Nhẽ ra bước sang thế kỷ 21 không còn bất kỳ người nào phải ngồi bó gối căn ke nhẩm tính những đồng bạc còm cõi cho buổi chợ tằn tiện ngày mai. Nhẽ ra không phải đợi đến giấc chiêm bao mà sự thực cách đây hàng trăm năm nhân loại đã được sống trong một thế giới toàn mỹ. Nơi ấy mọi nhu cầu vật chất tinh thần đều được thỏa mãn đến tận cùng và cuộc cách mạng có tên 4.0 chỉ là miền ký ức rất xa xăm. Chắc chắn tất cả những điều nghe chừng viễn vông ấy đã được hiện thực hóa từ rất lâu nếu như (tất nhiên là chỉ nếu như thôi) loài người không mắc căn bệnh lười biếng và thói ích kỷ.

Kẻ thù của sự phồn thịnh không phải là lỗ thủng của tầng ozon hay quỹ đạo bay của vệ tinh Bennu, nó không to tát, hàn lâm và vời vợi đến thế. Kẻ thù của phồn thịnh hiển diện bên trái, bên phải, phía trước, phía sau và ngay trong mỗi một chúng ta. Thú thực, tôi cũng đã năm lần bảy lượt lôi máy tính ra rồi lại cất vào, cũng quyết tâm lắm rồi mới ngồi gõ được những dòng này. So với viết báo thì việc nằm lướt mạng, tán gẫu hay đơn giản là ngủ sẽ dễ chịu hơn nhiều. Chống lại sự lười biếng là quá trình vô cùng gian nan giữa một bên là tập hợp tố chất tích cực của tinh thần và phía còn lại nhà những nhu cầu thỏa mãn đơn thuần về mặt thể xác. Lười biếng không chỉ là hành vi trốn tránh lao động cơ học mà còn là rào cản cho những sáng tạo diệu kỳ của trí não. Nếu cách đây 4 vạn năm, ngay từ xã hội nguyên thủy trí tuệ nhân loại đã được giải phóng khỏi sự lười biếng và đạo đức xã hội không bị hà hiếp bởi thói ích kỷ của con người thì vá lỗ thủng tầng ozon hay đẩy đuổi vệ tinh Bennu hôm nay có khi chỉ là nhiệm vụ “cấp phường”.

Có thể tôi và bạn đều không trả lời được câu hỏi “Lười biếng là gì?”. Nhưng chúng ta dư thừa kinh nghiệm để tự vấn “Mình đã bao giờ lười biếng chưa?”. Tôi không tin có ai đó chưa bao giờ bị những cơn lười biếng ve vãn đến lung lay. Có bao nhiêu nhu cầu phải giải quyết thì có bấy nhiêu cơn lười biếng tìm cách hoành hành. Hoặc là chúng ta đè bẹp nó hoặc là chúng ta thỏa hiệp dẫn đến đầu hàng nó. Người chiến thắng sự lười biếng sẽ cán đích thành công còn kẻ bỏ cuộc sẽ chấp nhận ngồi bên lề cuộc sống tặc lưỡi đếm cơ hội trượt xuôi về quá khứ. Không khó để gặp một gã lười, có thể họ lười làm việc, lười học, lười đọc sách, thậm chí có khi chỉ là lười… tắm! Bỏ qua trạng thái nhất thời của những người làm việc quá sức thì “lười biếng mãn tính” là bệnh lý khó chữa của những kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm, vô tích sự mà cha ông hay gán cho 4 chữ “siêng ăn nhác làm”. Lười biếng là một trong những căn bệnh nguyên thủy, khó chữa và dễ lây nhiễm nhất trên đời này. Nó có nhiều biến thể, và mỗi biến thể với những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Ai đó từng nói “hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ” để mô tả về một trạng thái rất phổ biến của lười biếng, sự trì hoãn. Dale Carnegie, nhà văn, nhà thuyết trình lỗi lạc người Mỹ đã từng nói rất hay: “Một trong những điều bi thảm nhất mà tôi biết về bản tính con người là tất cả chúng ta có khuynh hướng trì hoãn cuộc sống. Chúng ta đều mơ mộng về vườn hồng màu nhiệm nào đó ở phía chân trời thay vì tận hưởng những đóa hồng lúc này nở rộ bên ngoài ô cửa sổ của mình”. Mặc dù ai cũng đủ khôn ngoan để nhận ra “trì hoãn” không thuộc về nhóm từ khóa giải pháp, nhưng thừa nhận là một chuyện, tiếp nhận lại là một chuyện khác. Câu ngạn ngữ “Việc hôm nay chớ để ngày mai” không giàu chất thơ, chả có giai điệu nhạc nhưng vẫn bất tử giữa dân gian hàng trăm năm nay bởi nó quá đúng. Nó không đơn thuần là lời khuyên răn mà là mệnh lệnh. Không chỉ là công cụ cha mẹ dạy con cái mà là thông điệp có tính quán tưởng để mỗi cá nhân tự điều khiển chính mình. Người siêng năng chọn cách thư giãn vào lúc công việc đã hoàn thành, kẻ lười biếng chọn nghỉ ngơi tùy thích. Họ nói “ăn đói nằm co hơn ăn no vác nặng” nhưng trên thực tế thì chẳng tìm thấy người nào thuộc “bộ tộc nằm co” mà lại chịu “ăn đói” cả. Rõ ràng là lười biếng tạo nên bất công xã hội.

