Ông Bảy đặt chung trà xuống, ngó thằng con ngồi vò muốn trụi lông con chó phèn. Chắc con chó khó chịu dữ lắm rồi, mà thương thằng chủ đang quạu quọ nên nằm im chịu trận, hay chính bởi nó biết khôn hồn thì ngoan ngoãn mới tốt. Tằng hắng một cái, ông Bảy vừa lờ mờ đoán vừa kiếm câu mở lời hỏi cho tường tận. Chứ mặt thằng con căng cứng tới mức nhuộm luôn không khí xung quanh thành màu xám lạnh cũng ớn ớn.

Còn bực vụ đám giỗ hả bây? – Ông Bảy nói mà thấy ngại ngại miệng.

Ông biết vụ đó không chỉ thằng con mà bà vợ cũng nổi gân máu đầy trán và xì khói nóng từ tai. Ờ thì cũng kỳ.

Bữa đó nhà làm đám giỗ. Ở quê hễ giỗ chạp là cả xóm xúm vô tiếp. Hồi trước đông vui lắm, bước không khéo là đụng vô tiếng người len dày í ới kêu nhau. Đàn ông xuống mương kéo cá, ra vườn gom củi, trèo bẻ dừa, mổ heo. Đàn bà xúm nhau nấu nướng túi bụi trong bếp. Con nít chạy vòng quanh chờ nghe sai vặt. Y hệt như lễ hội, cực mà vui lắm. Cho tới khi lúa thất mấy mùa kiềng bứng từng người, từng người đi khỏi xứ. Không bám đất nổi, nhà nhà rủ nhau khóa cửa lũ lượt đổ về mấy khu công nghiệp hết trơn. Đám giỗ nhà ông Bảy còn đâu vài nhà xa xa tới phụ, tiếng chuyện trò cũng thành vá víu, không ai dám nhắc những người vắng mặt sợ gợi thêm buồn.

Nhà ông Ba sát mé vườn nhà ông Bảy mà qua trễ nhất. Kêu bận chuyện lu bu, cười hề hề chào mọi người vài câu qua loa rồi xông thẳng vô bếp. Đó, chuyện bắt đầu kỳ từ khúc đó. Ông Ba vô chê cả đống người mổ con heo cũng không xong làm bấy nhầy, có người nổi sùng đưa dao ý kêu ngon vô làm tiếp, ông phủi phủi tay kêu đang đau lưng, quày lên nhà trên uống trà. Bà Ba đảo một vòng mấy cái nồi đang sôi, thọc vá vô múc lên nếm, hết nói món này mặn tới món kia lạt. Chê nhiều nhất ở nồi thịt kho, kêu ai làm món này ác nhơn hông ngọt vầy ăn bệnh chết hay gì. Bà Bảy đang nạo dừa ngước lên, ráng nặn một nụ cười, tui đó chị Ba. Đoạn này mới có vợ ông Bảy lên máu nóng thôi.

Tiếp theo tới thằng con ông đi học về. Nó bận kỳ thi quan trọng không ở nhà phụ được, trường xa về tới tiệc cũng tàn. Vô bếp mở nồi lục cơm ăn, nó tá hỏa ngó mấy món nó khoái đã bốc hơi hết sạch. Hỏi bà Bảy, bà nhớ ra lúc nãy bà Ba kêu múc một miếng đồ ăn đem về cho mấy đứa con. Chắc là bả chứ không ai hết, cái nết đó. Thường làm đám xong chủ nhà luôn chia phần cho mọi người đem về, chớ có ai tự ý lấy trước đâu. Lấy cũng không biết coi trước coi sau, múc cho hết mới chịu. Đó, chê nồi thịt kho mà lấy tới cạn đáy. Coi nổi sùng không. Nghe vợ con cằn nhằn, ông Bảy chỉ biết lắc đầu.

