AI dạy con người trở nên người hơn?!

Ngày 14/6, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Giáo hoàng Francis đã có bài phát biểu cảnh báo hiểm họa từ trí tuệ nhân tạo (AI) và kêu gọi một sự giám sát chặt chẽ. Ngài nói: “AI là công cụ vừa thú vị vừa đáng sợ. Chúng ta sẽ đẩy nhân loại vào một tương lai vô vọng nếu chúng ta tước đoạt khả năng đưa ra quyết định cho bản thân và mạng sống của con người bằng cách buộc họ lệ thuộc vào quyết định của máy móc”. Giáo hoàng nhấn mạnh con người không nên để các thuật toán quyết định số phận. AI là một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua. Điều đó cho thấy “sức nóng” cũng như tầm quan trọng của nó trong thời đại hôm nay. Kỷ nguyên số hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã, đang và sẽ biến đổi mạnh mẽ mọi khía cạnh của cuộc sống con người; thậm chí cả cách giao tiếp, giải trí và cảm nhận, biểu hiện cảm xúc của chúng ta. Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng được hoàn thiện, một số lo ngại nó sẽ chiếm lĩnh thế giới, là mối đe dọa với cuộc sống con người; trong khi số khác lại cho rằng đó là chìa khóa mở ra một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ, dù tốt hay xấu AI cũng là một công cụ chúng ta tạo ra và vượt lên trên tất thảy những mặt tích cực hay tiêu cực cụ thể, nó đang cho ta hiểu rõ hơn về con người, về thế giới mà nhân loại đang hướng tới.

Giáo hoàng Francis phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước G7 ở Ý ngày 14-6. Ảnh: AFP, nguồn: Báo tuổi trẻ

AI đang dần trở nên “người’ hơn

Câu hỏi cũng đồng thời là mối lo ngại từ trước tới nay chúng ta vẫn đặt ra rằng liệu máy móc có thể thay thế con người đang dần trở thành một nguy cơ hiện hữu. Không còn nghi ngờ gì nữa, AI đang hiện diện trên hầu hết mọi mặt của cuộc sống, thậm chí ở cả những lĩnh vực trước đây từng được xem là “độc quyền” của con người. AI giúp phân tích hình ảnh y khoa, dữ liệu sức khỏe bệnh nhân để chẩn đoán bệnh; điều khiển phương tiện không người lái, giám sát, điều phối giao thông; trợ giảng, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc kiến thức; phân tích dữ liệu tài chính, ngăn chặn gian lận; phân tích dữ liệu đất đai, thời tiết, cây trồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp; cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan; điều khiển các thiết bị thông minh; lập trình tự động; bảo vệ dữ liệu và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực giải trí, nhờ sự phát triển của AI, người ta có thể tập hợp thông tin về sở thích, thói quen người dùng để đưa ra những gợi ý nội dung phù hợp trên các nền tảng mảng xã hội như Youtube, Facebook,… AI thậm chí có thể tham gia vào những hoạt động mang tính sáng tạo như viết kịch bản phim, sáng tạo âm nhạc, viết báo, xây dựng các video, thiết kế hình ảnh, viết luận văn,…

Trong chính trị và quân sự, sự hiện diện của AI ngày càng được nhìn thấy rõ nét. AI có thể giúp các ứng cử viên thay đổi cách thức tiến hành những chiến dịch vận động bầu cử. Với khả năng phân tích dữ liệu lớn, AI có thể xác định các nhóm cử tri mục tiêu và tối ưu hóa quảng cáo chính trị để thu hút sự chú ý của họ. AI đã và đang có những tác động to lớn đến quá trình bầu cử trên toàn thế giới theo cả 2 hướng tiêu cực và tích cực. Bên cạnh hỗ trợ đắc lực cho quá trình bầu cử như trên, AI cũng làm dấy lên không ít thách thức và lo ngại về vấn đề quản lý và đạo đức, về khả năng can thiệp đến kết quả bầu cử, về tính công bằng và tự do trong bầu cử. Trong quân sự, người ta sử dụng AI để xây dựng và phát triển hệ thống vũ khí tạm gọi là “giết người tự động” với khả năng đưa ra quyết định nhanh. Sự xuất hiện của nó trên chiến trường đẩy thế giới đến nhiều mối lo ngại và thách thức về mặt đạo đức, pháp lý và an toàn tính mạng con người.

