“Look who we are, we are the dreamers/ We make it happen, ‘cause we believe it” (Tạm dịch: Hãy nhìn xem chúng ta là ai, chúng ta là những kẻ đầy mộng mơ/ Chúng ta rồi sẽ biến mọi điều thành hiện thực vì ta luôn tin vào nó).

    Những câu hát trong ca khúc “Dreamers” vang lên tại lễ khai mạc World Cup (WC) 2022 hẳn ít nhiều đã thức dậy trong chúng ta điều gì đó – điều mà có lẽ một hay nhiều năm qua ta đã lãng quên hay vùi lấp sau bao khó khăn, mỏi mệt. Giữa những tháng ngày thế giới trải qua vô vàn biến động, những trận bóng cuồng nhiệt và thông điệp đưa ra từ chủ nhà Qatar cho chúng ta được tạm gác lại âu lo để thấy tim mình lại hòa chung nhịp đập khát khao.

Toàn cảnh lễ khai mạc World Cup 2022 tại Qatar, ảnh: Getty Images

    Đúng, Qatar đã viết nên giấc mơ của mình khi lần đầu tiên tham dự vòng chung kết WC với tư cách nước chủ nhà. Qatar đã chi hơn 220 tỷ Đô la Mỹ cho sự kiện này; đã xây dựng nên những sân vận động, những con đường hiện đại bậc nhất giữa sa mạc… Qatar đã biến rất nhiều điều không thể thành có thể, tất cả bắt đầu từ những giấc mơ. Và hôm nay đây, lần đầu tiên trong lịch sử, một WC diễn ra vào cuối năm thay vì mùa hè như thường lệ đã giúp thế giới được tiếp thêm ngọn lửa của khát khao và xốc lại tinh thần sau một năm đầy sóng gió, biến động.

    Thế giới đi trên con đường đầy bóng tối, gập ghềnh

    Những tưởng khi đại dịch Covid -19 tạm lắng xuống và giảm đi mức độ nguy hiểm, thế giới sẽ có viễn cảnh tươi sáng hơn nhưng mọi thứ lại không như ta nghĩ. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở nhiều nước song vẫn còn đó mối lo trước khả năng xuất hiện các biến chủng mới; Trung Quốc vẫn khăng khăng với chính sách Zero-covid gây ra nhiều hệ lụy cho trong nước và cả quốc tế. Đáng buồn hơn, các hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu chưa nối lại được bao lâu sau 2 năm ngưng trệ vì dịch bệnh thì đã đối mặt với vô vàn thách thức. Lạm phát, giá cả tăng cao và kinh tế thế giới đứng trước bờ vực suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ chỉ đạt 3,2%, giảm đáng kể so với trước đây. Cùng với những tín hiệu không khả quan đó, chúng ta còn chứng kiến một thế giới đầy chia rẽ, bất ổn.

    Sự kiện thu hút quan tâm và để lại nhiều cảm xúc trong năm qua là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Dĩ nhiên, những ai theo dõi diễn biến quốc tế đều biết đó không phải là sự kiện xảy ra theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” mà vốn dĩ mâu thuẫn đã âm ỉ lâu nay song những gì diễn ra ít nhiều cũng khiến thế giới không khỏi ngỡ ngàng. Bắt đầu từ tháng 2/2022 đến nay, cuộc xung đột đã trải qua nhiều giai đoạn và hai bên vẫn chưa thể đi đến đàm phán để chấm dứt. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, thiệt hại trực tiếp từ cuộc xung đột này gây ra (tính đến tháng 10/2022) là khoảng 4000 tỷ USD. Theo số liệu đưa ra vào tháng 8/2022, hơn 5500 dân thường và khoảng 9000 binh lính Ukraine đã thiệt mạng. Từ phía Nga, không có những con số chính thức song các nguồn tin bên lề cho biết có hàng chục nghìn binh lính Nga thương vong. Tất nhiên, những con số đó sẽ còn tiếp tục tăng lên và hệ lụy của xung đột này không chỉ dừng lại trong phạm vi 2 quốc gia trực tiếp tham gia mà còn lan ra toàn thế giới. Mỹ và EU tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga không chỉ khiến mối quan hệ giữa các bên rạn nứt mà còn dẫn đến tình trạng giá thực phẩm, giá năng lượng tăng cao. Toàn bộ châu Âu hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, các quốc gia đã phải chi trả rất nhiều để đối phó với tình trạng này, đơn cử như Đức đã phải chi khoảng 2,8% GDP (khoảng 100,2 tỷ Euro). Không chỉ đối mặt với khủng hoảng năng lượng, nguy cơ suy thoái kinh tế, châu Âu còn phải oằn mình với nợ công, với tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm với những chia rẽ nội bộ và bất ổn xã hội.