Kẻ lười biếng luôn tìm cách đùn đẩy công việc cho người khác, đừng ngạc nhiên nếu lười biếng đi kèm với ích kỷ. Lười biếng và ích kỷ có lẽ cũng như anh em song sinh cùng cha và… không khác mẹ! Ở đâu có lười biếng thì ở đó có ích kỷ và ở đâu có ích kỷ thì ở đó cũng không vắng bóng lười biếng. Ích kỷ là luôn luôn tìm mọi cách mưu cầu lợi ích cho riêng mình mà không biết đến người khác. Nó chính là thói “xấu gốc” đẻ ra muôn vàn thói hư tật xấu khác. Ích kỷ không chỉ sinh ra lười biếng mà ích kỷ là cội nguồn của tham lam, của vô cảm, của dối lừa, của phản bội, thậm chí là của tội ác.

Chuyện rằng, một vị giáo sư say sưa nói chuyện với sinh viên sắp ra trường về sứ mệnh thế hệ trẻ. Khi ông đặt câu hỏi: “Ai trong chúng ta đang quan tâm đến tương lai của cộng đồng?” thì không một cánh tay nào giơ lên. Sau đó vị giáo sư chuyển sang chủ đề bói toán. Ông chia sẻ: “Ai muốn được tôi xem bói?”. Lập tức hàng trăm cánh tay đăng ký. Vị giáo sư chậm rãi nói: “Lúc nãy tôi có hỏi các anh chị về trách nhiệm của chúng ta với tương lai cộng đồng thì không ai quan tâm. Giờ đây nói về số phận của cá nhân các anh chị, thì ai nấy cũng muốn biết. Các anh các chị quả là ích kỷ.”.

Không thể bác bỏ rằng đang tồn tại một bộ phận chỉ nghĩ đến bản thân. Bên cạnh những chiếc máy ATM gạo đầy tình người lại có những siêu thị găm hàng ép giá. Bên cạnh những con người hoãn cưới để bám tuyến đầu lại có kẻ lên mạng hét toáng vì “cứu trợ” thiếu sữa tắm và son môi. Hôm đọc “dòng trạng thái” ấy tôi buộc phải “còm” rằng “Hãy tha thứ cho họ vì trường hợp này hết thuốc chữa”. Không quá khó để tìm những ví dụ về sự ích kỷ trong xã hội chúng ta đang sống. Trịnh Xuân T, Dương Chí D, hay Nguyễn Bắc S… có ích kỷ không? Quá ích kỷ! Sát thủ Lê Văn L có ích kỷ không? Cực kỳ ích kỷ! Những nhân vật phá nát kỳ thi THPT năm 2018 ở Hà Giang có ích kỷ không? Vô cùng ích kỷ! Việc đơn vị này đóng cửa ga tàu để công dân địa phương mình phải tá túc ở khu cách ly “hàng xóm” có ích kỷ không? “Hơi bị” ích kỷ!

Ích kỷ và lười biếng chính là kẻ thù truyền kiếp của nhân loại. Nguyên nhân thì rất nhiều, biểu hiện cũng muôn hình vạn trạng, nhưng chủ thể vấn nạn lại chỉ duy nhất – con người! Không phải tự nhiên Nhật Bản được coi là dân tộc siêng năng nhất thế giới, nó là thành quả của quá trình phấn đấu từ chính con người. Nhiều lao động Việt Nam trở về từ Nhật đã tiếp thu được tác phong làm việc của họ, chứng tỏ lười biếng không phải là thứ bệnh bất trị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu ứng xã hội thông qua nền lao động công nghiệp như họ không thể là câu chuyện ngọt ngào được kể trong ngày một ngày hai. Hãy tự giáo dục mình trước khi người khác tìm đến giáo dục. Rèn luyện sự siêng năng và đẩy lùi thói ích kỷ không chỉ hồng phúc với xã hội mà chính là chìa khóa cá nhân. Hãy cố gắng “Thức dậy với quyết tâm và đi ngủ với sự hài lòng”.

Đừng quá to tát vấn đề, tôi và bạn hãy dành mỗi ngày vài phút để lên kế hoạch cá nhân, tự định hình phạt cho bản thân khi vi phạm, cố gắng đúng giờ nhưng phải biết cách nghỉ ngơi. Hãy bao dung và tìm người chia sẻ. Chỉ thế thôi, sự vĩ đại không phải lúc nào cũng đến từ người khổng lồ. Chỉ cần từ bỏ được bệnh lười biếng và thói ích kỷ cá nhân cũng là vĩ đại lắm rồi. Mỗi con người như là một tế bào của xã hội, xã hội sẽ suy tàn nếu tất cả đề cao lý tưởng “há miệng chờ sung rụng”. Trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có câu “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Rất may bên cạnh những “ai” đang “chọn việc nhẹ nhàng” thì vẫn có cô lao công miệt mài trên phố. Vẫn còn có anh lính ôm súng nơi hải đảo xa xôi. Vẫn còn có những thiên thần áo trắng xuyên đêm trong bệnh viện. Mỗi bình minh vẫn hàng triệu nông dân ra đồng và công nhân vào nhà máy…

Thôi, gạt phắt sự lười biếng và đứng dậy làm việc gì có ích đi! Chuyện vá lỗ thủng tầng ozon hay đẩy đuổi vệ tinh Bennu, có lẽ không phải là việc của tôi với bạn.

Nguyễn Khắc An

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 15 tháng 7/2021)