– “Con không có tức vụ đó!” Thằng con làm như thấy đỡ đỡ, định thả con chó đi. Con chó chưa kịp mừng đã bị túm lại, bởi chủ nó kịp hồi cơn tức. – “Ờ con cũng có tức chút, ba đừng nhìn con vậy chớ. Nhưng vụ khác tức hơn. Vụ trái sầu riêng đó!”

Ông Bảy chưng hửng, trái sầu riêng gì cà? Rót thêm ly trà uống cho tỉnh táo, ông lò mò ráng nặn trong đầu coi ký ức có ra hình thù gì liên quan tới trái sầu riêng không. À rồi rồi, trái sầu riêng thằng con ông qua nhà bà dì được cho đem về. Gì chứ nó ghiền sầu riêng dữ lắm. Nó cất trong tủ bếp chứ không ăn liền, háo hức chờ ngày thèm thiệt thèm khui ăn mới đã.

– Giờ bên đó chắc đang ăn ngon lành rồi! – Thằng con nghiến răng như đang nghiền nát hai chữ “ngon lành” làm ông Bảy ê cả hàm.

Gõ gõ trán mấy cái ông Bảy mới biết hồi sáng thằng Tiền con ông Ba qua chơi nói cái gì. Ông nghe không kịp nói gì tới trả lời, thằng Tiền đã ù chạy như bị ma rượt. Ra là nó xin trái sầu riêng, không cần ai cho cũng lấy mất tiêu. Thiệt tình hết nói nổi!

– “Thôi, để lát tao dặn má mày ra chợ mua cho trái khác. Đàn ông con trai để bụng ba cái chuyện lẻ tẻ đó chi”, ông Bảy kiếm cách dỗ thằng con.

– “Con nể ba mới bỏ qua đó nhe!” Nghe tới sầu riêng, thằng nhỏ hết giận liền.

– Ông Bảy vô tui nói chuyện cái coi!!!

Chưa kịp thở phào, ông Bảy đã nghe bà vợ kêu giật giọng. Không biết có chuyện gì tới nữa đây.

Nhà ông Bảy nằm ở cuối xóm. Đứng trước nhà trỏ qua tay phải là nhà ông Ba. Trỏ qua tay trái là nhà hoang cùng vườn hoang, sau mới tới nhà ông Năm. Gần nhau nên tình cảm cũng nhiều.

                 Hồi mới vô đây ở, cái hồi mà nhà hoang còn chủ, bốn gia đình đã thấy mến mến nhau. Cùng cảnh nghèo khó, không thương thì thôi nghĩ chi hơn thua, lại là tình làng nghĩa xóm sát bên. Dưới quê mà, mỗi nhà hơn chục công vườn, gọi sát sát chứ tụi con nít nghe lời ba má lội bộ bưng chè bánh qua cho nhau ăn lấy thảo cũng rã cặp giò. Thế đất bên phải coi bộ không êm, làm ăn lụn bại từ từ chủ nhà bỏ đi xứ khác để không từ đó. Không thấy ai có ý hỏi mua. Còn ba gia đình ở lại.

Ba ông Ba, Năm, Bảy một bữa nhậu quắc cần câu cho quên những ngày nắng cào tróc da lưng, mưa đấm bầm tím mặt, nổi hứng ca vọng cổ um sùm. Ngộ đời, hình như ai xứ này ca nghe cũng được. Ý là ca cổ đó nhe. Tướng tá lực điền chứ cất tiếng nghe mướt rượt, vang và khỏe có thua gì ca sĩ. Có khi hơn. Bởi ca bằng sự hào sảng bất cần người tung hô. Ca tới mấy câu trong bài Lưu Bình Dương Lễ, tức khí chuyện cũ tích xưa, ba ông nổi máu đập bàn thề. Thề mai này giàu sang vẫn làm bè bạn, khó khăn hoạn nạn giang tay giúp đỡ nhau. Còn đòi cắt máu kết nghĩa, nhưng thấy hơi sến nên thôi. Với thấy dao thấy máu mấy bà vợ hoảng hồn báo công an lu bu mất công nữa.