Không dừng lại ở đó, AI đang dần từng bước xâm nhập vào lĩnh vực tâm lý, cảm xúc. Với sự phát triển của các chatbot và trợ lý ảo như ChatGPT, Siri,… chúng ta không chỉ có một trợ lý đắc lực giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến công việc với độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian mà còn có thể nhận diện và phản hồi cảm xúc. Mọi thắc mắc, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống đều có thể nhận được sự tư vấn thấu đáo, cặn kẽ của những “trợ lý” này. Các ứng dụng hỗ trợ tâm lý, như Headspace hay Calm, giúp người dùng giảm căng thẳng, hình thành những thói quen tốt và cải thiện tinh thần. Công nghệ thực tế ảo được sử dụng trong trị liệu tâm lý, giúp bệnh nhân vượt qua những ám ảnh và nỗi sợ hãi. Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể “thiết kế” những huấn luyện viên cá nhân, nhắc nhở, điều chỉnh thay đổi thói quen ăn uống, tập luyện, sinh hoạt,… theo hướng lành mạnh, tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Bằng chứng rõ nét nhất của việc AI đang dần trở nên “người” hơn và có thể mang lại xúc cảm đó là việc người ta có thể làm bạn với AI hay thậm chí là trào lưu “bạn trai AI” đang nở rộ ở Trung Quốc. Một số công ty công nghệ Trung Quốc phát triển các ứng dụng như Glow, Wantalk có thể cung cấp hàng trăm mẫu hình bạn trai ảo và người dùng có thể tự chọn, tùy chỉnh theo sở thích, lứa tuổi, kỳ vọng của mình. Điều này giúp các cô gái có thể tìm được một người bạn trai lý tưởng mà họ khó có thể tìm thấy ngoài đời. Nhiều cô gái trẻ Trung Quốc tỏ ra rất hài lòng khi bạn trai ảo luôn lắng nghe, thấu hiểu, lãng mạn, biết cách trò chuyện và an ủi khi cần; có thể giải đáp thắc mắc và hỗ trợ bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các chatbot đang chứng tỏ sự “đắc lực” của mình khi có thể tạo ra những cuộc trò chuyện đầy tinh tế và cảm xúc cho người dùng. Điều đó có nghĩa là công nghệ cũng đang cạnh tranh con người cả về mặt cảm xúc, điều mà trước đây chúng ta không hề nghĩ tới. Thật trớ trêu khi xã hội loài người đang chứng kiến cuộc chạy đua làm cho công nghệ, máy móc trở nên “người hơn”, giàu xúc cảm hơn trong khi để cảm xúc của chính con người ngày càng một khô cằn, chai sạn.

Thật trớ trêu khi xã hội loài người đang chứng kiến cuộc chạy đua làm cho công nghệ, máy móc trở nên “người hơn”, giàu xúc cảm hơn trong khi để cảm xúc của chính con người ngày càng một khô cằn, chai sạn. Minh họa: Trần Thắng

AI là hồi chuông cảnh tỉnh con người về cách làm người

Liệu AI có thể thay thế con người không khi nó ngày càng trở nên hoàn thiện? Thiết nghĩ, nó sẽ thay thế nếu chúng ta không thực sự sống đúng là mình, không trân trọng niềm kiêu hãnh làm người của mình; bỏ mặc đời sống cảm xúc, tinh thần để chạy theo những giá trị vật chất. AI sẽ không thể thay thế nếu mỗi cá nhân cũng như toàn nhân loại hiểu đúng giá trị và biết rõ mình muốn gì. Trí tuệ nhân tạo thông minh và có thể làm thay chúng ta nhiều việc, cả những việc khó khăn và nguy hiểm nhất nhưng nó không thể thay một nụ cười ấm áp, một trái tim tử tế và biết rung động. Dù có hoàn thiện và “gần con người” hơn bao nhiêu đi nữa thì AI không thể thay thế một cái nắm tay, một ánh mắt, một vòng tay, một nụ hôn,… và nhiều khi cả những phút giây im lặng cạnh nhau. Cảm xúc con người vốn dĩ phức tạp và được biểu đạt thông qua rất nhiều cách thức khác nhau, không chỉ đơn giản là lời nói hay những biểu tượng cảm xúc giản đơn, là những cử động vô hồn. Vậy nên chừng nào con người thực sự là người với đầy đủ xúc cảm, sự bất toàn, khiếm khuyết của mình thì công nghệ vẫn không thể nào thay thế.

