khen Gia Cát Lượng: “Binh mã ra Tây Tần/ Hùng tài địch muôn quân/ Nhẹ đưa ba tấc lưỡi/ Mắng chết lão gian thần!” Hỏi: sự kiện một mình một ngựa đẩy lui ngàn vạn tinh binh? Thưa: là Trương Phi ở cầu Tràng Bản, quân Tào Tháo đuổi quân Lưu Bị, Trương Phi được giao chặn hậu ở cầu Tràng Bản, quân Tào đến cùng các hổ tướng Hứa Chử, Trương Liêu, Nhạc Tiến… Nhưng Trương Phi ung dung trên cầu quát lớn: ta là Trương Dực Đức người nước Yên đây, ai dám cùng ta quyết trận tử chiến thì ra đây! Tiếng quát như sét nổ làm làm Hạ Hầu Kiệt đứng cạnh Tào Tháo vỡ mật chết tươi, đại quân Tào quay ngựa tháo chạy… Bác Xiển dừng hỏi và bảo: Tào Tháo sợ Trương Phi là đúng, vì Trương Phi đã từng đánh Lã Bố, nhưng sợ cả mưu Gia Cát Lượng nghi binh phục kích phía sau. Cháu có hiểu tại sao tiếng quát lại mạnh đến như thế không? Vì câu này trong tiếng Tàu ngắn gọn, chỉ một thanh âm: “Tả?”, ngữ âm thăng thay luôn cho dấu hỏi, và thanh âm phát ra có thoát lộ lớn nhất, mạnh như tiếng nổ, chứ dài dòng như tiếng Việt (đánh không?) thì âm hưởng tiếng quát nhẹ hẳn đi nhiều (Trước đó, hồi ở quê tôi cũng đã được nghe ba tôi giải thích cái ý đó khi tôi còn đọc bản Tam quốc trong Nam Bộ dịch sơ khai)…

Đã khuya, bác Xiển nói đọc Tam quốc thích nhất vẫn là những đoạn Khổng Minh Gia Cát Lượng xuất hiện, khi ông mất, ai cũng buồn, phải bỏ sách nhiều ngày. Rồi bác “Thánh Thán” về cái chiến lược quen thuộc rất sáng giá của Gia Cát Lượng, đó là luôn luôn “lấy thế công làm thế thủ”. Cuối đời, ông đưa quân ra Kỳ Sơn 5 lần đánh Ngụy (sử chép là 6 lần), biết là không thắng được nhưng vẫn phải đánh, mục đích là phủ đầu quấy phá không cho đất Trung Nguyên yên ổn mạnh lên. Nhờ thế, đất ba Thục tồn tại thêm được một thời gian nữa, nhờ Khương Duy xoay xở. Sử ta có vài thời đại yếm thế, không ý thức và bản lĩnh được thế công, nên bị thất bại thảm hại: Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa (rụt vào vỏ ốc) và Hồ Quý Ly thì lui đô vào Thanh Hóa, dẫn đến hai bài học cay đắng. Cháu nhớ Tam quốc nhiều nhưng chỉ nên đọc dịp hè thôi nhé. Hồi nhỏ bác cũng rất mê, nhiều hôm trốn mẹ chui vào chăn đọc. Tôi ngạc nhiên: đọc sao được ạ? Bác cười: đèn pin ấy mà! Tôi nhớ mãi đã hơn 70 năm trôi qua, tầm nhìn về thế cuộc của bác thật đáng chú ý.

Vợ chồng bác Nguyễn Xiển cùng đại gia đình.

Lần thứ hai, tôi đến nhà bác Xiển ở cạnh Nhà hát lớn Hà Nội (quên tên phố). Lúc này bác là Phó Chủ tịch Quốc hội, nhà bác ở gần nhà bác sĩ Tôn Thất Tùng. Bác Mai có người nhà ở Thanh Chương gửi ra cho một gói nhút nén chặt trong mo cau, được cắt ra từng lát như lát dò. Các bác hay trao đổi sách báo, tư liệu và các món quà nhỏ. Tôi mang nhút đến biếu, gặp bác Xiển ở ngay sân nhà. Bác có đôi mắt rất sáng, lại ánh lên trước hương vị quê nhà. Bác vui vẻ chỉ mấy bụi rau ba giót (lá giống lá rau răm) và bảo: nó (nhút) phải đi với thứ này mới hợp. Tôi chợt nhớ hè 1993 qua Paris, linh mục Việt kiều yêu nước Nguyễn Đình Thi cũng trồng thứ rau thơm này, mang từ Việt Nam sang. Ẩm thực quen thuộc quả là khó quên, nó theo người ta mãi từ trẻ đến lúc già…

Bạn tôi, anh Đinh Nho Thìn, cựu Phó Chủ tịch thành phố Vinh, cuối đời có nói: “Bác Xiển (qua con rể của bác là ông Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư) muốn có đất làm nhà thờ, tôi đã khẩn trương giải quyết ngay”. Một chiều, tôi và các bạn của anh Thìn: Võ Văn Hải, Hồ Ngọc Quang, Hoàng Quỳnh Anh… đã được thắp hương tưởng nhớ bác trong ngôi nhà thờ đó ở Vinh, quê hương bác, sinh thời, 1907-1997, bác rất nặng tình.

Một thế hệ vàng trí thức văn nghệ sĩ tiêu biểu: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Thúc Hào, Tạ Quang Bửu, Hồ Phi Huyền, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Phan Ngọc… cũng cùng trầm hương yên nghỉ đời đời quanh đây với anh linh Nguyển Xiển, trên vùng đất địa linh nhân kiệt Nghệ An này.

Hồ Phi Phục

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 24, tháng 6/2022)