Bữa đó vui lắm. Rượu vô lời ra móc hết gan ruột. Chỉ không biết rượu hứa hay người hứa, rượu thề hay ai thề. Thêm một ly miệng càng mạnh. Ông Năm vỗ đùi tui mà phất lên tui sắm cho mỗi ông một chiếc xe hơi ba đứa mình chạy vòng vòng xóm chơi. Ông Ba cười hề, nhiêu đó nhằm nhò gì, tui mà giàu tui cất cho mỗi người cái biệt thự có bể bơi với sân gôn sân ghiếc gì đó, chiều chiều ba thằng già ra tập thể dục.

– “Trời trời lội dưới sông hổng đã hơn sao! Mà làm một cái đủ rồi, làm chi ba cái chơi sao hết.” Ông Bảy coi bộ là người tỉnh nhất. Có cái tật uống vô thì nói hơi nhiều, nhưng biết kìm. Ông cũng biết bà vợ đang ngồi trong nhà pha sẵn mấy ly nước chanh, ngóng tai nghe coi ông có nói bậy gì không, sợ tỉnh ra ông mang nhục với hàng xóm.

– “Thì tiền nhiều làm gì anh Bảy. Làm cho đã. Quan trọng tình cảm anh em mình”, ông Ba đứng dậy, buông ly cầm luôn chai rượu lên, “Thôi cụng ly vô nè vô cái nè!”

Ông Năm cười, ông Bảy cười theo, cả ba ông cũng cười. Trăng trên trời cũng cười tới mức nhòe đi. Không biết cười vui hay cười chọc ba ông già nhậu xỉn nói toàn chuyện trên trời dưới đất. Xe hơi, biệt thự gì không thấy đâu chỉ thấy xe đạp cà tàng, nhà lá mọt nhai rột rột và lon sữa bò dùng đong gạo múc cạp đáy lu gạo nghe cồn cào những hột cuối.

Minh họa: Tạ Tâm

– “Tui thấy ông Ba riết coi hết được rồi anh Bảy ơi!”. Ông Năm rít một hơi thuốc, buồn quên cả phả ra. Khói dường như dâng lên tới mắt, khiến ánh nhìn mờ đi, không bấu víu được vô điểm nào trước mặt.

– “Nó làm gì kỳ, nói nghe coi.” Chung trà đã cạn từ lâu mà ông Bảy chưa bỏ xuống, đầu đang nghĩ coi ông bạn già muốn nói chuyện nào.

Phải công nhận ông Ba dạo này trở tính thiệt. Mấy chuyện chút chút thôi bấm bụng bỏ qua, nhưng chuyện lớn phải nói. Liếc qua cửa sổ thấy thằng con đang ngồi học bài trở mặt hầm hầm khi nghe nhắc tên “người quen”, ông Bảy đành bẻ suy nghĩ của mình lại, ờ thì chuyện nhỏ cũng phải nhắc.

– “Thôi chuyện nó giành mối bán vú sữa của mày chứ gì. Nhường nó đi, nghe nói con nó bệnh đang cần tiền.” Thấy cầm chung trà hoài cũng mỏi, ông Bảy để xuống chuyển qua mở nắp bình trà coi nước đã cạn chưa còn châm nước nóng thêm.

– “Chuyện đó tui coi như không có đi. Mà nói thiệt chứ tui nghe đồn con ổng có bệnh hoạn gì đâu anh Bảy ơi! Mạnh cùi cụi kìa”, ông Năm nhớ chuyện cũ mặt đỏ thêm một tông, có ánh cả sắc tím.

– “Vậy chuyện gì nữa?” Ông Bảy thở dài, hổng ngờ lu bu dữ vậy. Hết nói nổi thằng Ba.

– Anh coi đó, tui quý mấy bụi lan muốn chết. Thằng Tiền con ổng qua chơi bẻ đám nụ mới nhú có chút éc, tui rầy mấy câu, tối đó nó rình qua tưới thuốc rụi hết trơn luôn anh. Anh coi chịu nổi hông! Tui qua mắng vốn thì ổng bênh con chối bay chối biến.