Natali Sevriukova bên căn nhà đổ nát do bị tên lửa Nga tấn công tại thành phố kyiv – Ảnh AP

    Khu vực châu Á cũng nóng lên với tình hình Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Từ tháng 9/2022 đến nay Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không khỏi lo ngại. Các động thái này đã và đang làm gia tăng căng thẳng và khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên xa vời. Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào 02/8 cũng đẩy căng thẳng Mỹ – Trung leo thang. Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ và Đài Loan khởi động các cuộc đàm phán thương mại. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 16/10 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và là cam kết không gì lay chuyển được của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là nguyện vọng chung của tất cả những người con của đất nước Trung Hoa” và ông tiếp tục nhấn mạnh theo đuổi mục tiêu thống nhất một cách hòa bình. Những diễn biến đó cho thấy không chỉ trong năm 2022 mà tới đây căng thẳng tại Đài Loan vẫn chưa thể hạ nhiệt và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của khu vực lẫn quốc tế.

    Năm 2022, người ta nói nhiều về một trật tự thế giới mới mà Trung Quốc đang cố gắng định hình và người ta cũng nói về một thực tế khá nghiệt ngã rằng: muốn thế giới không đi vào tình trạng hỗn loạn thì phải duy trì sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Thực tế nhiều năm qua cho thấy chính trị thế giới vẫn luôn bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung. Dù có lúc ấm nồng, khi lạnh nhạt, gay gắt nhưng quan hệ Mỹ – Trung vẫn luôn như một cuộc hôn nhân buộc phải duy trì dẫu không còn hạnh phúc. Mỹ và các nước đồng minh buộc phải tiếp tục cuộc chơi này với Trung Quốc nếu muốn thiết lập một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc dân chủ. Năm 2022, với xung đột Ukraine, Nga cũng đang muốn góp tiếng nói vào quyền định đoạt tương lai trật tự thế giới.

    Ngoài những cạnh tranh gay gắt nhìn thấy và âm ỉ, thế giới năm qua còn trải qua những biến động khôn lường của thiên tai và đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với xung đột, dịch bệnh, sự bất ổn thời tiết đẩy thế giới đứng trước tình trạng gia tăng nạn đói ở nhiều quốc gia và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đang cận kề. Tháng 11/2022, Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập đã đi đến thỏa thuận lịch sử về việc thành lập quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và cũng đã tái khẳng định mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được bàn bạc đi đến thống nhất như việc cắt giảm và loại bỏ than đá, các nhiên liệu hóa thạch; cắt giảm lượng khí thải…

Người di cư ngồi trên một chiếc thuyền gỗ ngoài khơi Tunisia vào sáng sớm ngày 25/5/2022. Hơn 100 người đã được cứu sau khi thuyền của họ bị lật. Ảnh: AP

    Trong khi các nước lớn vẫn đầy bất đồng, chia rẽ từ trong nội bộ đến quan hệ ngoại giao thì đây đó trên thế giới bất ổn, biểu tình, bạo động vẫn nổ ra; những cuộc xả súng trường học vẫn còn đó; những dòng người rời bỏ quê hương lánh nạn trong nước mắt và đau thương vẫn cứ kéo dài… Nỗ lực của tiến trình toàn cầu hóa, đưa các nước xích lại gần nhau trong hợp tác, hòa bình suốt thời gian qua dường như đang dần nhường chỗ cho một thế giới phân mảnh, đứt gãy bởi nhiều bất đồng, chia rẽ.

    Không có “ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa”

   Trong thế giới hôm nay, chúng ta không thể có một “ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa”. Những bất ổn và diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực luôn tác động sâu sắc đến trong nước. Bằng chứng là Việt Nam cũng đã trải qua không ít sóng gió khi đối mặt với những bất ổn liên quan đến giá xăng dầu và tình trạng khan hiếm xăng dầu ở một số tỉnh, thành. Nhiều khu công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực da giày hiện nay đang lao đao khi các đơn hàng chững lại. Sức ép của lạm phát, những bất ổn trên thị trường chứng khoán cũng là bài toán đau đầu. Tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ còn cảm nhận sâu sắc hơn những tác động do suy thoái kinh tế toàn cầu mang lại.

   Bên cạnh tác động từ bên ngoài, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại trong năm 2022. Trước hết phải kể đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và khủng hoảng nhân lực ngành y, ngành giáo dục. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc trong 2,5 năm qua; trong đó ngành giáo dục có 16.247 người, y tế 12.198 người. Bài toán về cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa tìm được lời giải thấu đáo. 2022 còn là năm chúng ta phải chứng kiến nhiều nỗi đau từ thiên tai, hỏa hoạn. Liên tiếp các vụ cháy quán Karaoke xảy ra cướp đi sinh mạng của bao người; bão, ngập lụt, lũ quét tại các tỉnh miền Trung để lại thiệt hại nặng nề. Dường như đó là nỗi đau đến hẹn lại lên và dưới tác động của biến đổi khí hậu tình hình sẽ ngày càng phức tạp hơn. Trị hỏa, trị thủy vốn là mối quan tâm hàng đầu xưa nay của các quốc gia nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó, thậm chí tình trạng ngập lụt đang ngày càng trầm trọng hơn ở các tỉnh, thành phố.