Vậy tại sao giới trẻ lại đang đầu tư cảm xúc của mình vào thế giới ảo, nơi AI chiếm lĩnh thay vì tìm kiếm một mối quan hệ thực sự ngoài đời? Phải chăng điều này đang bộc lộ những vấn đề của xã hội loài người, nơi niềm tin ngày càng trở nên mong manh, nơi những tương tác trực tiếp ngày càng ít đi và thế giới ngày càng trở nên cô đơn hơn, vô cảm hơn? Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng rằng cảm xúc là một phần không thể thiếu của con người, là điều làm nên sự khác biệt của thế giới loài người và, bởi vậy, không nên để công nghệ làm giảm đi giá trị đó, đừng trao “đặc quyền” lớn lao đó vào một công cụ mà mình không thể dự đoán được những quyết định tiếp theo nó sẽ đưa ra. AI dựa trên sự tổng hợp dữ liệu từ vô vàn nguồn khác nhau. Nó có thể nắm bắt tâm lý và giải đáp mọi thắc mắc ngay lập tức nhưng tất cả đều dựa trên lý thuyết và những kiến thức tổng hợp. AI không thể có trải nghiệm hay sự đồng cảm sâu sắc, không thể có những sáng tạo ngẫu hứng. Nói cách khác, nó có thể xem như một cỗ máy vay mượn trí tuệ và cảm xúc từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế, trong các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và rung động từ trái tim như văn học nghệ thuật cũng như trong đời sống tình cảm, nó không thể nào thay thế hoàn toàn con người. Những trào lưu tìm kiếm tình yêu ở thế giới ảo hiện nay chỉ phản ánh khủng hoảng hiện sinh của thế giới loài người và rồi sẽ sớm qua đi. Điều quan trọng là nó để lại cho chúng ta bài học có thể nói là sống còn với xã hội loài người, bài học để ta sống “người hơn”.

AI dạy chúng ta hiểu rằng hạnh phúc đến từ những điều bình dị, từ những cử chỉ ấm áp, nhỏ nhoi; từ sự thông cảm, sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu. Có lẽ, nếu cuộc sống này đủ ấm áp thì người ta đã không vùi mình vào màn hình máy tính, điện thoại để tìm kiếm sự đồng cảm từ những nhân vật không có thực. Có lẽ, nếu con người trao nhau đủ niềm tin và tình yêu thì đã không có trào lưu tìm kiếm người yêu AI hay làm bạn với AI như hiện nay. Thực tế đó ít nhiều phản ánh sự tuyệt vọng, mất niềm tin vào thế giới loài người cũng như những nghịch lý trong xã hội loài người. Thực tế đó là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta hãy để tâm hơn đến đời sống tinh thần, đến xúc cảm của con người thay vì chỉ mải mê chạy theo cuộc đua công nghệ, chiến tranh, quyền lực. Hãy dành thời gian để kết nối thực sự với những người xung quanh, hãy trao cho nhau những cái nắm tay, những cái ôm, những ánh mắt trìu mến, thay vì chỉ tương tác qua những màn hình.

AI dạy chúng ta hãy biết sống thật với cảm xúc của chính mình nếu không muốn mình bị thay thế bởi những cỗ máy hay công nghệ tiên tiến. Đừng vay mượn, đừng che đậy hay bỏ quên cảm xúc của mình, đừng tự biến mình trở thành những cỗ máy vô hồn. AI dạy những người nghệ sĩ, những nhà báo, nhà văn, nhà thơ,… phải sáng tạo bằng rung cảm thật nhất của mình, bằng trí tuệ của riêng mình, bằng niềm đam mê và cả những nỗi đau, sự gian khổ, hy sinh thầm lặng của mình nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Bởi lẽ, nếu vay mượn cảm xúc, nếu sao chép ý tưởng của người khác hay làm theo những công thức, lối mòn thì AI làm tốt hơn chúng ta rất nhiều.

Dù thế nào đi chăng nữa, dù có ngày càng hoàn hảo đi nữa thì AI cũng chỉ là một sản phẩm do chúng ta tạo ra. Con người, không thể khác, vẫn là những kiến trúc sư cho thế giới tương lai. Vậy nên, thay vì chỉ tập trung vào việc muốn AI trở thành gì, hãy tập trung vào việc chúng ta muốn trở thành ai. Thay vì nỗ lực để đưa AI ngày càng gần với con người hơn, cảm xúc hơn thì hãy làm sao để những công cụ chúng ta tạo ra, để sản phẩm của trí tuệ loài người sẽ giúp con người trở nên người hơn, tử tế và giàu lòng trắc ẩn hơn. Hãy nhìn vào “cuộc đua” và mối lo ngại về khả năng chiếm lĩnh thế giới của AI để thấy đời sống tinh thần, cảm xúc và những giá trị đạo đức của con người cần được nâng niu, gìn giữ và chăm sóc kỹ càng hơn.

Trang Đoan