Chà chà chà… Vụ này căng. Ai cũng vậy, thứ mình quý, đụng tới nổi sùng là phải. Với thằng con ông Bảy là trái sầu riêng thì với ông Năm là giàn lan cưng nựng như chăm vợ đẻ. Ông Bảy nghĩ tới nghĩ lui, ráng kiếm từ ngữ nói sao cho cục giận trong bụng ông bạn già xẹp xuống bớt.

– Thôi con ai cũng con vàng con ngọc, chắc nó không nỡ la. Mày nghĩ bỏ qua cho nó, chỗ bạn bè hông à. Đó, tháng trước hổng phải nó chỉ mày chỗ mua cá giống với cây giống rẻ quá trời đó sao!

– “Ờ… Thì vụ đó tui cũng cảm ơn”, ông Năm tính chửi thề, miệng sắp nhả chữ bỗng nhiên khựng lại.

Thấy tình hình có vẻ lắng xuống, ông Bảy đế thêm:

– Nó còn hứa dẫn mày đi mua phân bón, thức ăn chỗ quen nữa mà. Thôi lấy chỗ trồi lấp chỗ hụt, cho qua lần này đi.

Nói một lát ông Năm cũng nguôi nguôi. Ngồi thêm chút nữa rồi ông đi về, kêu chuẩn bị cơm nước còn ra chợ xã mua mớ đồ. Còn lại mình ên với ấm trà đã lạnh, ông Bảy thả những suy nghĩ bay lên thay khói. Không biết lời hứa ngày xưa đó, thằng Ba hứa hay là rượu hứa.

Ông Bảy xối từng ca nước lạnh lên đầu cho lửa nóng nguội bớt. Chứ để nó bốc ngùn ngụt lên hoài, dễ xảy ra chuyện. Ông mặc luôn quần áo, để xối xả ngấm ướt đầm đìa. Bà vợ ngó ông lướt thướt đi vô, nửa muốn nói câu gì đó, nửa đành im. Biết nói gì bây giờ. Bà cúi đầu, mắt ươn ướt xót chồng, bước tới nhét vô tay ông cái khăn lau cho khô người.

Thằng con nhìn ông Bảy lấm lét, ôm khư khư con chó phèn trong lòng. Con chó cũng biết thời thế, ư ử không dám hó hé gì. Bầu không khí nặng như làm bằng đá. Người cũng sắp thành tượng. Ông Bảy trầm ngâm ngồi bên bàn trà, kệ cái lạnh bấu vô da và gió đang giật từng đợt hơi nước khỏi áo quần ướt sũng. Bà vợ và thằng con mỗi người một chỗ, cũng lặng im. Như ba cái cọc đóng dấu ranh giới miếng đất hình tam giác.

                       Chính nó, câu chuyện bắt đầu từ những cái cọc. Những cái cọc nằm im ỉm, như phong ấn tất cả ngọn nguồn cơn giận của ông Bảy. Vậy mà có người đã nhổ chúng đi.

Sông chia sẻ dòng nước phù sa của mình với vườn cây xứ này qua mấy cái ống bộng. Từng ống nối với hệ thống mương dẫn nước đi khắp vườn. Người dân coi con nước lớn ròng mà mở hay đóng ống bộng. Đặc biệt tới mùa hạn càng phải để ý kĩ, coi chừng nước mặn ngấm ngược vô vườn. Mùa nước lên cũng phải canh. Nhà ông Bảy đang đóng ống để triều cường không kéo nước vô nhấn chìm đám rễ đang cật lực hút dinh dưỡng thúc cây ra bông. Ống được chốt bằng những cây cọc.

Có người đã rút chúng đi. Nước thừa mứa hí hửng tràn bờ. Kiểu này chưa biết phải làm sao để dẫn nước ra kịp. Để lâu cây úng là chết, bông rụng sạch thì còn nói gì tới trái. Ác lắm mới làm chuyện này, giết vườn cây là đạp đổ chén cơm người ta.