Trận lũ quét kinh hoàng gây nhiều thiệt hại tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Nguồn ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

   Tuy nhiên, giữa vô vàn khó khăn, thách thức bủa vây, chúng ta vẫn có thể bước đi với những thành tích khá ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra; Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất sau covid – 19 (xếp thứ 8/121 quốc gia, vùng lãnh thổ) theo công bố của Tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản) vào tháng 10/2022. Chúng ta mở cửa sau covid -19 và chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa – thể thao, các sự kiện lớn cũng được tổ chức thành công. SEA Games 31 để lại dấu ấn sâu sắc cho bạn bè quốc tế. Với 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn và lập kỷ lục là quốc gia có nhiều HCV nhất trong các kỳ SEA Games được tổ chức. Sau khi UNESCO thông qua hồ sơ, nhất trí cùng vinh danh, tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ sỹ Hồ Xuân Hương (11/2021), chúng ta đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Tại Nghệ An, dấu ấn các hoạt động hướng đến kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để lại rất rõ nét với liên tiếp chuỗi hoạt động: Chấm thi, trao giải Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương; Chương trình giao lưu thơ, nhạc Bà chúa thơ Nôm; Hội thảo khoa học quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) – Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”; Lễ vinh danh và kỷ niệm năm sinh, năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương;…

   Thành tựu đặc biệt quan trọng trong năm qua không thể không kể đến là cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đã giúp đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng, xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm. Trong cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không dừng lại, sắp tới có nhiều vụ sẽ làm và xử lý nghiêm minh nhưng trên tinh thần giáo dục cảnh tỉnh, răn đe là chính.

   Những hạn chế chắc chắn không tránh khỏi, những thách thức đặt ra trong nước và quốc tế còn đó nhưng chúng ta đã mạnh mẽ bước đi để lấy lại niềm tin trong Nhân dân, để phát triển kinh tế và ngày càng có tiếng nói, vị thế trên trường quốc tế.

   Và ngọn lửa khát khao vẫn cháy sáng

   Thế giới luôn cần những kẻ biết ước mơ và hành động. Như lời bài hát đã đề cập ở đầu bài viết, khi chúng ta luôn tin vào mình, vào giấc mơ của mình, ta sẽ biến mọi thứ thành hiện thực. Tại sao lại không thể tin khi vượt lên trên vô vàn rối ren, trở ngại, Việt Nam đã đạt được chừng ấy thành tựu trong năm qua! Tại sao không thể tin vào một tương lai tươi sáng hơn khi mà giờ đây các quốc gia đang để lại đằng sau những khác biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, cùng hướng về Qatar trong một giải đấu bóng đá, nơi thông điệp đoàn kết, tôn trọng khác biệt được đề cao! Trong lời dẫn chuyện tại lễ khai mạc WC 2022, diễn viên gạo cội Hollywood Morgan Freeman đã nói với Ghanim Al Muftah, chàng trai được chọn làm đại sứ của FIFA World Cup 2022, rằng: Điều kết nối chúng ta lại với nhau ở đây, trong khoảnh khắc này, lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta.

Diễn viên Morgan Freeman và Ghanim al- Muftah trong lễ khai mạc World Cup 2022 tại Qatar. Ảnh: Simon Bruty/Anychance/Getty Images.

   Đúng, vượt lên trên tất cả những chia rẽ, khác biệt, chúng ta tin thế giới vẫn kết nối với nhau bằng khát vọng hòa bình, thịnh vượng. Và như khát khao kéo dài giây phút ấy của ông, chúng ta cũng khát khao năm 2022 sẽ khép lại cùng những bất đồng, chia rẽ để bước sang một năm mới lạc quan hơn, đoàn kết hơn. Hơn lúc nào hết, thế giới cần chung tay để vượt qua cơn bão suy thoái kinh tế, khủng hoảng lương thực, đói nghèo và biến đổi khí hậu. Chàng trai Ghanim Al Muftah đã vượt lên trên những trở ngại khi chỉ có nửa thân trên để trở thành một doanh nhân trẻ, một người có khả năng chơi nhiều môn thể thao và nuôi khát khao trở thành Thủ tướng. Đó là biểu tượng cho sức mạnh của ý chí vượt lên nghịch cảnh và là nguồn cảm hứng Qatar đang truyền đến cho mỗi cá nhân, mỗi quốc gia. Chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa khát khao và đam mê, hãy cứ tin và mơ về những điều tốt đẹp phía trước rồi mọi sóng gió hôm nay sẽ qua. Pháo hoa sẽ lại rực sáng trên bầu trời khép lại một năm đã qua và ta sẽ lại cùng nhau nâng ly hát tiếp bài ca của những kẻ mộng mơ về một thế giới bình yên, hạnh phúc hơn dẫu có thể bài ca đó hôm nay được cất lên trong nước mắt.

Trang Đoan
(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 29, 11+12/2022)