Ông Bảy không khó để đoán được ai làm chuyện này. Ai biết rõ từng chỗ nước dẫn, để không những mở ống bọng còn đạp bỏ đê ngăn nước quanh các mương lớn. Ai cũng trồng chung loại cây, muốn triệt hạ đối thủ để vườn mình được giá. Thằng con ông tối bữa kia nói thấy bóng ai như chú Ba làm gì lúi húi sau vườn mình, ông Bảy chửi kêu nó quáng gà nhìn bậy bạ. Giờ ông rõ người bậy mới là ông.

Bầy cá đang giữ trong ao cũng bị nước đẩy đi tứ tung. Cá chạy ra sông một mớ, chạy qua vườn người ta một mớ. Ông Bảy theo dấu bầy cá, cố giăng lưới quây lại giữ được mớ nào hay mớ nấy. Chạy đua với con nước mệt lả, ông chết sững khi ánh mắt đụng những hàng cọc đá. Những cái cọc biết đi.

Chúng đã đi khỏi chỗ lẽ ra chúng phải đứng hơn hai mét. Những cái cọc ngăn ranh giữa vườn ông Bảy và vườn ông Ba, rêu xanh nửa thân trên, nửa dưới trắng hớn dấu cọ xát. Gần đây ông Bảy nghe hàng xóm đang rao bán mấy công đất vườn chỗ này. Tiền không lẽ làm người ta mờ mắt tới vậy sao?

Ông Bảy nhìn mấy ngôi mộ ông bà chôn nơi góc vườn, nước mắt ứa ra vì những cơ mặt gồng lên xếp nếp. Những cái cọc đã sát lắm rồi dãy mộ, biết đâu chừng một ngày chúng sẽ hớn hở chạy qua khỏi luôn, để phần bên đây cũng trở thành đất của người. Người chết nghĩ gì khi một bữa hoảng hồn sao mình lại thành ma bên nhà hàng xóm? Mặc kệ đám cá, ông quăng luôn lưới, đi vô nhà. Liếc cũng biết cá đã bị ai đó bắt một mớ. Những bụi cây bầm giập dưới bước chân đầy tức giận của ông Bảy.

Ông Năm hừ một tiếng, để hơi nóng từ cuống họng thoát bớt. Nghe ông Bảy kể hết chuyện, ông mới nói:

– Đó, anh còn kêu tui bỏ qua cho ổng nữa đi! Bữa anh khuyên tui quá trời mà.

Ông Bảy đang kiếm đồng minh, nghe vậy cụt hứng ực luôn mấy ly trà. Nhìn mắt ông đầy mụi than, ông Ba đành thôi khơi chuyện. Người đang giận đừng có tùy tiện đụng chạm, nhẹ nhẹ cũng u đầu chảy máu như chơi.

– Tui cũng hơn gì anh đâu anh Bảy ơi!

Tiếng thở dài của ông Năm làm thành gió làm rụng một mớ bông của đám cây úng trong vườn. Trắng gốc. Trắng nước. Trắng cả câu chuyện ông kể.

Cây giống với cá giống ông Ba chỉ chỗ ông Năm mua rẻ mà có cái giá của đồ rẻ. Không bệnh thì vặt vẹo. Cá mỗi bữa ngửa bụng chục con, cây mỗi tuần trụi thêm mấy hàng. Chỗ bán phân thuốc với thức ăn, cũng ông Ba chỉ, nghe bà con rỉ tai nhau toàn kê giá với bán đồ dỏm, ai nhận hoa hồng mới giới thiệu người tới mua.

Hai ông bạn già nhìn nhau, nửa cười nửa mếu. Bạn bè gì nổi cái tình hình này.

– “Rồi anh Bảy tính sao? Chứ tui là tui không để yên vậy đâu”, ông Năm giơ giơ nắm đấm, coi bộ định làm lớn chuyện thiệt.

Ông Bảy suy nghĩ tới lui trong đầu, coi làm sao mới phải. Mà đâu chỉ bây giờ, mấy bữa nay ông đã trăn trở nhiều tới mức bà vợ hết hồn sao độ rày tóc ông bạc nhiều dữ. Ngùn ngụt giận ban đầu ông còn định xách dao qua bên đó nói phải trái, từ từ vơi mới suy tính thiệt hơn. Để chuyện qua thì người ta được nước lấn tới. Chuyện vườn cây với bầy cá ông coi như vét tình vét nghĩa ráng cho qua cũng được. Nhưng đất đai là chuyện khác, nhất là đất đai chỗ ông bà nằm xuống. Cái thói ngang ngược chiếm của người làm của mình vầy ai mà chịu được. Hàng xóm kế một bên, chưa nói tình anh em biết bao năm, có cắt lương tâm vụt bỏ cho chó gặm mới làm mấy chuyện vầy được.

– “Chắc tao đâm đơn kiện lấy lại đất”, ông Bảy dốc hết chút trà còn lại ra chung, ực dứt khoát.

– “Được à. Cái gì của mình thì mình giữ. Chớ tưởng anh khuyên gì tui nữa, tui hổng ngó mặt anh luôn”, ông Năm cười, mà mắt buồn xo.

Mắt ông Bảy cũng buồn. Bạn bè. Anh em. Hàng xóm. Mới bữa nào cụng ly hứa hẹn giàu nghèo chung hưởng, giờ sắp gặp nhau trước tòa. Nghĩ không buồn sao được.

                 Ở quê mỗi lần có đám cưới rất dễ biết, ở đâu ồn ào nhất chính là chỗ đó. Dàn nhạc sống dội thình thình khiến mấy cụ già ngồi gần muốn lên tăng xông đủ sức mạnh oang oang từ đầu làng tới cuối xóm. Cá biệt lắm mới có mấy đám cưới im ru, cố làm qua loa cho có để chạy kịp những lỡ làng. Lặng thầm hơn có những đám cưới không diễn ra, trai gái dẫn nhau về nhà sau mấy lần cãi lộn bên này bắt bên kia nhận con. Đám cưới thằng Tiền nhà ông Ba là kiểu này.

Nghe đâu vợ mười lăm, chồng mười bảy. Bầu ba tháng. Nhà trai chối bay chối biến cho tới khi nhà gái đòi lôi đi kiện mới chịu bưng vài mâm qua nhận cháu. Dè đâu rước thêm một cái loa chạy bằng cơm. Mỗi ngày bà con đi chợ ngang tưởng đi lộn qua đám cưới, bất cứ lúc nào cũng hứng được ồn ào. Tưởng giọng ai đó rống mấy bài thê thiết, dè đâu tiếng chửi lộn của con dâu với bà già chồng. Đó giờ ai cũng biết vợ ông Ba thuộc dạng hét ra lửa. Nay gặp con dâu coi bộ cũng cứng cựa.

Có nhiều người hả hê. Bởi trước khi rước con nhỏ về làm dâu, vợ ông Ba đã tuyên bố khắp nơi tui đì cho nó biết tay. Có người bữa trước lắc đầu thương con nhỏ xấu số rớt vô cái nhà đó, bữa sau tá hỏa không biết ai xấu số. Dường như biết mình một thân một mình nơi nhà người, nó càng làm dữ. Ai mà đụng tới một cọng tóc nó giãy ra kêu cả xóm tới coi. Giọng nó không thua bất cứ dàn âm ly cao cấp nào. Mạnh hơn thì nó giở chiêu cũ, đòi kiện.

Chỉ mệt tai gia đình ông Bảy ở kế bên. Vườn trái cây che sao nổi những âm thanh mài nhọn từng tiếng của hai người đàn bà cự nự. Ông Bảy bỏ luôn thói quen ra sau hè nằm võng hóng gió, ra đó là hứng luôn trận mưa lời toàn miểng chai lựu đạn từ hàng xóm dội qua.

Vợ ông Bảy cười cười gạt những tiếng chửi văng tới người mình qua một bên để làm tiếp việc nhà, kêu quả báo tới từ từ mà. Ông Bảy nghe không biết đáp sao, ừ hử trong cổ họng. Từ ngày ra tòa giành lại phần đất thuộc về mình xong, bên đó hết nhìn mặt bên này. Họ làm như ông mới là người cạn tình cạn nghĩa, có chút chuyện như đầu kim mà xé banh ra bung bét. Ông Bảy cũng đành chịu trước những người muốn bẻ cong công lý, nghe đâu họ tính đút tiền để thắng kiện mà không được.

Đâu có yên ở đó thôi đâu. Thằng con ông Bảy đi học ngang qua nhà, ông Ba kêu con thả chó rượt thằng nhỏ chạy hụt xì dầu. Thứ ác nhơn. Hên con phèn phóng ra cứu chủ kịp. Thằng Tiền coi bộ không ưa, mấy bữa sau kiếm chọi đá sưng giò con phèn, làm mấy bữa nay ông Bảy phải xích lại sợ con phèn bị thương nữa. Nhìn con ôm chó cưng vuốt vuốt xoa xoa, ông Bảy ngán ngẩm, người gì tới con vật cũng nỡ làm ác. Chắc tình nghĩa tới đây cũng bỏ, chứ người ta bứt hoài cũng tới lúc đứt hết thôi.

              Ông Năm qua nhà khoe mới làm xong hồ sơ được nhà nước cho vay vốn cứu lại vườn cây. Tiền lời nhẹ hều, cho nợ lâu khỏi lo chạy ngược xuôi mượn mấy bà tiền góp. Nghe đâu trên xã sắp sửa triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới, đã lắm. Ở trển hỗ trợ mình nhiều thứ, cả cây giống lẫn lỹ thuật. Đầu ra cũng có, khỏi lo cảnh trái chín đầy cành mà bấm bụng cho thương lái ép giá nữa.

– “Cũng khỏi sợ người ta chơi trò tiểu nhân cạnh tranh giành bán độc quyền gì đó”, ông Năm nhấn giọng. Cục tức chuyện cũ còn cộm trong cổ, nuốt chưa xuống bụng, nói gì tan nổi, “Tính qua rủ anh Bảy tham gia với tui nè!”

Chuyện đó ông Bảy cũng biết rồi. Ông nán chờ thằng con đem giấy tờ trên xã phát về đọc cho ông nghe, hồi đó ông học tới lớp ba thì nghỉ có quen mặt kịp con chữ đâu. Chứ ông cũng ham lắm, xã tạo điều kiện v`ầy thì người nông dân đỡ bấp bênh.

– “Nghe tui nói hông anh Bảy! Đừng nói anh nghĩ về chuyện bên nhà đó à nghen?” Thấy bạn già đăm chiêu, ông Năm đoán mò. Ai dè ngay chóc.

Bạn chơi lâu năm có khác thấy tín hiệu đã biết được ý nhau. Đúng là ông Bảy đang nghĩ về chuyện nhà ông Ba. Không biết có phải quả báo tới thiệt không, nhà bên đó xuống dốc vù vù như xe đạp đứt thắng. Thằng con lớn tưởng đi làm ăn xa gom được số vốn, ai ngờ lâm nợ trốn về còn dắt theo con nhỏ lạ hoắc bồng đứa con nít đỏ hỏn, kêu là vợ con. Nhà cửa lục đục đâm ra vườn tược cũng bị bỏ quên theo, cây trái lèo tèo không ai thèm mua. Bà vợ bị người ta giựt mấy chân hụi chưa hoàn hồn kịp. Ông Ba cãi lộn với thằng Tiền, có rượu vô hăng máu ba rượt con chạy cời cời. Lát sau quày lại thấy đổi vị trí, con cầm dao chạy sau ba ôm cánh tay tươm máu chạy trước.

Tưởng xui xẻo chỉ nhiêu đó thôi sao, ông trời khiến sao ổ điện chập, cháy hết nửa căn nhà. Đồ đạc thành một đống rúm ró đen thui, lớp chảy ra lớp thành tro lớp biến dạng. Hên còn giữ được mạng người.

– “Ừa… Tao tính qua coi phụ nó được gì thì phụ. Mày thấy sao?” Ông Bảy để chân lên ghế, hai tay đặt lên đầu gối chờ nghe ý ông Năm.

Có vẻ ông Năm đang đấu tranh dữ lắm. Chuyện xảy ra như mới hôm qua, nhớ lại càng anh ách tức. Tình nghĩa mà coi như tờ giấy mồi bếp, đốt dễ ợt. Người ta vô tình mình giữ làm chi. Nhưng chỗ bạn bè, chòm xóm, thấy người thất thế cũng mủi lòng tội tội.

– Tui hổng ngờ anh Bảy tốt bụng tới vậy luôn. Chuyện này để tui về nghĩ lại.

Ông Năm đứng lên ra về, bước lúi húi như bườn cho kịp dòng suy nghĩ ngổn ngang.

      Thực tế ông Bảy cũng không phải thần Phật gì mà quên dễ vậy. Ông còn ghét nhiều nữa là khác. Cũng nhờ thằng con, ông mới nghĩ thông.

Bữa phát hiện những cái cọc biết đi, ông Bảy tức tới hết biết gì. Căn nhà cũng vì ông mà lặng im và nặng nề, như bỏ vô tủ đá đông lạnh cứng. Ông trở nên nóng nảy, đụng gì cũng thấy sốn con mắt. Thằng con xớ rớ đứng kế ông cũng nạt, không lo học bài tối ngày chơi bời cái gì. Ngó trên bàn học cuốn tập mở ra năm điểm đỏ chót, ông định lôi con ra chửi một trận. Mắt lại đụng mảnh giấy dán trên tường, thằng con nắn nót ghi “Đàn ông con trai chuyện lẻ tẻ bỏ qua”. Câu này ông hay dạy nó.

Ông Bảy tự thấy mình tệ. Ông nói con một đằng, bản thân làm một nẻo. Kêu con đừng nghĩ, chính ông lại nghĩ nhiều. Khuyên con, mà ông làm chưa được. Cơn giận trong ông như bóng đêm thấy ánh sáng, co lại dần và biến đi mất.

Tới hồi nghe tin nhà ông Ba gặp chuyện, ông Bảy định coi như không hay biết. Đám cá đó, mớ cây đó là tiền học của con ông, tiền sửa nhà, tiền trị bệnh cho vợ ông. Còn chuyện đất đai chỗ ông bà yên nghỉ nữa chớ. Nói thì tội với đất trời, chứ ông thấy quả báo cũng đáng với nhà đó.

Ông Bảy hỏi thằng con thấy sao, tưởng nó hả dạ khi thấy “người ta” khó khăn, mà không. Thằng nhỏ nghĩ lung lắm, chờ hoài mới nặn được một câu, thấy mà thương. Tội mấy đứa nhỏ chưa biết gì đã chịu khổ. Bữa nó thấy thằng Tiền khóc nữa, cái thằng phá làng phá xóm đó biết khóc mới ghê. Hình như ai khóc nhìn cũng hiền và yếu ớt đi.

– Con thấy chuyện gì đúng thì mình làm. Nhà mình mình giữ, đất mình mình giữ. Lòng tốt mình mình cũng phải giữ. Giúp người ta là đúng mà ba!

Ông Bảy chưng hửng nhìn con, vừa mừng vừa tủi, nó lớn rồi. Mừng vì thằng nhỏ khôn lanh, tủi vì lo vườn tược bỏ bê thằng nhỏ lăn lốc. Coi như đời con ông ăn học nhiều, biết nghĩ hơn ông. Thì nghe nó, dù gì cũng chỗ tình nghĩa cũ. Làm phước cũng để con cháu hưởng, trời chứng cho người lành.

Phát Dương

(Truyện đăng trên tạp chí Sông Lam số 21, tháng 3/2022)